Thursday, August 25, 2022

VIỆT NAM TRONG CHIẾN LƯỢC BÀNH TRƯỚNG CỦA TRUNG QUỐC Ở CHÂU Á-THÁI BÌNH DƯƠNG (RFA)

 



Việt Nam trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Châu Á - Thái Bình Dương

RFA
2022.08.24

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/copy_of_vietnam-in-china-expansion-strategy-in-asia-pacific-08242022130328.html

 

Tiến sĩ Nagao Satoru, nghiên cứu viên cao cấp tại Hudson Institute, chia sẻ với RFA về chính sách bành trướng của Trung Quốc và mạng lưới an ninh đang hình thành để đối phó với sự bành trướng đó.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/copy_of_vietnam-in-china-expansion-strategy-in-asia-pacific-08242022130328.html/@@images/0bd23503-edbf-4b14-b7d1-b1ff99e789ea.jpeg

Một cuộc họp của QUAD hồi tháng 5 năm 2022.  Reuters

 

Tiến sĩ Nagao Satoru, nghiên cứu viên cao cấp tại Hudson Institute ở Washington D.C nhận định với RFA rằng, Trung Quốc hiện nay tất yếu duy trì chính sách bành trướng. Song song đó, TS. Nagao Satoru cũng đưa ra nhiều phân tích cụ thể về vị trí của Việt Nam trong mạng lưới an ninh mới đang dần hình thành ở Châu Á-Thái Bình Dương cùng góc nhìn toàn cảnh về chiến lược lấp đầy khoảng trống quyền lực của Trung Quốc trong loạt bài sau đây, mời quý vị cùng theo dõi.

 

                                                                *

 

Gần đây, trong bang giao quốc tế ở Châu Á - Thái Bình Dương, thế giới chứng kiến sự ra đời một loạt các mối liên kết song phương, ba bên và các mối quan hệ đa phương khác. Chẳng hạn, các liên kết Mỹ - Nhật - Ấn, Nhật - Ấn - Úc, Úc - Anh - Mỹ, Ấn - Úc - Indonesia, Ấn - Úc - Pháp, Mỹ - Ấn - Israel - Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và đặc biệt là Đối thoại Tứ giác An ninh (QUAD) gồm Mỹ - Nhật - Úc - Ấn. 

 

Các mối liên kết này đang dần dần hình thành một mạng lưới an ninh mới trong khu vực. Không khó để nhận ra mạng lưới này có mục đích phòng ngự trước sự nổi lên của một siêu cường quân sự mới: Trung Quốc. 

 

Trong mạng lưới an ninh mới đang dần hình thành này, không có quốc gia Đông Nam Á nào tham gia, kể cả Việt Nam. Mặc dù là một trong những địa bàn Trung Quốc muốn tăng cường bành trướng cả về lãnh thổ (như ở Biển Đông) lẫn kinh tế chính trị, một số nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, hiện đang quan sát tình hình chứ chưa "chọn phe" một cách dứt khoát. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnam-in-china-expansion-strategy-in-asia-pacific-08242022130328.html/nagao_satoru.jpg/@@images/83865f4c-0430-45a8-9cb4-af8c4b6e2ff7.jpeg

TS. Nagao Satoru, Hudson Institute

 

RFA trao đổi với TS. Nagao Satoru, nghiên cứu viên cao cấp tại Hudson Institute ở Washington D.C. về chiến lược bành trướng của Trung Quốc, mạng lưới an ninh đang hình thành trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và vị trí "có thể có" của những nước như Việt Nam trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc cũng như trong mạng lưới an ninh mới đang hình thành để đối phó với siêu cường mới nổi này. 

 

Chiến lược "khai thác khoảng trống" của Trung Quốc ở Việt Nam và Philippines 

 

Trao đổi với RFA, TS. Nagao Satoru cho rằng chiến lược của Bắc Kinh là khai thác tình hình bất cứ khi nào xuất hiện khoảng trống quyền lực. 

 

Ông Nagao nêu các ví dụ trong thế kỷ 20: 

 

"Vào thập niên 1950s, ở Biển Đông, ngay sau khi Pháp rút quân khỏi Đông Dương năm 1954, Trung Quốc đã chiếm một nửa quần đảo Hoàng Sa. 

 

Đến năm 1974 - một năm sau khi Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam - Trung Quốc liền đánh chiếm nốt nửa còn lại của quần đảo ấy. 

 

Trong thập niên 1980s, ngay sau khi Liên Xô giảm bớt sự hiện diện quân sự ở Việt Nam, Trung Quốc mở rộng lãnh thổ ở quần đảo Trường Sa, chiếm đóng 6 khu vực ở đó vào năm 1988."

 

Năm 1992, Quân đội Mỹ kết thúc 92 năm hiện diện ở Philippines. Và 3 năm sau đó, vào năm 1995, Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn do Philippines quản lý.

 

Theo nhà nghiên cứu Nagao, những hoạt động này cho thấy chiến lược của Trung Quốc là lựa chọn thời điểm khi cán cân quân sự thay đổi và xuất hiện những khoảng trống quyền lực để bành trướng lãnh thổ. 

 

Trung Quốc hiện nay tất yếu duy trì chính sách bành trướng  

 

Áp dụng những kinh nghiệm lịch sử nói trên vào thời đại ngày nay, ông Nagao cho rằng, nếu những quan sát lịch sử trên là đúng, ngày nay Trung Quốc sẽ tiếp tục leo thang các hoạt động của mình, bởi lẽ trong thập kỷ qua, cán cân quân sự đã thay đổi theo hướng có lợi cho họ. 

 

Ông Nagao giới thiệu một nghiên cứu mới nhất của mình trên tạp chí Raisina Files, tháng 6 năm 2022, phân tích Cơ sở dữ liệu về chi tiêu quân sự của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), theo đó, trong 10 năm từ 2011 đến 2020, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 76%. Trong khi đó, cùng thời gian nói trên, Ấn Độ tăng chi tiêu quân sự chỉ 34%, Australia chỉ tăng 33%, còn Nhật Bản thì chỉ tăng 2,4%. Đáng chú ý, Hoa Kỳ giảm chi tiêu 10% trong cùng khoảng thời gian này. 

 

"Thực vậy, gần đây Trung Quốc đã cố gắng mở rộng yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Đài Loan, Nam Thái Bình Dương, biên giới Ấn Độ - Trung Quốc và Ấn Độ Dương vì họ nhận thấy khoảng trống quyền lực ở những khu vực này. Dữ liệu cho thấy quan sát nói trên là đúng. Ví dụ, so sánh giữa số lượng tàu Trung Quốc được xác định trong vùng tiếp giáp ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku ở Nhật Bản và các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc cho thấy những điểm tương đồng."

 

Đi sâu vào chi tiết, TS. Nagao cho biết, ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku của Nhật Bản, Trung Quốc đã gia tăng hoạt động xâm nhập của lực lượng hải cảnh: Năm 2011, số lượng tàu Trung Quốc được xác định trong vùng tiếp giáp ở vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku chỉ là 12. Nhưng con số đã tăng lên 428 vào năm 2012, 819 vào năm 2013, 729 vào năm 2014, 707 vào năm 2015, 752 vào năm 2016 , 696 vào năm 2017 và 615 vào năm 2018. Đến năm 2019, con số đã lên tới 1097.

 

Ở phía tây, năm 2011, Ấn Độ ghi nhận 213 vụ xâm nhập vào khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, nhưng những năm sau đó, con số gia tăng lớn hơn: 426 lần vào năm 2012, 411 lần vào năm 2013, 460 lần vào năm 2014, 428 lần vào năm 2015, 296 lần vào năm 2016, 473 lần vào năm 2017, 404 lần vào năm 2018 và 663 lần vào năm 2019. Những cuộc xâm nhập này tương tự như các hoạt động của Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku. 

Nhà nghiên cứu Nagao kết luận: "Dựa trên số lượng các cuộc xâm nhập của Trung Quốc ở khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc và các hoạt động của Trung Quốc trên vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, có thể thấy rõ ràng rằng Trung Quốc đã tăng cường sự quyết đoán của mình trong năm 2012 và 2019 ở cả hai khu vực."

 

Phần tiếp theo, TS. Nagao Satoru chia sẻ với độc giả RFA về Đối thoại Tứ giác An ninh (The Quadrilateral Security Dialogue - QUAD), một trong những tổ chức hợp tác an ninh đang nổi lên để đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. 

 

---------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Ý nghĩa quan trọng chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang

Hoa Kỳ cam kết tăng cường hợp tác với các nước châu Á TBD

Hoa Kỳ trở lại Châu Á Thái Bình Dương

Cuộc tranh chấp lãnh thổ-lãnh hải tại châu Á

Hai đô đốc hải quân chỉ huy các LL. của NATO và châu Á Thái Bình Dương.





No comments: