VOV.VN
Thứ 6, 06:30, 21/12/2018
“Chúng ta đã chiến thắng trước tổ chức khủng bố nhà
nước Hồi giáo (IS)”, ông Trump nói trong đoạn video đăng tải trên Twitter tối
19/12. “Chúng ta đã chiến thắng, và đó là cách mà chúng ta muốn, và cũng là
cách mà họ muốn”, ông Trump nói, chỉ tay lên trời, đề cập tới những binh sỹ Mỹ
đã thiệt mạng trên chiến trường.
Nhà Trắng không đưa ra một khung thời gian cụ thể
cho việc rút quân. “Các binh sỹ Mỹ sẽ về nước ngay khi chúng ta chuyển sang
giai đoạn tiếp theo của chiến dịch”, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee
Sanders nói.
Trong khi đó, giới chức Bộ Quốc phòng cho biết, Tổng
thống Trump đã ra chỉ thị phải hoàn thành việc rút quân khỏi Syria trong 30
ngày.
Ông Trump là người thường khiến người ta bất ngờ về
những quyết định của mình. Lần này cũng vậy, nhưng không phải là không dự đoán
trước được. Cách đây hơn 1 năm, đặc biệt là từ khi IS bị truy quét khỏi phần lớn
lãnh thổ miền Bắc Syria, ông Trump đã nói với các cố vấn rằng ông muốn rút
quân khỏi Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và các quan chức
an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ khi đó đã khuyên can rằng, viêc rút quân đồng
nghĩa với việc từ bỏ ảnh hưởng của phương Tây ở Syria cho Nga và Iran. Ngoài
ra, việc bỏ rơi đồng minh người Kurd cũng sẽ ảnh hưởng tới những nỗ lực tương
lai của Mỹ nhằm lấy lòng tin của các lực lượng địa phương trong các chiến dịch
chống khủng bố, trong đó có Afghanistan, Yemen và Somalia.
Lầu Năm Góc trong một tuyên bố nói rằng, họ sẽ “tiếp
tục hợp tác với các đối tác và đồng minh để đánh bại IS ở bất cứ nơi nào nhóm
khủng bố này hoạt động”.
Lại một
tuyên bố bất đồng nội bộ
Quyết định của ông Trump trái ngược với những gì mà
các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ đã nói trong những tuần qua. Hai
tháng trước, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói rằng, Mỹ sẽ không rút
khỏi Syria chừng nào Iran còn muốn gia tăng ảnh hưởng tại đây.
Tuần trước, Đặc phái viên Mỹ tại liên minh chống khủng
bố quốc tế, ông Brett McGurk cũng nói rằng nhiệm vụ của Mỹ ở Syria không chỉ là
tìm cách đánh bại IS. “Một khi IS bị đánh bại, Mỹ sẽ không thể chỉ gặt hái
thành quả rồi rời đi. Chúng tôi muốn ở lại và đảm bảo sự ổn định được duy trì
trong khu vực”.
Quyết định của Tổng thống Trump cũng vấp phải làn
sóng phản đối trong Quốc hội, thậm chí cả từ các đồng minh đảng Cộng hòa của
ông Trump như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham.
Các đồng minh của Mỹ thì “im hơi lặng tiếng” một
cách đáng chú ý. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói rằng, đó là “một quyết
định của Mỹ”, và chính phủ của ông sẽ nghiên cứu về quyết định này. Tuy nhiên
giới phân tích nói rằng, quyết định rút quân sẽ là một đòn giáng mạnh vào những
nỗ lực của Israel nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Iran ở Syria.
“Đó là một ngày tồi tệ với Israel”, Ehud Yaari một
nhà nghiên cứu chính sách cận Đông của viện Washington cho biết.
Tuyên bố của chính phủ Anh thì nói rằng, trong khi
liên minh toàn cầu chống IS đã đạt được tiến bộ “Chúng ta không thể không để mắt
tới những mối đe dọa [mà IS dấy lên]. Ngay cả khi đã bị đánh bại, nhóm này vẫn
là một mối đe dọa”.
Liệu có
lặp lại kịch bản tháng 4?
Đây không phải là lần đầu ông Trump tuyên bố rút
lính Mỹ khỏi Syria. Cuối tháng 3 (ngày 29/3), ông cũng từng đưa ra tuyên bố
tương tự. Trong một bài phát biểu ở Cleverland khi đó, Tổng thống Donald Trump
nói rằng: “Chúng ta đã đánh bại IS ở Syria. Mỹ sẽ rời khỏi Syria sớm nhất có thể.
Hãy để người khác ‘chăm lo’ cho Syria”.
Tất nhiên quyết định này khi đó đã khiến không chỉ nội
bộ nước Mỹ mà cả các nước trong liên minh chống khủng bố bất ngờ. Tuy nhiên, chỉ
vài ngày sau đó, giới chức chính phủ Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã
đồng ý kéo dài sự hiện diện của quân đội tại Syria trong cuộc họp của Hội đồng
An ninh Quốc gia. Thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump
tuyên bố đang cân nhắc việc sớm rút quân ra khỏi Syria.
Điều đáng nói là cũng chỉ khoảng 2 tuần sau đó, ngày
14/4, Mỹ cùng Anh, Pháp bất ngờ tấn công Syria với cái cớ chính quyền Syria tấn
công vũ khí hóa học ở Douma.
Tuyên bố rút quân khỏi Syria lần này của Tổng thống
Trump cũng sẽ khiến nhiều người đặt câu hỏi ông Trump thực sự muốn gì, và liệu
nó có phải là vỏ bọc cho một động thái nào khác hay không?
Ông
Trump muốn gì?
Trong khi đó,
một quan chức Bộ Quốc phòng nói với New York Times nói rằng, ông Trump đang
muốn chuyển hướng sự chú ý khỏi những vấn đề pháp lý mà ông đang bị bủa vây hiện
nay như: cuộc điều tra về mối liên quan giữa chiến dịch tranh cử của ông
năm 2016 với phía Nga; cựu luật sư riêng bị kết án – Michael Cohen; khoản tiền
“bịt miệng” những người phụ nữ có quan hệ tình cảm với ông; cựu cố vấn an ninh
quốc gia Michael Flynn, và thậm chí cả những lùm xùm về Quỹ từ thiện Trump.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ Viện Nancy Pelosi cho rằng,
Tổng thống Trump hành động
“vì các mục đích chính trị hay cá nhân” hơn là vì lợi ích an ninh quốc gia.
Trong một tuyên bố, bà Pelosi đã gọi đây là “quyết định vội vàng” và nó được
đưa ra đúng thời điểm ngay sau ngày Thẩm phán liên bang Emmet
Sullivan tuyên bố hạn chế đi lại đối với ông Michael Flynn trong khi chờ
tuyên án.
Bà Pelosi đề cập tới những nỗ lực vận động hành lang
của ông Flynn nhằm trục xuất giáo sỹ người Thổ Nhỹ Kỳ sống ở Pennsylvania, người
bị chính quyền Ankara cáo buộc đứng đằng sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016.
Đáng chú ý, ông Flynn cũng là người bị chỉ trích mạnh
mẽ khi nói dối FBI về các cuộc trao đổi giữa ông với đại sứ Nga tại Mỹ Sergey
Kislyak trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 và khi ông
Trump nhậm chức./.
---------------------------
No comments:
Post a Comment