NỘI
DUNG :
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà
Nancy Pelosi thực sự thăm Đài Loan?
BBC News Tiếng Việt
Trung
Quốc tức tối trước đối sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ về Đài Loan
Trọng Nghĩa
- RFI
.
Căng
thẳng Mỹ - Trung leo thang khi bà Pelosi thăm Châu Á
Bình luận của Minh Đăng
.
=================================================
.
.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bà
Nancy Pelosi thực sự thăm Đài Loan?
BBC
News Tiếng Việt
31 tháng 7 năm 2022
https://www.bbc.com/vietnamese/world-62367520
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2D1F/production/_126115511_mediaitem126114655.jpg.webp
Chủ tịch Hạ viện
Hoa Kỳ Nancy Pelosi
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi bắt đầu chuyến
công du bốn nước châu Á vào Chủ nhật nhưng không đề cập có đến Đài Loan hay
không, trong bối cảnh việc bà đến thăm hòn đảo có thể gây thêm căng thẳng giữa
Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Tờ The
Wall Street Journal đưa tin quá trình chuẩn bị hậu cần cho chuyến dừng
chân ở Đài Loan của bà Pelosi đang diễn ra trong trường hợp bà quyết định đến
Đài Bắc.
Trung Quốc đã cảnh báo về "hậu quả nghiêm
trọng" nếu bà tiến hành một chuyến thăm như vậy.
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden nói với các
phóng viên rằng "quân đội cho rằng đó không phải là một ý tưởng hay",
nhưng Nhà Trắng cũng gọi việc Trung Quốc phản đối chuyến đi của bà Pelosi là
"vô ích và không cần thiết".
Là người đứng thứ hai trong danh sách kế nhiệm
tổng thống, bà Pelosi sẽ là chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ đi đến hòn đảo
dân chủ tự quản kể từ năm 1997, sau người tiền nhiệm Newt Gingrich.
Bắc Kinh cảnh báo Mỹ 'chịu
hậu quả' nếu bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan
Lịch sử phản đối Bắc Kinh
lâu dài của bà Nancy Pelosi
Kịch bản về chuyến
thăm Đài Loan'có thể' của bà Pelosi
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 29/7, phát
ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tiếp tục cảnh báo nếu Mỹ tiếp
tục thách thức lằn ranh đỏ của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả.
Tiếp đó, hôm 28/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình trong cuộc điện đàm dài hơn hai tiếng với Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh
báo Mỹ không nên "đùa với lửa" khi nhắc tới vấn đề Đài Loan.
Trong khi đó, phát ngôn viên về an ninh quốc
gia của Nhà Trắng John
Kirby cho biết Mỹ chưa nhận thấy "dấu hiệu vật lý, hữu hình"
nào gợi ý về một hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan, Reuters dẫn
nguồn.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, nhiều kịch bản có
thể xảy ra nhưng "khó có vụ máy bay chở bà Pelosi bị Trung Quốc bắn hạ"
như nhiều người lo ngại.
"Để xung đột xảy ra chỉ vì một chuyến
thăm là điều thiếu khôn ngoan nhất có thể xảy ra lúc này với Trung Quốc. Kịch bản
đó là xấu nhất, nhưng tỷ lệ xảy ra là gần như bằng không. Thiết lập vùng cấm
bay có thể có tỷ lệ cao hơn, nhưng vẫn thấp vì thiết lập ADIZ là hành động leo
thang căng thẳng khá lớn và có mức độ thúc ép phức tạp, ảnh hưởng không chỉ tới
Đài Loan mà còn các quốc gia khác ở khu vực.
"Dễ xảy ra hơn sẽ là việc Trung Quốc đưa
máy bay theo dõi, áp sát, đe doạ máy bay của bà Pelosi nếu Trung Quốc nắm được
lịch trình và lộ trình, vốn không dễ," ông Phương dự đoán.
Liệu Trung Quốc có chiếm
thành công Đài Loan vào năm 2030?
Trung Quốc - Đài Loan: Giải
thích đơn giản
Trung Quốc nói sẽ 'đánh đến
cùng' để chặn Đài Loan độc lập
Tần suất máy bay
PLA xâm phạm vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan ngày càng nhiều, bất
chấp sự răn đe của Mỹ
Nghiên cứu sinh tiến sĩ về An ninh và Quân sự
Quốc tế tại Đại học New South Wales cũng cho rằng, Trung Quốc có thể tiến hành
các hành động gây sức ép cấp tập với chính Đài Loan để gửi thông điệp.
"Hoặc Trung Quốc sẽ phản đối thông qua
các hành động trên thực địa ở khu vực Hoa Đông hay Biển Đông như tâp trận. Khả
năng bà Pelosi huỷ chuyến thăm là có, nhưng hiện tại khả năng đó chưa rõ ràng,
và nhiều khi phải đến thời điểm dự kiến của chuyến thăm mới biết được,"
ông Phương kết luận.
Thứ bảy 30/7, Trung Quốc đã ra thông báo tập
trận bắn đạn thật ở ngoài khơi tỉnh Phúc Kiến, cách bờ biển Đài Loan 100 km,
sau khi đưa ra lời cảnh báo đối với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.
"Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra từ 8h
tới 21h ngày 30/7, cấm toàn bộ phương tiện đi vào vùng biển này", Cơ quan
An toàn Hàng hải đảo Bình Đàm thuộc tỉnh Phúc Kiến thông báo. Đảo này nằm đối
diện thành phố Tân Trúc ở tây bắc Đài Loan.
Hôm 30/7, Tác giả và chuyên gia Trung Quốc,
Gordon Chang, đã giải thích trên Foxnews tại
sao những lời cảnh báo của Trung Quốc bắn rơi máy bay của Chủ tịch Hạ viện
Nancy Pelosi trong chuyến đi Đài Loan của bà ấy "có thể không phải là hăm
dọa".
Ông Chang nói Trung Quốc hiện là "chế độ
nguy hiểm nhất":
"Chúng ta khó mà chấp nhận chuyện PLA - Quân đội
Giải phóng Nhân dân - sẽ bắn rơi máy bay của bà Pelosi. Nhưng quý vị nhớ cho:
Ngay lúc này, có bốn tàu chiến Trung Quốc trong vùng lãnh hải Nhật Bản ở
Senkakus trên Biển Hoa Đông. Hiện quân đội Trung Quốc đã tiến sâu vào lãnh thổ
do Ấn Độ kiểm soát ở Ladakh, trên dãy Himalaya. Cách đây vài tuần, Trung Quốc
đã gây ra cuộc khủng hoảng trên Biển Đông với Philippines. Trung Quốc đang nổi
trận lôi đình. Nó có thể sẽ nhắm vào Đài Loan, hoặc một nơi nào khác,"
Các lực lượng có vũ trang của Trung Quốc và Đài Loan
Tại sao là Đài
Loan?
Văn phòng của Chủ tịch Hạ
viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết bà sẽ đến Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản,
đồng thời cho biết máy bay đã đến Hawaii ngày 31/7 (giờ Việt Nam). Việc bà có
đáp xuống Đài Loan hay không là câu hỏi của nhiều người.
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 31/7, nghiên cứu
sinh Tiến sỹ về An ninh và Quân sự Quốc tế tại Đại học New South Wales, Nguyễn
Thế Phương, giải thích:
"Thứ nhất, Pelosi là người nổi tiếng vì
thái độ chỉ trích Trung Quốc trong suốt ba thập kỷ, từ vụ Thiên An Môn năm 1989
cho tới phong trào dân chủ ở Hong Kong gần đây, và vì thái độ này Trung Quốc
không ưa Pelosi cho lắm.
"Thứ hai, vấn đề Đài Loan là vấn đề nhận
được sự ủng hộ lưỡng đảng. Pelosi là Chủ tịch Hạ viện, một người có cảm tình với
Đài Loan, một quốc gia dân chủ và có chính sách xã hội tiến bộ giống với tư tưởng
của Pelosi (ví dụ như công nhận hôn nhân đồng giới chẳng hạn). Thông điệp: Mỹ cần
phải thể hiện sự ủng hộ lớn hơn với Đài Loan, thẳng thắn hơn.
"Cần lưu ý rằng là Pelosi có thể nghĩ rằng
chuyến thăm của mình giúp ổn định quan hệ Mỹ-Đài trong bối cảnh răn đe đang bị
yếu đi." ông Phương nhận xét.
Số vụ xâm nhập vào
Vùng Nhận Dạng Phòng Không của Đài Loan
được báo cáo
Washington lâu nay vẫn giữ chính sách
"chiến lược mơ hồ" về việc liệu họ có can thiệp quân sự trong trường
hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan hay không. Hoa Kỳ một mặt hỗ trợ Đài Loan về
an ninh và quân sự nhưng đồng thời không công nhận Đài Loan như một thực thể quốc
gia và thừa nhận chính sách "một Trung Quốc" của đại lục.
Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Thế Phương, chiến
lược này thực chất cho tới giờ vẫn không thay đổi và sẽ khó thay đổi trong
tương lai.
"Cái khác là cường độ hợp tác giữa hai quốc
gia sẽ tăng lên, cũng như mức độ hợp tác sẽ rộng hơn, không chỉ bao gồm song phương
mà còn là đa phương với các nước có liên quan (Nhật chẳng hạn). Bên cạnh đó sẽ
là thảo luận nội bộ sôi nổi của Mỹ về kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan, vốn
nếu xảy ra sẽ thách thức mập mờ chiến lược. Kịch bản này gần đây được thảo luận
tương đối nhiều, nhất là sau khi Nga tấn công Ukraine," ông Phương nói.
Bà Pelosi trước đó đã hủy kế hoạch thăm Đài
Loan vào tháng 4 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Covid-19.
Việt Nam ảnh hưởng
gì?
Theo chuyên gia Sean King nói với BBC News Tiếng
Việt hồi tháng 6, Đài Loan đóng vai trò cực kỳ quan trọng với một số quốc gia.
"Nếu Bắc Kinh chiếm được Đài Loan, sẽ phá vỡ
cái gọi là "Chuỗi đảo đầu tiên", để cho Quân Giải phóng Nhân dân
Trung Quốc có thể tiếp cận tự do và phát triển sức mạnh ở các phần rộng lớn của
Thái Bình Dương, thậm chí có thể đe dọa các căn cứ quân sự ở xa của Mỹ như Guam
và Hawaii."
"Đây sẽ là bước lật ngược thế cờ, với chiến lược
"chống tiếp cận/chống xâm nhập", Bắc Kinh có thể chặn đứng sự tiếp cận
và đẩy lực lượng Mỹ lẫn Nhật Bản vào khu vực Biển Đông. Đây sẽ là điều tồi tệ với
Việt Nam."
Bản Đồ Chuỗi Đảo Đầu
Tiên
Còn ông Thế Phương nhận định, nếu để xảy ra
xung đột giữa hai bờ eo biển sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam, vì nó sẽ
khiến cho dòng chảy kinh tế ở khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Cả Trung Quốc và Đài Loan đều là những đối
tác kinh tế và thương mại lớn với Việt Nam. Tuy nhiên đó là khi có xung đột xảy
ra, các cường quốc hiện tại họ sẽ cố gắng kiềm chế không để xung đột xảy ra.
Nên tác động trực tiếp từ vấn đề Đài Loan là tương đối ít ở thời điểm hiện tại
đối với Việt Nam.
Kịch bản đáng lo ngại hơn là Trung Quốc sẽ gia
tăng căng thẳng ở Biển Đông để gửi thông điệp tới Mỹ, qua đó gián tiếp ngăn chặn
chuyến thăm của Pelosi và ảnh hưởng tới chủ quyền của Việt Nam." ông
Phương đúc kết.
Người Đài Loan nói
gì?
Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 31/7, Amy
Huang sống tại Đài Bắc và hiện đang làm cho tổ chức NGO về vấn đề nhân quyền
nói:
"Cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới đây
đã bắt đầu các chiến dịch vận động. Tôi cảm giác rằng xã hội nói chung và các đảng
phái quan tâm điều này hơn. Người Đài Loan đương nhiên hoan nghênh việc bà
Pelosi đến thăm nhưng cùng lúc, chúng tôi cũng không muốn có sự khiêu khích nào
đối với đại lục.
"Chuyện Trung Quốc có đánh Đài Loan tôi chỉ thấy
nó là chủ đề thảo luận sôi nổi của phương Tây và các nước khác, còn người Đài
Loan vẫn tận hưởng cuộc sống hàng ngày. Chủ đề đó như một vòng lặp cứ được nói
đi nói lại của các học giả, những nhà bình luận chính trị và xã hội dân sự hơn
là chủ đề thường ngày của người dân," Amy
nói.
Cô cho biết thêm, chuyện tập dợt cho những
tình huống có chiến tranh xảy ra đã là điều "thường ngày" ở Đài Loan
chứ không phải do chuyến thăm của bà Pelosi. Chủ yếu các tổ chức xã hội dân sự,
chứ không phải quân đội tập huấn cho người dân bình thường các kĩ năng như: làm
sao chuẩn bị hành trang, những kĩ năng về sơ cứu và làm sao ứng dụng chuyên môn
của mình nếu chiến tranh nổ ra.
"Nỗi sợ về diệt vong quốc gia là chủ đề nổi bật
được bàn tán sôi nổi và trở thành câu chuyện chủ đạo trong chiến dịch tranh cử
tổng thống của đảng Dân chủ tiến bộ - DPP. Trong một thời gian ngắn, nhiều người
lo ngại và thấp thỏm thật nhưng rồi sau bầu cử, họ chẳng cảm thấy gì. Hay những
nhà lãnh đạo bảo thủ và người ủng hộ Trung Quốc Quốc dân Đảng - KMT thường hay
cường điệu về câu chuyện Trung Quốc để khiến mọi người nghĩ rằng, nếu họ nắm
quyền thì có thể ứng phó với Trung Quốc khôn ngoan hơn DPP," Amy kết luận.
Tỷ lệ những người ở Đài Loan coi mình là người Đài
Loan đã tăng lên
Jing Lu, một người dân sống tại
Đài Bắc cũng nói với BBC, các cuộc tập dợt là "chuyện thường ngày ở huyện":
"Thú thật người dân Đài Bắc không có nhiều cảm xúc đối với chuyện Trung Quốc
liệu có tấn công Đài Loan hay không. Chúng tôi đã chuẩn bị kịch bản cho tình huống
đó từ rất lâu rồi, chứ không phải đợi chuyến thăm của ai hay chiến tranh ở
Ukraine," Jing chia sẻ.
-----------------------
TIN LIÊN QUAN
Lịch sử phản đối Bắc Kinh
lâu dài của bà Nancy Pelosi
30 tháng 7 năm 2022
.
TQ nói Mỹ sẽ 'chịu hậu quả'
nếu bà Nancy Pelosi thăm Đài Loan
27 tháng 7 năm 2022
.
Liệu Trung Quốc có sáp nhập
Đài Loan vào năm 2030?
31 tháng 5 năm 2022
.
Trung Quốc - Đài Loan: Giải
thích đơn giản
25 tháng 5 năm 2022
.
Trung Quốc nói sẽ 'đánh đến
cùng' để chặn nỗ lực đòi 'Đài Loan độc lập'
12 tháng 6 năm 2022
===========================================
.
Trung
Quốc tức tối trước đối sách “mơ hồ chiến lược” của Mỹ về Đài Loan
Trọng Nghĩa
- RFI
Đăng ngày: 01/08/2022 - 14:47
Đúng vào lúc chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi bắt
đầu chuyến công du châu Á, hôm nay, 01/08/2022, Trung Quốc đã lại lớn tiếng cảnh
cáo nhân vật lãnh đạo đứng hàng thứ ba trong chính quyền Hoa Kỳ là không được
ghé Đài Loan nếu không muốn quan hệ Mỹ-Trung phải gánh chịu những “hậu quả rất
nghiêm trọng”.
Tổng thống Thái Anh
Văn tiếp phái đoàn nghị sĩ Mỹ tại phủ tổng thống, Đài Bắc, Đài Loan, ngày
15/04/2022. AP
Phản ứng gay gắt của Bắc Kinh tỷ lệ thuận với
tâm trạng tức tối trước chủ trương cố hữu của Washington là duy trì một tình trạng
“mơ hồ chiến lược” trên vấn đề Đài Loan trong cách đối phó với Trung Quốc.
Trong những ngày qua, từ khi báo chí Mỹ tiết lộ
khả năng bà Nancy Pelosi có thể ghé thăm Đài Loan nhân vòng công du Châu Á, Bắc
Kinh đã đánh phủ đầu bằng những lời cảnh báo liên tiếp về nguy cơ chuyến thăm
đó có thể làm quan hệ Mỹ-Trung xấu đi thêm.
Hôm nay, lời lẽ của Bắc Kinh đặc biệt cứng rắn
hẳn lên khi phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc mang Quân Đội ra hù dọa Mỹ,
khẳng định rằng: “Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung Quốc sẽ không bao giờ ngồi
yên, và Trung Quốc sẽ có những phản ứng kiên quyết và những biện pháp đối phó mạnh
mẽ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Theo giới quan sát, phản ứng của Trung Quốc đã
trở nên đặc biệt gay gắt trong bối cảnh Bắc Kinh hoàn toàn không biết là bà
Pelosi có sẽ ghé Đài Loan hay không. Sau một thời gian dài duy trì sự mơ hồ về
chương trình của mình ở châu Á, mãi hôm qua, Chủ Nhật 31/07, bà Pelosi mới xác
nhận là sẽ dẫn đầu “một phái đoàn Quốc Hội Hoa Kỳ đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương”,
cụ thể là đến Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng không thấy nói đến
Đài Loan.
Theo hãng tin Pháp AFP, vấn đề là chuyến thăm
Đài Loan của các quan chức Mỹ cao cấp thường được giữ bí mật cho đến giờ phút
chót, và chỉ được loan báo khi phi cơ chở phái đoàn hạ cánh xuống hòn đảo.
Một bài viết trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm nay
đã nêu lên khả năng bà Pelosi “viện lý do khẩn cấp như máy bay bị hỏng hoặc cần
tiếp tế nhiên liệu” để hạ cánh xuống sân bay Đài Loan trong chuyến công du châu
Á. Trên mạng Twitter, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), một nhân vật diều hâu, cựu tổng
biên tập Hoàn Cầu Thời Báo, cảnh cáo: “Nếu bà ấy ( Pelosi ) dám ghé
Đài Loan, đó sẽ là thời điểm châm ngòi cho thùng thuốc súng ở eo biển Đài
Loan”.
Theo AFP, Bắc Kinh sẽ coi chuyến ghé thăm Đài
Loan, dù chỉ ngắn gọn, của chủ tịch Hạ Viện Mỹ là một hành động khiêu khích, vì
bà hiện là một trong ba nhân vật cấp cao nhất của nhà nước Mỹ và là một trong
những nhân vật nặng ký trong đời sống chính trị Mỹ. Phải trở ngược về năm
1997 mới thấy một chủ tịch Hạ Viện Mỹ khác thăm Đài Loan, cụ thể là ông
Newt Gingrich, thuộc đảng Cộng Hòa.
“Mơ hồ chiến lược”
Hoa Kỳ hiện đang áp dụng cái gọi là đường lối
ngoại giao “mơ hồ chiến lược” trên vấn đề Đài Loan, công nhận một chính phủ
Trung Hoa duy nhất, tức là chính quyền Bắc Kinh, đồng thời tiếp tục hỗ trợ
Đài Bắc về quân sự, nhưng không cho biết liệu có bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự
hay không, trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc xâm lược. Chính quan niệm
này cho đến nay đã giúp duy trì sự ổn định nhất định trong khu vực.
Về trường hợp bà Pelosi, vấn đề khá rắc rối:
Chủ tịch Hạ Viện là nhân vật chủ chốt trong đảng Dân Chủ của tổng thống Joe
Biden, và khả năng bà ghé Đài Loan sẽ làm phức tạp thêm nhiệm vụ ngoại giao của
Mỹ, vốn đang cố không làm cho quan hệ với Trung Quốc tồi tệ thêm.
Tuần trước, trong cuộc trao đổi trực tiếp hiếm
hoi với tổng thống Mỹ, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi Joe Biden là
không nên “đùa với lửa”, trong lúc một phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc đã
cảnh cáo rằng việc bà Nancy Pelosi ghé Đài Loan là một hành động vượt qua “lằn
ranh đỏ”.
Thế nhưng, đối với Kharis Templeman, một
chuyên gia về Đài Loan tại Viện Hoover ở Hoa Kỳ, Bắc Kinh “đã hiểu sai về nền
chính trị Mỹ” và “đã phá hỏng thông điệp của mình” với phản ứng dữ dội liên
quan đến bà Pelosi. Theo chuyên gia này, “tổng thống Mỹ không kiểm soát được chủ
tịch Hạ Viện, hay bất kỳ thành viên nào khác của Quốc Hội”.
-----------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Joe
Biden và Tập Cận Bình tìm cách tránh xảy ra xung đột vì Đài Loan
HOA
KỲ - TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN
Quân
Đội Mỹ chuẩn bị phương án bảo vệ chuyến đi Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện
Chủ
tịch Hạ Viện Mỹ công du châu Á, nhưng không xác nhận đến Đài Loan hay không
.
===========================================
.
.
Căng
thẳng Mỹ - Trung leo thang khi bà Pelosi thăm Châu Á
Bình
luận của Minh Đăng
2022.08.01
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại họp
báo ở Washington DC hôm 29/7/2022. AFP
Chuyến
đi “bão táp” của bà Pelosi
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi đã bắt đầu
chuyến công du châu Á, nhưng không đề cập đến Đài Loan trong bối cảnh có nhiều
đồn đoán rằng bà có thể đến thăm quốc gia này (1).
Trước đó, báo chí Mỹ đã đưa tin về chuyến thăm
của bà Pelosi sẽ đến Đài Loan dịp này. Nếu chuyến thăm diễn ra, bà Pelosi sẽ là
Chủ tịch Hạ viện Mỹ đầu tiên thăm Đài Loan trong 1/4 thế kỷ qua.
Trung Quốc đã cảnh báo rằng họ đang “chuẩn
bị” cho chuyến thăm của bà Pelosi tới hòn đảo tự trị vào tháng 8 tới và Mỹ sẽ
“chịu mọi trách nhiệm về bất cứ hậu quả nghiêm trọng nào” nếu bà thực hiện chuyến
thăm này (2).
Bà Pelosi, thành viên Đảng Dân chủ, người đứng
thứ hai (sau Phó tổng thống) trong hàng ngũ kế vị tổng thống trong trường hợp tổng
thống đương nhiệm hoặc tổng thống đắc cử không thể thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khởi động sự
nghiệp chính trị của mình với quan điểm cứng rắn về Trung Quốc - một nữ nghị sỹ
trẻ tuổi và mới mẻ dám giương biểu ngữ ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An
Môn ở Bắc Kinh trong chuyến thăm năm 1991 với các nhà lập pháp khác của Mỹ ngay
sau vụ thảm sát này. Hơn 30 năm sau, ý định tới Đài Loan của bà đã tạo nên một
dấu ấn ngoại giao mạnh mẽ, góp phần đổ thêm dầu vào những căng thẳng đang ở mức
cao nhất ở Washington và Bắc Kinh.
Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội là một nhánh bình
đẳng với chính phủ, các nhà lập pháp có quyền tự do thăm bất cứ quốc gia nào họ
muốn. Nhưng chính quyền Biden lo ngại phản ứng của Bắc Kinh, vốn coi sự ủng hộ
ngày càng tăng của Mỹ đối với Đài Loan là một phần trong âm mưu thúc đẩy nền độc
lập cho vùng lãnh thổ mà Trung Quốc tuyên. bố chủ quyền.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Newt Gingrich đã thăm
Đài Loan hồi năm 1997, nhưng phản ứng của Đảng Cộng hòa đối lập cũng như của Bắc
Kinh thời điểm đó tương đối im ắng. Hôm 25/7, ông Gingrich đã chỉ trích Lầu Năm
Góc vì cảnh báo chống lại chuyến thăm của bà Pelosi. Ông đăng trên
Twitter: “Nếu chúng ta bị Cộng sản Trung Quốc đe dọa đến mức chúng ta thậm
chí không thể bảo vệ một Chủ tịch Hạ viện Mỹ, lý do gì để Bắc Kinh phải tin rằng
chúng ta có thể giúp Đài Loan tồn tại?” (3).
VIDEO :
Bà Pelosi từ
chối nói về chuyến thăm Đài Loan vì "lý do an ninh" #shorts
https://www.youtube.com/watch?v=94BbheAQeSE
Cuộc so găng về sức
mạnh và ảnh hưởng
Chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi có thể làm
nổi bật những lo ngại trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden về các kế hoạch
của Trung Quốc đối với Đài Loan khi Bắc Kinh tăng cường các lời lẽ và hành động
gây hấn đối với hòn đảo này trong những tháng gần đây, như điều máy bay chiến đấu
bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại
rằng những động thái đó có thể là tiền đề cho những bước đi quyết liệt hơn nữa
của Trung Quốc trong những tháng tới nhằm khẳng định chủ quyền của họ đối với
Đài Loan.
Cuộc chiến ở Ukraine càng làm gia tăng những
lo ngại đó khi Biden và các quan chức hàng đầu của Mỹ hồi hộp theo dõi xem
Trung Quốc có thể rút ra bài học gì từ phản ứng của phương Tây trước cuộc xâm
lược của Nga. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - được cho là đang
củng cố quyền lực để đảm bảo một nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba liên tiếp,
điều chưa từng xảy ra, tại Đại hội lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra
vào mùa thu tới, góp phần gây căng thẳng địa chính trị trong khu vực.
Trong khi Bắc Kinh đang trỗi dậy mạnh mẽ,
Washington dường như đã từ bỏ thái độ dè dặt trước đây trong vấn đề Đài Loan.
Biden đã nói rằng Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự trong trường họp
hòn đảo này bị tấn công - không chỉ đơn thuần là cung cấp vũ khí - mặc dù Nhà
Trắng sau đó đã phủ nhận tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng. Mike Pompeo, Ngoại
trưởng dưới thời Donald Trump, trong chuyến thăm Đài Bắc hồi tháng 3 vừa qua đã
kêu gọi Mỹ công nhận “thực tế không thể chối cãi và đã tồn tại” nền độc lập
của Đài Loan. Mark Esper, Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Trump, tuần trước cũng
tuyên bố sau chuyến thăm Đài Loan rằng chính sách "Một Trung Quốc"
“đã kết thúc như nó phải thế và không chịu sự tác động từ bên ngoài”, đồng thời
lưu ý rằng hầu hết người Đài Loan không còn coi họ là người Trung Quốc (4).
Các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có thể sẽ
triển khai một số biện pháp quân sự nếu Pelosi quyết tới Đài Loan, từ các cuộc
tập trận - thường diễn ra cùng lúc các chuyến công du mà Trung Quốc phản đối -
cho tới đóng cửa không phận hoặc khóa đường biển tạm thời. Chủ tịch Tập Cận
Bình sẽ đứng trước những nước cờ đòi hỏi sự khéo léo, giữa một bên là nhu cầu
thể hiện quyền lực ở trong nước, trước Đại hội Đảng XX, với một bên là phải hết
sức tránh leo thang căng thẳng ngoài tầm kiểm soát. Hãng tin AP bình luận: “Trong
bối cảnh Mỹ tìm cách cân bằng mối quan hệ có nhiều rủi ro với Trung Quốc, liệu
Pelosi có dẫn đầu một phái đoàn tới Đài Loan hay không vẫn chưa rõ. Song có điều
chắc chắn là quyết định của Pelosi sẽ đánh dấu thời điểm chính sách đối ngoại
và nhân quyền mang tính quyết định cho nước Mỹ và nhà lập pháp cấp cao với nhiệm
kỳ dài lãnh đạo Hạ viện”. (5)
Các quan chức chính quyền Mỹ lo ngại chuyến
thăm Đài Loan của bà Pelosi diễn ra vào thời điểm đặc biệt căng thẳng, khi Tập
Cận Bình đang tìm kiếm một nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại Đại hội Đảng Cộng sản
Trung Quốc sắp tới. Giới chức Mỹ nói rằng họ không mấy lo ngại nguy cơ Bắc Kinh
sẽ tấn công máy bay của Pelosi, nhưng nhận thức nguy cơ những tính toán sai lầm
hoặc sơ suất có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của chính trị gia này.
Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến
sẽ bắt đầu công tác chuẩn bị cho Đại hội trong những tuần tới, gây áp lực buộc
giới lãnh đạo ở Bắc Kinh phải thể hiện sức mạnh. Các quan chức Mỹ cũng cho rằng
giới lãnh đạo Trung Quốc không nắm bắt đầy đủ các động lực chính trị ở Mỹ, dẫn
đến sự hiểu lầm về tầm quan trọng của chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Theo
giới chức Mỹ, Trung Quốc có thể nhầm lẫn chuyến thăm của bà Pelosi với chuyến
thăm chính thức của chính quyền Mỹ, vì bà và Biden đều là thành viên Đảng Dân
chủ.
Trong chuyến công du tới khu vực Ấn Độ
Dương–Thái Bình Dương, dừng chân tại Indonesia ngày 24/7, Tướng Mark Milley -
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - đã nhận định: “Quân đội
Trung Quốc ngày càng trở nên hiếu chiến và nguy hiểm trong 5 năm gần đây” (6). Theo Tướng Milley, số vụ “đối đầu không an toàn” giữa
máy bay chiến đấu và tàu chiến của Trung Quốc với Mỹ và đồng minh tăng lên
đáng kể, dù ông không đưa ra con số cụ thể. Chuyến công du của Tướng Milley chủ
yếu tập trung vào mối đe dọa Trung Quốc, tham dự cuộc họp với những người đồng
cấp của khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tại Australia trong tuần tới với
các chủ đề thảo luận dự kiến tập trung vào mối đe dọa từ Trung Quốc và sự cần
thiết phải duy trì một “khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương tự do, rộng mở
và hòa bình” (7).
Bộ Quốc phòng Mỹ gần đây đã cảnh báo về nguy
cơ Bắc Kinh sẽ xâm lược Đài Loan. Một số quan chức nhận định quyết định
này sẽ được đưa ra trước năm 2027. Đến nay, Mỹ vẫn là đồng minh và là đối tác
cung cấp vũ khí số 1 của Đài Loan. Theo luật, chính phủ Mỹ phải coi các mối đe
dọa với Đài Loan là các “ mối quan ngại thực sự”, nhưng hiện vẫn “mơ
hồ” về khả năng bảo vệ Đài Loan bằng lực lượng quân sự nếu hòn đảo này bị Trung
Quốc tấn công.
Chính sách của Mỹ về Đài Loan vẫn luôn là một
vấn đề gây tranh cãi ngay trong nội bộ nước Mỹ. Nhưng dù vô tình hay cố ý,
Washington đã bóng gió rằng họ coi Đài Loan là một lợi ích quốc gia cốt lõi. Tổng
thống Joe Biden đã mời Đài Loan tham gia Hội nghị thượng đỉnh vì Dân chủ năm
ngoái, như thể đây đúng là một quốc gia độc lập như các quốc gia khác. Vào
tháng 5, trong một cuộc họp báo, khi được hỏi liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan trước
một cuộc tấn công của Trung Quốc hay không, Biden đã trả lời là “có” và điều
này dường như đã đi ngược lại chính sách tiêu chuẩn của Washington là duy trì
thái độ quân sự mập mờ của Mỹ.
Mặc dù, mới đây tại Diễn đàn An ninh Aspen, Cố
vấn an ninh Quốc gia Jake Sullivan ngày 22/7 khẳng định chính sách của Mỹ đối
với Đài Loan không thay đổi và Washington đang theo sát các diễn biến quanh hòn
đảo này. Cụ thể, ông Sullivan cho hay: “Tổng thống Biden đã tuyên bố tại Nhật
Bản rằng chính sách của Mỹ là không thay đổi” (8). Tuy
nhiên, điều này càng cho thấy Mỹ vẫn duy trì sự mơ hồ chiến lược đối
với Đài Loan. Mỹ lo ngại nguy cơ xung đột với Trung Quốc sẽ đạt tới điểm mà ở
đó một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới sẽ nổ ra. Mỹ hiện đang ở vị thế có thể
duy trì cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc, dù đó là ở Thái Bình Dương, châu Âu
hay Trung Đông.
________________
Tham khảo:
1. https://www.abc.net.au/news/2022-08-01/nancy-pelosi-begins-asia-tour-no-mention-of-taiwan/101286986
2. https://www.globaltimes.cn/page/202207/1271746.shtml
3. https://twitter.com/newtgingrich/status/1551546829363462144?s=20&t=C0OX-9AtSTGFhIMinfcp-w
4. https://www.atlanticcouncil.org/event/a-conversation-with-mark-esper-2/
6. https://www.abc.net.au/news/2022-07-25/us-indonesia-partnership-china-aggression/101266264
7. https://www.abc.net.au/news/2022-07-25/us-indonesia-partnership-china-aggression/101266264
8. https://www.youtube.com/watch?v=Vz_cUMcGFe0
--------------------------------------------------------------------
* Bài viết không thể
hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment