Đăng ngày 12-12-2017
« One
Planet Summit » hay « Thượng đỉnh vì Một hành tinh » do Pháp, Liên Hiệp Quốc và
Ngân Hàng Thế Giới đồng tổ chức tại Paris. Mục tiêu là để duy trì ngọn lửa đấu
tranh chống biến đổi khí hậu và tìm nguồn tài chính thực hiện hiệp định COP 21,
tránh cho một phần trái đất bị diệt vong, nếu không ngăn được nhiệt độ tăng hơn
2°C từ nay đến cuối thế kỷ.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong một diễn đàn bên lề Thượng đỉnh One
Planet Summit, ngày 11/12/2017 tại Paris.REUTERS/Philippe Wojazer
Hai năm sau ngày ký hiệp định khí hậu COP 21, một lần
nữa, nước Pháp lên tuyến đầu. Thượng đỉnh vì Một hành tinh ngày 12/12/2017 là một
trong những « chặng đường » với bản tuyên bố chung, duyệt qua
12 điều cam kết mà các bên tham dự hứa hẹn để bảo vệ địa cầu.
Hội nghị quy tụ nguyên thủ và thủ tướng đại diện 60
nước trên thế giới cùng với các nhà đầu tư, các tổ chức phi chính phủ, ngân
hàng…
Theo tuyên bố của tổng thống Pháp Emmanuel Macron
thì cần phải « hành động khẩn cấp để làm thay đổi tình huống vì tương
lai thế hệ mai sau thừa kế trái đất này nhưng có thể đã trễ ».
Khẩn cấp bởi vì trong hai năm qua, tinh thần phấn khởi
phát sinh từ hiệp định COP 21, được long trọng ký kết vào năm 2015, đã giảm dần.
Một trong những nguyên nhân chính là nước Mỹ của ông Donald Trump đã tuyên bố
rút lui.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, cho dù tất cả các nước
ký kết có tôn trọng lộ trình ghi trong COP 21, thì nhiệt độ khí quyển vào cuối
thế kỷ vẫn tăng thêm 3°C chứ khó dừng lại ở 2°C như dự kiến lạc quan nhất.
Lý do là thiếu tài chính thực hiện cam kết. Do vậy,
Thượng đỉnh vì Một hành tinh lần này kỳ vọng vào xã hội công dân, vào giới tài
chính, tập đoàn công nghiệp tư nhân đóng góp. Một viên chức của Ngân Hàng Thế
Giới tuần trước cho biết là « phải huy động những nguồn tiền lớn, điều
phối vào các kế hoạch có hiệu quả thấy được ».
Cụ thể có hai hình thức đầu tư. Thứ nhất là chính phủ
phải khuyến khích các công ty tập trung vào năng lượng sạch, thay thế nhiên liệu
gây ô nhiễm hiện dùng. Thứ hai là các nước giàu phải giúp các nước nghèo tiến
hành các chương trình cải cách sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, thích nghi
với biển đổi khí hậu, xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ bờ biển chống xâm thực.
Hai năm sau COP 21, các mục tiêu này vẫn còn xa xôi.
Nhóm G20, tức 20 nước phát triển nhất địa cầu, vẫn còn sử dụng xăng, dầu, than
đá đến 78 tỷ đô la hàng năm, trong khi phần nhiên liệu sạch chỉ có 18 tỷ.
Nhiều nước đang phát triển, nhất là ở châu Phi, rất
thất vọng sau hội nghị khí hậu COP 22 ở Maroc, năm 2016 và COP 23 ở Đức, tháng
11 vừa rồi. Lời hứa đoàn kết của các nước giàu với 100 tỷ đô la viện trợ không
được thực hiện cụ thể. Nick Nuttall, phát ngôn viên ban thư ký của Công ước
Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu trấn an là « có triển vọng từ nay đến
2020 ».
Trong số các tác nhân kinh tế tư nhân của Pháp năng
nỗ chịu lên tuyến đầu có nhiều ngân hàng và tập đoàn bảo hiểm. BNP-Parisbas và
Crédit Agricole cam kết đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và chuyển đổi
năng lượng.
Các ngân hàng Pháp này nằm trong nhóm hành động mang
tên « Climat-Action 100+ » gồm 200 nhà đầu tư công nghiệp. Với
trọng lượng 26.000 tỷ đôla, « Climat-Action 100+ » cam kết
gây sức ép lên trên 100 công ty thải khí gây hiệu ứng nhà kính, như tập đoàn
than đá Ấn Độ Coal India, Exxon Mobil của Mỹ và tập đoàn dầu khí quốc doanh của
Trung Quốc để buộc các « ống khói » gây ô nhiễm này cải tiến.
Ngành
tài chính nhập cuộc
Ngày 11/12/2017, trước thềm thượng đỉnh One Planet
Summit, giới ngân hàng và các quỹ đầu tư thông báo dành ưu tiên cho các ngành
công nghệ sạch.
Cách nay hai năm, nhân thượng đỉnh COP 21 tại Pháp,
tổ chức bảo vệ môi trường mang tên New Climate Economy thẩm định từ nay tới năm
2030, nhu cầu tài trợ cho các dự án phát triển bền vững trên thế giới lên tới
90.000 tỷ đô la. Nếu quản lý một cách hiệu quả, thì con số này chỉ cao hơn so với
tiến trình phát triển bình thường có 5 %.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào thuyết phục các tâp
đoàn tài chính chuyển hướng đầu tư vào các dự án « xanh » ít thải khí carbon ?
Ngân Hàng Thế Giới đề ra mục tiêu, đến ngưỡng 2020,
ít nhất, 28 % các khoản đầu tư của định chế tài chính đa quốc gia này phải dành
cho các dự án sạch, thay vì 22 % như hiện tại
Năm ngoái Câu Lạc Bộ Tài Chính Quốc Tế vì Phát Triển,
tập hợp 23 ngân hàng phát triển trên thế giới, dành 173 tỷ đô la để đầu tư vào
các « công trình xanh » Khối tiền này tăng 20 % so với hồi 2015.
Trong mắt giám đốc đặc trách khí hậu của Tổ Chức Hợp
Tác Và Phát Triển Kinh Tế, OCDE, Simon Buckle, ngành tài chính đang «
bước lên tuyến đầu » để đối phó với hiện tượng trái đất bị hâm nóng.
Đơn giản là vì các ngân hàng mong kiếm lãi cao, trong lúc, như ghi nhận của thống
đốc Ngân Hàng Trung Ương Anh Mark Carney cách nay hai năm, « ổn định của
ngành tài chính tùy thuộc một phần vào yếu tố khí hậu ». Nếu như một mỏ
than hay khu dự trữ dầu hỏa bị thiên tai, ngân hàng sẽ khó thu về nhiều lãi.
Các quỹ bảo hiểm và quản lý tiền hưu của người lao động
Mỹ cũng đang từng bước thuyết phục các cổ đông tránh để tất cả trứng cùng một
giỏ, mà nên hướng tới các dự án «bền vững»
Tuy nhiên theo một thăm dò thực hiện cho ngân hàng
Anh, HSBC, nếu như tại Châu Âu có tới 97 % nhà đầu tư muốn dùng đồng tiền để
góp phần giữ cho trái đất được mãi xanh, thì tỷ lệ đó rơi xuống còn 85 % ở
Bắc Mỹ, 64 % tại Á Châu và 19 % trong vùng Trung Đông !
Điều đó cho thấy, khí hậu, môi trường chưa hẳn là
quan tâm hàng đầu của tất cả các nhà triệu phú, tỷ phú trên thế giới.
------------------------------
Thanh Hà - RFI
Đăng ngày 12-12-2017
Huy động vốn đầu tư vào các dự án xanh, chống hiện
tượng hâm nóng Trái đất, đó là mục tiêu của Thượng đỉnh Vì Một Hành Tinh, One
Planet Summit, khai mạc sáng nay 12/12/2017 tại khu trung tâm nghệ thuật La
Seine Musicale, trên đảo Seguin, Boulogne Billancourt, ngoại ô Paris.
*
Đăng ngày 12-12-2017
Hai
năm sau thỏa thuận Paris lịch sử ngăn chặn hiện tượng trái đất bị hâm nóng tại
hội nghị COP 21, hôm nay 12/12/2017, thủ đô nước Pháp lại đón tiếp hàng chục
lãnh đạo các quốc gia dự Thượng đỉnh về khí hậu mang tên One Planet Summit. Mục
tiêu là thúc đẩy thế giới hành động mạnh hơn để có được những bước tiến cụ thể
trong việc chống biến đổi khí hậu.
*
Thùy Dương - RFI
Đăng ngày 12-12-2017
Cách
đây 20 năm, ngày 11/12/1997, lần đầu tiên trong lịch sử, tại thành phố Kyoto,
Nhật Bản, các nước phát triển cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính
trong một văn kiện mang tên Nghị định thư Kyoto. Các chuyên gia nhìn lại hai thập
kỷ đóng góp của Nghị định thư trong công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất.
*
Tú Anh - RFI
Đăng ngày 12-12-2017
Bảo
vệ trái đất chống hiệu ứng nhà kính cũng là cuộc chiến của hơn 90 thành phố lớn
trên thế giới đứng chung trong tổ chức mang tên C40, mà chủ tịch là đô trưởng
Paris, Anne Hidalgo. Tác động nhân quả của ô nhiễm, khí hậu biến đổi và tử vong
được khẳng định trong nhiều báo cáo gần đây.
Theo phúc trình của tổ chức C40, chỉ cần các thành
phố lớn cấm xe động cơ xăng dầu lưu thông để làm giảm lượng hạt bụi nhỏ trong
không khí, là có thể cứu mạng cho khoảng 50.000 người mỗi năm trên khắp thế giới.
Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh là bốn nước
bị tác hại nhiều nhất. Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) dự báo từ nay đến năm 2050,
mỗi năm sẽ có thêm 52.000 người già chết vì nhiệt độ nóng bất thường ở bốn nước
châu Á này. Không khí trong lành còn làm giảm các bệnh về tim mạch, vì cư dân
có thể đi bộ, đi xe đạp, tập thể thao ngoài trời.
Tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc, trong báo cáo
công bố tuần qua đặc biệt bi quan về sức khỏe của trẻ em châu Á, nhất là ở Ấn Độ
và Trung Quốc, nơi có hiện tượng khói mù thường xuyên bao phủ bầu trời.
Chỉ riêng hai thành phố New Delhi và Bắc Kinh, tổng
cộng từ 16 đến 17 triệu trẻ sơ sinh dưới một tuổi đang chịu đựng mức độ ô nhiễm
gấp 6 lần mức giới hạn cao nhất được giới khoa học chấp nhận. Theo các kết quả
khảo sát, ô nhiễm làm não bộ phát triển không bình thường tác động đến trí
thông minh. Kết quả học hành, thi cử của các học sinh bị ảnh hưởng.
"Đài
thiên văn không gian về khí hậu"
Thượng đỉnh Khí hậu Paris ngày hôm nay cũng là cơ hội
để các nhà khoa học trình bày sáng kiến chống ô nhiễm .
Cơ quan không gian của khoảng 20 quốc gia đã đề xuất
thành lập « Đài thiên văn không gian về khí hậu », nhằm khai thác chung các dữ
liệu khí hậu thu thập được từ không gian.
« Bản tuyên bố Paris » đã được 15 nước thông qua tại
Paris tối 11/12/2017 dưới sự bảo trợ của Pháp (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,
châu Âu, Anh Quốc, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Na Uy, Rumani, Israel,
Ukraina và Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất). Cơ quan không gian của Mỹ và Nga
vắng mặt.
*
Minh Anh - RFI
Đăng ngày 12-12-2017
Thượng
đỉnh Vì Một Hành Tinh (One Planet Summit) là chủ đề chính trên các trang báo
Pháp ngày 12/12/2017. La Croix trên nền ảnh mầu xanh lá đưa tít : « Tài
chính chuyển sang mầu xanh ». Le Figaro trên trang nhất ghi nhận : « Khí
hậu : các doanh nghiệp trên tuyến đầu ».
No comments:
Post a Comment