Charles
Dunst -
Southeast Asia Globe
Sunday, 16/12/2018
SÀI
GÒN - Một số di dân gốc Việt đã bị chính phủ Trump hồi hương về nước cộng sản
Việt Nam trong hai năm qua. Một trong những người mà báo chí có thể liên lạc được
là anh Chuh A, một người Việt thuộc sắc tộc thiểu số Montagnard. Trong số ra
ngày 12 tháng 12 vừa qua, báo mạng Southeast Asia Globe (Đông Nam Á Toàn Cầu)
đã đăng bài của ký giả Charles Dunst, người đã viết về trường hợp của anh Chuh
A mà ông gặp tại Việt Nam. Dưới đây là bài viết của ông Dunst.
*
Anh Chuh A từ North Carolina bị trục xuất về Việt
Nam, một quê hương rất xa lạ đối với người đã lớn lên ở Mỹ này. Hình này do ký
giả Charles Dunst chụp tại Sài Gòn. (Southeast Asia Globe)
Khi những vụ trục xuất gia tăng dưới thời chính phủ Trump, những người từng thoát khỏi Chiến Tranh Việt Nam nay bỗng mắc kẹt giữa hai kẻ cựu thù. Đây là câu chuyện về một người bị trục xuất, nhận thấy mình là một người xa lạ ở một vùng đất xa lạ, nơi anh trở thành một mục tiêu của sự kỳ thị, vì hậu quả thời chiến tranh của cha anh và vì anh thuộc sắc dân thiểu số.
Chuh A mang gánh nặng của lịch sử Việt Nam. Năm nay 33 tuổi, anh có vóc dáng lực lưỡng, xăm mình như giới trẻ ở Mỹ, và mỉm cười dễ dàng với người lạ - bất chấp hoàn cảnh khó khăn của riêng anh. Ngồi trong một quán cà phê gần Tòa Thị Chính tại Sài Gòn, anh mô tả sự chuyển tiếp đột ngột từ khi anh bị ép buộc phải rời khỏi tiểu bang North Carolina để trở về sống ở Việt Nam, một đất nước nơi mà người cha Việt Nam của anh từng chiến đấu chống lại chế độ hiện thời và cuối cùng phải rời bỏ để qua Mỹ tỵ nạn. Anh Chuh bị tách ra khỏi gia đình bởi hơn 14,000 cây số và một đường biên giới cộng sản. Để lại ở North Carolina là vợ không có hôn thú của anh và bốn đứa con gái của họ.
Mười sáu tháng tách lìa đã gây hậu quả tai hại.
Chuh A nói, “Tôi nói chuyện với vợ và các con mỗi đêm bằng điện thoại, tôi không muốn mấy đứa con gái bỏ lỡ cơ hội biết tôi là ai. Con gái thứ nhì và con gái lớn nhất của tôi nói, Cha ơi, tại sao cha rời khỏi chúng con?”
Chuh bị trục xuất về Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng Thống Donald Trump. Ông tổng thống từng vận động tranh cử dựa trên một diễn đàn bài ngoại, bảo hộ kinh tế, và dùng những tháng đầu của nhiệm kỳ để thúc đẩy chính sách hành động này. Chính phủ đã mở rộng danh sách các nhóm di dân đủ điều kiện để bị trục xuất. Những người nào từng nương tựa vào một mức độ bảo vệ từ chính phủ đột nhiên không còn nơi nương tựa được nữa.
Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam từng ký một thỏa thuận vào năm 2008, đồng ý trục xuất một số người Việt Nam - những người không có tư cách cư trú hợp pháp, và một số người bị kết án hình sự - nhưng miễn trừ cho tất cả những người nào đến nước Mỹ trước ngày 12 tháng Bảy, 1995. Đây là ngày mà hai nước đã tái lập bang giao. Những người tới Mỹ trước ngày đó đều được coi là người tị nạn và vì vậy được luật Mỹ bảo vệ.
Những người Thượng luôn luôn được miễn trừ một cách không chính thức trước việc trục xuất. Trước đây nhà cầm quyền cộng sản Việc Nam không cung cấp những thứ giấy tờ cần thiết để tiếp nhận người bị trục xuất, và vì thiếu giấy tờ từ phía Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ thả những người cần bị trục xuất sau sáu tháng, theo “các lệnh giám sát.” Điều này đã thay đổi dưới thời ông Trump.
Chính phủ Trump đã xét lại thỏa thuận này trong tháng Ba năm 2017, không cho áp dụng đối với những người từng bị kết tội hình sự, ngay cả khi họ đã đến Mỹ trước thời điểm 1995. Vào thời điểm thay đổi qui ước đó, Cơ Quan Thực Thi Công Lực Di Trú Và Quan Thuế (ICE) xác định rằng có tới 8,600 người Việt Nam hội đủ điều kiện để bị trục xuất. Việt Nam cần duy trì mối quan hệ vững mạnh với Mỹ, nên đã chính thức chiều ý ông Trump, đồng ý cấp giấy tờ du hành cần thiết cho danh sách mở rộng đó.
Tuy nhiên các quan chức Việt Nam và ông Ted Osius, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam hồi đó, đều âm thầm phản đối Tổng Thống Trump và cố tình làm chậm lại tiến trình này, hy vọng sẽ hạn chế tổng số người bị trục xuất.
Ông Osius hầu như phản đối việc trục xuất những người đến Mỹ trước năm 1995. Ông bắt đầu liên lạc với các viên chức chính phủ Trump trong tháng Năm, cảnh báo họ rằng việc tập trung vào những vụ trục xuất này sẽ gây bực bội cho Việt Nam, và gây nguy hiểm cho sự thành công trong chuyến viếng thăm sắp tới của tổng thống trong tháng 11, 2017.
Chính phủ Trump nói với ông Osius rằng họ chỉ muốn trả di dân phạm luật về lại nước của họ. Thế nhưng ông Osius nêu ra rằng trong trường hợp Việt Nam, điều đó không đơn giản như thế. Trong khi nhiều người bị trục xuất được trả về lại các quốc gia trên thế giới mà họ có thể không nhớ và không biết gì về những nơi đó, thì nhiều người trong số những người đến nước Mỹ trước năm 1995 bị trả về lại một chế độ mà họ đã chạy thoát.
Ông Osius nói, “Đất nước của họ không hiện hữu. Việt Nam Cộng Hòa không còn là một quốc gia nữa. Thật là điều tức cười khi nói rằng một số người đang được trả về lại nước của họ, vì không phải vậy, họ bị trả về một nước có lá cờ đỏ, và nhiều người trong số họ đã chiến đấu chống cộng sản trong nửa cuộc đời.”
Chính phủ Trump đã đột ngột ra lệnh chấm dứt nhiệm vụ của Đại Sứ Osius trong tháng 11, 2017, cách mấy ngày trước chuyến thăm của tổng thống. Thay vì chờ đợi một sự bổ nhiệm mới, ông Osius sau đó đã từ chức và rời khỏi Bộ Ngoại Giao để phản đối những vụ trục xuất này.
Ông Tony Ngiu, người cha 71 tuổi của anh Chuh A, cùng với 40,000 người Thượng khác, đã trợ giúp cho các viên chức CIA và Biệt Kích Mỹ trong thời chiến Việt Nam. Ông đã phải trả giá cho việc phục vụ này bằng chín năm trong tù cải tạo của cộng sản sau chiến tranh, trước khi thoát sang Mỹ cùng gia đình vào năm 1998, khi đó Chuh mới có 13 tuổi.
Anh Chuh vừa là người Thượng, vừa là con trai của một người thuộc lực lượng đồng minh của Mỹ. Hoàn cảnh này khiến anh trở thành mục tiêu cho sự kỳ thị của nhà cầm quyền tại Việt Nam. Điều đó cũng cho thấy vụ trục xuất anh là việc chưa từng thấy, theo luật sư tự nguyện Tin Thanh Nguyễn của Chuh nói.
Cơ quan ICE trục xuất Chuh trong tháng Bảy, 2017, sau khi giam anh trong 13 tháng. Vào năm 2013 anh bị kết án về tội buôn thuốc ma túy. Mặc dù đây là lần đầu tiên anh phạm tội, nhưng mức độ nghiêm trọng của tội phạm đã tước mất khả năng của anh xin lại tư cách thường trú nhân hợp pháp (còn được gọi là thẻ xanh), một đặc quyền mà anh có từ năm 1999. Thẻ xanh của Chuh hết hạn khi anh đang ở tù.
Chuh nói tại Sài Gòn, “Tôi giận chính tôi vì đã làm chuyện ngu ngốc khờ dại. Tại sao tôi lại ở đây [tại Việt Nam]. Nếu tôi không làm bất cứ điều gì giống như vậy, tôi sẽ vẫn ở đó với cha mẹ và vợ con.”
Ở Việt Nam, người Thượng là người “ở dưới đáy” xã hội, Chuh nói. “Họ gọi chúng tôi là khỉ từ rừng rậm, là những người thiểu số ngu dốt từ trên núi không biết gì cả.”
Nhiều người Thượng cũng là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Điều này nghĩa là những người như anh còn bị thêm sự kỳ thị tôn giáo. Trong những năm gần đây, giới truyền thông nhà nước Việt Nam gọi tín ngưỡng Tin Lành là tôn giáo theo “đường lối xấu” ở bên ngoài ranh giới của các hệ thống niềm tin thuần túy. Trong tháng Ba, công an bắt giữ 25 người Thượng ở Gia Lai vì tội “truyền bá một tôn giáo không được công nhận.” Không rõ những người bị bắt nay đang ở đâu.
Khi Chuh biết được trong tháng Bảy, 2017 rằng anh sắp bị trục xuất, anh liền xin các viên chức ICE cho anh gặp hoặc ít nhất nói chuyện điện thoại với vợ con lần cuối cùng. “Tôi muốn gọi cho vợ tôi và nói, Em ơi, anh bị trục xuất, em chăm sóc cho em và các con. Hãy nói với các con rằng ba thương các con, anh yêu em, và anh xin lỗi,'” Chuh nhớ lại.
Các viên chức ICE, giống như Thẩm Phán William Cassidy trước họ, đã bác bỏ lời anh cầu xin, theo lời anh Chuh. Thay vì vậy họ lôi người bị trục xuất bất đắc dĩ lên một chiếc phi cơ bay về Việt Nam.
Những nỗi lo sợ của Chuh về việc bức hại của nhà cầm quyền Việt Nam, điều mà tòa án Mỹ đã phớt lờ, đã lập tức xuất hiện khi anh về tới Việt Nam. Các nhân viên hải quan ở phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất tại Sài Gòn chào đón anh trở về quê hương bằng cách đe dọa bắt giữ anh vì thiếu passport. Vì vậy anh phải lấy gần hết tiền trong ví, lặng lẽ trao tiền hối lộ lên bàn. Vì thiếu passport từ Mỹ hoặc Việt Nam, giờ đây Chuh vẫn phải ngồi chờ để được cấp passport Việt Nam.
Những nhân viên công an khác, mặc đồng phục của chế độ Cộng Sản từng giam tù cha anh, hỏi Chuh tới tấp bằng những câu thăm dò và đe dọa.
Anh nhớ anh bị các ông công an hỏi “Cha anh là ai? Mẹ là ai? Tại sao anh lại trở về đây? Anh có biết chúng tôi sẽ làm gì với anh không?” Chuh nghi ngờ rằng những ông công an đó đã biết chính xác anh là ai - và biết cha anh là đồng minh của Mỹ trong thập niên 1970.
Ngay sau đó Chuh tìm đường trở về căn nhà thời thơ ấu ở Kon Tum. Trong vòng độ một tháng, công an bắt đầu đến nơi ở mới của anh trong vùng nông thôn, hỏi anh để moi tin, như địa chỉ gia đình anh ở Mỹ, và yêu cầu anh tới đồn công an để “làm việc.” Chuh nói, “Tôi phải tiếp tục trao tiền cho họ mỗi khi họ đến thăm,” Chuh kể. “Tôi không có gì cả, nên mọi thứ tôi có, tôi đều đưa cho họ.”
Hy vọng thoát khỏi sự quấy rối, Chuh rời Kon Tum và tới Sài Gòn. Ở đó anh tìm cách hòa nhập, cảnh giác vì biết sắc tộc và tôn giáo của mình, và quá khứ chống cộng của cha anh – đó là những thứ gây khó cho anh bởi chế độ ở Hà Nội.
Anh nói về cuộc sống ở Việt Nam, “Tôi đang tìm cách hòa lẫn vào. Nhưng vẫn không ăn khớp. Lòng tôi vẫn còn ở bên Mỹ. Mỗi buổi sáng tôi thức dậy, nhìn lên trần nhà như hỏi, Tại saovậy? Giống như hồi tôi hỏi ở trong tù.”
Với nụ cười phản lại lời nói, Chuh nói thêm một cách nghiêm trọng, “Trong lòng tôi, tôi muốn khóc.”
No comments:
Post a Comment