Friday, August 26, 2022

CRIMEA, TỪNG LÀ PHÁO ĐÀI SỨC MẠNH CỦA NGA, GIỜ ĐÂY ĐÃ BỘC LỘ ĐIỂM YẾU (Thomas Grove / The Wall Street Journal)

 



Crimea, từng là pháo đài sức mạnh của Nga, giờ đây đã bộc lộ điểm yếu

Thomas Grove  -  The Wall Street Journal   

Trần Hoàng Minh Quân, biên dịch

26/08/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/26/crimea-tung-la-phao-dai-suc-manh-cua-nga-gio-day-da-boc-lo-diem-yeu/

 

Kiev đã sử dụng máy bay không người lái và các nhóm phá hoại để tấn công các mục tiêu trên bán đảo chiến lược ở Biển Đen, làm suy yếu ưu thế của Nga ở miền nam Ukraine.

 

Trong nhiều thế hệ, Crimea đã neo giữ sức mạnh quân sự của Liên Xô ở Biển Đen. Sau khi Crimea bị sáp nhập vào Nga năm 2014, Tổng thống Putin tuyên bố bán đảo này sẽ mãi mãi là của Nga. Nhưng hàng loạt vụ nổ và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong những ngày gần đây đã cho thấy mức độ dễ tổn thương của Crimea, cũng như việc nơi này đã trở thành một phần trong các mục tiêu của Ukraine ra sao.

 

Các nhà phân tích và quan chức quân sự cho rằng những cuộc tấn công vào sâu bên trong Crimea, bao gồm cả tổng hành dinh Hạm đội Biển Đen ở thành phố cảng Sevastopol, đã làm gián đoạn kế hoạch tiến sâu hơn xuống miền nam Ukraine của Moskva, có thể buộc Nga phải xem xét lại về chiến lược của mình.

 

Kể từ khi xung đột bùng phát hồi tháng 2, Crimea và Hạm đội Biển Đen đã đóng vai trò như một đầu mối quan trọng cung cấp lực lượng, thiết bị và hỏa lực cho binh sĩ Nga ở miền nam Ukraine, nơi nhiều thành phố và thị trấn đã nhanh chóng thất thủ. Từ đây, Nga đã phóng tên lửa hành trình vào các thành phố và cơ sở quân sự của Ukraine. Crimea cũng được coi là thành tố quan trọng trong kế hoạch của Nga nhằm tiến xa hơn về phía tây đến thành phố cảng chiến lược Odessa và tạo ra một hành lang trên đất liền nối tới Moldova.

 

Những vụ tấn công ‘thay đổi cuộc chơi’

 

Tuy nhiên, vừa qua một máy bay không người lái của Ukraine đã tiếp cận được trụ sở được phòng thủ kiên cố của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Điều này cho thấy điểm yếu của Nga trên vùng lãnh thổ chiến lược quan trọng này. Theo một quan chức phương Tây, các vụ nổ trước đó tại căn cứ không quân Saki (vào ngày 9/8) đã khiến hơn một nửa số máy bay chiến đấu của Hạm đội Biển Đen không thể hoạt động. Vẫn chưa rõ nguyên nhân thực sự gây ra vụ nổ đó.

 

John Spencer, chủ nhiệm bộ phận nghiên cứu chiến tranh đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison, cho biết: “Nếu Saki và Sevastopol có thể bị tấn công, đó sẽ là một sự kiện thay đổi cuộc chơi. Những cuộc tấn công như vậy đang nhắm vào các mục tiêu hậu cần, chỉ huy, kiểm soát và cuối cùng là năng lực của chính Hạm đội Biển Đen.”

 

Spencer cũng cho biết sau những vụ nổ gần đây, Hạm đội Biển Đen của Nga đang phải chật vật để hoạt động với chức năng một pháo đài phòng thủ ven biển, cộng với tổ chức một số cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Ukraine. Ông cho rằng các đòn tấn công cũng đã khiến Nga chưa thể mở cuộc tấn công đổ bộ vào Odessa.

 

Bộ Quốc phòng Anh cho hay, các vụ nổ, cùng với việc soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga bị đắm trước đó, đã đặt hạm đội này vào thế phòng thủ, phải duy trì hoạt động ở khu vực gần đường bờ biển của Crimea.

 

Crimea mất an toàn trước tấn công du kích

 

Kể từ khi chiến dịch quân sự của Moskva bắt đầu, Crimea đã là một hậu cứ an toàn và đáng tin cậy trong nỗ lực của Nga nhằm giành kiểm soát các vùng lãnh thổ dọc theo bờ biển phía nam của Ukraine. Spencer nói rằng các cuộc tấn công gần đây đã làm suy yếu “bong bóng an ninh” của các radar và sức mạnh không quân mà Hạm đội Biển Đen đã xây dựng. Nga có thể đang suy tính các phương án để tạm thời di chuyển các tàu còn lại của hạm đội đi nơi khác. Nếu vậy, lực lượng Nga ở Ukraine có thể đối mặt với những vấn đề hậu cần mới.

 

Ukraine được nhận định còn lâu mới có thể tiến hành một cuộc tấn công trực diện vào Crimea, nhưng Kiev đã công khai tuyên bố họ muốn giành lại bán đảo này sau khi Nga thôn tính nó theo sau việc một tổng thống thân Nga bị lật đổ ở Kyiv. Là một phần của Ukraine từ thời Xô-viết, Crimea đã luôn là một lãnh thổ mang tầm quan trọng chiến lược đối với Moscow, nơi đóng trụ sở Hạm đội Biển Đen từ thời Đế chế Nga.

 

Hôm 20/8, Tổng thống Zelensky tuyên bố tình trạng hiện tại ở Crimea “chỉ là tạm thời và Ukraine đang quay trở lại”.

 

Vẫn chưa rõ các cuộc tấn công kiểu du kích sẽ góp phần như thế nào vào một cuộc phản công quy mô lớn hơn của Ukraine chống lại lực lượng Nga ở miền nam Ukraine. Mục tiêu trước mắt của Kiev là đẩy Nga ra khỏi Kherson, vùng lãnh thổ đầu tiên mà Moskva đã chiếm được ở khu vực hữu ngạn sông Dnipro. Lực lượng Ukraine đã tập trung đánh vào các đường tiếp tế và cầu bắc qua sông để cô lập quân Nga tại đó với hy vọng buộc họ rút lui.

 

Velina Tchakarova, Giám đốc Viện Chính sách An ninh và châu Âu của Áo, cho biết các vụ nổ ở Crimea có thể không báo trước một cuộc phản công quân sự trên diện rộng, nhưng có thể là một phần của chiến thuật làm tiêu hao sinh lực của Nga với các loại vũ khí mà Ukraine có trong tay.

 

“Trong trường hợp Ukraine không có khả năng tiến hành một cuộc phản công lớn, thì họ cũng đang làm suy giảm khả năng và cảm giác an toàn của Nga đến mức cao nhất có thể. Đó là một tình huống tiêu hao”, Velina nói.

 

Tác động tâm lý

 

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng các cuộc tấn công đang có tác động tâm lý đáng kể lên giới lãnh đạo Nga. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một trong những căn cứ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất của quân đội Nga khiến nó trở nên quan trọng cả về mặt biểu tượng cũng như mặt tác chiến. Các quan chức Ukraine không bình luận ngay lập tức về vụ việc ở Biển Đen, nhưng họ ám chỉ có liên quan đến một loạt các vụ nổ trước đó.

 

Nga cho biết Ukraine đã triển khai máy bay không người lái đến nhiều căn cứ khác nhau trên bán đảo trong những tuần gần đây, kích hoạt hệ thống phòng không ở nhiều nơi, như ở Yevpatoria, nơi thống đốc Crimea do Nga hậu thuẫn, Sergei Aksyonov, nói rằng Bộ Quốc phòng Nga đã bắn hạ tất cả các máy bay không người lái xâm phạm bán đảo này.

 

Các nhà phân tích quân sự cho rằng các cuộc không kích cho thấy Ukraine đang hiểu rõ hơn về cách hoạt động của hệ thống phòng không Nga và cách họ sử dụng hiệu quả thông tin tình báo cũng như vũ khí do các nước phương Tây cung cấp – một bước tiến quan trọng đối với một quân đội vốn hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí do Mỹ và châu Âu viện trợ.

Tchakarova nói: “Cuối cùng thì chúng [các vụ tấn công] cũng cho thấy việc chuyển giao vũ khí là hợp lý và tạo ra sự khác biệt trên chiến trường. Ngay bây giờ điều đó tạo nên sự khác biệt.”

 

Khả năng tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn vào hậu cứ của Nga có nghĩa là Ukraine đang bước vào một ranh giới mong manh giữa việc làm suy yếu cảm giác an toàn của Nga trên bán đảo mà không gây ra tổn thất đến mức có thể được sử dụng để làm cái cớ cho một đợt huy động quân sự rộng lớn hơn trên khắp nước Nga.

 

Các nhà phân tích cảm thấy cho đến nay ranh giới đó vẫn chưa được vượt qua, nhưng các cuộc tấn công đã phá vỡ luồng thông tin được kiểm duyệt cẩn thận mà công dân Nga tiếp nhận về cuộc xung đột. Bằng chứng là sau các vụ nổ hồi đầu tháng nhằm vào một kho vũ khí, khách du lịch đã nhanh chóng rời Crimea, khiến dòng xe lưu thông qua cầu Kerch vào đất liền nước Nga trở nên ùn tắc.

 

“Họ đã nỗ lực nhiều thập niên nhằm kiểm soát thông tin mà người Nga nhận được, nhưng bạn không thể che dấu một đám mây hình nấm”, Spencer nói.

 

Hôm thứ Hai, thống đốc Sevastopol đã đăng một video về việc ông đi thị sát các hầm trú bom trên kênh Telegram cá nhân.

 

------------------------

Nguồn: Thomas Grove, “Crimea, Once a Bastion of Russian Power, Now Reveals Its Weakness”, The Wall Street Journal, 22/08/2022





No comments: