Saturday, June 24, 2023

BỘ TỨ MỸ, NHẬT, ẤN, ÚC TẤP NẬP GHÉ THĂM, VIỆT NAM HÀNH ĐỘNG THẦM LẶNG (RFA)

 



Bộ tứ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc cấp tập ghé thăm, Việt Nam hành động thầm lặng

RFA
2023.06.24

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-quartet-of-the-us-japan-india-australia-paid-a-visit-vietnam-acts-quietly-06242023102112.html

 

Một nhà nghiên cứu thạo tin Việt Nam (không muốn nêu tên) cho RFA hay, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 25 đến 28/6/2023 và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thủ tướng Phạm Minh Chính khi hội kiến Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và sau đó gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Chính sẽ nói chuyện thẳng thắn với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, mặc dù, người này tiên liệu, Bắc Kinh sẽ không dễ dàng nhượng bộ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-quartet-of-the-us-japan-india-australia-paid-a-visit-vietnam-acts-quietly-06242023102112.html/@@images/10443513-204e-45c4-b3a7-a58e87320676.jpeg

Việt Nam được nói là sẽ mua tên lửa siêu thanh Brahmos của Ấn Độ. (Ảnh minh họa) -   Reuters

 

Song song dự đoán về chuyến thăm Trung Quốc của Việt Nam, một số chuyên gia nghiên cứu cũng đưa ra những nhận định về các sự kiện ngoại giao nổi bật diễn ra trong tháng 6 và động thái của Việt Nam.

 

Bộ tứ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc hỗ trợ Việt Nam 

 

Trong tháng 6 năm 2023 đã diễn ra một loạt sự kiện ngoại giao nổi bật của Việt Nam với 4 nước thuộc Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) là Mỹ, Nhật, Ấn, Úc. Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã thăm Việt Nam từ ngày 3-4 tháng 6. 2. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh thăm Việt Nam từ ngày 7-10 tháng 6 và sau đó Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang thăm Ấn Độ từ ngày 17-20 tháng 6. Trong hai chuyến thăm cấp cao này, Ấn Độ tặng Việt Nam tàu hộ vệ tên lửa INS Kirpan. Hôm 6/10, tờ Zee Business của Ấn Độ đăng một đoạn tin ngắn: “Zee Business đã có được thông tin độc quyền cho biết Ấn Độ có khả năng bán tên lửa BrahMos vốn được đánh giá cao của mình cho Việt Nam, báo hiệu sự hợp tác quốc phòng ngày càng sâu rộng giữa hai nước. Diễn biến này diễn ra gần với chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang tới New Delhi vào ngày 19/6. Thỏa thuận tiềm năng này sẽ tiêu tốn của Việt Nam tới 625 triệu USD.” Đối với Nhật Bản, tàu khu trục chở máy bay JS Izumo (có khả năng đóng vai trò tàu sân bay với tiêm kích F-35) và JS Samidare của Nhật Bản cập cảng Cam Ranh từ ngày 20 đến 23 tháng 6. Sau đó tàu sân bay USS Ronald Reagan (Mỹ) băng Biển Đông và dự kiến thăm Đà Nẵng từ ngày 25 đến 30 tháng 6. 

 

Các động thái ngoại giao nói trên của Mỹ, Nhật, Ấn, Úc diễn ra riêng lẻ, nhưng cả bốn nước này đều được biết đến là thuộc nhóm Bộ Tứ có cùng chí hướng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giờ đây, tất cả họ đều đến thăm Việt Nam trong một tháng (tháng 6 năm 2023). RFA hỏi TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute rằng liệu các động thái ngoại giao riêng lẻ này có phải là ngẫu nhiên không. 

 

TS. Nagao giải thích: “Nhìn chung, các chuyến thăm chính thức cấp cao và giao lưu quân sự không dễ chuẩn bị trong thời gian ngắn. Những chuyến thăm này diễn ra sau một thời gian dài lên kế hoạch. Tuy nhiên, cũng có một điều đúng là tất cả các nước QUAD nói trên (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) đều muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.” Ông Nagao giải thích 3 lý do Bộ Tứ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc muốn Việt Nam tăng cường hợp tác: 

 

Thứ nhất, theo TS. Nagao, Việt Nam có vị trí quan trọng trong chiến lược đối trọng với Trung Quốc của Bộ Tứ. Sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc có một khuôn mẫu là cứ khi nào thiếu khoảng trống quyền lực thì họ nhảy vào chiếm lãnh thổ. Như tôi đã nói nhiều lần, họ bành trướng trên Biển Đông theo cách đó, mỗi khi cán cân quân sự nghiêng về phía họ. Chi tiêu quân sự của Trung Quốc nhắm vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang tăng cao hơn phía Mỹ và đồng minh. Để duy trì cân bằng quân sự trong khu vực, Mỹ và đồng minh cần tìm một phương pháp khác. Hợp tác giữa các quốc gia có cùng chung lợi ích là câu trả lời như một phương pháp khác như vậy. Ông Nagao giải thích:

 

“Nếu Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác, Trung Quốc cần chia chi tiêu quân sự của họ thành hai mặt trận, phía đông (Nhật Bản) và phía tây (Ấn Độ). Do đó, sự hợp tác giữa Mỹ, Nhật, Ấn, Úc (QUAD,) và dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS (Mỹ, Anh hỗ trợ Úc), v.v. có thể phân chia chi tiêu của Trung Quốc.

Nhìn từ logic này, nếu QUAD hợp tác với Việt Nam, họ có thể chia chi tiêu quân sự của Trung Quốc ra nhiều mặt hơn nữa. Điều này không chỉ có lợi cho QUAD mà còn có lợi cho cả Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam có lịch sử lâu dài giành thắng lợi trong các cuộc chiến tranh với các cường quốc như Pháp, Mỹ, Trung Quốc. Do đó, đối với QUAD, hợp tác với Việt Nam là hy vọng mới trong chiến lược chống lại Trung Quốc.”

 

Lý do thứ hai khiến cho Bộ Tứ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam là những thay đổi trong thượng tầng lãnh đạo ở nước này gần đây:

 

 “Việt Nam đã có ban lãnh đạo mới. Khi các thành viên lãnh đạo mới tuyên thệ nhậm chức, các nước xung quanh Việt Nam cần xây dựng lại các mối quan hệ hợp tác. Các nước QUAD cần đến thăm Việt Nam và gặp ban lãnh đạo mới, đồng thời gửi lực lượng vũ trang đến thăm để bày tỏ thông điệp cam kết ủng hộ Việt Nam.”

 

Và lý do cuối cùng nhưng quan trọng nhất, là việc Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông. Ông Nagao phân tích:

 

“Trung Quốc đang khiêu khích bằng cách cử tàu khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến đầu tháng 6 vừa rồi, và họ tiếp tục gửi tàu hải cảnh và tàu khảo sát khác đến khu vực. Như vậy, các nước QUAD phải thể hiện sự hiện diện của mình để hỗ trợ Việt Nam.”

 

Theo ông Nagao, các nước trong khu vực như Việt Nam đang lo lắng về một kịch bản trong tương lai là nếu Trung Quốc đẩy mạnh hơn nữa mức độ hung hăng của họ ở khu vực Đông Nam Á thì các nước Bộ Tứ sẽ không tăng cường hỗ trợ khu vực này: 

 

“Ngay cả khi các nước trong khu vực lựa chọn lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc, các nước này vẫn lo ngại rằng Mỹ và các nước cùng chí hướng khác sẽ không hỗ trợ đủ cho họ. Các nước trong khu vực biết rõ chuyện gì sẽ xảy ra trong trường hợp này, khi căn cứ vào những gì xảy ra trong Thế chiến II. Khi Đức ném bom London vào năm 1940, tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch tham chiến để hỗ trợ người Anh. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ cần những lý do chính đáng để thuyết phục công dân Mỹ huy động lực lượng và tổ chức lại quân đội tham chiến. Trước khi đồng minh của Đức là Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng vào cuối năm 1941, Mỹ không thể biện minh cho việc can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Anh - Đức.” 

 

Theo TS. Nagao, tình hình Đông Nam Á ngày nay cũng gần tương tự như vậy, dù bối cảnh cụ thể rất khác nhau. 

 

“Trong trường hợp của Việt Nam, Việt Nam không phải là đồng minh chính thức của Hoa Kỳ. Như vậy, không dễ tưởng tượng rằng Mỹ sẽ chiến đấu cho Việt Nam. Vì vậy, phía QUAD nên gửi thông điệp tới Việt Nam rằng họ có thiện chí hỗ trợ Việt Nam nếu Việt Nam thúc đẩy hợp tác với QUAD. Đây là thông điệp quan trọng khi Việt Nam đứng trước sự khiêu khích từ Trung Quốc.

Các tàu sân bay của Mỹ và Nhật Bản có thể bày tỏ thông điệp hỗ trợ quân sự mạnh mẽ của họ. Ấn Độ quyết định cung cấp tàu hộ vệ tên lửa INS Kirpan cho Việt Nam. Australia cũng đang huấn luyện quân đội Việt Nam.

Cho đến nay, QUAD và Việt Nam không phải là mối quan hệ bền chặt như các liên minh. Nhưng trong trường hợp vấn đề Trung Quốc, QUAD và Việt Nam có chung lợi ích. QUAD muốn gửi thông điệp thúc đẩy hợp tác vì tương lai.”

 

Mỹ Nhật phối hợp, Việt Nam im lặng hành động  

 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nhận xét rằng Mỹ thường có sự phối hợp với các nước đồng minh như Nhật Bản. Do đó, việc tàu sân bay trực thăng của Nhật là Izumo tàu khu trục JS Samidare vào vịnh Cam Ranh, Nha Trang chỉ trước ít ngày tàu sân bay Hoa Kỳ USS Ronald Reagan sẽ ghé thăm Đà Nẵng (cảng Tiên Sa) không phải là ngẫu nhiên. Ông đồng thời chỉ ra một loạt các động thái nói trên cho thấy Việt Nam muốn xúc tiến nhiều việc một cách “thầm lặng”: 

 

"Việt Nam mời USS Ronald Regan của Mỹ vào Tiên Sa, Izumo và Samidare của Nhật vào Cam Ranh, mua của Ấn Độ tên lửa siêu thanh với giá trị lên đến hơn 650 triệu USD và được Ấn Độ tặng tàu hộ vệ tên lửa. Ngoài ra Việt Nam tham gia tập trận chung với ASEAN ở Biển Đông. Những động thái này ít được báo chí trong nước đưa tin mà chủ yếu là tin tức từ truyền thông nước ngoài. Điều đó cho thấy Việt Nam muốn xúc tiến nhiều việc, nhưng im lặng mà làm, chứ không muốn ồn ào trên truyền thông.”  

 

Tuy nhiên, theo Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Paris 2 Panthéon-Assas, Pháp, mỗi nước ASEAN có những bước khi khác nhau trong chiến lược an ninh. Indonesia có những bước đi bộc lộ ý muốn tự chủ tự cường bằng việc nâng cấp và chuyển đổi năng lực quốc phòng và khả năng công nghệ nói chung. Chúng ta chưa rõ Indonesia muốn đạt đến trình độ nào và họ sẽ mất bao nhiêu thời gian để đạt được mục đích. Còn với Việt Nam, các hoạt động mời tàu chiến Mỹ, Nhật ghé thăm hoặc tập trận với ASEAN là cần thiết nhưng có lẽ chỉ có tác dụng răn đe ngắn hạn. Theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, điều quan trọng là nâng cấp công nghệ quốc phòng trong tổng thể năng lực khoa học công nghệ nói chung của Việt Nam.

 

----------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·         

Tàu sân bay Mỹ sắp thăm Đà Nẵng giữa lúc căng thẳng với Bắc Kinh trên Biển Đông ‘vẫn cao’

 

Philippines đàm phán với Trung Quốc về lệnh cấm đánh cá, và đối sách của Việt Nam

 

Biển Đông: Việt Nam chuẩn bị tâm thế ra sao nếu kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế?

 

Việt Nam nên cứu xét đứng đơn kiện đơn lẻ, bên cạnh kiện tập thể Trung Quốc về xâm phạm chủ quyền ra Tòa án quốc tế

 

Các nước ASEAN sẽ diễn tập chung lần đầu tiên ở Biển Đông













No comments: