Sunday, February 27, 2022

NAY UKRAINE, MAI ĐÀI LOAN & BIỂN ĐÔNG (Trịnh Khải Nguyên-Chương)

 



Nay Ukraine, Mai Đài Loan và Biển Đông

Trịnh Khải Nguyên-Chương

27/02/2022

https://vietbao.com/a311280/nay-ukraine-mai-dai-loan-va-bien-dong

 

Chính luận

 

Trong lúc Nga xua quân vào xâm lăng Ukraine, giới quan sát quốc tế không khỏi không nghĩ đến tương lai, một tương lai không mấy xán lạn cho hòa bình thế giới nếu một ngày không xa Trung Quốc cho hạm đội hùng hậu vượt eo biển Formosa tiến chiếm Đài Loan bằng vũ lực.

 

Không nhất thiết có sự liên hệ nào giữa sự việc Putin đem bom đạn ra bắt nhân dân Ukraine quy phục đế quốc Nga với kế hoạch chiếm Đài Loan của Tập Cận Bình, nhưng xu hướng địa-chính-trị những thập kỷ gần đây cho thấy các chế độ độc tài đang trên đà thắng thế phe dân chủ tự do, mà quốc gia đứng đầu phe này là Mỹ. Nếu Nga ngang nhiên, bất chấp công luận, đánh Ukraine như thế giới chứng kiến, thì chẳng có gì ngăn cản Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan.

 

Sau khi Liên bang Xô-viết tan rã vào năm 1991, ai cũng tưởng các chế độ độc tài sẽ dần dà biến mất khỏi mặt đất để thời đại tự do dân chủ nở hoa. Sự thật là lúc đó người ta có quyền hy vọng như thế. Các nhà độc tài lớn bé thi nhau đổ, từ Indonesia, Philippines, Nam Hàn, Myanmar bên châu Á cho đến Brazil, Chile của Nam Mỹ. Khối Đông Âu gồm các quốc gia chư hầu của Xô-viết trước đó, đều thu hồi được độc lập, thiết lập nền dân chủ tự do. Kế hoạch toàn cầu hóa do Mỹ đề xuất và triển khai lan tỏa khắp năm châu kéo theo ý thức mới về chính trị và kinh tế. Sự phồn thịnh trong đời sống xã hội nhờ đó gia tăng, và ai nấy hăm hở tin tưởng vào một tương lai sáng sủa khi nhân loại không có những đại cường kình chống nhau bằng vũ khí hạt nhân, sống trong hòa bình no ấm. Đảng Cộng sản Trung Quốc vào thời điểm này còn đang lo củng cố quyền lực, các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước trong Chính trị bộ còn đang bận rộn với những quyết sách nhằm đẩy mạnh kinh tế, sẵn sàng làm đối tác tốt trong các thiết chế kinh tế toàn cầu, học hỏi kỹ thuật của Tây phương, và ẩn nhẫn chờ thời theo đúng châm ngôn của Đặng Tiểu Bình.

 

Đó là thời kỳ người ta có nhiều hy vọng, và đặt nhiều kỳ vọng.

 

Nhưng cuộc chiến bùng nổ tại Ukraine hôm 24 tháng 2 năm 2022 vừa qua cho thấy rằng tư duy ấy hoàn toàn sai, và tương lai nhân loại lại rơi vào màn đêm u tối chứ chẳng hề sáng sủa hơn chút nào. Những gì Hoa Kỳ và đồng minh đạt được vào thập niên 90’s không phải là chiến thắng tối hậu loại bỏ được các thể chế độc tài. Thực chất, nó chỉ là giai đoạn tạm ngưng nghỉ để rồi phát tác trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ, gieo ung độc lên toàn thế giới. Các chế độ độc tài toàn trị vẫn hiện hữu trên nhiều quốc gia: Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba, Việt Nam. Rồi đến các quốc gia khác như Hungary với lãnh tụ Viktor Orbán; Turkey dưới bàn tay cai trị sắt máu của Tayyip Erdoğan; Brazil với Jair Bolsonaro; Philippines với Rodrigo Duterte, Myanmar với tập đoàn quân phiệt; Ấn Độ với Narenda Modi, tất cả đang có xu hướng trở lại nền cai trị độc tài, với lãnh tụ là một strong-man sẵn sàng bắt bớ, bỏ tù, thậm chí giết chóc bất cứ ai dám lên tiếng phản biện, đứng về phía đối lập chính trị trong nước. Và, nước Nga dưới nền cai trị kiểu Mafia của Putin, mọi hình thức dân chủ đều không có cơ hội thành tựu, lãnh tụ đối lập như Alexei Navalny thì bị giam cầm, đánh đập, thuốc đến bại liệt thân thể.

 

Cuộc xâm lăng của Putin vào Ukraine mở màn cho một thời kỳ mới, thời kỳ của các chế độ độc tài hung hãn, coi thường công luận quốc tế, bất chấp quan hệ lân bang, làm bất cứ điều gì miễn có lợi cho quốc gia mình.

 

Trung Quốc là một quốc gia như vậy.

 

Thế giới hiện đang chú mục vào Ukraine, và Nga là trọng điểm của các phân tích viên quốc tế, nhưng Nga là một nước lớn đang trên đà suy thoái, không đủ năng lực kinh tế để đánh ra những đòn chính trị vũ bão. Trung Quốc khác Nga. Chúng ta đừng quên điều đó, Trung Quốc là một đại cường xét trên các bình diện kinh tế, ngoại giao và quân sự. Tổng sản lượng nội địa của Trung Quốc năm 2021 là 18 ngàn tỉ Mỹ kim, so với Nga chỉ 1,7 ngàn tỉ, nghĩa là, kinh tế Trung Quốc lớn hơn kinh tế Nga hơn mười lần. Hôm nay là Nga, nhưng ngày mai là Trung Quốc. Chính Trung Quốc mới là mối đe dọa lớn nhất cho hòa bình của phía dân chủ tự do trong những tháng năm sắp tới.

 

Với tinh thần quốc gia cực đoan, tham vọng đưa Trung Quốc lên hàng đầu thế giới thay thế Hoa Kỳ, Tập Cận Bình sẽ không ngần ngại sử dụng những phương án cứng rắn, chiến tranh nếu cần, trong những tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải.

 

Đài Loan nằm tại tuyến đầu trong mặt trận này. Cũng như Putin không thể chấp nhận một xứ Ukraine độc lập ngả theo phương Tây, đảng Cộng sản Trung Quốc không bao giờ chấp nhận một nước Đài Loan độc lập, tách ly ra khỏi Trung Quốc. Luôn luôn Bắc Kinh xem Đài Loan là “vùng tạm chiếm”, chính quyền Đài Loan là tập đoàn cai trị phi chính thống, và cần phải “thống nhất” về với đất Mẹ. Đó là mục tiêu trọng yếu của đảng Cộng sản Trung Quốc trong quyết sách đối ngoại.

Với một trật tự thế giới mới, trong đó độc tài lấn lướt dân chủ tự do, thì xác suất một cuộc chiến xảy ra trên hòn đảo 24 triệu dân cách bờ biển lục địa trên 100 dặm Anh, là không nhỏ. Trung Quốc thường xuyên cho hàng loạt chiến đấu cơ, thậm chí phóng pháo cơ, xâm phạm không phận Đài Loan, một hành động khiêu khích nhưng cũng để trắc nghiệm khả năng phòng thủ của Đài Loan. Tàu ngầm Trung Quốc, xuất phát từ căn cứ hải quân Hải Nam, thường trực rà soát bờ biển xung quanh đảo.

 

Điều này không có nghĩa là chiến tranh sắp bùng nổ. Khó đoán được Tập đang suy tính gì sau khi Putin xua quân xâm lăng Ukraine. Tập không, hay chưa, chuẩn bị chiến tranh toàn diện. Tập là kẻ khôn ngoan, quyền biến, một tay mưu lược khôn lường. Sách lược của Tập ngày nay là: Trung Quốc đang trên đà tăng tiến mạnh, sự tăng tiến đó là bất khả đảo nghịch, thời gian nằm ở phía Tập, ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế càng lúc càng mạnh nhờ tung tiền ra mua chuộc các quốc gia thế giới thứ Ba. Ông ta chẳng việc gì phải đi theo vết chân của Putin.

 

Thế nhưng, Putin xâm lăng Ukraine là chỉ dấu cho thấy phe độc tài thế giới đang trên đà thắng thế. Phe độc tài tin tưởng là đã đến lúc họ có thể đẩy lùi Hoa Kỳ và đồng minh vào thế thủ để họ thiết lập một trật tự thế giới mới. Ai dám nói họ sai? Bởi sự thật là Hoa Kỳ và phe dân chủ tự do thiếu ý chí, thiếu tài nguyên, thiếu đoàn kết để chống lại phe độc tài. Cuộc khủng hoảng bên Ukraine cho thấy rõ điều đó. Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh ở châu Âu cố gắng tìm kiếm một mục đích chung, nhưng kết quả thực tiễn không là bao. Những lợi ích kinh tế và chính trị ngắn hạn làm lu mờ viễn ảnh chiến lược dài hạn. Trong khi đó ở Washington, các chính khách Mỹ vẫn tiếp tục “làm chính trị” – business as usual. Dân Mỹ ít ai chịu ủng hộ một chính sách đối ngoại đòi hỏi người dân phải hy sinh cho một mảnh đất xa xôi chẳng mấy ai biết đến.

 

Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan bằng vũ lực không hẳn là không bao giờ xảy ra. Lãnh đạo Trung Quốc tiên đoán sự suy thoái của Hoa Kỳ, cùng lúc với sự đi lên của quốc gia họ; cuộc khủng hoảng bên Ukraine là bằng chứng khiến niềm tin tưởng này gia tăng. Một ngày nào đó, họ sẽ tính toán là Hoa Kỳ và đồng minh sẽ không chết cho kẻ khác, không chiến đấu, không hy sinh cho một lý tưởng hay một trật tự thế giới theo ý mình.

 

Mặc dù vậy, không gì là chắc chắn ở thời điểm hiện tại. Hoa Kỳ có thể lúng túng không ngăn chặn được Putin, nhưng cuộc chiến bên Ukraine chưa kết thúc, Putin có thể bị sa lầy ở Ukraine nếu không khôn khéo. Thế giới, nhất là Tập Cận Bình, đang theo dõi để xem các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính gây thiệt hại cho Nga đến mức độ nào. Hoa Kỳ có hàng không mẫu hạm và đủ loại vũ khí hiện đại trong tay, nhưng kỹ thuật, tiền tệ, và khả năng điều động đồng minh cũng là những vũ khí đắc dụng khác có thể tác hại kẻ địch. Cuộc chiến Ukraine là cuộc trắc nghiệm về hiệu quả của những loại vũ khí phi sát thương trong thời hiện đại này.

 

Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục áp lực Hoa Kỳ và đồng minh bằng cách tạo xáo trộn trên thế giới, và biển Đông không nằm ngoài tầm ra-đa của Trung Quốc. Thế giới ngày nay là một siêu hệ thống kinh tế và an ninh đa quốc gia tròng tréo nhau cực kỳ phức tạp, khó có thể định nghĩa thế nào là một cuộc tranh hùng giữa khối độc tài và dân chủ tự do. Nhưng cuộc tranh chấp miên viễn ấy, chúng ta có thể đoan chắc rằng nó sẽ không được giải quyết nay mai, mà có nguy cơ kéo dài thật lâu trong tương lai, Ukraine ngày hôm nay, Đài Loan ngày mai, và khi Đài Loan ngập tràn khói lửa thì biển Đông cũng loang đầy máu đỏ của người dân Việt.

 

– Trịnh Khải Nguyên-Chương





No comments: