Lê Phan
December 22, 2018
Những
đồng minh của Hoa Kỳ ở Âu Châu và Á Châu nghĩ là họ đã có thời giờ để học và
tiêu hóa cũng như bù đắp cho sự bất định bản tính của Tổng Thống Donald Trump.
Nhưng sự từ chức cay đắng của Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis cùng loan báo đột
ngột rút quân ra khỏi Syria và Afghanistan đang được coi là một bước ngoặt
trong liên hệ của Washington với thế giới.
Nhiều quốc gia đã tìm cách điều chỉnh lại liên hệ của
họ với ông Trump, vốn coi những đồng minh truyền thống như là những kẻ cạnh
tranh. Từ Nam Hàn đến Nhật Bản, Pháp đến Đức và nhiều quốc gia khác trong Liên
Minh Bắc Đại Tây Dương, các viên chức cao cấp đã nói lớn về việc phải làm sao tự
lo cho mình và những cách để khỏi lệ thuộc vào một Washington nay tập trung vào
“America First.”
Nhưng cho đến nay họ còn tin tưởng vào ông Mattis, vốn
đã chứng tỏ là một người cho sự liên tục và của các liên minh truyền thống, và
đã cố gắng để củng cố những liên minh này bất chấp lập trường của Tòa Bạch Ốc.
Ông cũng được những đồng minh truyền thống coi như người thân cận với ông Trump
mà có cảm tình với họ nhất. Họ coi ông là “người lớn” cuối cùng để giới hạn,
thăng bằng hay lờ đi những sự đồng bóng của một tổng thống khó tiên đoán.
Sáng hôm Thứ Sáu, ông Carl Bilt, cựu thủ tướng Thụy
Điển, tuyên bố trên Twitter “một buổi sáng báo động ở Âu Châu.” Ông thêm là ông
Mattis được coi như là “liên hệ mạnh mẽ xuyên Đại Tây Dương trong chính phủ
Trump” cuối cùng vì “tất cả những liên hệ khác hoặc là tốt nhất thì mong manh
và tệ nhất thì đổ vỡ.”
Đối với ông Francois Heisbourg, một cựu viên chức quốc
phòng Pháp, nó là một giây phút quay ngoặt của một tổng thống Hoa Kỳ đang bị tấn
công, đối nghịch công khai với hệ thống tình báo và quân sự của ông, hành động
hoàn toàn bất chấp những đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ trong quyết định rút
quân đột ngột ra khỏi Syria và Afghanistan.
Ông Heisbourg giải thích: “Cho đến nay, người ta có
thể nói đề phòng, và tất cả các đồng minh đều đang làm như vậy một cách khá thận
trọng. Nhưng nay mọi người sẽ phải hành động với một giả định là hệ thống liên
minh không còn nữa. Các tổ
chức còn đó, các hiệp ước còn đó, binh sĩ và dụng cụ cũng còn đó, nhưng vị giáo
chủ của nhà thờ đã bỏ đi rồi.”
Tổng Thống Trump thường chê bai hệ thống nhiều thập
niên nay của các liên minh đa phương của Hoa Kỳ, coi chúng như là những gánh nặng
tốn kém. Chúng được dựng lên sau thảm họa kinh hồn của Đệ Nhị Thế Chiến, cả ở
Âu Châu lẫn ở Á Châu, và có mục đích hỗ trợ cho những nền dân chủ mong manh và
tan nát và để ngăn chặn tham vọng chủ thuyết và đế quốc của cả hai cường quốc Cộng
Sản, Nga và Trung Quốc.
Những liên minh này có tốn kém cho những người dân
đóng thuế ở Hoa Kỳ thật, nhưng những món tiền này không được chi ra vì lòng từ
thiện – nó giúp cho Hoa Kỳ có thể có hòa bình để tăng trưởng, không phải tham
gia vào một cuộc chiến toàn cầu, một thế chiến nữa. Và chúng đã ngày càng tạo
nên những thị trường giàu có cho các sản phẩm của Hoa Kỳ, cả kỹ nghệ lẫn nông
nghiệp.
Để trả ơn, nhiều đồng minh đã chiến đấu cạnh Hoa Kỳ
trong các cuộc chiến của Hoa Kỳ – ở Nam Hàn, Việt Nam, Iraq và Afghanistan. Và
rồi khi al Qaeda tấn công Hoa Kỳ vào ngày 11 Tháng Chín, 2001, NATO đã lần đầu
tiên sử dụng đến Điều 5 của Hiến Chương NATO: Nếu một quốc gia NATO bị tấn
công, tất cả các quốc gia NATO khác cũng coi như bị tấn công và sẽ tham gia
phòng thủ.
Hôm sáng Thứ Sáu, khi các lãnh tụ thế giới suy nghĩ
về những tin tức về sự xáo trộn mới ở Washington, phản ứng đã thật đáng ghi nhận.
Trong khi các đồng minh truyền thống sửng sốt và có cảm tưởng bị đánh lén, Nga,
Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Cộng lên tiếng ca ngợi. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut
Cavusoglu, chào đón sự rút quân của Hoa Kỳ ra khỏi Syria và nói là Washington
và Ankara nên “cùng nhau điều phối.”
Ở Bắc Kinh, các lãnh tụ quân sự của Trung Cộng hẳn
là rất sung sướng. Để chứng tỏ sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho Đài Loan, hòn đảo độc lập
mà Trung Cộng nhất định nói là lãnh thổ của họ, ông Mattis đã ba lần gửi chiến
hạm đến eo biển Đài Loan chỉ trong năm nay. Ông cũng phản ứng mạnh chống lại Bắc
Kinh ở Biển Đông, gửi các chiến hạm đến gần các hòn đảo tranh chấp mà Trung Cộng
giành chủ quyền.
Ông Ngô Tâm Bác, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ
của Viện Đại Học Phổ Đan, một trong bốn trường đại học danh tiếng của Trung Cộng,
nói là một tân bộ trưởng quốc phòng mà sự suy nghĩ có thể thích ứng với Tổng Thống
Trump hơn, có thể là một cơ hội cho Trung Cộng. Ông Ngô nói: “Dĩ nhiên ông
Trump sẽ muốn một bộ trưởng quốc phòng dễ bảo hơn. Với Trung Quốc, ông Trump tập
trung vào kinh tế, không phải an ninh hay địa lý chính trị. Nhưng quân đội đã
thúc đẩy mạnh ở Đài Loan và Biển Hoa Nam. Hãy chờ xem việc này có thay đổi hay
không.”
Đối với Pháp và Anh, đây là lúc đặt câu hỏi cho sự
tham dự của họ dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ ở cả Syria lẫn Afghanistan. Bộ trưởng
Quốc Phòng Pháp, bà Florence Parly, hôm Thứ Sáu tuyên bố là lực lượng Pháp đang
ở Trung Đông và tiếp tục tham chiến ở Syria “trong khuôn khổ một liên minh, vốn
do người Mỹ cầm đầu,” tìm cách tiêu diệt lực lượng còn lại của Islamic State ở
Iraq và Syria “sát cánh với người Mỹ.”
Nhưng nay, bà Parly nói với đài phát thanh RTL, thì
“rõ ràng là” quyết định của ông Trump rút quân khỏi Syria “thay đổi tình hình một
cách sâu đậm.” Bà thêm là Islamic State chưa chết như ông Trump khẳng định. Và
“Nguy cơ là nếu không tận diệt những ổ này, chúng có thể tăng trưởng trở lại, lấy
lại lãnh thổ và tấn công vào Âu Châu lần nữa.” Thành ra bà kết luận “Công việc
phải được hoàn tất.”
Một cựu đại sứ Anh, ông Ivor Roberts, cũng nói là
Anh phải tính toán lại. Anh cũng có binh sĩ sát cánh với quân đội Hoa Kỳ ở
Afghanistan. Ông Roberts nói: “Toàn thể quanh các đồng minh của Hoa Kỳ, nó là một
sự chán ngán lớn.” Và ông thêm là ở Syria: “Ông Trump đã giúp đỡ cho những người
mà tôi không nghĩ là Hoa Kỳ muốn giúp đỡ: người Nga, người Iran và ISIS.”
Hoa Kỳ đã tối cần thiết từ quá lâu rồi đến nỗi Hoa Kỳ
luôn có một chỗ lãnh đạo trong bàn làm việc địa lý chính trị. Nhưng nhiều nhà
phân tách nói là sự chao đảo của ông Trump và bất chấp đồng minh có thể về căn
bản làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ trở thành một quốc gia được coi
như là không thể là một đồng minh tin cậy được nữa.
Tiến Sĩ Karin von Hippel, giám đốc của viện nghiên cứu
quân sự nổi tiếng ở Anh, Royal United Services Institute for Defense Studies,
nhận xét: “Tổng Thống Trump có vẻ nghĩ là
ông có thể được cả hai chiều. Rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi mọi việc triển khai,
giảm trợ giúp tài chánh cho các định chế quốc tế như NATO hay Liên Hiệp Quốc,
nhường vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ ở những tiến trình hòa bình như Syria, Yemen,
Libya – mà vẫn giữ chỗ đứng đầu bàn tiệc.”
“Tôi sợ là mọi sự không diễn biến như vậy. Chúng ta đã thấy những quốc
gia đồng ý với nhau tiến lên dầu cho có Hoa Kỳ hay không cũng như những quốc
gia như Trung Quốc, Nga và Iran thay thế khoảng trống được tạo nên. Sự rút lui
của Hoa Kỳ chỉ có thể dẫn đến thêm bất ổn toàn cầu, vốn sẽ có ảnh hưởng tiêu cực
đến Hoa Kỳ cũng không kém gì Âu Châu,” bà nói tiếp. (Lê
Phan)
No comments:
Post a Comment