Trần Gia Phụng
19/12/2018
Ngày nay, nói đến hiểm họa mất nước, ai cũng nghĩ là
mất nước vào tay Trung Cộng. Nguồn gốc hiểm họa mất nước có thể từ hai giai đoạn:
1.
Giai đoạn Hồ Chí Minh cầu viện
Vào cuối thế chiến thứ hai, Nhật tổ chức đảo chánh
và lật đổ Pháp ở Đông Dương ngày 9-3-1945, trao trả độc lập lại cho Việt Nam.
Vua Bảo Đại mời học giả Trần Trọng Kim lập chính phủ ngày 17-4-1945. Chính phủ
Trần Trọng Kim là chính phủ hợp pháp, chính danh chuyển tiếp từ triều đình quân
chủ với lục bộ, qua hình thức quân chủ lập hiến với nội các theo kiểu Tây
phương, được nhà vua thừa nhận (de jure).
Chính phủ Trần Trọng Kim chỉ cầm quyền được 5 tháng,
nhưng làm được nhiều việc hữu ích lâu dài, như giải quyết nạn đói ở Bắc phần, hội
nhập hai nền hành chánh triều đình Việt Nam với nền hành chánh Pháp thuộc, đặt
nền móng cho nền giáo dục và tư pháp mới của Việt Nam…
Khi Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 14-8-1945, thì Hồ
Chí Minh (HCM) và đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD) nổi lên cướp chính quyền,
thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH). (“Cướp chính quyền” là từ
ngữ của HCM trong các bài viết lúc đó.) (de facto).
Khi ra mắt ngày 2-9-1945, HCM hô to các lời thề rất
mạnh mẽ, trong đó lới thề cuối cùng là: “Nếu Pháp đến xâm lăng lần nữa
thì chúng tôi xin thề: không đi lính cho Pháp, không làm việc cho Pháp, không
bán lương thực cho Pháp, không đưa đường cho Pháp.” (Tô Tử Hạ và nhiều
tác giả, 60 năm chính phủ Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Thông Tấn, 2005, tr.
26.)
Tuy nhiên, khi Pháp trở lui tái chiếm Việt
Nam, tổ quốc lâm nguy, thì HCM không chống Pháp, mà thỏa hiệp với
Pháp bằng hai hiệp ước để được tiếp tục cầm quyền. Đó là thỏa ước Sơ bộ tại Hà
Nội ngày 6-3-1946 và Tạm ước Modus Vivendi tại Paris ngày 14-9-1946.
Sau đó, Pháp đòi kiểm soát an ninh Hà Nội. Nếu Pháp
nắm quyền kiểm soát an ninh Hà Nội, thì Pháp có thể bắt giam HCM và lãnh đạo
CSVN. Đảng CS lâm nguy. Không lẽ tự nhiên bỏ chạy, HCM và đảng
CS quyết định đánh Pháp tối 19-12-1946 để có lý do hợp lý trốn thoát khỏi Hà Nội,
và dùng chiêu bài “kháng chiến chống Pháp giành độc lập”, kêu gọi toàn dân đứng
lên tham gia khởi nghĩa.
Đảng CSĐD yếu thế, thua chạy cho đến năm 1949. Gần
cuối năm nầy, đảng CS Trung Hoa thành công, lập ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa
hay Trung Cộng ngày 1-10-1949. (Ở đây dùng chữ “Trung Cộng” để phân biệt với
Trung Hoa thời quân chủ và Trung Hoa Dân Quốc.)
Được tin nầy, HCM vội vã gởi liền hai đại diện là Lý
Bích Sơn và Nguyễn Đức Thủy đến Bắc Kinh vào cuối tháng đó để xin viện trợ.
(Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North
Carolina Press, 2000, tt. 10-15.)
Được Trung Cộng đáp ứng thuận lợi, đích thân HCM qua
Bắc Kinh cầu viện đầu năm 1950. Lúc đó, Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai qua Liên
Xô, Lưu Thiếu Kỳ xử lý thường vụ. Hồ Chí Minh làm kiểm điểm trước Lưu Thiếu Kỳ
về những hoạt động của CSVN từ năm 1946. (Trần Đĩnh: Đèn cù, California: Người
Việt Books, 2014, tr. 49.) .
Sau Bắc Kinh, HCM tiếp tục qua Mạc Tư Khoa. Lúc đó,
Mao Trạch Đông cũng có mặt ở Mạc Tư Khoa để thương thuyết và chúc thọ Stalin 70
tuổi. Stalin ủy nhiệm cho Mao Trạch Đông phụ trách viện trợ cho đảng CSĐD. (Trương
Quảng Hoa, “Quyết sách trọng đại Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp”, đăng
trong Hồi ký những người trong cuộc, ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự
Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Dương Danh Dy dịch, tạp chí Truyền
Thông Montreal in lại, số 32-33, 2003, tr. 45.) Đồng thời Stalin ra lệnh cho
HCM đổi tên đảng CSĐD thành đảng Lao Động. (Nguyễn Văn Trấn, Việt cho Mẹ và Quốc
hội, California: Nxb. Văn Nghệ, 1995, tr. 149.)
Từ khi Pháp xâm lăng Việt Nam năm 1858, nhiều anh
hùng hào kiệt đã vận dụng sức dân nổi lên chống Pháp. Dầu chưa thành công,
nhưng những cuộc khởi nghĩa chống Pháp hoàn toàn không nhờ đến kẻ đã nhiều lần
xâm lăng Việt Nam là Trung Hoa để chống Pháp. Hơn nữa, người Trung Hoa đến Việt
Nam có thể ở lại Việt Nam, trong khi người Pháp chỉ đến khai thác, bóc lột rồi
ra đi.
Lúc HCM hoạt động ở Trung Hoa, lãnh tụ Trung Cộng là
Mao Trạch Đông đã viết vào năm 1939 rằng Việt Nam là một nước phụ thuộc Trung Cộng.
(Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua, Hà Nội: Nxb. Sự Thật,
không đề tên tác giả, 1979, tr. 16.) Chắc chắn HCM đã học tập tài liệu nầy,
nhưng vẫn làm kiểm điểm để xin Trung Cộng viện trợ. Việc HCM cầu viện Trung Cộng
để chống Pháp di hại mãi cho đến ngày nay.
Nhờ viện trợ của Trung Cộng và của Liên Xô, đảng Lao
Động thành công năm 1954. Hiệp định Genève ngày 20-7 chia hai đất nước ở vĩ tuyến
17. Bắc Việt Nam (BVN) là VNDCCH do đảng Lao Động cai trị. Nam Việt Nam (NVN)
là Quốc Gia Việt Nam, đổi thành Việt Nam Cộng Hòa ngày 26-10-1955.
Sau khi cầm quyền ở BVN, HCM và đảng Lao Động tiếp tục
cầu viện Trung Cộng và Liên Xô, mở cuộc tấn công NVN. Vừa để trả nợ trong chiến
tranh 1946-1954, vừa để vay nợ mới nhằm động binh lần nữa, Phạm Văn Đồng, theo
lệnh của HCM và Bộ chính trị đảng Lao Động, ký công hàm ngày 14-9-1958, công nhận
Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh hải Trung Cộng.
Như thế, HCM đã hai lần cầu viện Trung Cộng. Lần đầu
vào năm 1950 trong chiến tranh 1946-1954, và lần hai sau năm 1954 trong chiến
tranh 1954-1975.
2.
Giai đoạn sau năm 1975
Nhờ sự viện trợ lớn lao của khối CS, đảng LĐ chiếm
được miền Nam Việt Nam năm 1975. Trong việc cai trị sau năm 1975, về đối nội, đảng
Lao Động đổi tên thành đảng CS Việt Nam (CSVN) năm 1976, độc tài toàn trị, theo
chính sách kinh tế chỉ huy, làm cho dân tình đói khổ. Người ta cho rằng đây là
chính sách “tự thực dân”, hay thực dân nội địa, nghĩa là thực dân ngay trên quê
hương mình, với dân tộc mình. (autocolonisation). Xin chú ý là Phát xít Ý, Quốc
xã Đức hay Quân phiệt Nhật chỉ bóc lột và độc ác với người nước ngoài, chứ
không độc ác với người đồng chủng trong nước họ.
Về đối ngoại, CSVN quay lưng với Trung Cộng, và năm
1978 gia nhập tổ chức Council for Mutual Economic Assistance (COMECON) tức Hội
đồng Tương trợ Kinh tế do Liên Xô đứng dầu, đồng thời xâm lăng Cambodia vào cuối
năm 1978. Lúc đó, Khmer đỏ ở Cambodia do Trung Cộng bảo trợ và Trung Cộng muốn
sử dụng đường Cambodia xuống Đông Nam Á.
Vì CSVN phủi ơn Trung Cộng, xâm lăng Cambodia, Trung
Cộng tức giận, tấn công Việt Nam đầu năm 1979 mà Đặng Tiểu Bình gọi là “dạy cho
Việt Nam một bài học”. Chiến tranh biên giới tuy ngắn ngày, trong vòng một
tháng, nhưng 6 tỉnh biên giới phía bắc bị hoàn toàn tàn phá.
Cuối thập niên 80, CSVN gặp ba khó khăn cùng một
lúc: 1) Thứ nhứt, trong nước kinh tế suy thoái. 2) Thứ hai, ngoài nước, bộ đội
CSVN sa lầy ở Cambodia. 3) Thứ ba, trên chính trường quốc tế, các chế độ CS
Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, CSVN mất nguồn viện trợ và điểm tựa quốc tế. Nền
kinh tế CSVN đang yếu kém, suy sụp, cần viện trợ để đứng vững, nên CSVN không
còn con đường nào khác, quay qua cầu thân trở lại với Trung Cộng.
Đảng Lao Động bí mật liên lạc với Trung Cộng. Dấu hiệu
đầu tiên là Trung Cộng đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa một cách dễ
dàng tháng 3-1988. Người ta biết được CSVN bí mật nhượng bộ Trung Cộng ở Gạc
Ma, vì một số bộ đội CS còn sống sót sau trận Gạc Ma kể lại rằng họ được bộ Quốc
phòng CSVN ra lệnh không được nổ súng chống cự quân đội Trung Cộng. Người ra lệnh
nầy là bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh. (Chuyện nầy được viết rõ trong sách Gạc-Ma,
vòng quay bất tử mới xuất bản ở trong nước liền bị tịch thu.)
Chắc chắn phải có quyết định của Bộ chính trị đảng
CS, Lê Đức Anh mới dám ra lệnh không nổ súng. Điều nầy chứng tỏ CSVN đã bí mật
liên lạc (còn gọi là đi đêm) và nhượng bộ Trung Cộng để cầu thân.
Dấu hiệu cầu thân tiếp theo là tháng 1-1989, thứ trưởng
Ngoại giao Đinh Nho Liêm bí mật đến Bắc Kinh. Bề ngoài thì phái bộ Đinh Nho
Liêm lo việc thảo luận về vấn đề Cambodia, nhưng bên trong thì Liêm bí mật ngỏ
ý Việt Nam muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Cộng.
Hai bên mới đánh nhau, tiếp tục tranh chấp, đối đầu
nhau, viết sách báo đả kích nhau, nay CSVN gởi phái bộ đến đất nước của đối thủ,
tự động đề nghị xin bình thường hóa, có nghĩa là CSVN xin chịu xuống nước, chịu
nhượng bộ.
Theo yêu cầu bình thường hóa của CSVN, Trung Cộng
triệu tập hội nghị Thành Đô trong hai ngày 3 và 4-9-1990. Phía Trung Cộng
có Giang
Trạch Dân, Lý
Bằng. Phía CSVN có Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng. Xin chú ý các
điểm sau:
- Đây không phải là cuộc họp giữa hai chính phủ, vì
nếu là cuộc họp giữa hai chính phủ, thì kết quả phải được đưa ra trước Quốc hội
hai nước phê chuẩn.
- Đây là cuộc họp thượng đỉnh trong hai ngày, giữa đại
diện hai đảng CS mà thôi.
- Hội nghị bàn những gì, kết quả như thế nào, hoàn
toàn không có thông báo công khai.
- Vì nội dung hội nghị Thành Đô được giữ bí mật tuyệt
đối, nên tất cả những bài viết về kết quả hội nghị Thành Đô trên báo chí, trên
Wikileaks, kể cả nguồn tin Việt Nam sẽ thành khu tự trị của Trung Cộng năm
2020, đều là những lời phỏng đoán.
- Với thế mạnh, Trung Cộng yêu sách. Lòng tham con
người không đáy. Nếu hội nghị không ấn định giới hạn yêu sách cụ thể bằng văn bản,
thì những đòi hỏi của Trung Cộng sẽ không cùng, đòi hỏi dần dần liên miên bất tận.
- Trong thế yếu, CSVN đành phải nhượng bộ, nhượng bộ
hoài, chấp nhận tất cả những đòi hỏi của Trung Cộng, nhưng CSVN có gì để nhượng
bộ?
- Chỉ khổ một điều. CSVN nhượng bộ nhưng dân tộc Việt
Nam phải gánh chịu những nhượng bộ đó, dần dần tài sản của tổ tiên để lại lọt
vào tay Trung Cộng.
Khác với những cuộc xâm lăng trước đây, lần nầy
Trung Cộng không sử dụng võ lực, mà áp lực chính trị và kinh tế càng ngày càng
mạnh, đưa Việt Nam dần dần đi vào quỹ đạo của Trung Cộng. Sách lược nầy rất
thâm độc, khống chế và khuynh loát CSVN vừa chính trị vừa kinh tế, nhằm phục vụ
mưu đồ Hán hóa của Trung Cộng. Đây là sách lược xâm lăng không tiếng súng, được
gọi là “xâm lăng hòa bình” (pacific invasion) hay còn gọi là “xâm lăng thầm lặng”
(silent invasion).
Như thế, trước năm 1975 là HCM và sau năm 1975 là đảng
CSVN cầu viện Trung Cộng, chính là nguồn gốc đưa đến hiểm họa mất nước vào tay
Trung Cộng ngày nay. Trung Cộng cho vay thật dồi dào, đến lúc nước vay không trả
nổi, nên đành phải chịu cấn nợ, bằng những hiệp định nhượng đất, nhượng biển,
hay nhượng những khu vực, thị trấn cho Trung Cộng lập đặc khu kinh tế. Đây là
cái bẫy nợ. Chết vào tay Trung Cộng.
(Toronto, 08-12-2018)
No comments:
Post a Comment