Thursday, December 14, 2017

JEAN D' ORMESSON & TRỊNH XUÂN THUẬN ĐỐI THOẠI VỀ VŨ TRỤ (Thomas Mahler - Le Point)




Thomas Mahler  -  Le Point
Hiếu Tân dịch
13/12/2017

Le Point: Năm 2014, tạp chí “Le Point” đã kết nối nhà văn với nhà vật lý thiên văn, hai con người sáng chói suốt đời đi tìm những câu trả lời cho bí mật lớn của cuộc sống.

Bài này đăng trên Le Point ngày 3-7-2014, chúng tôi xin được giới thiệu lại trong dịp Jean d’Ormesson từ trần ngày 5-12-2017.

Jean d’Ormesson và Trịnh Xuân Thuận. Ảnh: Le Point

Một người là nhà vật lý thiên văn xuất chúng, đã tìm ra giải thiên hà trẻ nhất được biết từ trước đến nay, nhưng không quên mang những “giai điệu bí mật của vũ trụ” đến tai những đồng loại tầm thường hơn. Người kia là viện sĩ hàn lâm hay cười, người sau những cuộc tắm biển, những đôi giày Italie và Chateaubriand, về già bỗng tự thấy mình có khuynh hướng thám hiểm vũ trụ. Trịnh Xuân Thuận và Jean d’Ormesson biết nhau từ lâu rồi, nhưng chưa bao giờ trao đổi quan điểm trong một cuộc chuyện trò trực tiếp.

Tạp chí Le Point đã kết nối cặp đôi lẻ bộ này, một người giữ vẻ trang nghiêm khô khan của nhà bác học, người kia, một chàng công tử bột lòe loẹt trong trang phục màu kem và cravate bằng hàng dệt kim. Nhà văn trước tiên hỏi bạn có cho mình cái “vinh dự lớn” được đề tựa tập hai sắp ra mắt của bộ sách Pleiade của ông không, trước khi đi chinh phục những vì sao khác xa hơn. Và cũng giống như salon của Ormesson ở Neuilly, đầy chặt những di vật và những chân dung của các bậc tổ tiên quang vinh, biến thành mô hình vũ trụ mở ra trên sự quyến rũ choáng người của cái vô hạn..

Le Point: chúng tôi cảm thấy giữa hai ông có tình thân mật đặc biệt…

Jean d’Ormesson: Tôi phải nói ngay với ông thế này, là chúng tôi biết nhau từ lâu lắm rồi, nhưng trong mối quan hệ sư phụ với đệ tử. Ít có cuốn sách nào làm tôi lóa mắt và xáo trộn như cuốn Giai điệu bí mật (năm 1988). Thuận có ảnh hưởng cực lớn đối với tôi. Tôi đã đọc nó trước khi biết ông.

Trịnh Xuân Thuận: Tôi cảm nhận ngay ở Jean một mối quan tâm lớn đối với số phận của vũ trụ. Những câu hỏi siêu hình của ông rất giống những câu hỏi của tôi. Vũ trụ có cảm quan không? Chúng ta bị chi phối bởi tất yếu hay ngẫu nhiên?

*
Oscar Wilder nói rằng “tất cả chúng ta ở trong cống rãnh, nhưng một vài người trong chúng ta nhìn ngắm những vì sao”. Đó có phải trường hợp của cả hai ông không?

Jean d’Ormesson: Đúng đấy, trừ phi Thuận biết ông ấy nói về cái gì. Tôi, thì tôi chịu thua ngay. Ngoài cuốn sách của ông, một tác phẩm khác, “Lược sử của Thời gian” của Stephen Hawking cũng mê hoặc tôi như thế. Nhưng, nói thật, tôi thích đọc sách của Thuận một mạch từ đầu đến cuối bao nhiêu, thì cũng nhanh chóng bị lạc trong sách của Hawking bấy nhiêu… Tôi không thể nói thật về các ngôi sao với Thuận, vì tôi biết quá ít. Người ta sẽ nói là tôi thiếu khiêm tốn. Ôi trời, có phải thế đâu. Thuận có thể nói về tất cả những vấn đề mà tôi bận tâm trong đời mình. Còn tôi thì tôi không thể nói nổi ba phần tư những điều mà Thuận bận tâm.

Trịnh Xuân Thuận: Không đúng! Jean là người có kiến thức, chắc không thành thạo về các phương trình, nhưng ông hiểu những vấn đề cốt lõi.

Jean d’Ormesson: ngoài công việc phổ biến khoa học, tôi nói rằng Thuận nắm môn vũ trụ học trong lòng bàn tay. Tức là bất kì anh chàng tú tài nào cũng hiếu được những sách của ông.

*
Thế nhưng rất hiếm nhà văn đương đại nào quan tâm đến Planck, Heisenberg, Higgs hay Bohr…

Jean d’Ormesson: Khi tôi tốt nghiệp tú tài thì than ôi, đấy là thời [Đức] chiếm đóng. Chế độ Vichy, nói cho công bằng, đã đưa môn vũ trụ học vào chương trình. Vì đó là thời Vichy, tôi không muốn học môn này. Thế là tôi bị 2 điểm (trên 20) trong môn vũ trụ học. May sao tôi gỡ lại được điểm trong môn địa lý, vì đề rơi vào Brésil, nơi tôi đã sống trong ba năm (cười). Sau đó khá lâu, tôi đọc một quyển sách, có tên Hai nền Văn hóa của một ông Charles Percy Snow nào đó. Nó giải thích rằng, nếu một số nhà khoa học có ý niệm lờ mờ về văn chương, thì trái lại một nhà văn không thể hiểu gì về khoa học. Điều ấy làm tôi vô cùng sửng sốt. Với rất nhiều táo bạo, tôi tự nhủ mình sẽ thử tìm cách kết nối khoa học với văn chương. Vì tôi tin rằng khoa học đã thay thế cho thơ ca thế kỷ XIX trong cái nhiệt tình hăm hở của tuổi trẻ. Bạn hẳn biết rằng Chateaubriand đã được sinh viên hoan hô nhiệt liệt vào năm 1830. Bạn cũng biết rằng chín tháng sau cái chết của Victor Hugo vào năm1885, tỉ lệ sinh đẻ ở Paris tăng vọt, vì mọi người “ăn mừng” việc chôn cất ông. Thơ ca đã nằm trong tim thế hệ trẻ. Nhưng hôm nay ai còn nghĩ đến việc tung hô ngay cả một nhà thơ lớn như Yves Bonnefoy nữa? Khoa học đã thay thế thơ ca. Bởi vậy tôi muốn tìm kiếm trong khoa học cái điều mà một anh tú tài có thể hiếu được. Nhưng, vào lúc học thuyết tương đối và vật lý lượng tử, tôi phải thú nhận với anh rằng, tôi rất vui mừng khi đọc được câu này dưới ngòi bút Niels Bohr: “Nếu anh tin rằng anh đã hiểu thuyết lượng tử, thì tức là anh chưa hiểu gì cả” (cười).

*
Thế lời phê của giáo sư môn vật lý thiên văn đối với những tác phầm vũ trụ học của cậu học trò Jean d’Ormesson thì như thế nào?

Trịnh Xuân Thuận: Jean hiểu rất tốt những nguyên lý phát triển và rút ra những hệ quả siêu hình học và triết học từ cái thế giới quan khoa học xuất hiện đầu thế kỷ XX.Tôi rất thích lòng yêu đời của ông, hy vọng của ông. Chắc chắn là với cùng những yếu tố này, người ta có thể có một thái độ trái ngược hoàn toàn. Jacques Monod, trong Ngẫu nhiên và Tất yếu, một cuốn sách rất ấn tượng, kết luận rằng linh hồn xuất hiện trong vũ trụ mà vũ trụ thì hoàn toàn thờ ơ với nó. Con người dần dần bị bé nhỏ đi theo các phát minh. Người ta cứ tưởng mình ở trung tâm, cho đến khi Copernic đặt lại Trái Đất vào hàng hành tinh thường. Rồi người ta tưởng rằng Mặt Trời là trung tâm của giải Ngân Hà, trong khi nó chỉ ở ngoại vi một giải Ngân Hà bao gồm 100 tỉ mặt trời. Cuối thế kỉ XIX, người ta nghĩ rằng Vũ trụ chỉ là giải Ngân Hà, cho đến khi [kính thiên văn] Hubb cho thấy có những giải tinh vân khác bên ngoài giải Ngân Hà của chúng ta, Bây giờ người ta biết Vũ trụ có thể quan sát được là vảo khoảng 100 tỉ giải Ngân Hà. Thật ra, chúng ta đang bé nhỏ đi thành không đáng kể. Đây là một kết luận bi quan của Monod. Vũ trụ rất ít quan tâm đến chúng ta, đối với nó tất cả là ngẫu nhiên. Steven Weinberg, giải Nobel vật lý, cũng nói rằng càng hiểu Vũ trụ, chúng ta càng thấy nó ít ý nghĩa.

Nhưng tôi không chia sẻ quan điểm này. Tôi rất vui mừng thấy Jean cũng có niềm hy vọng như đáp lại nỗi thất vọng kia. Tôi cũng nghĩ là môn vũ trụ học hiện đại đã làm thế giới vui trở lại, vì nó tái phát hiện sự hòa hợp cổ xưa giữa con người và vũ trụ. Từ năm 1957, chúng ta đã biết rằng tất cả chúng ta là bụi của những ngôi sao, và rằng tất cả các nguyên tố ổn định, trừ hydro và heli, đều sinh ra từ những ngôi sao và những supernova [sao mới cực sáng]. Toàn bộ tính phức tạp và vẻ đẹp của thế giới phụ thuộc vào các ngôi sao này. Ngoài mối liên hệ vũ trụ này, tôi còn đề xuất một lý lẽ thứ hai mà người ta thường gọi là nguyên lý nhân học. Người ta nhận ra rằng, nếu ta thay đổi thật ít những hằng số vật lý xác định Vũ trụ – tốc độ ánh sáng, hằng số trọng trường… hoặc những điều kiện ban đầu cho phép nó ra đời, thì các ngôi sao sẽ không hình thành, và không có chúng thì cũng không có chúng ta ngồi đây mà nói chuyện. Liên quan đến thí dụ về mật độ Vũ trụ, độ chính xác tương đương 10– 60. Tửc là có sự điều chỉnh cực kì chính xác và chỉ cần bạn thay đổi một con số thập phân thứ sáu mươi (sau dấu phảy, tức là vô cùng nhỏ – ND), thì sẽ không có sự xuất hiện của một ý thức để lĩnh hội được vẻ đẹp và độ phức tạp của tổ chức phi thường này của Vũ trụ. Từ khoảnh khắc trong Vũ trụ xuất hiện một dạng của sự sống và ý thức, thì Vũ trụ bắt đầu có ý nghĩa.

Jean gọi vũ trụ là Chúa. Còn tôi, tôi gọi là đấng sáng tạo bản nguyên. Đó có thể là những sự vật, những phần nhỏ đầu tiên của giây trong Big Bang, đã được định ra cho sự xuất hiện của chúng ta. Jean chỉ nói về con người. Đối với tôi, vấn đề là tất cả các dạng sống và trí thông minh bên ngoài quả đất. Nếu các qui luật vật lí và qui luật sinh học là phổ quát, thì tôi thật sự không hiểu tại sao chúng ta lẻ loi trong vũ trụ.

Jean d’Ormesson: Luật số lớn và các qui luật thống kê buộc ta phải nghĩ rằng có những sinh vật ngoài trái đất. Nhưng vì người ta chưa nhìn thấy chúng, tôi vẫn giữ một nghi ngờ. Như Thuận đã giải thích vô cùng chính xác, hệ mặt trời không là gì trong tương quan với Ngân hà của chúng ta, mà Ngân hà không là gì trong tương quan với Vũ trụ…

Trịnh Xuân Thuận:… và ngày nay có giả thuyết về những đa-vũtrụ (multiver), tức là những Vũ trụ tăng bội.

Jean d’Ormesson: Chính xác. Nhưng không sao, dù chúng ta không là gì, nhưng đã làm những việc phi thường. Cái ý tưởng rằng chúng ta đã có thể tái hiện quá khứ không chỉ của con người và cuộc sống, mà cả của Vũ trụ cách đây 14 tỉ năm dù sao cũng thật phi thường. Con người hầu như không là gì, nhưng đồng thời trong nó có một cái gì thần thánh. Thuận nói rất hay về ánh sáng. Đó là một hiện tượng phi thường. Ánh sáng không chỉ đi với tộc độ cực lớn, mà nó còn chuyên chở quá khứ.

Trịnh Xuân Thuận: “Nó chuyên chở quá khứ”…một công thức tuyệt đẹp !

Jean d’Ormesson: Không phải một nhà thiên văn hay một nhà triết học nói lên điều đó, mà một nhà văn. Đó là Faulkner. Ông ấy viết rằng: “Quá khứ không chỉ không chết, mà thậm chí nó còn không phải là quá khứ.” Nếu những sinh vật ngoài trái đất mà anh nói đến tồn tại, ta biết rằng khi họ quan sát chúng ta thì không phải họ nhìn thấy chúng ta mà nhìn thấy Jules César, thấy cuộc chiến giành lửa hoặc những bước khởi đầu của Trái Đất !

*
Thời gian, đó là một bí mật làm say mê các nhà khoa học cũng như các nhà văn

Jean d’Ormesson: Nó là cái gây sửng sốt nhất. Từ khi Vũ trụ tồn tại, nó không bao giờ chỉ tồn tại trong hiện tại. Nó có một hiện tại vĩnh cửu. Nỗi buồn chán cô độc, đó là vì cái hiện tại ấy không tồn tại. Nếu tôi nói với anh: “bây giờ chính là hiện tại”, thì chính nó đã là quá khứ, vì cái khoảnh khắc mà tôi nói với anh nó ở xa tôi. Như vậy chúng ta sống trong một số sự vật không tồn tại. Bằng chứng rằng thế giới này là rất mực siêu hình. Có hai cái hư không bao quanh chúng ta. Một cái bị chắn bởi bức tường Planc cách chúng ta 14 tỉ năm, còn cái kia có thể xảy ra trong 10 phút hoặc trong 50 năm, tức là cái chết. Trước đó có gì? Sau đó có gì? Có thể là không có gì. Có thể là có cái gì đó. Người ta ở trong địa hạt tiểu thuyết. Với những người chê trách tôi đã gọi cuốn sách cuối cùng của tôi là tiểu thuyết, tôi trả lời rằng đó không phải là một tác phẩm khoa học hay triết học, mà là một cuộc dạo chơi của trí tưởng tượng trong cõi có trước những cội nguồn của chúng ta.

*
Phải chăng ngày nay khoa học là cái kích thích trí tưởng tượng của chúng ta nhiều nhất?

Jean d’Ormesson: Vâng. Vả chăng bản thân khoa học là một cuốn tiểu thuyết tuyệt vời. Tôi cho anh một thí dụ mà Thuận chắc chắn là biết rất rõ. Gần như cùng một thời kì, một nhà văn Pháp, Marcellin Berthelot, và một trong những đồng nghiệp người Anh của ông, cả hai cùng nói: “Ngày nay chúng ta gần như biết tất cả mọi thứ”. Mười lăm năm sau, xuất hiện Einstein, Hubble, thuyết tương đối, thuyết lượng tử, Bohr… tất cả bung ra, rực rỡ.

*
Big Bang làm thay đổi điều gì trong cái nhìn của chúng ta về Vũ trụ?

Jean d’Ormesson: Bạn biết rằng từ Big Bang (Vụ Nổ Lớn) được dùng lần đầu tiên bởi nhà vật lý Anh Fred Hoyle, người muốn chê bai mô hình này.

Trịnh Xuân Thuận: Ông ấy muốn một Vũ trụ tĩnh tại, không có lịch sử.

Jean d’Ormesson: Đúng thế. Điều gì khoa học, chứ không phải tôn giáo, đã chứng minh với Big Bang? Nó đã chứng minh rằng Vũ trụ có một lịch sử. Tức là có khời đầu và có kết thúc. Có phải là khởi đầu tuyệt đối không? Nếu đa-vũ trụ có tồn tại, thì không. Nhưng dù sao cũng có một khởi đầu và có một kết thúc. Tất cả đều qua đi, kể cả Mặt Trời và Ngân Hà của chúng ta.

Trịnh Xuân Thuận: Vào cuối thế kỉ trước, có một phát kiến lớn về tăng tốc và dãn nở của Vũ trụ. Ngày nay dường như Vũ trụ sắp có một sự dãn nở vĩnh viễn. Cuối cùng, trong khoảng vài tỉ năm nữa, người ta thậm chí không thể nhìn thấy những Ngân hà khác nữa. Sẽ không còn những nhà thiên văn như tôi, vì khoảng không gian giữa các Ngân Hà sẽ quan trọng đến mức Vũ trụ trở nên rất tối. Đến lúc đó, tất cả các ngôi sao đều tắt, sự sống không còn là khả thế nữa, vì thiếu Hydro, vốn là nhiên liệu…

*
Jean, ông có muốn phát kiến ra một giài ngân hà như Trịnh Xuân Thuận đã làm không?

Jean d’Ormesson: Tôi chắc chắn là không thể! Như con chim cucu lao mình vào tổ của con ác là, tôi cố nhặt nhạnh ở Thuận những điều có thể giúp tôi trong cuộc dạo chơi Vũ trụ, nơi mà ý tưởng về Chúa mang đến niềm an ủi một cách rất tự nhiên. Cho dù Chúa có là một ảo tưởng, thì đó cũng là một aỏ tưởng có sức an ủi phi thường.

*
Xin hỏi cả hai ông, dù thiên hướng tôn giáo của các ông là gì, Phật giáo hay Công giáo, nó có nhắc nhở các ông về tuổi già đang đến và cái chết tới gần không?

Jean d’Ormesson: Tôi chưa thay đổi nhiều. Tôi luôn luôn quan tâm đến Chủa và sự chết. Hồi nhỏ tôi không quá sùng đạo, và niềm tin Công giáo của tôi đầy chất ngoại đạo. Tôi sinh ra trong đạo Thiên chúa, tôi hi vọng sẽ chết trong đạo Thiên chúa nếu nó chấp nhận tôi. Nhưng tôi là một tín đồ Thiên Chủa kì cục, một người Công giáo bất khả tri, người không biết. Trái lại, mọi người đều có quyền hi vọng. Bởi vậy, tôi hi vọng. Tôi cố gắng hòa giải ý tưởng rằng có lẽ Chúa không phải là bất khả, với ý tưởng mà chúng ta có về khoa học. Cái này không phải đến mức như những nhà thiên văn đưa Chúa vào hiểm họa. Copernic là một linh mục, Galilée ngoan đạo đến mức bị đưa ra trước Tòa án Dị giáo, Newton được coi là sùng đạo. Không, chính Darwin là người đã làm đảo lộn tất cả. Bossuet còn tin rằng thế giới mới có 6 000 năm. Buffon đưa lên 75 000 năm. ..Nhưng chính Darwin là người phát hiện ra rằng chúng ta có sau lưng mình nhiều triệu nhiều triệu năm, và rằng tất cả chúng ta là dòng dõi của một tổ tiên chung. Đây là một vấn đề. Nhưng tôi có thể cho anh những bằng chứng về sự tồn tại của Chúa cũng nhiều như những bằng chứng rằng Chúa không tồn tại. Để chống lại Richard Dawkins [nhà sinh học Anh, chiến sĩ nhiệt thành bảo vệ thuyết vô thần và tác giả “Giải ảo về Chúa” Pour en finir avec Dieu/ The God delusion], tôi sẵn lòng dẫn sách Giáo lý vấn đáp (catechism). Và để chống lại sách Giáo lý vấn đáp, tôi sẵn lòng dẫn Dawkins. Vậy tôi là người bất khả tri. Thậm chí tôi không đi đến chỗ tin tưởng. Với tôi hi vọng là đủ rồi.

Trịnh Xuân Thuận: Tôi cũng thế, tôi là một Phật tử bất khả tri, giống như Jean là một người Công giáo bất khả tri. Đúng là tôi được nuôi dạy trong truyền thống Phật giáo. Nhưng đó là một phật giáo thực hành, không có những khiá cạnh triết học. Cuối cùng chính khoa vật lí thiên văn đã dẫn tôi đến với tôn giáo. Tôi suy ngẫm nhiều nhất đến các vấn đề về cội nguồn, về không gian và thời gian. Đương nhiên tôi cũng muốn biết thế giới quan của Phật có dung hòa được với khoa học hay không. Cuộc gặp gỡ của tôi với Matthieu Ricard đã là một sự đốn ngộ, vì bản thân ông cũng được đào tạo về khoa học, đọc tiếng Phạn và rất thông thuộc các nguồn kinh bổn Phật pháp. Chúng tôi đã thảo luận với nhau. Và chính nhờ thế mà tôi đã tiến bộ rất nhiều trong những phần liên quan đến tư tưởng siêu hình của Phật học.

Jean d’Ormesson: Tôi nhớ đến một buổi phát hình mà tôi không biết ai đã trò chuyện với dalaï-lama và đặt cho ông câu hỏi này: “Thượng Đế của Ngài có khiến cho tâm ngài được bình an không?” và dalaï-lama đã trả lời: “Nhưng không có Thượng Đế! ”

*
Một điểm chung nữa giữa hai ông là lòng tôn kính của các ông với Jorge Luis Borges…

Jean d’Ormesson: Borges, đó là bậc thầy của chúng ta!

Trịnh Xuân Thuận: Borges đã nghiên cứu nhiều về những khái niệm vĩnh cửu. Với nhiều trực giác, năm 1941 ông đã viết một câu chuyện có nhan đề tuyệt vời là “Khu vườn nơi những con đường rẽ”, mười lăm năm sau nó trở thảnh một cách hiểu khả dĩ về cơ học lượng tử thông qua các khái niệm về những vũ trụ song song của Hugh Everett.

Jean d’Ormesson: Thế giới của Borges thật kì diệu và huyền hoặc. Điều này rất quan trọng. Vì Chúa, tôi xin nói từ này, là hoàn toàn huyền hoặc. Nhưng phải chăng cái thế giới này của chúng ta, đối với chúng ta cũng không kém phần huyền hoặc? Borges đã vạch rất rõ điều này. Nếu có một phép lạ, thì đó không phải Chúa. Đó là Tạo hóa. Chính là thế giới làm ta sửng sốt, choáng váng.

*
Trong thế lưỡng nan giữa ngẫu nhiên và tất yếu, cả hai vị cùng nghiêng về tất yếu…

Trịnh Xuân Thuận: Đây là một vụ đánh cược của Pascal, nhưng tôi đặt cược vào tất yếu.

Jean d’Ormesson: Với Sartre, chúng ta trải nghiệm nhiều trong ý tưởng con người là hoàn toàn tự do. Nhưng liệu nó có tự do như thế không? Nó trước hết phụ thuộc vào một không gian. Đúng là nó đã có tiến bộ nhiều trong lĩnh vực này. Khi tôi còn bé, ai mà kết hôn với người ở một làng cách 40 cây số, thì coi như lấy người ngoại quốc. Ngày nay, tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ chinh phục không gian bằng cách di dân vào vũ trụ. Nhưng chúng ta vẫn là những tù nhân của thời đại mình. Chúng ta không thể thay đổi thời gian. Không gian là hình thức của sức mạnh của chúng ta, nhưng thời gian là hình thức của sự bất lực của chúng ta. Như vậy tự do của chúng ta dù sao cũng rất hạn chế. Tôi tự hỏi không biết con người có giống như các hạt kia không, nếu giống thì họ không thể biết chính xác điều mà họ sắp làm, nhưng hành động toàn thể thì được biết rõ. Chẳng hạn chúng ta không thể đoán trước Thuận hay anh đi đường nào để đến đây. Nhưng chúng ta biết chính xác số người đi qua cầu Neuilly trong đêm nay. Về toàn thể, quyết định luận chi phối.

Trịnh Xuân Thuận: Đó là nguyên lý của cơ học lượng tử. Người ta không thể đồng thời đoán vị trí chính xác và vận tốc chính xác của một hạt. Nhưng với một tập hợp hạt thì có thể.

*
Jean, người ta có ấn tượng rằng ngày nay ông thích kết bạn với các nhà khoa học hơn là với các chính khách hoặc các nhà văn…

Jean d’Ormesson: Tôi bộc lộ với anh hệ thống thứ bậc của tôi: ở dưới rất thấp là các chính khách, cao hơn một chút là các nhà báo, cao hơn nữa là các nhà văn, và thật sự cao là những người làm khoa học. Nhưng có lẽ còn cao hơn cả những người làm khoa học, là những vị thánh.

Trịnh Xuân Thuận: Khi tôi còn trẻ, ở Viện Công nghệ California, thánh đường của các nhà khoa học, tôi ở gần với những người đoạt giải Nobel. Tôi nghĩ một cách ngây thơ rằng, những người có óc sáng tạo đến thế trong khoa học, đã phát hiện ra những điều tuyệt đẹp đến thế về tự nhiên, là những người thượng đẳng. Nhưng thiên tài khoa học không dẫn đến thiên tài nhân văn. Tôi rất ngưỡng mộ Einstein, vì ông được thế hệ sau yêu mến, điều rất hiếm. Nhưng tôi không thích Newton, vì ông ta là một người tồi tệ.

Jean d’Ormesson: Giống như Léon Bloy đã nói trong một công thức đẹp: “Chỉ riêng có nỗi buồn cô độc thì không làm nên một vị thánh.” Hôm nay, tôi bổ sung thêm: “Và không làm nên một nhà thiên văn” (Cười).







No comments: