What
China Might Have Been”, hay “Liệu Trung Quốc đã ra sao” là tên bài báo đăng trên Asia Sentinel hôm 12.3.2007 [1] mà tiều phu bỗng
nhớ đến, khi đọc tin nhiều nước đề phòng Huawei. Phương Tây đã không còn mơ hồ
về Trung Quốc. Mọi hy vọng, “Cải cách kinh tế sẽ đem lại cho kẻ khổng lồ một
khuôn mặt dễ chịu”, đã tan thành mây khói. Trung Quốc không còn là con hổ giấy,
mà là một sự đe dọa toàn diện cho nhân loại. Tại sao người ta lại sợ một dân tộc
đang trỗi dậy? Câu trả lời nằm trong bản chất phát xít của chế độ XHCN mang mầu
sắc Trung Hoa mà tôi đã viết trong loạt bài “Trung quốc xã”.[2]
Dỹ nhiên là 1,4 tỷ người Trung Quốc hoàn toàn có quyền
được hưởng sự thịnh vượng và Trung Quốc có quyền được là một cường quốc. Nhưng
với một Trung Quốc dân chủ và nhân văn thì không ai phải lo sợ.
Sau đêm dài đen tối của Mao, đã có những nhà lãnh đạo
Trung Quốc mong muốn xây dựng một xã hội như vậy. Đó là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử
Dương. Hồ Diệu Bang làm Tổng bí thư đảng Cộng sảnTQ từ 1980-1987. Ông Triệu Tử
Dương, thủ tướng của Hồ Diệu Bang, kế tục chức Tổng bí thư từ 1987. Cả hai ông
đều là những người cộng sản cởi mở, nhân ái nên đã đưa ra nhiều chính sách kinh
tế, xã hội tiến bộ, dẫnTrung Quốc ra khỏi vòng đói nghèo và khủng hoảng. Thời kỳ
này, bên cạnh những thành tích kinh tế ngoạn mục, cũng chứng kiến sự khởi sắc của
văn học, nghệ thuật, điện ảnh Trung Quốc. Việc phục hồi vai trò của trí thức và
nới lỏng kiểm duyệt đã đem không khí tự do cho đất nước. Hình ảnh một nước
Trung Hoa mở cửa đã tác động không ít đến tình hình chính trị Đông Âu. Trước
khi ở Đông Âu nổ ra các cuộc cách mạng nhung thì đầu tháng 6.1989, sinh viên Bắc
Kinh đã biểu tình tại Thiên An Môn, đòi cải cách xã hội.
Tổng bí thư Triệu Tử Dương chủ trương đối thoại với
sinh viên, nhằm tìm ra một giải pháp tối ưu cho đất nước. Tuy Tổng bí thư được
coi là nhân vật lãnh đạo cao nhất, nhưng cả Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương luôn
bị Đặng Tiểu Bình kìm hãm. Ông Đặng tuy già yếu, nhưng vẫn giật dây ở hậu trường
trong cương vị Chủ tịch Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Đặng cùng thủ tướng Lý Bằng và phe diều hâu trong đảng
quyết dùng bạo lực nên đã tổ chức một cuộc đảo chính, tước quyền TBT của Triệu
Tử Dương. Sau bể máu Thiên An Môn, ông Đặng bắt ông Triệu nhận lỗi để được giảm
nhẹ kỷ luật. Sau khi hỏi ý kiến gia đình, ông Triệu đã khước từ thẳng thừng và
chấp nhận bị giam lỏng cho đến khi qua đời ngày 7.1.2005.
Tuy Tân Hoa Xã chỉ công bố một tin ngắn vài dòng về
cái chết của ông, nhưng toàn bộ lực lượng vũ trang TQ được đặt trong tình trạng
báo động. Một Ủy ban bất thường được lập ra để đối phó với một đám tang có thể
làm sụp đổ chế độ. Đế quốc hùng mạnh lo sợ cái chết của ông già 96 tuổi có thể
gây ra một Thiên An Môn 2, như đám tang Hồ Diệu Bang đã dẫn đến Thiên An Môn 1.
Từ khi bị giam lỏng, Triệu Tử Dương bị cô lập trong
một căn nhà nhỏ ở Bắc Kinh. Nhưng ông Tống Phương Minh (Zong Fengming) một cán
bộ cao cấp đã về hưu, vẫn lấy cớ là dạy khí công để đến thăm ông. Từ 1991 đến
2004, ông Tống đã ghi lại toàn bộ 100 cuộc nói chuyện với ông Triệu và giữ kín
cho đến khi tình hình cho phép. Tháng 3.2007, không hiểu bằng cách nào mà cuốn
sách “Triệu Tử Dương: Những hội thoại ghi chép” (Zhao Ziyang: Captive
Conversations) được nhà sách “Khai Phóng” xuất bản tại Hongkong, như một trái
bom chính trị.
Tất nhiên là cuốn sách bị cấm tại Hoa lục và ông Tống
Phương Minh bị công an hỏi thăm. Nhưng đối với một cán bộ đảng 87 tuổi, từng
giúp việc cho Mao Trạch Đông thì việc công bố ý kiến của một cựu TBT đảng đâu
có thể là tội.
Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, một lãnh tụ đảng
CS đưa ra một tài liệu dài 300.000 từ, như một cương lĩnh hiện đại hóa đất nước
chi tiết đến từng lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, đối ngoại v.v.
Ai có điều kiện nên tìm đọc cuốn sách này.[3]
Nếu đi theo con đường của Triệu Tử Dương đến đích,
thì Trung Quốc ngày nay sẽ khác hẳn, không có một Giang Trạch Dân giết Pháp
Luân Công không ghê tay, hay một Hồ Cẩm Đào lạnh lùng hay một Tập Cận Bình nham
hiểm. Công nhân đã có công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi, trong một xã hội có
truyền thông tự do. Đảng Cộng sản vẫn cầm quyền, nhưng chỉ còn là một tổ chức
chính trị dưới hiến pháp và chịu sự kiểm soát của Quốc hội v.v.
Ông Triệu cho rằng: ”Đất nước chỉ có thể hiện đại hóa được, nếu đi theo con đường dân chủ”…”tôi
đã tìm thấy một cảm hứng, khi nhìn sang phương Đông thấy Đài Loan và Nam Hàn đã
rời bỏ chuyên chế để đi lên dân chủ. Đây là một xu hướng mà không nước nào có
thể thoát khỏi”
Cuốn sách cũng tiết lộ sự gắn bó khăng khít giữa Đặng
Tiểu Bình và Triệu Tử Dương trong suốt quá trình cải cách đất nước 1979-1989,
cho đến khi ông Đặng quyết định thiết quân luật để đàn áp sinh viên. Ông Đặng
nói: “Một đảng cộng sản không dám trấn áp quần chúng chắc chắn không phải là một
đảng marxist”. Ông Triệu phản đối ngay: ”Một đảng cộng sản mà đàn áp quần chúng
thì không phải là đảng cộng sản mà dân tộc Trung Hoa mong muốn”. Tình bạn của họ
tan vỡ từ đó.
---
Năm 2007, “Nhà Á Châu” (Asienhaus) của đảng Xanh (Đức)
có tổ chức hội thảo về Trung Quốc. Tiều phu đến dự và được chứng kiến một cuộc
tranh luận cực kỳ thú vị. Một bên là các nhà hoạt động nhân quyền, phát triển
và môi trường, bên kia là đại diện giới doanh nghiệp Đức mà chúng tôi coi là
phái hữu.
Những người cánh tả luôn phê phán chính sách phát
triển của Trung Quốc và từ lâu, đã cảnh báo về nguy cơ phát xít hóa ở đó. Ngày
nay ai cũng giật mình. Anh bạn tôi trích bài báo “What China Might Have Been”,
để nêu giả thiết rằng, nếu Trung Quốc đi theo Triệu Tử Dương thì đã tránh được
Chủ nghĩa Tư bản lang sói đang hoành hành ở đó.
Giới doanh nghiệp có mặt tại hội nghị thì bênh Trung
Quốc ra mặt. Ngày đó họ mua hàng theo giá tàu để bán theo giá Đức, lời vô kể.
Không ai trong họ tính đến nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt. Họ cho rằng, lịch sử
không có chữ “nếu” và người Trung Quốc đã lựa chọn đúng, rằng Trung Quốc đang
đi đúng hướng, rằng với văn hóa, lịch sử của Trung Hoa thì không thể áp dụng
dân chủ nhập ngoại để cai trị, sẽ loạn. Phái hữu đã ca ngợi sự ổn định ở Trung
Quốc để họ yên tâm đầu tư, làm giàu. Họ cho rằng, mở cửa sẽ giúp Trung Quốc dân
chủ hóa và sẽ hòa nhập với thế giới văn minh.
Một ông chủ từng làm ở Ấn Độ, nay đang mở sang Trung
Quốc còn phát biểu: Các vị cần biết là Ấn Độ có dân chủ suốt từ 1947 đến nay,
nhưng vẫn thua xa Trung Quốc, đang bị các vị chửi là độc tài, cả về năng suất
lao động, trình độ khoa học lẫn trật tự xã hội.
Đến lượt mình, tiều phu phát biểu, đại ý:
- Tôi đồng ý là lịch sử không có chữ “nếu”. Tương
quan lực lượng ở TQ năm 1989 đã không đủ để các tư tưởng của Triệu Tử Dương thắng
thế. Đó là số phận lịch sử ụp lên đầu dân tộc này. Các vị không thể nói là văn
hóa, tâm lý (mentality) người Trung Hoa không phù hợp với chế độ dân chủ. Nói
như vậy có khác gì các vị chê người Đông Đức là văn hóa thấp, tâm lý đớn hèn
nên đáng bị áp bức. Họ chỉ không may hơn các vị mà thôi.
- Nếu các vị coi HongKong là nền dân chủ áp đặt của
Anh, không thể so sánh thì các vị nói sao về việc người Hoa lục chạy ra Đài
Loan, có cùng lịch sử, văn hóa và tâm lý như người Bắc Kinh cuối cùng đã chọn
con đường dân chủ? Không tính đến bom và súng thì rõ ràng nền dân chủ đã đưa
Đài Loan đi xa hơn Trung Quốc về mọi mặt. Chỉ cần so hai vị khách du lịch từ
hai nước thì rõ.
- Những tư tưởng của Triệu Tử Dương nêu ra trong cuốn
sách cho thấy, đây không phải là dân chủ nhập ngoại, mà nó phát sinh từ trong
thành phần tinh tú của đảng CS Trung Quốc. Tư tưởng của ông là những đúc kết từ
thực tiễn lãnh đạo đất nước của một trí thức có tâm, mang dấu ấn Trung Hoa.
- Các vị phải so sánh Trung Quốc với các lãnh thổ
cùng mặt bằng văn hóa, cùng tâm lý con người, cùng xuất phát điểm, như
Đài-Loan, Hong Kong hay Ma Cao chứ không thể so sánh với Ấn độ, một dân tộc với
những tiền đề khác hẳn. Chỉ nên so Ấn Độ với Pakistan, Bangladesh hay Myanmar để
thấy ưu thế của dân chủ.
- Để khẳng định giá trị của dân chủ, cần đặt ngược
câu hỏi: Ấn Độ sẽ ra sao, nếu bị cai trị bằng chế độ độc tài đẫm máu từ 60 năm
qua? Chắc chắn là sẽ tồi tệ hơn nhiều, cho cả 1,2 tỷ người Ấn và cho cả hòa
bình thế giới.
Tiều phu đã múa rìu qua mắt thợ như vậy để bảo vệ điều
hắn nghĩ.
Köln 15.12.2018
---------
---------
Đặng Tiều Bình và Triệu Tử Dương, từ cặp bài trùng cải
cách thành kẻ thù của nhau.
Hồ Diệu Bang (trái) và Triệu Tử Dương (phải), cả hai
Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc đều mong muốn một nước Trung Quốc dân chủ và
nhân văn.
Ông Triệu Tử Dương đến Thiên An Môn để nói chuyện với
sinh viên. Lúc này ông đã biết đảng CSTQ sẽ đảo chính ông và đàn áp sinh viên,
nên ông khuyên họ ra về, tránh đổ máu.
*
*
Biển Đông 4.0
Không ngờ loạt bài chém gió „Cách mạng 4.0“ của tiều
phu với các khái niệm „Tư bản số“, „Độc tài số“, „Giun digital“ lại liên quan đến
Biển Đông.
Thiên hạ lạm dụng khái niệm „Cách mạng 4.0“, sao
mình lại không chia lịch sử Biển Đông cũng từ 1.0 đến 4.xx cho nó oách nhỉ?...
-------------------------------------
XEM
THÊM
Blog Trần Khuê Đức
Thứ Tư, 24/01/2018
Cố
lãnh đạo Trung Quốc Triệu Tử Dương qua đời đã 13 năm. Nhớ lại ngày 29/12/1989,
khi đó thủ lĩnh “Mùa xuân Praha” Alexander Dubček vượt qua 21 năm đau khổ, cuối
cùng giành được công lý muộn màng, đã được bầu làm Chủ tịch Nghị viện Liên bang
Tiệp Khắc, năm đó tôi đến Mỹ, vừa trải qua thảm kịch Lục Tứ ngày 4/6, lòng đột
nhiên dâng trào cảm xúc: “Alexander Dubček Trung Quốc” mất tự
do: Triệu Tử Dương tiên sinh có thể may mắn được như Alexander Dubček ‘Mùa xuân
Praha’, giành được tự do cho Trung Quốc khi ông còn sống để được tận mắt chứng
kiến ‘dân
chủ và pháp trị’ mà ông kêu gào cập bến Trung Quốc? Sau đó suốt 16 năm, nỗi
mong mỏi này luôn canh cánh bên tôi.
Cố lãnh đạo Trung Quốc Triệu Tử Dương
Tuy nhiên, kỳ vọng của
tôi đã tan vỡ! Ngày 17/1/2005, tiên sinh Triệu Tử Dương đã ra đi! Ông đã không
đợi được cho đến ngày giá trị ông đấu tranh trở thành sự thật.
Phải, năm 2005, cuối cùng
Triệu Tử Dương đã giành được tự do. Nhưng tự do này là do cái chết trao cho
ông. Cái đảng mà ông từng làm tổng bí thư, cái chính quyền mà ông từng làm thủ
tướng, đã giam lỏng ông suốt đời. Có thể thấy “tàn nhẫn của đặc sắc
Trung Quốc” là thế!
Tuy nhiên, cái chết này để
gìn giữ đường ranh giới của nhân đạo, kiên định không nhượng bộ, kiên quyết từ
chối tự kiểm điểm, từ chối hạ mình, nhận tội, là cái chết tự lựa chọn, không tiếc
hy sinh quyền lực bản thân và tự do để gìn giữ tôn nghiêm, phá bỏ truyền thống
chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, thăng hoa thành nhân cách chính trị của
Triệu Tử Dương.
Kể từ đó, dưới ngòi bút của
các sử gia phong trào cộng sản quốc tế, Triệu Tử Dương gắn với những nhà cải
cách nhân đạo của phong trào chủ nghĩa cộng sản như Alexander Dubček của Tiệp
Khắc và Nagy Imre của Hungary, họ đã hy sinh tự do và sinh mạng của họ để ngăn
cách với chính trị gia chuyên chế, tên tuổi họ được lưu danh sử sách.
Cũng từ đó, dưới ngòi bút
sử gia cận đại Trung Quốc, Triệu Tử Dương cũng sánh cùng các nhà chính trị như
Quang Tự, Tưởng Kinh Quốc, tên tuổi được ghi vào danh sách các nhà cải cách
trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Kể từ đó, Triệu Tử Dương
đã không còn là Triệu Tử Dương của trước năm 1978, và thậm chí không còn là Triệu
Tử Dương của trước năm 1989. Như Dubček sau mùa xuân Prague không còn là Dubček
trước mùa xuân Prague, những năm tuổi già của Tưởng Kinh Quốc không còn như Tưởng
Kinh Quốc trước năm 1986 với việc hủy bỏ lệnh cấm đa đảng và cho phép truyền
thông tự do. Sau thay đổi, họ đã định hình lại sinh mệnh chính trị cho bản
thân.
Tên tuổi Triệu Tử Dương
liên quan đến cải cách cơ cấu kinh tế Trung Quốc vào những năm 80 thế kỷ 20, gắn
với phong trào kháng nghị tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Di sản chính
trị của ông, tất nhiên cũng liên quan chặt chẽ với điều này.
Cống hiến của Triệu Dương
Dương đối với cải cách kinh tế của Trung Quốc trong những năm 80 thế kỷ 20 đã
được nhiều người biết đến. Trong số đó, những điểm sáng nhất là cải cách hệ thống
kinh tế tập thể ở các vùng nông thôn, thử nghiệm doanh nghiệp tư nhân tại Ôn
Châu, đưa vùng ven biển tham gia vào lưu thông kinh tế quốc tế. Những tư tưởng
này đã trở thành nền tảng của chuyển đổi Trung Quốc sang nền kinh tế thị trường
trong hơn 20 năm qua, đưa kinh tế Trung Quốc cất cánh. Di sản của ông chứng
minh lời mà giáo sư chính trị nổi tiếng Roderick MacFarquhar đã chỉ ra là chính
xác: Triệu mới là kiến trúc sư trưởng của cải cách và mở cửa, Đặng Tiểu Bình chỉ là người đỡ đầu. Đây
là di sản thứ nhất của ông.
Vào cuối những năm 1980,
Triệu Tử Dương đã thành lập văn phòng cải cách chính trị để thực hiện các cải
cách chính trị. Mục đích cốt lõi là muốn làm giảm nhẹ và tiến tới loại bỏ cái gọi
là “chống tự do hóa giai cấp tư sản”, thông qua lập pháp để bảo vệ quyền
công dân, thực hiện một số biện pháp cân đối lại quyền lực của Đảng. Tuy nhiên,
đa số ý tưởng và biện pháp của ông đã bị chết non do áp lực và can thiệp của Đặng
Tiểu Bình, về khách quan đã trở thành ngọn lửa châm ngòi phong trào biểu tình
phản kháng năm 1989 của giới trí thức và nhân dân. Đây là di sản thứ
hai của ông.
Triệu Tử Dương (được tháp tùng bởi Ôn Gia Bảo khi ấy
là Chánh văn phòng Trung ương Đảng) nói chuyện với các sinh viên phản kháng
trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 19 tháng 5 năm 1989. Ông xin lỗi các sinh
viên, nói “Các sinh viên, chúng tôi đến quá trễ. Chúng tôi xin lỗi.” (ảnh:
Wiki)
Quyết định cuối cùng của
Triệu Tử Dương trong phong trào tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 là sự kiện
đỉnh điểm của cuộc đời ông. Sự xuất hiện của phe chính trị có quan điểm chính
trị đa nguyên, luôn có thể tranh luận. Tuy nhiên, ranh giới giữa kẻ vì loài người
và kẻ chống loài người, giữa văn minh và dã man, giữa đen và trắng là khác hẳn,
tuyệt đối không thể lẫn lộn. Dùng quân dã chiến tàn sát người dân tay không tấc
sắt chính là biểu hiện chống lại loài người. Tội ác ngút trời này không gì có
thể biện minh được. Hiền triết Mạnh Tử từng nói: “Khoảng cách giữa con
người và cầm thú là rất mong manh”. Thực hiện tội ác kể trên là đã vượt qua
ranh giới “mong manh” này. Trong mười mấy năm Triệu Tử Dương nắm quyền, hàng
ngày làm việc chính trị khó tránh mắc sai lầm, cũng phải bị chỉ trích. Nhưng
vào thời khắc quan trọng của lịch sử, giữa đen và trắng, giữa tội và vô tội đã
thể hiện rõ ràng, ông đã lựa chọn dứt khoát không hùa theo bạo hành. Ông từ bỏ
đỉnh cao để bị đối thủ nhấn chìm vào bể khổ, trở thành tù nhân. Đức Phật đã nói
“Hạ đao, thành Phật”. Hành động này của Triệu Tử Dương đầy từ bi, trở
thành gương sáng cho hậu thế. Nhìn về lịch sử, sự khác biệt giữa con người
và quái vật, Phật và quỷ, anh hùng và tội phạm, thường thì chỉ ngăn cách giữa một
ý niệm. Lựa chọn của Triệu khiến người ta gợi nhớ một câu của ông: Tôi không
vào địa ngục, ai vào địa ngục? Nào ngờ câu này lại thành lời tiên tri. Tuy
nhiên, chính nhờ bước nhảy vọt này, khiến ông nhảy vào trái tim nhân loại, bước
vào cung điện của các chính trị gia Trung Quốc hiện đại, và dựng lên một tượng
đài nhân đạo trong bóng tối ảm đạm của chính trị Trung Quốc. Đây là di
sản thứ ba của ông.
Lựa chọn của Triệu Tử
Dương đã đột phá quy luật sắt trong lịch sử Trung Quốc: “Thắng làm vua,
thua làm giặc”. Quy tắc vàng này của kẻ quyền thế đã bị ý dân cuộn trào lật
đổ trong cuộc quyết đấu lịch sử tại Quảng trường Thiên An Môn. Sự kiện Lục Tứ
ngày 4/6 đã chỉ ra: “Kẻ thắng thành tội đồ, người thua thành thánh nhân”.
Hạ bệ Triệu Tử Dương, dùng súng máy và xe tăng giết hại người dân biểu tình, Đặng
Tiểu Bình đã chiến thắng, Triệu Tử Dương thất bại. Tuy nhiên, kẻ chiến thắng đã
trở thành tội đồ trong lịch sử, trong khi người thua cuộc Triệu Tử Dương cho dù
bị mất tự do hơn 15 năm cho đến khi ông qua đời, nhưng đã thành người giám hộ của
các linh hồn tại Thiên An Môn, trở thành biểu tượng nhân cách “dân chủ và pháp
trị” của Trung Quốc. Trong 15 năm sau đó, ông bị giam lỏng tại nhà. Nhưng tinh
thần của ông đã bay ra khỏi lồng, dần thăng hoa và tung cánh hướng đến tự do,
chia sẻ giá trị thiêng liêng và được thế giới tưởng nhớ. Lựa chọn của Triệu Tử
Dương đã phá vỡ hệ thống đánh giá lịch sử cố hữu của Trung Quốc, thiết lập một
hệ thống đánh giá mới. Đây là di sản thứ tư của ông.
Ngày nay, di sản trong những
năm cuối đời của Triệu Tử Dương như “Con đường cải cách” (tiếng Trung) và “Tù
nhân của quốc gia” (tiếng Anh) đã được xuất bản. Tư tưởng và di nguyện của ông
càng được thể hiện rõ và bày ra hoàn chỉnh trước thế giới. Đây là di sản
thứ năm của ông.
Triệu tiên sinh có thể nhắm
mắt mỉm cười nơi chín suối.
Người dân Trung Quốc hiện
nay đang quan tâm nhà cầm quyền Trung Nam Hải lưỡng lự đong đưa giữa hai di sản
chính trị của Mao và Đặng. Có thể gọi đây là “Phân vân giữa hai cực của
ranh giới chính trị”.
Trên thực tế, với nội bộ
Đảng Cộng sản Trung Quốc, di sản chính trị của Mao và của Đặng đã trở thành hai
hệ thống tham chiếu xu hướng chính trị cơ bản. Các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Trung Quốc, và thậm chí nhiều người dân Trung Quốc, đã bị đóng khung tầm nhìn
trong hai xu thế tả và hữu của truyền thống Trung Quốc.
Nhưng cái chết của Triệu
Tử Dương đã khiến bi kịch của ông nổi bật lên trước thế giới. Ngày nay, trước
tác của ông cũng được công bố trước thế giới. Như vậy, trong hệ thống chính trị
của Trung Quốc, di sản của Triệu đã nổi bật lên. Đây là di sản chính trị mới,
khác với Mao cũng như với Đặng. Tháng 8/1988, Triệu Tử Dương nói: “Trong 10
năm qua, kinh nghiệm cốt lõi của tôi là gì? Tôi nghĩ rằng là hai điều, một là nền
kinh tế thị trường, hai là nền chính trị dân chủ, quyết không thể thiếu một”. Trong
tác phẩm để lại mới xuất bản, Triệu Tử Dương nhấn mạnh: “Một quốc gia
muốn thực hiện hiện đại hóa, không chỉ cần nền kinh tế thị trường cùng với sự
phát triển của nền văn minh hiện đại, còn phải thực hiện nền chính trị dân chủ
nghị viện. Bằng không, quốc gia này không thể làm cho nền kinh tế thị trường của
nó khỏe mạnh, hiện đại hóa; cũng không thể thực hiện được xã hội pháp trị hiện
đại. Tương tự như nhiều nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, xảy ra
tình trạng thị trường bị quyền lực thao túng, tệ nạn tham nhũng tràn nan, dẫn tới
một xã hội phân cực nghiêm trọng.”
Điều này hoàn toàn khác với
tọa độ chính trị mới của Mao và Đặng, vì đó là một di sản chính trị mang tính
phổ quát.
Từ di sản của Triệu Tử
Dương, nhìn lại di sản của Mao và Đặng, không khỏi chán nản. Trên quốc tế, nhiều
nhà quan sát đã chỉ ra, nhiều quốc gia xung quanh Trung Quốc đã hoặc đang trở
thành quốc gia tự do, trong mô hình thế giới hiện tại như vậy, Trung Quốc có thể
khoác lớp vỏ đường lối chính trị này trong bao lâu? Trên thế giới còn bao nhiêu
nước đi theo con đường này? Liệu đảng Cộng sản Trung Quốc có đủ ý chí như Liên
Xô cũ thời chiến tranh lạnh đối đầu với các nền dân chủ trên toàn cầu? Những
người cầm quyền tại Bắc Kinh có chỉ số IQ không phải thấp, lòng họ biết rõ ngày
đó sẽ đến.
Do đó về cơ bản, kể từ
khi chính phủ cộng sản Liên Xô cũ sụp đổ, mỗi khóa chính phủ của Đảng Cộng sản
Trung Quốc đều là chính phủ tạm thời, nội các mỗi khóa đều là nội các sống
trong hoang mang, đề phòng, phải tăng cường dùng bạo lực và dối trá để kiểm
soát Trung Quốc, âm thầm gửi con cháu sang Mỹ du học để phòng ngừa, chi bằng
hãy sớm tỉnh ngộ làm theo tấm gương của Triệu Tử Dương vì muôn dân, dùng tính hợp
pháp ngoài Đảng để thay thế tính hợp pháp trong Đảng, lấy tính người thay cho
tính Đảng, làm theo “Triệu Tử Dương cuối đời”. Nhìn lâu dài, điều này không chỉ
để cứu Trung Quốc, cũng là cứu bản thân họ. Tại thời điểm lịch sử quan trọng
này, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang ở đâu? Nghĩ kỹ sẽ không khó để nhận ra.
Chuyên gia về Trung Quốc
Roderick Mac Farquhar từng chỉ ra: “Với Trung Quốc ngày nay, Triệu Tử Dương
không được phép tồn tại. Trong tương lai khi không còn hoang tưởng, có lẽ ông sẽ
được đưa vào danh sách các bậc tiên liệt của Trung Quốc: họ tận lực phục vụ đất
nước, công trạng to lớn, nhưng không chung đường với kẻ thống trị tối cao. Khi
tên tuổi đối thủ chính trị của họ nhanh chóng thành tro tàn, tên tuổi lẫy lừng
của họ được ghi nhớ lâu dài theo thời gian, người người ngưỡng mộ.”
Ngày này sẽ không còn quá
xa.
Blog Trần Khuê Đức
(Bài viết chỉ đại diện cho quan điểm cá nhân tác giả)
Xem thêm:
No comments:
Post a Comment