Sunday, December 10, 2017

TRUMP, LUẬT THUẾ MỚI & TƯƠNG LAI KINH TẾ Ở MỸ (Vũ Quang Việt)


Vũ Quang Việt
10/12/2017

Không biết đã có lúc nào chính trị Mỹ phân liệt như hiện nay? Đảng cộng hòa đã đóng cửa bàn với nhau về dự thảo luật thuế, và chỉ đưa ra bản dự thảo vài giờ trước khi bỏ phiếu ở Thượng viện. Và ngay lúc đó nhiều điều vẫn còn được thêm vào, bỏ đi, hay sửa chữa để có đủ phiếu, và dân chuyên nghiệp đang lo sợ là những chồng chéo mâu thuẫn trong các mục có thể gây vấn đề trong tương lai. Đảng dân chủ coi như bị bịt miệng. Tình hình như thế cho thấy luật thuế này có lẽ cũng không thể dài lâu vì Đảng Dân chủ sẽ kiếm cách xóa nó khi họ nắm đa số. Luật thuế như thế sẽ khó lòng tạo sự ổn định và nâng sự tin tưởng của dân chúng vào nó. Người đầu tư sẽ nhìn dài hạn để tính toán, chứ không chỉ nhìn vào tỷ lệ thuế được giảm, nếu họ đánh giá là luật này có thể bị xóa trong tương lai.

Theo báo New York Times (Dec 6, 2017) Trump cho rằng Luật thuế sẽ đưa kinh tế tăng trưởng 6%.

Ngược lại, trước đó một điều tra hỏi ý kiến 42 nhà kinh tế của Trường Thương Mại ở Đại học Chicago, trong đó có nhiều người hoặc đoạt giải Nobel hay đã là Chủ tịch Hội Kinh tế Mỹ, cho thấy chỉ có 1 người nghĩ rằng GDP sẽ đáng kể. Trung tâm nghiên cứu về thuế (Tax Policy Center) cho rằng GDP sẽ tăng thêm 0.6% năm 2018, nhưng sau đó chỉ còn 0.27% từ năm 2027.

Tình hình sẽ như thế nào?

Trước khi đánh giá, cần thấy rằng tốc độ tăng GDP về dài lâu và ở mức cao nhất (tức là kinh tế toàn dụng) là kết quả tổng hợp của hai con số: tốc độ tăng lực lượng lao động và tốc độ tăng năng suất lao động. Và dự báo đáng tin cậy nhất là về dài lâu tốc độ tăng GDP bình quân năm của Mỹ chỉ khoảng 2.5%. Tất nhiên ngay sau chu kỳ khủng hoảng thì GDP có thể tăng cao hơn bình thường.

Theo dự báo Cục Điều tra Thống kê Mỹ (US Census) tính đến 2060, dân số Mỹ sẽ tăng chậm lại so với trước đây, hiện nay là dưới 1% một năm nhưng sẽ giảm xuống 0.20% từ năm 2050 trở đi, như thế, mỗi năm trung bình tăng khoảng 0.60% vì tỷ số sinh giảm và số nhập cư cũng sẽ giảm, ngoài ra số dân trên 65 tuổi, vào tuổi nhận bảo hiểm xã hội sẽ tăng từ 13% lên 25% dân số.

Theo Cục Thống kê Lao động (Bureau of Labor Statistics) lực lượng lao động cũng sẽ tăng chậm lại, chỉ khoảng 0.5% từ 2015-2024 và sẽ xuống mức 0.2%.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động, tính trung bình cho các thời kỳ (từ 5 năm trở lên), chưa bao giờ năng suất lao động tăng trung bình hơn 3% một năm. Cho nên đạt được tốc độ tăng bình quân năm 3% ở Mỹ sẽ là thần kỳ. Thời kỳ 2000-2007 có năng suất lao động tăng cao 2.6% vì sự ra đời của công nghệ thông tin, và thời kỳ này đã qua rồi. Chính vì thế Cục Dự trữ Mỹ (Ngân hàng Trung ương) cho rằng về đường dài tốc độ tăng GDP cao nhất có thể là 3% và trung bình sẽ chỉ là 2.5%, tức là năng suất lao động góp phần vào khoảng 2%.


Trung bình năm (%)
1947-1973     2.8
1973-1979     1.2
1979-1990     1.5
1990-2000     2.2
2000-2007     2.6
2007-2016     1.2

Dự báo trên rất đáng tin cậy vì từ trước đến nay năng suất lao động ở Mỹ chủ yếu lúc đầu là ở từ khu vực nông nghiệp rồi chuyển sang khu vực công nghiệp. Nhưng vì do tăng năng suất lao động, lao động trong công nghiệp có lúc chiếm gần 30% lực lượng lao động lúc cao điểm đã giảm xuống chỉ còn 8,7%, còn tính theo GDP chỉ còn 11,5%. Vậy thì có tự động hóa toàn diện cũng không tăng GDP đáng kể vì tỷ lệ khu vực này không còn đáng kể. Phần còn lại hơn 80% là dịch vụ, rất khó tăng năng suất.

Nói chung thì như thế, nhưng cũng cần xem xét tình hình sắp tới khi cắt thuế dựa vào xem xét lại lịch sử kinh tế Mỹ.

Chủ thuyết kinh tế Reagan (1980-1988) : giảm thuế nhằm tăng tốc GDP

Reagan thắng cử, đánh bại Carter bởi nhiều lý do: Carter ăn nói kém và thiếu sức hấp dẫn quần chúng, bị Iran xử lý bạo động, bắt các nhà ngoại giao ở Iran mà không có phản ứng cứng rắn, và về mặt kinh tế thì phải trả giá cho chính sách thành công chống lạm phát của Chủ tịch Cục dự trữ Liên Bang Paul Volcker do Carter bổ nhiệm. Năm 1979, chỉ trước cuộc bầu cử tổng thống mộnăm, để chống lạm phát, Volcker hạn chế cung tiền và tín dụng, đưa lãi suất chính (prime rate) lên cao, có lúc lên tới đỉnh điểm là 21.5%, và do đó đưa tỷ lệ thất nghiệp lên hơn 10%, nhưng lạm phát ở mức 14.8% năm 1980 giảm xuống dưới 3% năm 1983.

Reagan thắng cử và được hưởng tình hình kinh tế ổn định hơn nhiều so với trước đó, cho rằng giảm thuế sẽ tăng tốc GDP và do đó thuế sẽ thu được nhiều hơn. Người có ảnh hưởng đến Reagan chính là một nhà kinh tế. Aurthur Laffer vẽ ra đường cong Laffer để giải thích rằng khi thuế suất đến điểm cực đại (T*) thì người ta không còn ham làm việc nữa, và do đó dù thuế suất tăng, thuế thu được giảm. Do đó giảm thuế suất thì số thuế thu được sẽ cao hơn.

Hình 1. Đường cong Laffer


Hình 2. Tỷ lệ thuế và ngân sách Liên bang và đầu tư trên GDP ở Mỹ, 1975-2016

Đường cong Laffer là lý thuyết trà dư tửu hậu vì Laffer không thể chứng minh được thuế suất nào là cực đại, và kết quả của chính sách Reagan đã làm giới kinh tế sau đó thường đem Laffer làm trò diễu cợt. Reagan giảm thuế thu nhập cá nhân từ tỷ lệ cao nhất là 70% xuống 28%.

Nhưng tình hình thực tế lại không như Laffer tưởng tượng. GDP có tăng cao hơn một chút nhưng không đáng kể, bởi tỷ lệ đầu tư trên GDP cũng chỉ tương tự như trong 5 năm trước đó (khoảng 18,5%). Trong khi tỷ lệ thuế thu trên GDP giảm, trước đó là 12,7% sau đó giảm xuống 11,6% rồi 10,5%. Tốc độ tăng GDP trung bình thời Reagan (1981-1988) là 3,5% so với 4 năm bình quân 3,3% thời Carter (1977-1980).1

Thế nhưng, do thuế thu không tăng mà chi quốc phòng lại tăng, khiến thiếu hụt ngân sách trung bình thời Reagan tăng vọt lên -4.3% so với -2.7% năm 1980 thời Carter.

Hình 3. Tốc độ tăng GDP qua các đời Tổng thống Mỹ 

Chính sách kinh tế thời Clinton (1993-2000): tăng thuế, giảm thiếu hụt ngân sách, tạo ổn định

Ngược lại với Reagan, Clinton tăng thuế.

Thời Clinton tất nhiên được hưởng thành quả từ thời Reagan, kinh tế ổn định nhưng ngân sách thiếu hụt lớn. Để xóa bỏ thiếu hụt ngân sách có áp lực lớn trên lãi suất, Cliton tăng thuế thu nhập cá nhân lên 35%. Tuy nhiên, lúc quyết định chính sách tăng thuế vào cuối năm 1993 thì nền kinh tế đã khá vững chắc, GDP tăng ở mức 3,.4%.

Nói chung, thời Clinton là thời vàng son, lạm phát thấp (thường dưới 3%), lãi suất ổn định ở mức thấp (dưới 5%) và bùng nổ của công nghệ máy tinh, GDP tăng bình quân gần 4% và cán cân ngân sách chính phủ Liên bang trở nên dư thừa kể từ 1997 (coi hình 3 và hình 4).

Hình 4. Cán cân ngân sách chính phủ Liên bang ở Mỹ

Tất nhiên nhiều yếu tố làm nên tốc độ phát triển cao chứ không đơn giản là thuế. Thực tế cho thấy thuế có ảnh hưởng nhưng không phải là yếu tố quan trọng. Quan trọng nhất là tình hình kinh tế ổn định, theo nghĩa lạm phát và thiếu hụt ngân sách thấp, không chỉ trong nước mà còn nước ngoài.

Thời Clinton (1993-2001) là thời ổn định, lòng tin vào thị trường lên cao, sau khi Liên Xô bị xóa sổ trên bản đồ năm 1991. Chính sự tự tin thái quá này, đã đẩy Clinton tới chính sách tự do quá đà. Clinton xoá bỏ rất nhiều các luật lệ kiểm soát khu vực tài chính nhằm giảm thiểu tính đầu cơ của khu vực này, đặc biệt là rào cản phân biệt giữa ngân hàng thương mại (chủ yếu thu hút tiền gửi và cho vay) và ngân hàng đầu tư (chủ yếu đầu tư chứng khoán và công cụ tài chính) cấm sử dụng tiền ký gửi để đầu cơ tài chính kiểu đánh bạc, yêu cầu vốn tự có tối thiểu trong hoạt động tài chính, cũng như trong cho vay mua nhà. Để lấy lòng dân, Clinton và bộ xậu kích tài chính đầu tư nhà ở (lấy danh nghĩa khuyến khích cho người nghèo mua nhà dù họ không có tiền), ngân hàng thoải mái chứng khoán hóa tiền cho vay để bán trên thị trường, đẩy rủi ro cho người mua. Sự rũ bỏ các rào cản kiểm soát này đã đưa đến khủng hoảng tài chính cuối thời Bush khi giá nhà nổ bong bóng, mà Obama đã mất 8 năm để thu dọn. Volcker chính là người đã đưa lại một số rào cản cần thiết này nhưng Trump lại đang muốn xóa.

Nhưng hiện nay dường như Đảng Cộng hòa đã bỏ quên các bài học trên, chủ trương giảm thuế để tăng trưởng cũng như chủ trương xóa bỏ mọi rào cản tài chính. Tất nhiên không cần phải kể đến Trump một tay ngang, một người chỉ biết kiếm bạc trong thị trường địa ốc.

Kinh tế Mỹ thời Trump

Nền kinh tế đang bị chiếu tướng bởi hai sao quả tạ. Thứ nhất, nợ của chính phủ rất lớn, kết quả của chính sách cứu nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng 2007 lớn nhất từ sau 1930. Nợ công của Liên bang đã tăng từ khoảng 30% GDP những năm 1980 lên trên 100% GDP năm 2017, và vượt xa thời Reagan. Thứ hai, thiếu hụt vẫn lớn. Và do đó giảm thuế nếu không cắt giảm chi tiêu, sẽ đổ thêm dầu vào thiếu hụt và nợ. Cắt giảm chi tiêu là biện pháp đánh vào những người nghèo thuộc Đảng Cộng hòa đã tin và bỏ phiếu cho Trump. Cũng may là đồng USD là đồng chuyển đổi được cả thế giới chấp nhận chứ nếu không đã mất giá trị nghiêm trọng.

Cho đến thời điểm bỏ phiếu về luật thuế, đóng góp của Trump là zero, ngoài tweet cãi lộn, mặc dù các điều tra cho thấy dân chúng tin tưởng vào thị trường hơn trước.

Sự tin tưởng này một phần là do kinh tế đang đi vào ổn định hơn, thất nghiệp giảm từ trên 10% xuống 4.6% vào cuối năm 2016 khi Obama mãn chức và hiện nay vào cuối năm 2017, thất nghiệp còn 4.1%.

Trước đó, kinh tế xuống dốc mạnh cuối thời Bush vào năm 2007 trở đi, khi thị trường nhà đất và thị trường chứng khoán nổ bong bóng.  Obama với chính sách cứu nguy nền kinh tế, bằng cách cứu một số công ty tài chính và ô tô với ngân khoản trên 700 tỷ US đã từ từ đưa nền kinh tế trở lại bình thường, đạt tốc độ tăng trung bình 2,5%.(Coi Hình 5).

Năm 2017, khi Trump nắm quyền, kinh tế có khởi sắc hơn, đạt khoảng trên 3% quí 2 và 3 và có thể 2,5% quí 4 do ảnh hưởng của bão. Như thế cả năm có thể đạt 2,5% hay hơn.

Hình 5. Tốc độ tăng GDP ở Mỹ những năm gần đây

Nói tóm lại kinh tế Mỹ đang trên đà tốt hơn, nhưng chưa có thể nói Trump có công trạng gì cả. Cho đến cuối năm, Trump chưa đạt được một thay đổi nào về kinh tế. Chi tiêu chính phủ năm 2017 là dựa vào ngân sách thông qua năm 2016 thời Obama. Trump có ý định tăng chi cho hạ tầng cơ sở để đẩy mạnh kinh tế, nhưng vẫn nằm trong ý định.

Phải chăng dân chúng hồ hởi về Trump ?

Hiện nay Trump chỉ được ủng hộ của 37-38% dân Mỹ. Tỷ lệ ủng hộ ở năm đầu tiên cầm quyền như thế là thấp nhất trong lịch sử Mỹ. Còn luật thuế thì có đến 49% dân Mỹ chống và chỉ có 29% là ủng hộ.

Như vậy hồ hởi của dân chúng chỉ là từ một số nhỏ, nằm ở những bang nghèo trước đây sống khá vì khai thác tài nguyên.

Hồ hởi về tiêu dùng (consumer confidence) thì đúng là đang xảy ra nhưng đó là vì nền kinh tết tiếp tục ổn định và khởi sắc, mà là kết quả của người khác chứ không phải của Trump.

Hồ hởi của giới tư bản tài chính và khai thác nguyên liệu có lẽ là đúng. Tất cả những tiết chế kiểm soát môi trường bị xóa bỏ, thuế cho người giầu giảm thì tất nhiên giới tài phiệt và tư bản khai thác tài nguyên sẽ hồ hởi.

Nhiều người hy vọng số tiền công ty Mỹ vừa giữ trong nước vừa giữ ở nước ngoài để không bị đóng thuế dưới dạng tiền của công ty độc lập đăng ký ở nước ngoài Mỹ kiểm soát sẽ được chuyển trở lại Mỹ, đóng góp vào đầu tư. Hiện nay tính tới tháng 6 năm 2017, số tiền mà các công ty giữ trong tay nhưng không đầu tư lên tới 1,84 ngàn tỷ, bằng khoảng 10% GDP, trong đó 5 công ty IT nắm 625 tỷ. Ngoài ra, các công ty Mỹ còn giữ khoảng 2,5 ngàn tỷ ở nước ngoài dưới danh nghĩa công ty nước ngoài vì sợ bị thuế khi chuyển về nước. Tổng số tiền này lên hơn 20% GDP liệu có đưa vào đầu tư không? Khó có thể trả lời, vì người đầu tư phải tìm nơi có cơ hội đầu tư vượt tỷ lệ lãi ngân hàng hay trái phiếu, cho nên không nhất thiết họ quẳng tiền vào thị trường, qua đó GDP tăng tốc. Và rất có thể họ chuyển số tiền này về khi thuế suất giảm nhưng có thể phần lớn phân phối dưới dạng cổ tức cho người sở hữu cổ phần hoặc dùng để mua các công ty khác, tăng cường sức mạnh chi phối thị trường, kể cả trở thành độc quyền.

Tôi thấy vì sự cạnh trạnh giữa các nước về thuế, mà hiện nay tỷ lệ thuế thực đóng ở Mỹ (effective tax rate) là 18,6% là rất cao so với nhiều nước, cần phải giảm là hợp lý để tăng sức cạnh tranh của Mỹ. Tỷ lệ thực đóng thấp hơn nhiều thuế suất danh nghĩa 35% là vì các doanh nghiệp sử dụng nhiều lỗ hổng khấu trừ để giảm thuế, đặc biệt là việc trả lương hay trả lãi cho các công ty của chính họ được đăng ký ở nước ngoài có tỷ lệ thuế thấp, thậm chí không thuế. Luật thuế mới giảm tỷ lệ danh nghĩa nhưng không hiểu có thể bịt được lỗ hổng để doanh nghiệp sử dụng khấu trừ thuế không (vấn đề vẫn không rõ ràng vì dự thảo thuế chỉ được trao đổi kín giữa dân biểu Đảng Cộng hòa).

Nhưng vấn đề là liệu các bang ở nước Mỹ có cho phép các công ty khai thác sắt thép, than đá ô nhiễm môi trường không? Và họ cho phép sử dụng các nguyên liệu ô nhiễm để sản xuất điện không? Lá phiếu là ở địa phương chứ không phải ở liên bang.

Và với đà phát triển của công nghệ mới dùng năng lượng tái tạo và tự động hóa, mà theo điều tra hỏi ý kiến chuyên gia về tự động hóa của tờ báo Economist số về năm 2018 vừa qua thì máy sẽ hoàn toàn thay người khoảng 125 năm nữa.

Lúc đó, giới có sở hữu công ty và tài chính và giới lao động trí óc sẽ giầu có, còn tuyệt đại đa số sẽ không có việc. Như thế, giải pháp sẽ là gì?

Vấn đề thuế

Đúng là Mỹ phải giảm thuế công ty vì 35% là quá cao so với các nước khác ở mức 15-20% như Hồng Kông, Singapore, và vài nước châu Âu trong cuộc đua chạy xuống đáy.

Tuy nhiên không có lý do gì để giảm thuế cho người giàu, thậm chí cần tăng để có thể thực hiện những chương trình xã hội.

Các cơ quan chuyên môn về thuế do Quốc hội lập nên tiên đoán là thiếu hụt ngân sách sẽ tăng lên thêm ít nhất 1,0 ngàn tỷ trong 10 năm tới.  Năm 2016 thiếu hụt ngân sách là 697 tỷ (3.7% GDP) và như thế sẽ tăng thiếu hụt lên trên 3.7%. Như thế có thể thấy, giảm thuế cho giới trung lưu hay người nghèo chỉ có tính cách tạm thời, bởi họ sẽ thiệt thòi hơn (hưởng trợ cấp so với đóng thuế) kể từ năm 2027 trở đi khi luật tạm giảm thuế này bị bãi bỏ, nhưng ngược lại người giầu có lại được tăng hưởng lợi. Và nếu Đảng Cộng hòa và Trump muốn giảm thiếu hụt ngân sách thì họ phải thay đổi luật ngân sách, bởi vì chỉ có 29% ngân sách là chính quyền có thể tự thay đổi (discretionary spending), còn phần lớn 71% là phải chi theo luật (mandatory spending) dựa vào các qui định như chi tiêu cho bảo hiểm xã hội. Cho nên muốn giảm thiếu hụt mà lại giảm thuế thì chỉ có cách là cắt giảm chi cho giới trung lưu đã về hưu và người nghèo.

Mối nguy sắp tới

Thời gian gần đây, chỉ số chứng khoán ở đáy 9.345 vào năm 2009 lúc Obama lên cầm quyền. Khi Obama mãn nhiệm lần 2 chứng khoán Dow Jones lên 20.000. Và 1 năm sau, vào tháng 12 lên 24.000.

Tình trạng thị trường nhà đất dù không lên quá đáng như thế cũng tương tự, đạt chỉ số SP/Case-Shiller cho cả nước Mỹ lên gần 200 vượt hẳn giá đỉnh điểm 6% thời trước khủng hoảng năm, còn ở San Francisco thì cao hơn nhiều. May thay chỉ số này vẫn chưa trở lại như cũ ở thành phố NYC.
 
Câu hỏi đặt ra là tại sao?

Ít ai dám khẳng định mình có câu trả lời, dù biết rằng đầu tư vào địa ốc và chứng khoán là hai nơi ra tiền nhất khi nền kinh tế trở lại ổn định, GDP tăng trưởng dù thấp hơn mức trung bình đạt được 3% trong quá khứ và lạm phát thấp. Có hai lý do để người ta chạy vào hai khu vực trên: (a) lãi suất ngân hàng và lãi suất trái phiếu nhà nước rất thấp và kéo dài quá lâu suốt từ năm 2008 đến tháng đầu năm 2017 lãi vay ngân hàng trung ương (federal fund) dưới 0,5% và hiện nay là 1,1%; (b) lãi cổ tức cao hơn lãi suất ngân hàng; (c) các quĩ đầu tư tài chính từ những năm 1990, 2000 trở nên rất lớn, nên sẵn sàng chui vào những chỗ trũng để có lợi hơn.

Chỉ còn một điều là khi tình thế xoay chiều không kịp rút chân thì những nhà đầu tư này sẽ phải trả giá lớn. Không có gì cho thấy GDP chỉ tăng (theo thời giá) từ 2009 đến nay là 35% mà chứng khoán tăng tới 256%. Về dài lâu, mọi lý thuyết kinh tế đều cho rằng hai chỉ số này sẽ phải tăng ở mức tương đương (hoặc theo giá hiện hành hoặc theo giá cố định).

Có thể nói từ thời Clinton, kinh tế đã bị điều động bởi giới tài phiệt tài chính, nó đã đẩy nền kinh tế xuống hố đen năm 2007-2008 và có thể với Luật thuế sắp tới, tạo nên thiếu hụt ngân sách cao lên, gây bất ổn thêm cho nền kinh tế. Ngân sách thiếu cao sẽ khó có khả năng nước Mỹ bỏ tiền đảo ngược sự xuống cấp nghiêm trọng của hạ tầng cơ sở ở khắp nơi trên nước Mỹ.

Nếu Trump thành công phá bỏ tất cả các tiết chế kiểm soát thị trường tài chính, thì khủng hoảng kinh tế là điều có thể sẽ xảy ra.

Vũ Quang Việt


1. Toàn bộ số liệu thuế và GDP là từ số liệu của USBEA








No comments: