5
nước ASEAN bàn chuyện đối phó Trung Quốc ‘quấy rối’ trên biển
Người
Việt
December 28, 2021
https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/5-nuoc-asean-ban-chuyen-doi-pho-trung-quoc-quay-roi-tren-bien/
JAKARTA, Indonesia (NV) – Năm nước ASEAN dự trù họp bàn hợp tác với nhau nhằm chống lại
các hành động quấy rối của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp.
Báo Philippines và báo Indonesia cho hay một
cuộc họp dự trù tổ chức trực tuyến vào Tháng Hai, 2022, giữa Indonesia, Việt
Nam, Philippines, Singapore và Brunei về các trò “quấy rối” của Hải Cảnh Trung
Quốc.
Tàu Hải Cảnh Trung
Quốc xịt vòi rồng ngăn chặn tàu Kiểm Ngư CSVN khi hai bên đối đầu ở phía Nam quần
đảo Hoàng Sa hồi Tháng Sáu, 2014. (Hình: Dân Trí)
Tờ Jakarta Post hôm Thứ Sáu, 24 Tháng Mười
Hai, thuật lời tư lệnh Cục An Ninh Hàng Hải của Indonesia cho hay cơ quan này mời
các người đồng cấp của bốn nước kể trên để “chia sẻ về các kinh nghiệm, làm sao
phản ứng lại khi gặp những quấy rối tương tự” từ lực lượng Trung Quốc.
Bản tin của Trung Tâm Báo Chí Điều Tra
Philippines (Philippines Center for Investigative Journalism) dẫn ý kiến của một
số chuyên viên, bàn luận rằng: “Phân nửa trong số 10 nước ASEAN nên cùng nhau lập
một khuôn khổ để quản lý các căng thẳng trong các vùng biển tranh chấp.”
Trừ Singapore, bốn nước gồm Việt Nam,
Indonesia, Philippines và Brunei đều vướng tuyên bố chủ quyền hình “lưỡi bò” của
Trung Quốc. Hải Cảnh Trung Quốc cậy đông, cậy to, ngăn cản, đe dọa các hoạt động
dò tìm và khai thác dầu khí của các nước khác ở khu vực. Việt Nam là nước bị ảnh
hưởng và thiệt hại nặng nhất.
Hôm Thứ Ba, 28 Tháng Mười Hai, truyền thông
trong nước chỉ thấy đưa tin “Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam và Cảnh Sát Biển
Indonesia tổ chức hội nghị trực tuyến ký kết bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an
toàn hàng hải.”
Không nói nội dung “bản ghi nhớ” có những gì,
bản tin VOV chỉ ca ngợi: “Hai bên sẽ tăng cường, làm sâu sắc và mở rộng quan hệ
hữu nghị, hợp tác giữa Cảnh Sát Biển Việt Nam và Cảnh Sát Biển Indonesia là
hành lang để hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, hợp tác thiết thực, hiệu quả,
giải quyết tốt các vụ việc trên biển.”
Tàu tuần Indonesia từng bắt giữ hàng trăm tàu
đánh cá của ngư dân Việt Nam những năm qua rồi gài chất nổ đánh chìm xuống biển,
ngư dân bị bỏ tù trước khi trả về nước. Nhiều tàu đánh cá của Việt Nam cũng bị
Thái Lan, Malaysia bắt giữ với cáo buộc đánh cá bất hợp pháp trên các vùng biển
chủ quyền của họ.
Tin tức những tháng gần đây cho thấy Hải Cảnh
Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo tại Trường Sa như căn cứ tiếp liệu để hoạt
động trên Biển Đông, ngăn chặn hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí của các nước
khu vực nằm trong phạm vi “lưỡi bò,” bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế.
Tàu Hải Cảnh Trung
Quốc chặn tàu của Philippines khi đến tiếp tế cho lực lượng trấn giữ Bãi Cỏ Mây
(Second Thomas Shoal). (Hình: AFP/Getty Images)
Malaysia và Indonesia bất chấp sự quấy rối của
Hải Cảnh Trung Quốc, tiếp tục các hoạt động dò tìm và khai thác dầu khí trên thềm
lục địa của họ.
Báo Jakarta Post hôm 24 Tháng Mười Hai thuật lời
chức sắc Cục An Ninh Hàng Hải của họ ca ngợi hoạt động dò tìm dầu khí thành
công tốt đẹp ở khu vực quần đảo Natuna, bất chấp sự đòi hỏi và quấy rối liên tục
của đám tàu Trung Quốc.
Ngược lại, Hà Nội đã phải bỏ ngang các vụ dò
tìm dầu khí tại lô 06-01 tại bãi Tư Chính trước sức ép của Bắc Kinh. Tin tức quốc
tế giữa năm ngoái nói CSVN đã phải bồi thường khoảng $1 tỷ cho nhà thầu Rapsol
để bỏ ngang cuộc tìm kiếm.
Bắc Kinh cũng từng cho Tướng Phạm Trường Long,
phó Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, tới Hà Nội đe dọa, hồi năm 2017, là nếu
không hủy bỏ dò tìm dầu khí trong phạm vi “lưỡi bò,” Trung Quốc sẽ đánh chiếm
các vị trí của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. (TN) [qd]
No comments:
Post a Comment