Saturday, January 31, 2009

DI SẢN CHIẾN TRANH CỦA TỔNG THỐNG BUSH

Di sản chiến tranh của Tổng thống Bush
Luật sư Lê Công Định
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
30 Tháng 1 2009 - Cập nhật 14h33 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2009/01/090130_bush_legacy.shtml
Ngày Tổng thống đắc cử Barack Obama nhậm chức, cũng là ngày người ta tiễn khỏi Tòa Bạch ốc vị Tổng thống gây nhiều tranh cãi trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ, George W. Bush.
Sự cuốn hút của Barack Obama và niềm hy vọng dành cho ông sau chiến thắng ngoạn mục trước ứng viên Đảng Cộng hòa John McCain càng khiến người ta thấy sự ra đi của George W. Bush là cần thiết để nước Mỹ hồi sinh.

Phấn khích vì thay đổi

Quả thật mọi người đã phấn khích trước sức mạnh của khẩu hiệu “Change We Need” của Barack Obama thể hiện thông qua tài hùng biện bậc thầy của ông. Một nước Mỹ luôn đổi mới và tiến mạnh mẽ về phía trước mà vẫn thấy cần thiết phải thay đổi hơn nữa để vượt qua chính mình là điều đáng để nhiều người trên thế giới suy nghĩ và học hỏi.
Bằng việc lựa chọn Barack Obama, người Mỹ tái khẳng định khả năng đổi thay đến tận gốc của mình, đồng thời ném thẳng câu trả lời đau đớn vào những luận điệu chống Mỹ cũ rích ở đâu đó rằng nền dân chủ Mỹ là giả tạo vì bầu cử tổng thống Hoa Kỳ xưa nay là trò chơi của giới tài phiệt và người da đen vẫn bị đối xử như nô lệ, không có tương lai trong một xã hội chỉ dành đặc quyền cho người da trắng.

Xem đài truyền hình CNN những ngày cuối cùng của George W. Bush ở Tòa Bạch ốc, thấy người Mỹ thật là thẳng thắn khi đặt câu hỏi thăm dò dư luận rằng “phải chăng George W. Bush là vị tổng thống kém cỏi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ?” Quả thật, trong nhiệm kỳ của mình ông Bush đã gặp nhiều chỉ trích, không chỉ từ người dân Mỹ mà ngay cả các đồng minh bấy lâu của Hoa Kỳ.
Chủ nghĩa đơn phương của ông trong chính sách ngoại giao và quân sự khiến Mỹ dường như có thêm kẻ thù hơn là bạn và gây ra nhiều bất hòa với các đồng minh thân cận, đặc biệt ở châu Âu. Hai cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ tiến hành ở Afganistan và Iraq đã làm tốn kém nhiều của cải và sinh mạng người Mỹ, khiến chính sách đối nội của ông trên nhiều phương diện gặp sự phản đối bên trong nước.

Hai cuộc chiến

Tôi không phải là người Mỹ, sống ở Mỹ, để có thể đưa ra nhận định không sai lệch về chính sách đối nội của chính quyền Bush, cũng không phải là chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế để mạnh dạn kết luận về chính sách đối ngoại của chính quyền đó.
Dù vậy, quan sát hai cuộc chiến tranh ở Afganistan và Iraq từ các phương tiện truyền thông quốc tế, đặc biệt từ hai đài truyền hình lớn BBC và CNN, tôi cho rằng George W. Bush với sự cương quyết hiếm thấy đã làm được nhiều điều hữu ích cho nền văn minh nhân loại hơn là những nguyên thủ châu Âu lịch lãm thích kiểu ngoại giao “chạy tới chạy lui” vô tích sự.

Cuộc chiến Afganistan khởi sự từ biến cố kinh hoàng 11/9 nếu chỉ xét từ khía cạnh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế thì vẫn chưa toàn diện. Cần lưu ý đến thực trạng xã hội Afganistan sau khi lực lượng Taliban chiếm quyền vài năm trước biến cố 11/9. Sự cuồng tín của những nhà lãnh đạo Taliban nếu chỉ diễn ra trong phạm vi tôn giáo thì còn có thể hiểu và chấp nhận, nhưng một khi trở thành nền tảng tư tưởng cho những hành động chà đạp nhân quyền và phá hoại văn hóa, dù trong phạm vi một quốc gia, cũng không thể dung tha.
Nhiều người hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh các chiến binh Taliban mang hàng loạt người dân thường ra pháp trường xử bắn bằng súng tiểu liên sau khi tuyên bố qua loa về “tội phạm” của họ ngay trước đó vài phút. Cách hành xử thật không khác thời diệt chủng của Polpot ở Campuchia những năm 1975-1978. Hoặc hình ảnh họ đặt đại bác bắn phá các tượng Phật lớn nhất thế giới có tuổi thọ hơn một ngàn năm trên các vách núi, chẳng khác tinh thần và hậu quả của cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960 ở Trung Quốc.

Chứng kiến những tội ác đối với nhân loại như vậy của chế độ Taliban hà khắc, tôi biết rồi sẽ có một ngày vì lý do nào đó họ sẽ bị tận diệt, không đất chôn. Rồi ngày đó đến thật, khi họ từ tội ác này bước sang tội ác khác, dung dưỡng tập đoàn khủng bố quốc tế Bin Laden trong nhiều hoạt động khủng bố trên khắp thế giới, mà đỉnh cao là sự kiện 9/11. Nếu quân đội Hoa Kỳ và đồng minh không đến Afganistan thì có lẽ nhiều người dân ở đó vẫn còn bị bắn vì phạm một “tội” vu vơ, và nhiều di sản văn hóa ngàn đời đã trở thành đống gạch vụn vì lý tưởng thần thánh điên cuồng.

Ở Iraq cũng vậy. Tuy Hoa Kỳ bị lên án vì thiếu cơ sở pháp lý và bằng chứng về vũ khí hủy diệt để tiến hành chiến tranh, nhưng thảm cảnh mà người dân Iraq phải chịu đựng suốt hơn 20 năm dưới chế độ độc tài sắt đá của Saddam Hussein cũng đủ để biện minh cho hành động quân sự cần thiết tại nước này. Tất nhiên, chính quyền Bush có thể đã phạm nhiều sai lầm trong cách thức điều hành chiến tranh và xây dựng lại xã hội hỗn loại ở đó, nhưng rõ ràng sinh mạng và tương lai của người dân Iraq không còn tùy thuộc vào các quyết định khi này khi khác của những nhà lãnh đạo độc tài không xứng đáng như Saddam.

Đem lại cơ hội

Tổng thống Bush đã đúng khi nói rằng “dù sao chúng ta (người Mỹ) cũng đã mang đến cho họ (người Iraq) cơ hội được sống trong một thể chế dân chủ do chính họ xây dựng nên.” Nền dân chủ đó được xây dựng như thế nào là công việc còn lâu dài của người Iraq, dù có hay không sự hiện diện của quân đội Mỹ. Điều chắc chắn là nếu không có sự quyết liệt của Tổng thống Bush trong kế hoạch tấn công Iraq, thì Saddam Hussein và phe nhóm của ông ta vẫn tiếp tục cưỡi lên lưng người dân Iraq và to mồm thay họ nói lên “nguyện vọng” tiếp tục làm thân trâu bò cho nhà độc tài “vĩ đại” vì sự lựa chọn nào đó của lịch sử.

Nhắc lại hai cuộc chiến đẫm máu ấy không phải để cổ vũ hay biện minh cho chiến tranh hoặc ca ngợi chủ nghĩa đơn phương mà George W. Bush và chính quyền của ông theo đuổi. Nếu để đạt được mục đích tốt đẹp mà tránh khỏi chiến tranh vẫn là điều tuyệt vời nhất đối với bất kỳ dân tộc nào, vì chiến tranh muôn đời vẫn là chiến tranh, dù chính nghĩa chăng nữa, do những mất mát và chia rẽ không thể bù đắp mà nó gây ra.

Rồi đây những năm cầm quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ nhanh chóng trôi qua, dù bốn hay tám năm sắp tới. Lúc đó người ta sẽ bình tâm hơn để đánh giá lại nhiệm kỳ đầy sóng gió của chính quyền Bush, sóng gió từ bên ngoài lẫn do chính ông gây ra.

Dẫu người Mỹ có thể nhìn ông như vị tổng thống kém cỏi nhất trong lịch sử vì những hậu quả kinh tế tệ hại mà nước Mỹ đang gánh chịu, song chắc chắn ngôi nhà dân chủ mà người dân Afganistan và Iraq xây dựng và hoàn thiện sau này trên đất nước họ sẽ có một viên gạch được long trọng khắc tên: George W. Bush.

Bài viết nêu quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có ý kiến về bài viết này, xin gửi thư cho BBC ở địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk hoặc dùng hộp tiện ích bên phải.

No comments: