'Kiệt tác Picasso' của
Donald Trump
Trúc Phương/Người Việt
November
21, 2024 : 6:29 PM
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/kiet-tac-picasso-cua-donald-trump/#google_vignette
“Thật
là một kiệt tác. Nếu là bức tranh thì đó hẳn phải là một bức Picasso,” nhận xét
của Eileen Margolis, 58 tuổi, sống tại Weston, Florida. “Đúng là một đội ngũ
sáng chói,” phát biểu của Joanne Warwick, 60 tuổi, sống tại Detroit, Michigan.
“Đây là một dàn toàn sao xịn,” bình luận của Judy Kanoui sống tại Flat Rock,
North Carolina… Đó là vài ghi nhận mà The New York Times khảo sát, về một số ý
kiến của những người ủng hộ trung thành của ông Trump, quanh việc thành lập tân
nội các.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/Linda-McMahon-1536x1024.jpg
Tân
Bộ Trưởng Giáo Dục Linda McMahon (nếu được Thượng Viện chuẩn thuận) là một
trong những “kiệt tác” của ông Trump? (Hình: Andrew Caballero-Reynolds/AFP via
Getty Images)
“Ngày
mới” của nước Mỹ
Nét
chấm phá mới nhất trên “kiệt tác Picasso” là Linda McMahon, người được chọn làm
bộ trưởng Giáo Dục, trong khi gần như không có kinh nghiệm gì liên quan ngành
giáo dục. Có người đùa rằng, không biết tân Bộ Trưởng Giáo Dục Linda McMahon (nếu
được Thượng Viện chuẩn thuận) có tổ chức cho các em học sinh thi đấu vật trong
hệ thống nhà trường không, vì bà vốn đầy kinh nghiệm về đô vật với tư cách người
đồng sáng lập công ty thể thao giải trí chuyên về đô vật (World Wrestling
Entertainment – WWE).
Vài
ngày đầu sau khi Donald Trump tái đắc cử, nhiều người tự an ủi rằng sẽ chẳng có
trời sập hay thiên hạ đại loạn, đâu lại vào đó, không thể có chuyện nước Mỹ sụp
đổ hay bát nháo…
Thể
chế nước Mỹ vốn được kiến tạo chặt chẽ và hệ thống “check and balance” của
chính trị Mỹ được xây dựng rất tốt. Thành lũy chính trị Mỹ nói chung vững như
bàn thạch.
Đối
với những ông trùm kinh doanh, tân chính phủ của Trump 2.0 hứa hẹn sự thịnh vượng
chưa từng thấy: Nhiều quy định sẽ được nới lỏng, thuế suất giảm, lạm phát chấm
dứt… Elon Musk sẽ khiến bộ máy chính phủ làm việc hiệu quả gấp bội, thậm chí trở
nên “văn minh” hơn…
Người
ta trông đợi “những người giỏi nhất và thông minh nhất” sẽ được chọn để lãnh đạo
nước Mỹ. Phẩm chất đạo đức của những tân thành viên nội các sẽ tiếp tục là niềm
tự hào của người Mỹ và chính trị Hoa Kỳ trên trường quốc tế, chứ không phải là
lợi ích đảng phái nhỏ nhen.
Ngày
mới của nước Mỹ bắt đầu hình thành: Matt Gaetz được chọn làm bộ trưởng Tư Pháp;
Robert F. Kennedy Jr. làm bộ trưởng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh; Pete Hegseth
làm bộ trưởng Quốc Phòng; Tulsi Gabbard làm giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Gia…
Tuy
nhiên, “ngày mới” ngày càng không bình thường. Xa xa chân trời, chỉ thấy một
gam màu xám xịt. Matt Gaetz đối mặt cáo buộc sử dụng ma túy bất hợp pháp và
quan hệ tình dục với một cô gái 17 tuổi; Robert F. Kennedy Jr. nổi tiếng không
phải nhờ kiến thức y tế mà là thái độ phản khoa học; Pete Hegseth không chỉ thiếu
kinh nghiệm về quốc phòng mà cũng dính dáng vụ án hiếp dâm (đương sự chi tiền
cho một phụ nữ cáo buộc ông tội tấn công tình dục vào năm 2017 và bắt cô ấy ký
thỏa thuận không tiết lộ vụ việc)… Về Tulsi Gabbard, bà từng thực hiện hai chuyến
đi bí mật gặp nhà độc tài Syria Bashar al-Assad vào năm 2017. Bà cũng ủng hộ luận
điểm của Kremlin rằng Nga sở dĩ “phải” đánh Ukraine vì bị phương Tây chơi ép…
Trung
thành là tiêu chuẩn duy nhất để lập “bang hội”
Điều
khiến ông Trump bị ám ảnh nhiều nhất là sự phản bội. “Tinh thần” của việc xây dựng
nội các lần này đặt trên “nền tảng” yếu tố trung thành, chứ không phải kinh
nghiệm hoặc vấn đề tai tiếng liên quan đạo đức cá nhân. Trump đã rút ra được
nhiều bài học từ nhiệm kỳ 2016-2020, khi ông đối mặt nhiều rào cản từ một nội
các “đầy những kẻ gian trá” “trở mặt như lật bánh tráng.”
Xung
đột giữa tổng thống và nội các, trong thực tế, chưa bao giờ là chuyện bất bình
thường ở Mỹ. Gần như không có tổng thống nào không đụng độ với nội các hoặc
thành viên nào đó trong bộ máy chính phủ liên bang.
Cần
nhắc lại, Tháng Giêng, 1977, Tổng Thống Jimmy Carter từng muốn thực hiện lời hứa
trong chiến dịch tranh cử là rút quân đội Mỹ khỏi Nam Hàn. Tuy nhiên, việc này
cuối cùng không thể thực hiện trước sự phản đối dữ dội từ CIA và Bộ Quốc Phòng.
Với
Trump nhiệm kỳ một, Tháng Chín, 2018, một viên chức ẩn danh của chính quyền
Trump từng tiết lộ trong một xã luận trên New York Times rằng “nhiều quan chức
cấp cao trong chính quyền [Trump] đang nỗ lực ngăn chặn một số nghị sự tồi tệ
nhất của ông (Trump).”
Lần
này, Trump xây dựng một nội các được thiết kế nhằm loại bỏ mọi phản kháng đối với
các chính sách của ông. Trump từ lâu nói rằng sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ đầu
là chọn nhầm người. Trong chiến dịch tranh cử 2024, Trump kể lại, các chính
sách nhiệm kỳ đầu đã nhiều lần bị ngáng đường bởi những kẻ “ngu xuẩn” và “yếu
đuối.”
Nhiệm
kỳ đầu của Trump đầy những trường hợp về việc bộ máy dưới quyền qua mặt Trump bằng
cách chậm chạp thi hành hoặc phớt lờ những chỉ thị mà họ cho là thiếu sáng suốt
và gây hại cho đất nước. Không ít lần, họ chờ đến phút chót, với toan tính đảo
ngược chỉ thị. Những lần khác, họ câu giờ, hy vọng Trump sẽ quên.
Một
ví dụ điển hình xảy ra chỉ vài tuần trước khi Trump rời Tòa Bạch Ốc: Trump ký
loạt chỉ thị do một số phụ tá chính trị soạn, ra lệnh tất cả quân lính Mỹ rời
Afghanistan ngay lập tức. Tuy nhiên, đối mặt sự phản đối dữ dội từ nhóm an ninh
quốc gia, cuối cùng, Trump phải đảo ngược quyết định. Còn nữa, khi thúc lính
tráng xuống đường dẹp cuộc biểu tình sau vụ cảnh sát Minneapolis giết chết
George Floyd vào năm 2020, Trump cũng bị phản đối gay gắt.
Lần
này, những chuyện như vậy được hạn chế tối đa khả năng xảy ra. “Kiệt tác
Picasso” được vẽ sao cho mọi rào cản hoàn toàn bị triệt tiêu. Trump muốn đập bỏ
các thiết chế truyền thống lâu đời của Mỹ, kể cả quy trình phê chuẩn Thượng Viện
liên quan việc bổ nhiệm thành viên nội các. Cần nhấn mạnh, hiện Cộng Hòa nắm 53
ghế tại Thượng Viện. Điều đó có nghĩa, muốn một đề cử nội các không được thông
qua, tất cả thành viên Dân Chủ phải bác bỏ, cộng với bốn phiếu đồng thuận với họ
từ bên phe Cộng Hòa. Do vậy, Trump đang yêu cầu các thượng nghị sĩ Cộng Hòa “bước
qua một bên” để ông tự quyết định, dẹp luôn quy trình bỏ phiếu chuẩn thuận.
Phá
bỏ quy trình chuẩn thuận
Trump
muốn các ông nghị Cộng Hòa trong Thượng Viện áp dụng Điều Khoản Bổ Nhiệm Trong
Thời Gian Nghỉ Họp (Recess Appointments Clause), cho phép tổng thống bổ nhiệm tạm
thời khi Thượng Viện không họp. The Washington Post cho biết, yêu cầu của
Trump, về mặt kỹ thuật, là hợp hiến. Dù vậy, “chiêu” này cũng có giới hạn.
Chính
Tổng Thống Barack Obama từng áp dụng màn này vào năm 2012. Hai năm sau, Tháng
Sáu, 2014, Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết rằng Tổng Thống Obama đã vượt quá thẩm
quyền theo Hiến Pháp khi bổ nhiệm các chức vụ cấp cao trong bộ máy chính phủ
vào thời điểm mà Thượng Viện đang trong thời gian nghỉ và không thể tiến hành
thủ tục bỏ phiếu chuẩn y.
Với
trường hợp Trump lần này, Thượng Viện phải nghỉ ít nhất 10 ngày để việc bổ nhiệm
nội các được suôn sẻ. Điểm khác biệt giữa Trump và Obama, là Barack Obama phải
“canh me” Thượng Viện nghỉ (theo lịch trình làm việc của họ) để tiến hành việc
bổ nhiệm; trong khi Trump đề nghị các ông nghị Cộng Hòa phải “tự nghỉ.”
“Về
cơ bản, những gì Trump làm là yêu cầu Thượng Viện từ bỏ một trong những vai trò
cốt lõi theo Hiến Pháp của họ,” nhận xét của Sarah Binder, chuyên gia Hiến Pháp
Hoa Kỳ tại Đại Học George Washington. Một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa nói rằng họ
sẵn sàng ủng hộ kế hoạch bỏ qua quy trình phê chuẩn. “Tôi đồng ý 100%,” Thượng
Nghị Sĩ Rick Scott (Florida) lên tiếng. “Tôi sẽ làm mọi cách để thông qua đề cử
của ông Trump nhanh nhất có thể,” Thượng Nghị Sĩ John Thune (South Dakota) nói
với Fox News. Và Thượng Nghị Sĩ John Cornyn (Texas) nói rằng Hiến Pháp “rõ ràng
trao quyền cho tổng thống để bổ nhiệm trong thời gian nghỉ.”
Phần
mình, đảng Dân Chủ tại Thượng Viện có thể sử dụng các chiến thuật thủ tục để
làm chậm cuộc bỏ phiếu chuẩn thuận việc Thượng Viện “tạm nghỉ.” Nói cách khác,
không phải Thượng Viện muốn tuyên bố nghỉ là có thể nghỉ, bất chấp việc Cộng
Hòa hiện chiếm đa số ghế. Bất luận thế nào, nếu chiêu “sĩ số vắng mặt” của các
ông nghị Cộng Hòa trong Thượng Viện được thực hiện và Trump có toàn quyền bổ
nhiệm thành viên nội các, điều đó có nghĩa Thượng Viện bắt đầu tạo ra một tiền
lệ khi tự khai tử quyền lực hiến định của mình; đồng nghĩa với toàn bộ thượng
nghị sĩ Cộng Hòa giờ đây chỉ là một đám bù nhìn rơm.
Như
một trò đùa
Chưa
có một nội các tương lai nào dính vào nhiều vụ tai tiếng như lần này. Cá nhân
bà Linda McMahon (được đề cử giữ chức bộ trưởng Giáo Dục), cùng chồng Vince
McMahon, đều đang liên can các vụ kiện lạm dụng tình dục trẻ em. Nhiều nhà đô vật
và giám đốc điều hành WWE, nơi bà Linda McMahon từng ngồi ghế giám đốc điều
hành, bị cáo buộc lạm dụng tình dục suốt từ thập niên 1990 đến nay.
Năm
2022, Hội Đồng Quản Trị WWE phát hiện Vince McMahon từng trả $12 triệu cho bốn
phụ nữ để bịt miệng họ, liên quan những hành vi sai trái và quấy rối tình dục của
ông. Tháng Giêng, 2024, Vince McMahon lại bị đệ đơn kiện khi tuyển dụng một phụ
nữ vào công ty với điều kiện cô ta phải ngủ với mình; và sau đó ông còn “bán”
cô cho những “quý ông” khác…
Trump
luôn bị ám ảnh bởi sự thống trị và khuất phục, bởi sức mạnh và sự yếu đuối, bởi
việc ai “nói ra nói vào” về mình, ai đang khen và kẻ nào đang cười nhạo. Trong
chiến dịch tranh cử 2024, Trump nói trước đám đông ủng hộ tại Mar-a-Lago: “Ngày
5 Tháng Mười Một là ngày quan trọng nhất lịch sử đất nước chúng ta. Ngay thời
điểm này, chúng ta đã không được tôn trọng. Ngay lúc này, đất nước chúng ta được
biết đến như một trò đùa. Đó là một trò đùa.”
Ngay
lúc này, sau khi Trump đắc cử, thế giới đang nhìn nước Mỹ như thế nào? Nước Mỹ
vẫn được tôn trọng? Châu Âu có thể đang sốc “giùm” không ít người Mỹ. Trung Quốc
và Nga nhìn nhau: Nền dân chủ truyền thống của Mỹ đang “đổi màu”; và y chang những
gì vốn diễn ra trong hệ thống chính trị phe nhóm ở nước họ, tất cả rất giống một
trò hề. Trump gần như chưa bao giờ nói chính xác điều gì. Lần này, ông đúng tuyệt
đối: Nước Mỹ đang được biết đến, không hơn không kém, “như một trò đùa.”
No comments:
Post a Comment