Friday, January 30, 2009

NỀN BÁO CHÍ "GỌI DẠ BẢO VÂNG"

Nền báo chí “gọi dạ bảo vâng"
Phạm Trần

Đăng ngày 30/01/2009 lúc 02:54:43 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3489

Càng có thêm luật người làm báo càng nô lệ

Nền báo chí được gọi là “cách mạng” ở Việt Nam chẳng qua là “cách miệng” vì người làm báo chỉ được viết những điều đảng muốn và người đọc chỉ được biết những gì nhà nước cho phép.

Một Dự luật Báo chí mới sẽ được đem ra thảo luận tại Quốc hội sau Tết Kỷ Sửu có nội dung như thế, nhưng không người làm báo nào dám hé răng, không một Đại biểu Quốc Hội nào dám lên tiếng chống đối.
Vậy mà Luật của Bộ Thông Tin-Truyền Thông vẫn hô lên: “Báo chí ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (dưới đây gọi chung là tổ chức); là diễn đàn của nhân dân.” (Điều 3)

Và tuy không có điều nào trong Hiến Pháp 1992 và trong mọi Bộ Luật của Nhà nước Cộng sản Việt Nam minh thị ngăn cấm tư nhân ra báo, những người tự đưa mình lên cầm quyền đã ngang nhiên chà đạp lên Hiến pháp và Luật pháp để giành độc quyền ra báo cho các Tổ chức của đảng và các đòan thể Chính trị - Xã hội do Nhà nước dựng lên.

Vậy mà trong Dự thảo Luật Báo chí, họ vẫn có thể viết trâng tráo trong Điều 4: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.
Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ.
Không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động đúng pháp luật.
Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng, phát sóng.”

Khi nói về chủ trương được gọi là “phát triển báo chí” của đảng và do đảng cho phép các Tổ chức của mình lập ra, Dự Luật vẫn giành lấy đặc quyền này trên giấy trằng mực đen như minh định theo 4 bước của Điều 7:
“1. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng và phát triển toàn diện nền báo chí Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Nhà nước có chính sách đầu tư có trọng tâm, trọng điểm trong các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động báo chí; đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý hoạt động báo chí; nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan báo chí.
3. Nhà nước có chính sách trợ cước, trợ giá phát hành và chính sách hỗ trợ khác đối với báo chí phục vụ thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội trọng yếu và thông tin đối ngoại.
4. Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, về phí đối với cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu.”

Nói cách khác, đảng ra báo, nhà nước giúp duy trì các báo bằng mọi phương tiện và bằng tiền đóng thuế của dân thì chỉ có ở Việt Nam, dưới thời Cộng sản, mới có nền báo chí quái gở như nói thêm trong Điều 8:
“1. Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Quỹ được sử dụng để hỗ trợ cơ quan báo chí và các hoạt động phát triển báo chí và đươc miễn thuế. Việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí phải đúng mục đích và theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí gồm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tài trợ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các nguồn hợp pháp khác.”
Để xác định quyền kiểm soát báo chí phải thuộc về nhà nước, Bộ Thông Tin-Truyền Thông không ngần ngại viết trong Điều 10 của Dự Luật Báo chí mới:
“ 1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về báo chí. 2. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về báo chí. 3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về báo chí. 4. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện quản lý nhà nước về báo chí trong phạm vi địa phương.”Độc quyền và độc tài

Với những Điều vừa kể, mục đích ra đời của Luật Báo chí mới chỉ nhằm bóp nghẹt hơn quyền thông tin của Báo chí và quyền được thông tin của người dân.

Đảng CSVN còn đi xa hơn khi đưa ra những điều cấm kỵ viết trong Điều 12 quy định “Những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí”, theo đó, báo chí không được :
1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.
3. Tiết lộ bí mật Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà pháp luật quy định.
4. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”

Điều này còn viết: “Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về báo chí.”

Về việc “Cung cấp thông tin cho báo chí” Điều 16 có nhiều ràng buộc đối với cả người đưa tin và người sử dụng tin như sau:
“1. Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp. Cơ quan báo chí sử dụng thông tin được cung cấp phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin.
2. Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử hoặc xét xử kín thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí; báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình nhưng không được quy kết tội danh; phải nêu rõ là nguồn tin riêng của báo, nhà báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.
3. Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên khi xét thấy cần thiết cho việc xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
4. Chính phủ quy định cụ thể chế độ cung cấp thông tin cho báo chí.”

Khi Luật dành quyền cho nhà nước “quy định cụ thể chế độ cung cấp thông tin cho báo chí” thì có khác chi việc để cho cơ quan thi hành luật được tự do tròng thêm vào cổ người cung cấp tin một giây thòng lọng nữa ?

Tính chồng chéo của Luật pháp Việt Nam đã từng được tranh luận tại Quốc hội, trong nhân dân và bị các nhà đầu tư nước ngòai than phiền trên 20 năm qua, kể từ ngày có chủ trương Đổi Mới năm 1986, nhưng đảng vẫn chứng nào tật nấy cố tình tạo thêm nhiều khó khăn cho mọi người để kiểm soát và hưởng lợi.

Dự Luật này không cho người làm báo có quyền từ chối tiết lộ nguồn tin khi bị nhà nước điều tra thì ai còn muốn tố cáo kẻ tham nhũng, vi phạm luật pháp của cán bộ, đảng viên?

Bài học thất bại trong công tác chống Quan liêu, Tham nhũng, Lãng phí trong đảng và nhà nước từ bao nhiêu năm qua vẫn chưa làm đảng hết ngủ mê nên mới có Điều 16 để bảo vệ cho đảng không bị vạch áo cho người xem lưng như đã chứng minh trong vụ án hai báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ hồi tháng 10/2008.

Nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí

Và dường như người Cộng sản Việt Nam nghĩ rằng ràng buộc báo chí như thế chưa đủ nên Bộ Thông tin-Truyền thông còn vẽ thêm ra Chương III để cho mọi người biết Báo chí phải có nhiệm vụ và chỉ có quyền hạn ghi trong Điều 17:
“1. Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân;
2. Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3. Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân;
4. Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.”

Về “Nhiệm vụ và quyền hạn của nhà báo”, Điều 19 ràng buộc họ phải:
“1. Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
2. Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm.
3. Thường xuyên học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ báo chí; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật.
4. Phải cải chính, xin lỗi trong trường hợp thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
5. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi vi phạm pháp luật và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan báo chí về nội dung tác phẩm báo chí của mình.
6. Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ Việt Nam; hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
7. Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.
8. Khước từ việc viết, biên soạn hoặc tham gia biên soạn tác phẩm báo chí trái với quy định của pháp luật về báo chí.
9. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí; hưởng một số chế độ ưu tiên cần thiết trong hoạt động báo chí theo quy định của Chính phủ.
10. Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe doạ, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá huỷ, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.”

Ai được quyền ra báo?

Luật Báo chí mới còn quy định rõ các thành phần được phép ra Báo ghi trong Điều 22 gồm:
“Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác do Chính phủ quy định được thành lập cơ quan báo chí.”

Phóng viên, Biên tập viên, Tổng biên tập và người thay mặt cơ quan, đoàn thể, tổ chức đứng tên xin ra báo, hay còn được gọi là Chủ Quản phải “Có đủ tiêu chuẩn chính trị”, nhưng Luật lại không minh thị những “tiêu chuẩn” ấy phải như thế nào!

Luật mới cho phép Báo chí nhà nước “Xuất khẩu” tự do như ghi trong Điều 42, nhưng “nhập khẩu” lại không có tự do:
“1. Báo chí xuất bản hợp pháp tại Việt Nam được phép xuất khẩu ra nước ngoài;
2. Việc nhập khẩu báo chí được thực hiện thông qua cơ sở xuất nhập khẩu báo chí.
3. Cơ sở nhập khẩu báo chí phải đăng ký danh mục báo chí nhập khẩu với Bộ Thông tin và Truyền thông trước khi nhập khẩu.
4. Người đứng đầu cơ sở nhập khẩu báo chí phải tổ chức kiểm tra nội dung báo chí nhập khẩu trước khi phát hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung báo chí mà mình nhập khẩu.”

Từ xưa tới nay, nhà nước CSVN vẫn khoe có tự do báo chí và đảng cam kết bảo vệ quyền này, nhưng đó là thứ tự do “có phép” và “phải được phép” nên đó là thứ tự do trong chiếc lồng, trong vòng vây của mạng lưới an ninh và chính trị của đảng.

Họ cũng bênh vực cho quyết định không cho phép tư nhân ra báo và cương quyết chống lại mọi nỗ lực “tư nhân hoá báo chí”, đã có một thời được một số người thử nghiệm.

Vì vậy, dù đảng CSVN có ra thêm bao nhiêu Luật chăng nữa, báo chí Việt Nam vẫn chỉ là thứ gọi dạ, bảo vâng và người làm báo vẫn muôn kiếp là loại cán viết những gì đảng muốn để nhồi nhét vào đầu người dân.

Phạm Trần
30/01/2009

No comments: