Thursday, August 25, 2022

CON NGƯỜI KHÔNG CÓ CHỖ TRÊN CON ĐƯỜNG XÂY DỰNG CNXH! (Trân Văn)

 



Con người không có chỗ trên con đường xây dựng CNXH!

Trân Văn

25/08/2022

https://www.voatiengviet.com/a/con-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-kh%C3%B4ng-c%C3%B3-ch%E1%BB%97-tr%C3%AAn-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-cnxh-/6716168.html

 

https://gdb.voanews.com/5A9F2A0A-F284-4E16-80CD-FA92DD0124D6_w1023_r1_s.jpg

Một áp phích tuyên truyền cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ Online)

 

Từ đầu 2021 đến hết tháng sáu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc.

 

Tháng trước, từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền cùng ngậm tăm khi nhân viên y tế bỏ việc trở thành vấn nạn toàn quốc. Công đoàn Y tế Việt Nam công bố một thống kê chắc chắn là chưa đầy đủ: Từ đầu 2021 đến hết tháng sáu năm 2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc.

 

Theo tổ chức đại diện cho nhân viên y tế tại Việt Nam thì có tám lý do dẫn đến “làn sóng nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc” (1). Nếu dành thời gian đọc kỹ, ngẫm nghĩ về tám lý do này thì cả tám đều quy về một mối: Nhân viên y tế thôi việc, bỏ nghề vừa do kiệt sức vì bị bạc đãi, vừa thất vọng bởi không được đối xử tử tế dù xã hội rất cần họ!

 

                                                             ***

 

Tháng này, từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền tiếp tục ngậm tăm khi giáo viên bỏ việc trở thành vấn nạn toàn quốc. Thống kê dẫu không đầy đủ vẫn gây choáng váng: Đắk Lắk thiếu hàng ngàn giáo viên. Bình Dương thiếu hơn 3.000 giáo viên. TP.HCM cần hơn 5.000 giáo viên cho niên khóa mới (2)...

 

Những lý do dẫn đến làn sóng giáo viên thôi việc, bỏ nghề cũng giống hệt những lý do dẫn đến làn sóng nhân viên y tế thôi việc, bỏ nghề. Giáo viên có học vị Thạc sĩ chỉ được trả ba triệu đồng/tháng, hai năm sau mới được nhận bốn triệu đồng/tháng? Còn xứ nào lương mỗi tháng của giáo viên chỉ bằng thu nhập mười ngày của một người phụ hồ (3)?

 

                                                           ***

 

Giáo dục và y tế vốn là nền tảng của sự ổn định, đồng thời còn kiến tạo cơ hội phát triển cho một dân tộc, một quốc gia. Đó cũng là lý do giáo dục và y tế mặc nhiên được xác định là phúc lợi công cộng, các hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đứng ra gánh vác nghĩa vụ cung ứng kèm cam kết không ngừng cải thiện chất lượng những phúc lợi này.

 

Vì vậy, chuyện giáo viên, nhân viên y tế thi nhau thôi việc, bỏ nghề không chỉ đơn thuần là vấn nạn của riêng ngành giáo dục, ngành y tế. Bạc đãi giáo viên, nhân viên y tế không chỉ đơn thuần là sự tàn tệ đối với giới đứng trên bục giảng và giới chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật cho người khác. Đó là sự coi thường đồng bào và tương lai xứ sở.

 

Bạc đãi giáo viên, nhân viên y tế không chỉ bất nhân mà còn bất trí, bất nghĩa, bội tín. Theo thời gian, sự khinh miệt con người vốn đã kéo dài nhiều thập niên càng ngày càng trầm trọng. Đã đến lúc phải nhận diện, gọi tên sự bất nhân, bất trí, bất nghĩa, bội tín ấy là chính sách ngu dân, dù cố tình hay vô ý cũng đều hướng đến việc làm suy kiệt giống nòi.

 

Sẽ còn bao nhiêu gia đình, bao nhiêu đứa trẻ đủ cả tài lực lẫn kiên nhẫn để theo đuổi con đường học vấn khi học phí tất cả các cấp càng ngày càng cao, vượt xa khả năng tài chính của nhiều giới (4) và sau tất cả những hi sinh, những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh của cả gia đình cũng như từng cá nhân, nếu không thất nghiệp thì tìm được việc làm cũng khó mà đủ sống, kể cả khi chọn làm những loại việc mà do tính chất, mức độ ổn định thường rất cao như giáo viên, nhân viên y tế?

 

Có thời nào, ở xứ nào trong lịch sử nhân loại mà người thầy bị rẻ rúng như Cộng hòa XHCN Việt Nam nên vừa vật lộn với cơm áo, vừa hoang mang, tuyệt vọng về tương lai? Có thời nào ở xứ nào trong lịch sử nhân loại mà nhân viên y tế xin được trang bị khiên, áo giáp khi làm công việc cứu đồng loại (5)?

 

Có thời nào, ở xứ nào trong lịch sử nhân loại mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thản nhiên vứt hết ngàn tỉ này tới ngàn tỉ khác vào những dự án, công trình vô bổ nhưng chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tật thì bị buộc phải chọn loại rẻ tiền kiểu như dao mổ phải rạch nhiều lần mới đứt da, bất kể bệnh nhân lãnh đủ loại hậu quả (6)?..

 

Những con người cụ thể - đối tượng thụ hưởng phúc lợi từ giáo dục, y tế tại Cộng hòa XHCN Việt Nam - ở đâu trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội? Khi việc xây dựng chủ nghĩa xã hội diễn ra theo hướng không chỉ bất nhân mà còn bất trí, bất nghĩa, bội tín như thế thì lúc thành công có còn ai ra hồn người không?

 

---------------

Chú thích

 

(1) https://baochinhphu.vn/ly-do-hon-9300-nhan-vien-y-te-thoi-viec-nghi-viec-102220720181405906.htm

 

(2) https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/giao-vien-o-at-nghi-viec-den-thac-si-luong-cung-chi-4-trieu-thi-song-sao-1084279.ldo

 

(3) https://thanhnien.vn/vi-sao-giao-vien-nghi-viec-luong-bang-phu-ho-lam-10-cong-thua-cong-nhan-post1489931.html

 

(4) https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/hoc-phi-dai-hoc-o-at-tang-20220806201122094.htm

 

(5) https://cand.com.vn/y-te/bac-si-kien-nghi-sam-khien-ao-giap-de-phong-bi-tan-cong--i663940/

 

(6) https://dantri.com.vn/suc-khoe/bv-dung-dao-mo-rach-3-lan-moi-dut-da-hau-qua-vi-mua-gia-thap-nhat-20220822144153982.htm





No comments: