Saturday, March 30, 2024

TRUNG QUỐC VÀ HOA KỲ : AI LÀ KẺ BẮT NẠT? (Hiếu Chân / Người VIệt)

 



Trung Quốc và Mỹ: Ai là kẻ bắt nạt?

Hiếu Chân/Người Việt

March 29, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trung-quoc-va-my-ai-la-ke-bat-nat/

 

Tại hội nghị thường niên của Diễn Đàn Châu Á Bác Ngao (Boao Forum for Asia – BFA) tại Hải Nam, Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh liên tục lên án Hoa Kỳ “bắt nạt” thế giới, đồng thời trình bày quan niệm của họ về một Châu Á tự do và thịnh vượng không có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế, chính Trung Quốc mới là kẻ bắt nạt (bully) các nước láng giềng và tham vọng bá chủ khu vực của Bắc Kinh mới là yếu tố đẩy châu Á vào bất ổn.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/A1-Dien-Dan-Bac-Ngao-1536x1024.jpg

Họp báo tại Diễn Đàn Châu Á Bác Ngao, Hải Nam, Trung Quốc. (Hình minh họa: STR/AFP via Getty Images)

 

Diễn Đàn Bác Ngao có từ năm 2001 sau khi Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), thường được coi là “phiên bản khu vực” của Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới Davos (World Economic Forum) được tổ chức hằng năm tại Thụy Sĩ. Diễn Đàn Bác Ngao quy tụ nhiều nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thảo luận những vấn đề thời sự mà khu vực này phải đối mặt. Diễn đàn năm nay được tổ chức từ ngày 26 đến 29 Tháng Ba, quy tụ khoảng 2,000 đại biểu từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số này có các nguyên thủ quốc gia như Tổng Thống Kassym-Jomart Tokayev của Kazakhstan, ông Hun Sen – chủ tịch Thượng Viện và là cựu thủ tướng Cambodia, và ông Dinesh Gunawardena – thủ tướng Sri Lanka …

 

Diễn giả chính của hội nghị là ông Triệu Lạc Tế, chủ tịch Quốc Hội Trung Quốc. Ông Triệu đã dành một phần bài diễn văn khai mạc để lên án cái gọi là “hành vi dọa nạt và chủ nghĩa bá quyền.”

 

“Những hành vi dọa nạt và bá quyền là hết sức tai hại. Chúng ta phải chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại và mọi hình thức rào cản, tách biệt (decoupling) hoặc gây nguy hiểm cho các chuỗi cung ứng hàng hoá,” ông Triệu nói.

 

Tuy ông không nêu đích danh Hoa Kỳ để phê phán nhưng hàm ý của ông là khá rõ khi đề cập đến cuộc cạnh tranh công khai với Mỹ, những căng thẳng trên các điểm nóng chiến lược ở Châu Á và cuộc thương chiến được các chính quyền Mỹ từ Donald Trump đến Joe Biden theo đuổi.

 

Ông Triệu vẽ ra một viễn cảnh tươi đẹp cho Châu Á nếu các quốc gia trong vùng làm việc cùng nhau để giải quyết những sự khác biệt, để châu lục này không trở thành đấu trường cho cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn. Ngôn ngữ của ông rất sáo rỗng, lặp đi lặp lại những khẩu hiệu chính trị mơ hồ thường thấy trong phát ngôn của các nhà lãnh đạo cộng sản: “Chúng ta phải cùng bảo vệ an ninh Châu Á. Chúng ta phải nắm trong tay tương lai hòa bình bền vững và an ninh của Châu Á,” ông nói.

 

Diễn văn của ông Triệu nhấn mạnh an ninh Châu Á phải do người Châu Á giải quyết, gạt bỏ vai trò của Hoa Kỳ – quốc gia bên ngoài khu vực – tại các điểm nóng như Biển Đông, biển Hoa Đông, và đảo Đài Loan.

 

Ông Triệu cảnh báo các nước Đông Nam Á “không nên chọn phe” mà phải “hiểu và trân trọng nền hòa bình tồn tại suốt ba thập niên qua, kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, và cần nỗ lực để ngăn chặn xung đột ở Biển Đông.”

 

                                                           ***

 

Các nước láng giềng của Trung Quốc dường như không mấy tin vào lời lẽ đường mật của ông Triệu, dường như họ hiểu quá rõ là đừng tin vào những lời cộng sản nói.

 

Trong khi ông Triệu lên án cái gọi là “bá quyền” của Hoa Kỳ thì ai cũng thấy Trung Quốc đang bằng mọi cách, mọi giá, thiết lập khu vực ảnh hưởng của riêng mình và đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á, cả trong lĩnh vực quân sự lẫn kinh tế và ngoại giao. Trung Quốc là quốc gia lớn nhất châu lục, có thị trường lớn nhất, là cường quốc số 1 khu vực về quân sự và kinh tế. Bắc Kinh đã lợi dụng sức mạnh cố hữu của họ để áp đặt ý muốn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhỏ và yếu hơn, sẵn sàng cấm vận thương mại, thậm chí vũ lực, để trừng phạt những quốc gia nào không khuất phục đòi hỏi của Bắc Kinh. Xem ra, không phải Mỹ mà chính Trung Quốc mới là kẻ bắt nạt. Cả Ấn Độ, Nhật, Nam Hàn, Đài Loan, Philippines, và Úc đều từng bị Trung Quốc bắt nạt.

 

Thực tế, do Mỹ thiếu một chiến lược kết nối kinh tế với khu vực Châu Á năng động, Trung Quốc đã từng bước mở rộng ảnh hưởng của họ qua hiệp định thương mại tự do ASEAN, hiệp định hợp tác kinh tế khu vực RCEP, và hiệp định thương mại với từng nước riêng lẻ trong khu vực. Những hiệp định này tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa và công nghệ Trung Quốc lan tràn khắp Đông Nam Á và ràng buộc nền kinh tế của các quốc gia khu vực này vào kinh tế Trung Quốc. Từ mối quan hệ phụ thuộc, nhiều nước cảm thấy khốn khó khi bị Trung Quốc bất ngờ cấm nhập cảng một số sản phẩm nào đó vì mục đích chính trị, tăng thuế nhập cảng lên nhiều lần hoặc kích động dân chúng “tẩy chay” sản phẩm của các nước bất đồng với Trung Quốc.

 

Dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc không tiếc tiền xây dựng lực lượng Hải Quân hùng mạnh với mục đích đẩy các hạm đội Mỹ ra khỏi vùng biển Tây Thái Bình Dương, ngăn chặn Mỹ tiếp viện cho các đồng minh Nhật, Đài Loan, Philippines khi nổ ra xung đột và để Trung Quốc dễ dàng thực hiện các yêu sách phi pháp về lãnh thổ trên Biển Đông.

 

Minh chứng cho điều đó là câu chuyện thời sự về vụ đụng độ giữa tuần duyên Philippines và hải cảnh Trung Quốc trên Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal). Hôm 23 Tháng Ba, hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công trực diện một tàu dân sự Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho một nhóm binh sĩ đồn trú trong một tàu chiến mục nát được cố tình neo đậu trên Bãi Cỏ Mây cách đây 25 năm để đánh dấu chủ quyền của nước này. Vụ tấn công làm ba thủy thủ Philippines bị thương và con tàu bị hư hại. Tổng Thống Ferdinand Marcos Jr. của Philippines phải mạnh mẽ tuyên bố ông sẽ cho thực hiện các biện pháp đối phó trước “các cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hãn và nguy hiểm” của hải cảnh Trung Quốc.

“Chúng tôi không muốn xung đột với bất cứ nước nào nhưng sẽ không khuất phục, không im lặng,” ông Marcos Jr. nói.

 

Độc chiếm Biển Đông, biến tuyến hàng hải quốc tế nhộn nhịp nhất thế giới thành ao nhà của mình là tham vọng lâu dài của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Tham vọng Biển Đông của Trung Quốc mâu thuẫn với Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và đã bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế tuyên “bất hợp pháp” năm 2016. Bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của Philippines, cách đảo Hải Nam hơn 600 hải lý, do đó, theo UNCLOS, Trung Quốc không có quyền gì để đòi chủ quyền sở hữu bãi cạn này. Quen thói bắt nạt, Bắc Kinh cho tàu hải cảnh bắn vòi rồng vào tàu Philippines nhằm cản trở đối phương nhưng tránh gây ra một vụ xung đột quân sự có thể lôi kéo cả Hoa Kỳ vào cuộc.

“Chính phủ Trung Quốc không có khả năng tiến hành các cuộc đàm phán cởi mở, minh bạch và hợp pháp. Những gì họ làm chỉ là lên giọng kẻ cả, và nếu không làm được điều đó, thì sẽ dọa nạt các nước nhỏ hơn,” Bộ Quốc Phòng Philippines tuyên bố sau sự kiện Bãi Cỏ Mây.

Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn luôn lập luận rằng sự câu kết về quân sự giữa Mỹ, Nhật, và Philippines gây căng thẳng ở Biển Đông mà không thừa nhận chính hành vi bành trướng vô lối và phi pháp của họ mới là nguyên nhân thật sự. Bây giờ thì tình hình Bãi Cỏ Mây rất căng thẳng, có thể xảy ra đụng độ bất cứ lúc nào và tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh khu vực.

 

                                                         ***

Kẻ gây hấn ở đây là Trung Quốc nhưng Bắc Kinh lúc nào cũng làm ra vẻ mình là nạn nhân. Trong diễn văn tại Bác Ngao, ông Triệu không tiếc lời lên án Washington đã hạn chế việc xuất cảng sang Trung Quốc những công nghệ có thể dùng trong quân sự như các loại chip tân tiến, thiết bị chế tạo chip, cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc chuyên về máy tính lượng tử, trí thông minh nhân tạo… Mỹ cũng khuyến khích các công ty của mình “giảm rủi ro” (de-risk) bằng cách chuyển một phần hoạt động sang các quốc gia khác thân thiện hơn.

 

Bắc Kinh cho đây là những hành vi “dọa nạt” của Mỹ, là “chủ nghĩa bảo hộ thương mại” mà không thấy đó là phản ứng tất nhiên đối với âm mưu thâu tóm và triệt hạ đối thủ của Trung Quốc. Từ rất nhiều năm trước, Bắc Kinh đã cấm cửa hoặc hạn chế các công ty lớn của Mỹ như Google, Facebook để nuôi dưỡng các công ty nội địa làm đối thủ cạnh tranh, đã đầu tư vào tham vọng “Made in China 2025,” biến Trung Quốc thành siêu cường công nghệ độc lập và tách biệt khỏi công nghệ Tây phương. Mục tiêu cuối cùng là vượt qua Mỹ, giành ngôi vị siêu cường số 1 thế giới. Họ dùng đủ mọi thủ đoạn tinh vi để đạt được tham vọng đó, kể cả ăn cướp và ăn cắp quy mô lớn có sự bảo kê của nhà nước.

 

Hành động tham lam, kẻ cả của Trung Quốc làm cho thế giới bên ngoài sợ và ghét. Các nước Đông Nam Á đang phải rất thận trọng, vừa cố tránh xung đột trực tiếp với Bắc Kinh vừa cố ngăn chặn tham vọng phi pháp của Trung Quốc. Dù rất nỗ lực và tốn nhiều tiền của, nhưng cho đến nay, Trung Quốc có rất ít đồng minh vì không có nhiều nước cam chịu bị bắt nạt. [đ.d.]

 

 

 




No comments: