Monday, December 11, 2017

TRUNG CỘNG BÀNH TRƯỚNG NGOẠI THƯƠNG (Nguyễn Đạt Thịnh)


Nguyễn Đạt Thịnh
Saturday, 09/12/2017 - 11:09:03

Trong một cuộc hội nghị Liên Hiệp Quốc tại Geneva tháng Giêng năm nay, chủ tịch Tập Cận Bình nói thẳng với lãnh tụ các quốc gia khác là Trung Cộng mưu tìm một địa vị trong những quốc gia lãnh đạo thương trường thế giới.

Câu ông nói chỉ xác định tình trạng đã có thật từ nhiều năm nay -Trung Cộng thật sự chiếm vai trò một trong những quốc gia có khả năng sản xuất rất nhanh, rất nhiều, và đứng hạng nhì trên thế giới trong doanh vụ xuất cảng -chỉ sau Mỹ.

Tập Cận Bình tại hội nghị kinh tế Geneva.

Trong năm 2016, thị trường tiêu thụ hàng xuất cảng nhiều nhất của Trung Cộng vẫn là Hoa Kỳ, thương gia Tầu bán $462.8 tỉ sản phẩm Tầu cho khách hàng Mỹ, và mua $115.8 tỉ hàng Mỹ về bán cho khách hàng Tầu; số thặng dư mậu dịch $347 tỉ được tính là thâm thủng trong cán cân ngoại thương của Mỹ.

Ngược với tình trạng xuất nhập cảng hàng hóa, thị trường dịch vụ lại nghiêng cán cân lợi tức sang phía Mỹ: Tầu trả $53.5 tỉ để mướn chuyên viên Mỹ, trong lúc Mỹ chỉ trả $16.1 tỉ để mướn chuyên viên Tầu.

Tính bổ đồng thì trị giá xuất cảng của mỗi người Hoa là $2,413 -bằng với 53.1 tổng sản lượng quốc gia; nói cách khác ngoại thương đem về cho Trung Cộng trên một nửa tổng số GDP.

Trung Cộng thủ lợi rất nhiều trong Thị Trường Chung Thế Giới WTO; họ gia nhập thị trường đó từ năm 2001. WTO khởi đi với một bản thương ước ký kết ngày 15 tháng Tư 1994 giữa 123 quốc gia để thay thế thương ước GATT (General Agreement on Tariffs and Trade).

WTO mở rộng thị trường quốc tế cho Trung Cộng, giúp số hàng xuất cảng tăng gấp đôi, so với thời điểm Trung Cộng chưa vào WTO. Hàng xuất cảng của Trung Cộng chiếm 10.38% tổng số hàng trao đổi trên thị trường thế giới; họ xuất cảng nhiều nhất sang 32 quốc gia, và nhập cảng hàng từ 34 quốc gia.

Nhiều quốc gia lo ngại về việc Trung Cộng xuất cảng nhiều sang nước họ, mà nhập cảng ít hơn. Tính trung bình, mức độ thiếu thăng bằng trên thị trường xuất và nhập cảng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng lên đến $315 tỉ Mỹ kim; so với tình trạng mua vào nhiều, bán ra ít của một thập niên trước, tình trạng thua thiệt của Hoa Kỳ gia tăng đến ba lần.

Người Mỹ dùng chữ “dumping” để mô tả hoạt động xuất cảng của Trung Cộng, chữ này có nghĩa là đổ rác -Trung Cộng bán tháo, bán đổ hàng hóa vào thị trường Mỹ với giá rẻ mạt, gây ảnh hưởng nặng nề trên kỹ nghệ sản xuất của Mỹ. Họ bán rẻ được nhờ hai thủ đoạn: một là chính phủ Trung Cộng tài trợ hàng xuất cảng để “giật mối” tranh thương với hàng nội hóa; và hai là họ định giá thấp đồng hoa kim (yuan) khiến hàng xuất cảng đã sẵn rẻ, lại càng rẻ hơn.

Nói cách khác, xuất cảng không chỉ là hoạt động ngoại thương của Trung Cộng, vì qua việc dumping, bán rẻ, bán nhiều, Trung Cộng còn có chủ đích diệt kỹ nghệ sản xuất tại các quốc gia khác. Kỹ nghệ sản xuất của Mỹ, của Nhật vốn rất mạnh, mà giờ này đang khốn đốn với chiến thuật “bán đổ, bán tháo, bán thật rẻ” của Tầu.

Chỉ cần 5, 10 năm nữa, Trung Cộng sẽ chiếm vai trò “xưởng sản xuất cho cả thế giới” -cung cấp từ cái chén đôi đũa đến chiếc xe đạp, chiếc xe hơi cho mọi người, bất kể họ mang quốc tịch gì, đang sống tại quốc gia nào.

Trên thương trường, Trung Cộng đang nắm giữ vai trò thứ nhì -chỉ sau Mỹ; vai trò đó chưa làm thỏa mãn tham vọng của ông Tập; ông và bộ tham mưu của ông vẫn tìm mọi cách để những kỹ nghệ gia lớn nhất, giầu mạnh nhất thế giới đem hãng xưởng của họ sang Tầu.

Lợi khí mạnh nhất của Tầu vẫn là nhân công rẻ; yếu tố đó làm chiếc điện thoại tối tân nhất sản xuất tại Trung Cộng rẻ hơn tại bất cứ nước nào trên thế giới đến hàng trăm mỹ kim. Trung Cộng lại khẩn thiết mời mọc, ân cần biệt đãi những doanh nhân đem dịch vụ đến Trung Quốc.

Thứ Tư mới rồi, 6 tháng 12, 2017, tạp chí Fortune của Mỹ tổ chức một buổi họp và mời gần 100 doanh nhân thế giới đến Quảng Châu để nghe người Tầu trình bày khả năng và thiện chí của họ tạo ra hàng trăm triệu tiền lời phụ trội cho vị nào muốn sản phẩm của hãng mình mang dấu hiệu “Made in China.”

Tổng giám đốc những doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ như Apple, Ford Motor, Philips, Walmart, cùng với một vài chính khách, như thủ tướng Gia Nã Đại Justin Trudeau, đã có mặt. Tập không đích thân tham dự, nhưng vẫn gửi thông điệp chào mừng đại hội; nội dung thông điệp nói, "Không những không bế quan tỏa cảng, mà Trung Quốc còn mở rộng mọi cánh cửa doanh thương để được cộng tác với quý vị."

Đại diện Tập, Phó Thủ Tướng Uông Dương, đọc diễn văn khai mạc đại hội, cam kết với mọi người là người ngoại quốc và doanh vụ của họ sẽ được đối xử không kỳ thị, không khác biệt với nhân dân và doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông Kenneth Jarrett chủ tịch Phòng Thương Mãi Mỹ tại Thượng Hải nhận xét, “Chúng tôi vui mừng đón nhận việc chính phủ Trung Quốc tái khẳng định chính sách công bằng đối xử với doanh vụ ngoại quốc, và rất mong chính phủ thực sự thực hiện chính sách đó.”

Nhận xét này cho thấy thái độ còn dè dặt của thương gia Mỹ; nhưng ông Tim Cook, giám đốc Apple lại cho là Apple có thể nhìn nhận thiện chí của Trung Cộng và sẵn sàng tôn trọng luật lệ của quốc gia chủ nhà.

Năm ngoái, Cook cũng đã ca ngợi thái độ hiếu khách và khuyến khích đầu tư của Trung Cộng, qua câu tuyên bố, “Tôi nhìn nhận không khí cởi mở, thân thiện của Trung Quốc; ngoài Hoa Kỳ, chúng tôi thấy Trung Quốc là thị trường tốt cho chúng tôi.”

Ông Kenneth Jarrett

Và ông Tim Cook

KFC, GM, Starbucks, McDonalds và nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc; họ không ca ngợi chính phủ Trung Cộng, nhưng cũng không phiền trách gì.

So sánh trên bình diện doanh nghiệp thì thái độ của Tập Cận Bình quan tâm đến doanh nghiệp nhiều hơn hai vị tổng thống Mỹ và Nga; Tổng Thống Nga Putin đang bận bịu với việc tái ứng cử nhiệm kỳ thứ tư của mình, trong lúc Tổng Thống Mỹ, ông Trump, phải vào quân y viện Walter Reed National Military Medical Center. Ông bị bệnh lịu lưỡi trong lúc nói qua máy vi âm.

Còn lại Tập Cận Bình trong cảnh đơn chiếc một mình một chợ; ông độc diễn trước một cử tọa chán nản, không buồn phê bình phê tách gì nữa cả. (ndt)








No comments: