Friday, March 29, 2024

CHIẾN TRANH UKRAINA : HỒI KẾT CHO "CƠN MÊ ĐẮM SAY NGA" CỦA PHÁP? (Minh Anh / RFI)

 



Chiến tranh Ukraina : Hồi kết cho « cơn mê đắm say Nga » của Pháp ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 28/03/2024 - 14:39

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20240328-chi%E1%BA%BFn-tranh-ukraina-h%E1%BB%93i-k%E1%BA%BFt-cho-c%C6%A1n-m%C3%AA-%C4%91%E1%BA%AFm-say-nga-c%E1%BB%A7a-ph%C3%A1p

 

Nếu cuộc chiến xâm lược Ukraina của Nga làm lộ rõ sự phụ thuộc khí đốt của Đức vào Nga, thì cuộc xung đột này cũng đã « lột trần » một dạng lệ thuộc khác tại Pháp : Nỗi đắm say nước Nga. Sự thay đổi lập trường trong các phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từ việc « chớ nên hạ nhục nước Nga » cho đến « Kremlin không nên thắng cuộc chiến này », cho thấy Paris đang nhọc nhằn đoạn tuyệt với Matxcơva như thế nào !

 

https://s.rfi.fr/media/display/e0126312-883a-11ec-bb4c-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/000_9YM6VE.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong lần hội đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin ngày 07/02/2022. © SPUTNIK / AFP

 

Ngày 14/03/2024, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên hai kênh truyền hình TF1 và France 2, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, « chúng ta không muốn leo thang, chúng ta không có chiến tranh với Nga, nhưng chúng ta không nên để Nga giành thắng lợi ». Một lần nữa nguyên thủ Pháp nhấn mạnh rằng việc gởi binh sĩ đến Ukraina, « tuy không là điều ông mong muốn », nhưng « tất cả những giải pháp này đều có thể », và điều quan trọng là không nên tỏ ra « yếu thế » trước Matxcơva.

 

Khác với cách nay gần hai năm, chủ nhân điện Elysée vẫn bày tỏ mong muốn đối thoại với Nga. Câu nói nổi tiếng « chớ nên hạ nhục nước Nga » mà ông phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, đông bắc nước Pháp ngày 09/05/2022 đã khiến các nước Đông Âu bị sốc và làm dấy lên nhiều chỉ trích. Tại Pháp, tuần báo L’Express có bài giải mã đề tựa « Vì sao Macron tốt nhất nên im lặng ». Làm thế nào giải thích cho sự « bẻ lái » đột ngột này của nguyên thủ Pháp ?

 

 

Paris chọn Matxcơva!

 

Elsa Vidal, trưởng ban biên tập RFI Tiếng Nga, trong cuộc trao đổi dành cho RFI Tiếng Việt, thừa nhận bà không thể giải thích cho sự thay đổi thái độ đột ngột này từ tổng thống Pháp, nhưng động thái này khẳng định xu hướng Emmanuel Macron đang đưa nước Pháp thoát ra khỏi mối quan hệ truyền thống ưu tiên Pháp – Nga.

 

Elsa Vidal : « Vào tháng 6/2023, tại Bratislava, Emmanuel Macron đã có bài phát biểu lời lẽ cứng rắn hơn đối với Nga. Trong bài phát biểu này, ông ấy nhìn nhận tầm quan trọng những gì mà các nước biên giới với Nga phải trải qua. Đó là những nước hoặc bị Nga chiếm đóng trong suốt thời kỳ Liên Xô, hoặc bị Nga thống trị dưới thời Sa hoàng. »

 

https://s.rfi.fr/media/display/a8dc23ca-ed04-11ee-a198-005056a97e36/ELSA%20VIDAL.webp

Elsa Vidal, tổng biên tập RFI Tiếng Nga trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 20/03/2024. © RFI Tiếng Việt

 

Liệu đó có là hồi kết cho một chương dài thân Nga ? Bởi vì, từ hơn nửa thế kỷ qua, « Paris đã chọn Matxcơva », Elsa Vidal đã mở đầu như thế trong tập sách « Mê đắm nước Nga. Ba mươi năm chính sách "chiều lòng" Nga của Pháp ». Nga chiếm một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp đến mức đôi khi mù quáng. Từ Emmanuel Macron, cho đến Nicolas Sarkozy, xa hơn nữa là Jacques Chirac, François Mitterand… Paris luôn tìm cách « reset » – làm mới lại – mối quan hệ với Matxcơva. Một chính sách gần như là « bất di bất dịch ».

 

Elsa Vidal : « Điều làm cho tôi ngạc nhiên khi viết tập sách này, tôi chợt nhận ra rằng, ngoại trừ nhiệm kỳ tổng thống François Hollande, lập trường của tất cả các tổng thống Pháp từ khi Nga tiếp nối Liên Xô là hầu như không thay đổi. Lập trường này xem Nga như là một phương cách để cố gắng cân bằng ảnh hưởng của Mỹ, một sức ảnh hưởng mà Pháp cho là quá mức và nguy hiểm cho quyền tự quyết của Pháp. Đây là một truyền thống mà người ta thường cho là thuộc trường phái De Gaulle – Mitterand. Đây chính là những gì cựu ngoại trưởng Hubert Védrine, thời tổng thống François Mitterand, đã từng nói đến. Hubert Védrine  hiện vẫn là một nhân vật rất có ảnh hưởng trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. »

 

 

« Chớ hạ nhục nước Nga ! »

 

Chính sách này bắt đầu từ ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến và đầu thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Trong mong muốn tìm lại tầm ảnh hưởng, một vị thế trên trường quốc tế và nhất là trong tư tưởng bài Mỹ mạnh mẽ, tướng De Gaulle năm 1966 đã đưa ra một chính sách được thể hiện rõ qua ba thuật ngữ « Lắng nghe, Hòa dịu, Hợp tác », vạch ra những nguyên tắc cơ bản cho mối quan hệ mà Paris muốn thiết lập với Matxcơva. Di sản này có một sức ảnh hưởng to lớn trong đời sống chính trị, một « kim chỉ nam » cho nền ngoại giao Pháp trong mối quan hệ với Nga, được hầu hết các đảng phái chính trị Pháp bám lấy suốt hơn nửa thế kỷ qua.

 

François Mitterand có lẽ là người bám chặt nhất tư tưởng này của tướng De Gaulle khi chủ trương một chính sách « Bạn bè, Đồng minh nhưng không Liên kết » với Mỹ. Paris mong muốn là một nước « trung gian tất yếu » giữa Đông và Tây, theo như nhận xét của Marie-Pierre Rey, nhà sử học, chuyên gia về quan hệ Pháp - Nga với Elsa Vidal (trang 45). Nhưng đến thời Jacques Chirac, Paris như một kẻ yêu say đắm Matxcơva. Ưu tiên cho mối quan hệ với Nga, Pháp đôi khi không ngần ngại đi trái ý, gây bất lợi cho các nước đồng minh, mà cuộc chiến tranh tàn khốc ở Chechnya là một ví dụ điển hình.

 

Nên khi nói rằng « chớ nên hạ nhục nước Nga », Emmanuel Macron chưa phải là người đầu tiên thốt lên câu nói này. Năm 1995, tại thượng đỉnh nhóm G7 tổ chức Halifax, New Scotland, Canada, Jacques Chirac đã cho rằng xung đột ở Chechnya là « chuyện nội bộ » của Nga, và có lời cảnh cáo các đồng nhiệm rằng « hãy cẩn thận đừng bao giờ làm nhục nước Nga ».

 

Elsa Vidal : « Trong số các lãnh đạo Pháp, người đầu tiên nói về sự hạ nhục này là ông Jacques Chirac, người "yêu say đắm" nước Nga nhất. Ông ấy biểu hiện sự gắn bó này qua văn hóa Nga, vốn là một lá chủ bài thật sự của Nga trên trường quốc tế. Jacques Chirac đã có những phát biểu rất mạnh mẽ như thế trên trường quốc tế khi nói rằng không phải bởi vì Nga đang trải qua một giai đoạn suy yếu mà nước này ngưng là một nước vĩ đại, vì thế không nên hạ nhục Nga. Nói một cách khác, chúng ta có nguy cơ gánh lấy những hệ quả khủng khiếp.

Emmanuel Macron, ông ấy cũng đi theo truyền thống đó. Cũng cần nói thêm rằng phát biểu về sự sỉ nhục này, trước hết là một diễn ngôn do các lãnh đạo Nga tạo ra để giải thích cho mong muốn tìm lại thế mạnh của họ trên trường quốc tế. Chúng ta có thể hiểu được điều này, rằng Nga nuối tiếc thế mạnh mà họ đã có khi Liên Xô từng là một tiếng nói có trọng lượng trong các chương trình nghị sự thế giới và tự xem như là ngang vai ngang vế với cường quốc Mỹ. »

 

 

« Reset » và tham vọng cao của Emmanuel Macron

 

Elsa Vidal thừa nhận, ao ước tìm lại vị thế cường quốc và sức ảnh hưởng, không chỉ ở giới lãnh đạo Nga, đi đầu là ông Vladimir Putin, mà còn ở một bộ phận lớn cử tri Nga. Điều mà bà phê phán là một bộ phận giới tinh hoa Pháp sử dụng lại lập luận này như thể họ đang sử dụng quan điểm của Nga để giải mã các sự kiện.

 

Trong chính sách « Reset » này, Emmanuel Macron có lẽ là vị tổng thống năng động nhất. Ngay những ngày đầu nhiệm kỳ năm 2017, vị tổng thống trẻ tuổi nhất của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp, không ngần ngại trải thảm đỏ, long trọng nghinh tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles tráng lệ. Tham vọng là nhằm xây dựng lại quan hệ Pháp – Nga đã bị rạn nứt từ sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée, vượt qua những chia rẽ giữa phe mang tư tưởng Đại Tây Dương và bên chủ nghĩa hiện thực, chủ trương tự chủ, cũng như là chia rẽ giữa phe thân Nga và chống Nga.

 

Elsa Vidal : « Vào thời điểm đó, cách tiếp cận của Emmanuel Macron quả thực là một phần trong truyền thống lâu đời. Đầu tiên, đơn giản nhất là truyền thống của Mỹ. Năm 2013, Barack Obama đã cố gắng tái khởi động quan hệ với Nga nhưng không thành công. Tôi nghĩ rằng ông Macron muốn thành công ở điểm mà Obama đã thất bại.

 

Rồi trong truyền thống Pháp, trong các nghiên cứu mà tôi thực hiện cho tập sách, tôi phát hiện ra rằng chiến lược « Reset » đầu tiên, ý định tái khởi động quan hệ đầu tiên với Nga đã diễn ra vào năm 1867 ở Paris. Vào thời điểm đó, Pháp và đế chế Sa hoàng lo lắng trước đà gia tăng sức mạnh của Phổ, sau này là nước Đức. Cả hai nước tự nhủ rằng thật là đáng tiếc nếu không liên kết để có thể chống Đức.

 

Chính ở điểm này mà Nga hay Liên Xô từng được một số nước, đặc biệt là Pháp xem như là một liên minh ngược, nghĩa là để đối trọng với cường quốc Đức, rồi chống lại hay cân bằng cường quốc Mỹ. Truyền thống này đã được hình thành ở Pháp, và là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Pháp mà tôi có dịp nhận thấy qua cuốn sách này. Chủ nghĩa chống Mỹ, tôi không nói là tất cả, nhưng ngự trị một phần lớn trong các chính đảng Pháp. »

 

 

Pháp – Nga cùng cảnh ngộ : Nỗi hoài niệm về một đế chế xa xưa ?

 

Cũng giống như nhiều nhà quan sát khác, Elsa Vidal, cho rằng Pháp theo đuổi chính sách « Reset » với Nga còn vì Paris và Matxcơva có một gạch nối chung : Nỗi hoài niệm về một tầm ảnh hưởng đã mất.

 

 

Elsa Vidal : « Tại Pháp, việc người ta có thể dễ dàng sử dụng thuật ngữ "hạ nhục" từ phía Nga là bởi vì Pháp cũng là một cựu đế chế, và việc mất đế chế này vẫn bị tiếc nuối bởi nhiều chính khách Pháp cũng như là một số người Pháp, những người sinh ra vào thời điểm mà Pháp vẫn còn đế chế thuộc địa.

 

Tôi nghĩ đến những người còn biết đến chế độ thuộc địa gần đây nhất, bị tan rã trong những năm 1960 sau những cuộc chiến tranh giành độc lập. Tôi cho rằng chính vì một bộ phận cử trị Pháp và nhiều chính khách Pháp vẫn còn hoài niệm về tầm vĩ đại, thế mạnh và đế chế mà họ có một sự đam mê đối với mô hình Nga bởi vì Nga cũng đã khôi phục được đế chế của mình lần đầu tiên vào năm 1917, sau khi chế độ Sa hoàng biến mất.

 

Những người Bôn-sê-vich đã tạo dựng lại đế chế dưới hình thức Liên Xô và vào năm 1992, sự biến mất của Liên Xô đã mở ra một giai đoạn mới với việc tìm kiếm một tầm ảnh hưởng mà đế chế thuở xưa đã có. Và người ta đã thấy điều đó qua năm cuộc chiến tranh do Nga tiến hành, không chỉ do ông Putin thực hiện. Do vậy, người Pháo đôi khi cũng rất lắng nghe các phát biểu từ Nga bởi vì Pháp cũng vậy, Pháp có một sức mạnh to lớn và thật khó mà từ bỏ thế mạnh đó. »

 

 

Chỉ có điều, đây là một mối tình đơn phương, Paris « say đắm » nhìn Matxcơva, nhưng nước Nga của Vladimir Putin lại có một mục tiêu cao hơn để đeo đuổi. Nếu như Paris xích lại gần Matxcơva để cân bằng quan hệ với Washington thì, Nga chỉ muốn thu hút sự quan tâm của Mỹ. Trang 34, Elsa Vidal viết : « Một điều chắc chắn là Vladimir Putin nỗ lực tìm lại vị thế có thể đối xử ngang vai ngang vế với Mỹ trong nhiều hồ sơ quốc tế. Về phía châu Âu, ông ấy không trông đợi cũng không mong mỏi điều gì nhưng sẽ nắm bắt lấy những cơ hội nào chúng ta trao tặng cho ông. »

 

Mục tiêu không đạt được Nga chủ động nói lời giã biệt ? Giới quan sát thật sự bị sốc khi nhìn thấy hình ảnh một chiếc bàn dài 4 mét ngăn cách tổng thống Nga Vladimir Putin với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại điện Kremlin vài ngày trước khi Nga quyết định tấn công Ukraina. Cuộc chiến này phải chăng đã bộc lộ thất bại chính sách « Reset » của Pháp ?

 

Tổng biên tập RFI Tiếng Nga lạc quan đánh giá đấy chưa hẳn là một thất bại hoàn toàn. Nhưng trước sự thay đổi thái độ của Pháp hiện nay vào thời điểm phương Tây đang đối đầu với Nga, theo đúng lô-gic, Elsa Vidal dự đoán, Nga rất có thể sẽ có những hành động trừng phạt. Pháp ngày càng trở thành một mục tiêu tấn công trong chính sách gây bất ổn của Nga. Bà cũng cẩn trọng trước việc cho rằng Pháp đã hoàn toàn thay đổi lập trường. Thời gian sẽ cho biết liệu Paris có lý hay không !

 

 

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn Elsa Vidal, trưởng ban biên tập RFI Tiếng Nga đã tham gia chương trình.

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

ĐIỂM BÁO

Macron phải cố "lôi kéo" các đồng minh bày tỏ lập trường cứng rắn với Nga

 

ĐIỂM BÁO

Đưa quân sang Ukraina : Tổng thống Pháp lại nói đúng nhưng quá sớm






No comments: