Saturday, January 31, 2009

AI SỢ DIỄN BIẾN HOÀ BÌNH ?

Ai sợ diễn biến hòa bình?
Thư tòa soạn
Báo Tổ Quốc số 57 ngày 1 tháng 2 năm 2009


Xin mời bấm vào đây để xem báo Tổ Quốc

Tháng 1 -2009 vừa qua Đảng CSVN đã không họp đại hội giữa nhiệm kỳ như dự định. Thay vào đó chỉ có hội nghị trung ương 9. Sự kiện này chứng tỏ có một cố gắng che đậy và trì hoãn.

Tuy vậy sự bối rối và phân hóa trong thượng tầng của đảng đã thể hiện rõ ràng, qua chênh lệch giữa thông báo của hội nghị và diễn văn bế mạc của tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Hai tài liệu này đã chỉ đồng nhất trên một nhận định là tình hình kinh tế sẽ rất nguy ngập, vì phải đương đầu cùng một lúc với hai nguy cơ đòi hỏi những biện pháp đối ngược: suy thoái và lạm phát.

Sự khác biệt lớn nhất giữa ông Mạnh, thay mặt cho bộ chính trị và ban bí thư, và tập thể ban chấp hành trung ương đảng chính là về điều quan trọng nhất: tương lai của đảng và chế độ cộng sản. Ông Mạnh nhắc đi nhắc lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của "các thế lực thù địch" trong khi thông báo của hội nghị không hề đả động đến. Hai bên không cùng một lo âu.

Nổi bật hơn nữa, ông Mạnh còn lớn tiếng tố giác khuynh hướng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", xác nhận sự hiện diện của những người chủ trương dân chủ hóa đất nước ngay trong đảng. Những người này chắc chắn đã có một trọng lượng đáng kể ngay trong BCH trung ương khiến cho những lời báo động của ông Mạnh không được ghi vào thông báo của hội nghị, dù chỉ một cách qua loa.

Sự trẻ hóa nhân sự lãnh đạo của đảng bắt đầu từ đại hội VIII đã dần dần làm công việc của nó; nó đã đưa vào các vai trò lãnh đạo, kể cả vào trung ương đảng, những người thuộc lứa tuổi 50 và trẻ hơn, hiểu biết hơn và có cái nhìn thoáng hơn. Cuộc chuyển giao thế hệ không thể trì hoãn được nữa. Ông Mạnh đã tiết lộ một tin mừng: những đảng viên cao cấp trẻ của ĐCSVN không phải đều tham nhũng và thoái hóa; cũng có những người sáng suốt và có thiện chí.

Nhưng ai sợ diễn biến hòa bình? Quốc gia nào có thể tồn tại được mà không thay đổi để thích nghi với thực tại mới? Và có người bình thường nào không muốn những thay đổi đó diễn ra trong hòa bình?

Thái độ hung hăng chống "diễn biến hòa bình" thực ra chỉ là một tàn dư tâm lý của một giai đoạn đen tối trong đó người ta đã dại dột du nhập một chủ thuyết cho rằng người trong một nước phải đấu tranh giai cấp để tiêu diệt nhau thay vì giải quyết những bất đồng ý kiến và mâu thuẫn quyền lợi một cách văn minh, dân chủ, trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Ban biên tập

No comments: