Sunday, March 31, 2024

ĐÀI Á CHÂU TỰ DO ĐƯỢC HOA KỲ TÀI TRỢ, ĐÓNG CỬA VĂN PHÒNG Ở HỒNG KÔNG DO QUAN NGẠI VỀ LUẬT AN NINH (Reuters)

 



Đài Á châu Tự do được Mỹ tài trợ đóng cửa văn phòng Hong Kong, quan ngại về luật an ninh

Reuters

30/03/2024

https://www.voatiengviet.com/a/dai-a-chau-tu-do-my-dong-cua-van-phong-hong-kong-quan-ngai-luat-an-ninh/7549723.html

 

Đài Á Châu Tự do (RFA) hoạt động bằng ngân quỹ của Mỹ cho biết hôm thứ Sáu 29/3 rằng họ đã đóng cửa văn phòng ở Hong Kong vì quan ngại về sự an toàn của nhân viên sau khi thành phố nằm dưới sự cai trị của Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia mới có tên là Điều 23.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-0ef2-08dc500f4898_cx0_cy10_cw0_w1023_r1_s.jpg

Camera giám sát tại Cảng Victoria, Hong Kong, 11/3/2024 (AP Photo/Louise Delmotte)

 

Chủ tịch RFA Bay Fang nói trong một tuyên bố: “Các hành động của chính quyền Hong Kong, bao gồm cả việc gọi RFA là ‘thế lực nước ngoài’, đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về khả năng hoạt động an toàn của chúng tôi khi Điều 23 được ban hành”.

 

Luật này có hiệu lực vào ngày 23/3 sau khi được cơ quan lập pháp thân Bắc Kinh nhất trí thông qua, đây là động thái cập nhật luật an ninh quốc gia có phạm vi rộng hơn do Trung Quốc áp đặt vào năm 2020.

 

Luật quy định các hình phạt cứng rắn hơn từ mức tù vài năm cho đến chung thân, áp dụng cho các tội danh bao gồm phản quốc, phản loạn, vi phạm bí mật nhà nước, gián điệp và can thiệp từ bên ngoài.

 

Các bên lên tiếng chỉ trích, gồm cả chính phủ Hoa Kỳ, nói rằng luật này trao cho chính quyền nhiều quyền hành hơn để trấn áp giới bất đồng chính kiến. Còn Bắc Kinh cho rằng cần phải có luật này để tái lập trật tự cho trung tâm tài chính sau các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ rầm rộ vào năm 2019.

 

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng “Quyết định của RFA thể hiện hậu quả mới nhất của việc chính quyền Hong Kong tiếp tục đàn áp quyền tự do báo chí”.

 

Quan chức này nói thêm: “Chúng tôi vẫn quan ngại sâu sắc về mức độ bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản đã bị suy giảm nhiều cũng như thực trạng quyền tự trị của Hong Kong bị dỡ bỏ một cách có hệ thống theo Luật An ninh Quốc gia và Điều 23 được thông qua gần đây”.

 

Trong một tuyên bố trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng quốc gia này đang thực hiện các bước để áp đặt các hạn chế mới về visa đối với nhiều quan chức Hong Kong dính líu đến việc đàn áp nhân quyền và tự do.

 

Giới chỉ trích cho rằng việc đóng cửa văn phòng RFA và các nhân viên toàn thời gian nghỉ việc là dấu hiệu về quyền tự do báo chí ở Hong Kong bị tổn hại, đồng thời phản ánh mối lo ngại của một số doanh nghiệp và tổ chức có liên hệ với chính phủ nước ngoài rằng họ có thể gặp những nguy cơ theo luật mới.

 

RFA là "một trong những cơ quan báo chí độc lập cuối cùng đưa tin về các sự kiện xảy ra ở Hong Kong bằng tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại", Chủ tịch Fang của RFA nói thêm.

Trong những năm gần đây, các cơ quan truyền thông theo tư tưởng tự do của Hong Kong như tờ Apple Daily, Stand News và Citizens' Radio đã buộc phải đóng cửa dưới áp lực từ chính quyền.

 

Chính quyền Hong Kong nói trong một email phản hồi gửi tới Reuters rằng họ sẽ không bình luận về quyết định của RFA, nhưng họ "lên án mọi nhận xét mang tính gây sợ hãi và bôi nhọ."

 

“Chỉ nêu tên mỗi Hong Kong và nói hàm ý rằng các nhà báo sẽ phải lo ngại khi hoạt động ở mỗi nơi đây chứ không phải ở các quốc gia khác quả là sự định kiến trắng trợn, nếu không muốn nói là hết sức quá đáng”, họ nói thêm.

 

Phóng viên Không Biên giới (RSF), nhóm cổ súy cho quyền của giới truyền thông, xếp Hong Kong đứng thứ 140 trên 180 nước và vùng lãnh thổ trong bảng chỉ số tự do báo chí toàn cầu hàng năm vào năm 2023, giảm sâu so với vị trí thứ 73 trước khi có luật an ninh năm 2020.

RFA đã duy trì hoạt động của văn phòng ở Hong Kong từ năm 1996, một năm trước khi thuộc địa cũ của Anh này quay về với sự cai trị của Trung Quốc.

 

 





No comments: