Trịnh
Vĩnh Bình - người hạ 'bên thắng cuộc' (kỳ 1)
25/12/2021
Kỳ
1: Triệu phú ‘đời đầu’ sau 1975 và lý thuyết cứu tàu đắm
Trước khi Thoả thuận Singapore năm 2006 bất
thành, công chúng Việt Nam ít ai biết đến tên Trịnh Vĩnh Bình, mặc dù ông là một
trong những triệu phú người Việt “đời đầu” sau khi xảy ra biến cố 1975 với hàng
triệu người Việt thất tán và đất nước rơi vào thời kỳ kinh tế bao cấp đói kém
sau đó.
Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống
kinh doanh, Trịnh Vĩnh Bình tự xác nhận ông “ghét chính trị” vì nó “dơ bẩn”, và
chỉ hứng thú chuyện kiếm tiền, làm giàu, góp phần kiến thiết Việt Nam trở thành
quốc gia có tiếng nói trong sân chơi toàn cầu.
Nhưng, như lời ông nói, câu chuyện của ông
chính là một điển hình trong hàng ngàn vạn câu chuyện cho thấy chính quyền Việt
Nam đã tự đánh mất cơ hội hiếm hoi để đưa đất nước “đi lên theo hình thẳng đứng”
chỉ vì lối hành xử vô pháp và lòng tham, khiến nguồn chất xám quý giá đã dần chảy
khỏi dải đất hình chữ S…
Trịnh Vĩnh Bình và
lý thuyết cứu tàu đắm tại Việt Nam
Bị chất vấn nhiều lần với câu hỏi mà nhiều độc
giả của VOA nói riêng và công luận Việt Nam nói chung đặt ra sau khi nghe biết
về vụ kiện xuyên thế kỷ của ông, rằng “Tại sao đã ‘mất cả chì lẫn chài’, thậm
chí suýt mất cả mạng sống trong lần đầu tiên về Việt Nam đầu tư, mà ông vẫn
‘đâm đầu vào chỗ chết’ khi quyết định tiếp tục đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam
với khu resort Long Beach ở Phú Yên, ngay cả trong thời điểm đang diễn ra kiện
tụng gay cấn với chính phủ Việt Nam?”, Trịnh Vĩnh Bình bật cười thú vị pha lẫn
chút tiếc nuối.
Trịnh Vĩnh Bình-Lý thuyết cứu tàu
đắm
by VOA
“Tôi học kinh tế ra trường và tôi học về
Reorganization, tức là khi mình lên một chiếc tàu sắp đắm rồi thì mình phải làm
sao cho tàu nổi lên, tức là mình phải quăng đồ đi để cho tàu nổi. Thì với Việt
Nam, tôi đã tính rồi, tôi thấy hậu chiến rồi, biết bao nhiêu là đổ vỡ. Mình
không nỡ, mình thấy không thể đứng ở đó chửi bóng tối được. Mình phải thắp ánh
sáng lên. Bằng cách nào? Là mình làm sao cho kinh tế tốt lên. Và tôi đã có bài
toán sẵn, được chuẩn bị trước rồi. Tôi về tôi tính rằng mình cứ lấy bản thân
mình thôi, không cần nói gì hết, mình cứ làm tới thôi. Ở đâu thì mình làm tốt
cho dân, cho công ăn việc làm, cho kinh tế (ở đó) tốt”, ông “Vua chả giò” nổi tiếng một thời ở Hà Lan tâm sự.
Nhưng, “Tại sao ở Việt Nam có câu là
‘chống diễn tiến hoà bình’?”, Trịnh Vĩnh Bình tiếp. “Chính cái vấn
đề không nói mà làm tốt lên thì cái đó Cộng sản rất sợ. Họ nói là ‘Diễn tiến
hoà bình’. Mà diễn tiến hoà bình mà còn chống thì trên thế gian này còn cái gì
nữa để mà làm”.
May mắn trong thời gian đầu mới về Việt Nam,
triệu phú Việt kiều Hà Lan đã kịp áp dụng và rất thành công với lý thuyết “cứu
tàu đắm” khi ông cứu một xưởng đông lạnh mà ông đầu tư đầu tiên ở tỉnh Bà Rịa –
Vũng Tàu và một số công trình khác.
https://gdb.voanews.com/38754CED-6DD9-4322-8C31-CF71BB3C627B_cx0_cy4_cw93_w650_r1_s.jpg
Triệu phú Trịnh
Vĩnh Bình ký giấy tờ chuẩn bị về Việt Nam đầu tư.
“Tôi về năm đó là 1993, tôi mua lại cái xưởng đông lạnh.
Khi tôi lên thì ở đó chỉ có khoảng 80 công nhân thôi, mà 1/3 số công nhân là đội
ngũ con nít. Tôi lên nhìn cách mấy ảnh làm thì trong vòng 15 phút tôi đã thấy
cái gì làm cho họ thất bại và tại sao họ thất bại rồi: Cơ chế thất bại, cách điều
hành thất bại và không kiến thức về ngành nghề”, ông Bình cho biết về tình trạng của xưởng đông lạnh hải sản đang nợ
ngập đầu và sắp phá sản mà ông đã mua lại.
“Tôi mua lại xưởng đó với giá là 750.000 đô la thời
đó, tức là mua với số vốn mà họ còn nợ ngân hàng. Tôi về nghiên cứu xong và lập
tức áp dụng phương pháp đó, tức là thấy chỗ nào nên sửa, chỗ nào nên cắt nên
quăng ra ngoài thì quăng ra”.
“Đầu tiên và tội nghiệp nhất là đội ngũ 1/3 mấy em
chưa đủ tuổi, bởi vì cái đó thứ nhất về mặt nhân đạo, mấy em đó cần phải đi học
tiếp, cần phải cho chúng một tương lai tốt hơn. Cái thứ hai là vi phạm luật lao
động. Thành thử tôi về tôi phải cho thêm tiền để cho mấy em nghỉ, và hứa rằng
sau này lớn thì bất cứ lúc nào muốn quay trở lại làm cũng đều được welcome
(chào đón). Nhưng cái đó mới chỉ là chuyện nhỏ. Cái lớn hơn là mình nhìn trong
xưởng xem chỗ nào vận hành sai, cần thay đổi cái gì thì thay đổi cái đó. Như vậy,
sau 1,5 năm, cái xưởng này từ lỗ lã đã vươn lên chiếm tổng sản lượng thuỷ sản của
Vũng Tàu thời đó là 35%”.
VIDEO :
Trịnh Vĩnh
Bình: Lý thuyết cứu tàu đắm | VOA
https://www.youtube.com/watch?v=tQSR-S9jEhk&t=17s
Từ nhà máy chế biến thuỷ sản cho đến hàng triệu
ha đất trồng rừng, nhiều đất đai ở khu vực “tam giác vàng” TPHCM – Vũng Tàu – Đồng
Nai mua sẵn để chuẩn bị xây dựng cơ xưởng… tất cả đều nằm trong “bài toán” của
Trịnh Vĩnh Bình. Đó là lôi kéo các kỹ nghệ nổi tiếng của châu Âu về Việt Nam để
“thay máu” nhờ lực lượng lao động giá rẻ, trước khi các kỹ nghệ này rơi vào tay
Trung Quốc. Nhưng bài toán này đã không trở thành sự thật… Thành công nhanh
chóng ban đầu của ông khiến cho “mùi tiền” bị “đánh hơi” sau những lục đục nội
bộ. Và ông đã gặp nạn…
Ngày 5/12/1996, ông Trịnh Vĩnh Bình chính thức
bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế.” Cáo buộc này sau đó nhanh chóng được chuyển
đổi thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ,” vì “thiếu
căn cứ,” theo lời Luật sư Nguyễn Minh Tâm, một trong những luật sư của ông Bình
lúc bấy giờ, nói với VOA.
Năm 1999, ông Bình bị kết án 11 năm tù và bị tịch
thu toàn bộ tài sản, bất chấp Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan nhiều lần can thiệp
bằng cách gửi thư khẩn đến Bộ Ngoại giao và chính phủ Việt Nam, yêu cầu hoãn
thi hành án đối với ông Bình cho đến khi các chính sách mới được làm rõ.
Việt Nam bỏ lỡ cơ
hội đi lên chiều thẳng đứng
Không phải ngẫu nhiên mà một triệu phú đang phất
lên như Trịnh Vĩnh Bình đưa ra quyết định bán toàn bộ gia sản, mang hơn 2 triệu
đô la và 96 kg vàng về Việt Nam đầu tư vào đầu những năm 1990.
Là doanh nhân gốc Việt duy nhất trong đoàn
doanh nghiệp “hạng nặng” đi cùng Bộ trưởng Hà Lan sang Việt Nam thăm dò đầu tư
sau khi hai nước ký cam kết bảo hộ đầu tư song phương, Trịnh Vĩnh Bình cho biết
ông đã nghiên cứu kỹ lưỡng những chuyển động của thời cuộc trước khi đưa ra quyết
định liều lĩnh và táo bạo trên.
https://gdb.voanews.com/03B652C3-EFA5-4629-9E69-EE69423E1C76_w650_r0_s.jpg
Ông Trịnh Vĩnh Bình
tham gia cùng đoàn doanh nghiệp lớn của Hà Lan do Bộ trưởng
Van Roiy về Việt Nam thăm dò đầu tư vào đầu những năm 1990.
“Thời đó Liên Xô đã thay đổi, Đông Âu đã thay đổi,
và tôi nghĩ là tôi về thời này may ra tôi sẽ làm được việc, tức là tôi làm kinh
tế, cho đến ngày mở cửa rồi thật sự rồi thì hàng lô, hàng khối nhân tài trở về”, ông Bình kể lại với VOA.
Tính toán này của Trịnh Vĩnh Bình cũng được khẳng
định trong một kỳ hội thảo mà ông được tham dự tại Singapore, khi đất nước nhỏ
bé tìm cách thu hút đầu tư quốc tế vào thời điểm đó.
Ông kể: “Năm đó năm 1990, lúc đó Singapore
còn nghèo, chưa khá. Singapore, qua một số quan hệ, mời những doanh nghiệp châu
Á trên toàn thế giới về Singapore họp 3 ngày để tìm giải pháp thu hút đầu tư. Singapore
có mời 2, 3 vị ở trường Havard của Mỹ về thuyết trình. Mỗi buổi có một bộ trưởng
điều hành. Một ngày có 2 bộ trưởng. Trong một buổi sáng thứ hai, ông Bộ trưởng
Điềm Tân nói rất rõ rằng: ‘Quý vị cử tọa nên chú ý một điểm. Trong thời gian tới,
có một quốc gia trong vùng Đông Nam Á sẽ phát triển rất nhanh, không phải từ từ
đi lên mà nhảy vọt. Đó là Việt Nam’”.
“Ổng nói thế này, ‘Việt Nam giờ đang có hàng triệu
trí thức khoa bảng ở nước ngoài. Trong Đông Nam Á này chưa có nước nào có điều
kiện đó. Việt Nam do lịch sử đã tạo thành Việt Nam giờ có hàng triệu người khoa
bảng trí thức ở nước ngoài. Khi một triệu người này đi về Việt Nam thì Việt Nam
sẽ cất cánh đi thẳng lên, chứ không đi theo kiểu đi xiên’”.
Thế rồi, trong những năm tiếp theo, một trong hàng
triệu người trí thức, doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài ấy trở về nước góp sức
– là ông – đã “mất trắng” toàn bộ tại quê hương, từ gia sản cho đến những ước
mơ…
-------------
Mời quý vị theo dõi tiếp Kỳ 2: Cưỡi cọp – Triệu
phú ‘Việt kiều’ và những bài học xương máu vì ‘đi trước
thời đại’
* "Bên thắng cuộc"
là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Huy Đức viết về chính trị và nhân vật
chính trị Việt Nam từ giai đoạn 1975 đến nay.
*****
Trịnh
Vĩnh Bình - người hạ 'bên thắng cuộc' (kỳ 2)
26/12/2021
Kỳ
2: Cưỡi cọp – Triệu phú ‘Việt kiều’ và những bài học xương máu vì đi trước thời
đại
Với tất cả thiện chí trở về đóng góp xây dựng
đất nước, nhưng sau hơn hai thập kỷ bị chính chính quyền tại quê hương “vùi dập”
tơi tả, triệu phú Việt kiều Trịnh Vĩnh Bình không khỏi xót xa thừa nhận rằng
“có sự kỳ thị” trong cách đối xử của chính quyền Việt Nam đối với “khúc ruột
ngàn dặm”, đặc biệt là những người đã rời khỏi đất nước theo diện tị nạn sau biến
cố 1975, và rằng ông đã quá chủ quan khi thực hiện cung cách làm ăn “ngược đời”
và “đi trước thời đại” tại Việt Nam vào những năm 1990.
Ông chia sẻ với VOA về những “bài học xương
máu” dành cho những ai cũng đang ấp ủ giấc mơ như ông ngày xưa: trở về đầu tư để
gầy dựng quê hương!
Trịnh Vĩnh Bình -
người hạ 'bên thắng cuộc' (kỳ 2)
by VOA
Cưỡi cọp
Bình luận trong bài viết về việc doanh nhân Trịnh
Vĩnh Bình đang chuẩn bị ít nhất là 2 vụ kiện chống lại chính phủ Việt Nam trước
toà án quốc tế nếu như quá trình thương lượng giữa hai bên bất thành, nhiều độc
giả, thính giả của VOA cho rằng luật pháp quốc tế vẫn công minh hơn, phổ quát
hơn khi tôn trọng thỏa thuận giữa 2 quốc gia. Có người nói ông “may mắn” là “nhờ
tấm bùa hộ mạng Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc
Hà Lan và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Một số người khác còn so
sánh ông với trường hợp của Tăng Minh Phụng, doanh nhân đã bị xử tử hình vào
năm 2003 với cáo buộc về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Phản hồi về những bình luận này, Trịnh Vĩnh
Bình công nhận ông có ưu thế hơn những người Việt Nam bị mất đất đai hay tài sản
khác nhờ tư cách công dân Hà Lan. Tuy nhiên, ông cho rằng có những yếu tố “khác
biệt” giữa ông và Tăng Minh Phụng khi cả hai đều là những “đại gia” đã bỏ tiền
mua rất nhiều đất đai vào những năm 1990.
“Về sự khác biệt của Bảy Phụng (Tăng Minh Phụng) làm
về địa ốc ở Vũng Tàu thời đó và tôi là Bảy Phụng vay vốn ngân hàng làm địa ốc,
còn tôi có bao nhiêu tôi làm bấy nhiêu. Tôi là bỏ tiền túi vào làm”, ông Bình nói với VOA.
Đây là yếu tố vô cùng quan trọng mà ông Trịnh
Vĩnh Bình cho rằng nó đã cứu ông không bị rơi vào hoàn cảnh như Tăng Minh Phụng.
https://gdb.voanews.com/28918688-6899-41D9-8C50-2A763D4FD4DA_cx1_cy0_cw78_w650_r1_s.jpg
Doanh nhân Trịnh
Vĩnh Bình tại lễ động thổ khách sạn 10 tầng ở Sài Gòn.
Doanh nhân Hà Lan lưu ý tỷ lệ lãi suất quá cao
của các ngân hàng Việt Nam vào thời điểm đó là một rủi ro rất lớn đối với các
doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng. Chưa kể, một khi xảy ra tình trạng vỡ nợ, việc
kê biên tài sản để “cấn nợ” của các cơ quan nhà nước vào thời điểm này rất
“không công bằng”.
Ông nói: “Công chuyện của Bảy Phụng
khi bùng nổ, sau này tôi tìm hiểu lại thì tôi biết là nếu ở một sân chơi sòng
phẳng, thì chưa chắc Bảy Phụng sa lầy trong vấn đề nợ nần. Là vì trong đánh giá
vụ của tôi là tôi đã thấy được là đánh giá của các cơ quan về tài sản, nhiều
khi của người ta là 300.000 đô la, nhưng họ đánh giá còn có 50.000 – 70.000 đô
la. Cái đó không ai cản được. Việt Nam luật pháp lung tung lắm. Những người bên
ngành công an, viện kiểm sát hay gì đó, họ làm việc theo kiểu ‘vua một cõi’.
Vùng nào họ tự quyết định lấy, rồi họ câu kết, làm hồ sơ giả… theo ý họ. Tức là
họ không có một sân chơi luật pháp nhất định. Do đó, cho tới ngày hôm nay, Việt
Nam đừng tuyên bố ra là một nhà nước pháp quyền. Điều đó là không đúng!”
Một điểm khác biệt nữa, vẫn theo lời ông Trịnh
Vĩnh Bình, là ông không mua đất đai theo mục đích đầu cơ đất đai, mà chỉ mua để
xây dựng các cơ sở cho kế hoạch hợp tác kinh doanh nhằm đưa các kỹ nghệ của
châu Âu về “thay máu” tại Việt Nam.
Nhưng dù là với mục đích kinh doanh gì, thì việc
doanh nghiệp đầu tư vào một đất nước không có một cơ chế “pháp quyền”, theo doanh
nhân Trịnh Vĩnh Bình, thực sự là một rủi ro rất lớn, có thể khiến họ không những
mất mát tài sản mà thậm chí có khi phải đánh đổi cả tính mạng.
… và ‘bài học
xương máu’
Nhìn lại hành trình hơn 20 năm trở về Việt Nam
đầu tư, khi được hỏi điều gì làm ông hối hận nhất, Trịnh Vĩnh Bình chua xót nói
“Việt Nam chưa có đủ nhân tài và người tốt để điều hành đất nước nên chuyện tôi
về và gặp nạn là chuyện đương nhiên”.
“Tôi về lúc đó gia đình tôi đã phản đối rồi, và tôi
đã cân nhắc cái rủi ro đó rồi. Tôi nghĩ có thể thoát được, có thể thôi, và tôi
phải thử thách!”, doanh nhân Hà Lan gốc
Việt cho biết.
Doanh nghiệp người Hà Lan gốc Việt, như mô tả
trong các bài viết trước của VOA về vụ kiện “Trịnh Vĩnh Bình vs. Chính phủ Việt
Nam”, là một triệu phú có tiếng ở Hà Lan thời đó với biệt hiệu “Vua chả giò”.
Ông rất tâm huyết với việc trở về quê hương đầu tư, thay vì đem tiền đi kinh
doanh ở các quốc gia khác và làm lợi cho họ.
VIDEO :
https://www.youtube.com/watch?v=rvh7sonSyXk&t=19s
Trong kế hoạch của Trịnh Vĩnh Bình không những
ấp ủ giấc mơ kéo các công nghệ tân tiến của châu Âu về Việt Nam, mà còn là những
dự án “kiến thiết và làm giàu” cho đất nước như dự án phủ xanh các đồi trọc bằng
giống thông Carribean đẹp như mơ mà ông đã bị ấn tượng mạnh trong một lần đi
chơi ở Thuỵ Điển, các dự án nuôi trồng và xuất khẩu thuỷ sản để cạnh tranh với
thế giới, làm các khu du lịch tầm cỡ để giới thiệu nét đẹp Việt Nam, dự án nạo
vét làm sạch sông Thị Vải…
Nhưng hết lần này đến lần khác, doanh nghiệp của
ông bị vùi dập tơi tả, khiến những giấc mơ trở nên dang dở…
Ngoài vấn đề về cơ chế, ông Trịnh Vĩnh Bình,
sau hơn 20 năm cố công đầu tư tại Việt Nam, ngậm ngùi thừa nhận rằng nhà nước
Việt Nam trên thực tế có sự phân biệt đối xử, “kỳ thị” đối với các doanh nghiệp
nước ngoài, đặc biệt là những người Việt mang thân phận “tị nạn”.
Ông nói: “Về Việt Nam đầu tư, nếu là
thân phận người tị nạn, tôi vẫn cam đoan là dù không có (gì để) kỳ thị thật sự
thì cũng bị người ta bịa đặt để kỳ thị để người ta giành phần. Người ta không
muốn mình lấn sân”.
Ông cho biết vào thời gian đầu khi ông mới đem
tiền và vàng về Việt Nam đầu tư. Thời đó, Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp
có tầm cỡ như ông.
“Lúc đó anh em Đông Âu cũng chưa về, người Việt
trong nước lúc đó cũng chưa có nên con đường của tôi cũng hơi thênh thang.
Thành thử lúc đó còn đỡ về vấn đề đó. Nhưng thời bây giờ, công việc thì thấy rõ
hơn, nhưng một cái về bản chất chưa thay đổi là sự kỳ thị vẫn còn ngấm ngầm. Đó
là sự thật. Nếu chính phủ Việt Nam cho là không có, tôi sẵn sàng đối chứng. Tôi
có bằng chứng để đối chứng”.
Chính vì vậy, khi được yêu cầu chia sẻ kinh nghiệm
với những Việt kiều có ý định đầu tư tại Việt Nam, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình
nói ngay “Khoan”.
“Thứ nhất, nên chờ một hành lang pháp lý thực sự tốt”, ông Bình nói với VOA, “Không thể nghe nhà nước khuyến khích, hứa
hẹn hay thậm chí là trên văn bản. Tôi thấy giữa lời hứa, sự khuyến khích với thực
tế nó vận hành ngược. Gần đây nhất như tôi nói vấn đề ở Phú Yên, cả một sự ray
rứt. Mình về đóng góp và có công trong ngành, là những con chim về sớm, những đầu
tàu làm cho ngành du lịch mũi nhọn mạnh lên. Nhưng họ không giúp đỡ mà tìm cách
làm khó. Do đó, tôi nghĩ là khoan, chờ. Chờ thực sự khi nào mình thực sự kiểm
tra được”.
“Chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm thấy rằng muốn
có một sân chơi bình đẳng, lành mạnh, được mọi giới yên tâm về đầu tư, thì phải
xem lại guồng máy của Việt Nam về hành chánh, luật pháp như thế nào. Khi một đất
nước chỉ cơ cấu những người làm việc về tư pháp, hành pháp bằng cách là (người
của) Đảng, ‘hồng hơn chuyên’ thì muôn đời sẽ không thể nào khá được”.
Chọn trở về, chọn đấu tranh giành lại công bằng
qua việc khởi kiện chính phủ Việt Nam ra các toà án quốc tế, chiến thắng của Trịnh
Vĩnh Bình trong những năm qua không những giúp phơi bày phần nào những góc tối
trên thực tế của các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, mà còn tạo ra một
tiền lệ đấu tranh mới cho những “nạn nhân của chế độ”. Doanh nhân gốc Việt cam
đoan, với những chuẩn bị sắp tới, ông sẽ buộc chính phủ Việt Nam phải nhìn nhận
và sửa chữa sai lầm, không thể cứ “ém” mãi các sai trái khi hội nhập vào sân
chơi thế giới.
Mời quý vị đón xem tiếp phần cuối “Trịnh
Vĩnh Bình: Tôi sẽ cho Việt Nam thấy ‘để lâu cứt trâu hoá… vàng!”
-------------------------
* "Bên thắng cuộc"
là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Huy Đức viết về chính trị và nhân vật
chính trị Việt Nam từ giai đoạn 1975 đến nay.
******
Trịnh
Vĩnh Bình - người hạ 'bên thắng cuộc' (kỳ cuối)
26/12/2021
Kỳ
3: Tôi sẽ cho Việt Nam thấy ‘để lâu cứt trâu hoá… vàng!’
Trong những cuộc phỏng vấn với VOA giữa lúc
đang chuẩn bị cho những vụ kiện tiếp theo sau chiến thắng lịch sử trước chính
phủ Việt Nam tại toà án quốc tế ở Paris năm 2019, doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình
nhiều lần khẳng định việc ông quyết tâm giành lại công bằng ở tuổi “thất thập cổ
lai hy” này không chỉ đơn thuần là vì mục tiêu vật chất, mà trên hết, là để
chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh pháp lý, tạo thành một “tiền
lệ” hay “án mẫu” cho những nạn nhân cũng bị mất đất đai, tài sản như ông; và để
chính phủ Việt Nam phải nhìn nhận, thay đổi não trạng và cung cách hành xử với
người dân khi đã gia nhập vào sân chơi toàn cầu.
Một trong những kinh nghiệm nho nhỏ nữa mà ông
chia sẻ là vấn đề quốc tịch Việt Nam của Việt kiều. Nhiều người có tâm lý muốn
giữ quốc tịch Việt Nam như một phần danh tính cội nguồn, và quan trọng hơn là để
dễ dàng, thuận lợi trong những chuyến đi trở về quê hương. Nhưng theo triệu phú
Trịnh Vĩnh Bình, cái nhãn “quốc tịch Việt Nam” đã suýt trở thành bẫy khiến ông
thua trắng tại toà án quốc tế.
Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc phỏng
vấn sau.
VOA: Thưa ông Trịnh Vĩnh Bình, mặc
dù ông từng chia sẻ rằng ông đã có một sự chuẩn bị, nghiên cứu kỹ lưỡng thời cuộc
trước khi quyết định bán toàn bộ tài sản để về Việt Nam đầu tư, nhưng sau nhiều
mất mát và bây giờ nhìn lại, ông có thấy mình thiếu sót gì trong những tính
toán đó hay không?
Trịnh Vĩnh Bình: Sự
thật khi tôi trở về Việt Nam lần đầu, như tôi nói, tôi đã có một sự chuẩn bị về
thành công và cả có thể thất bại, tức là mình chấp nhận rủi ro. Thứ hai là vì
đã có ký một thoả thuận với những điều khoản. Tôi cũng không ngờ là chính phủ
Việt Nam, mình phải xài từ “lật lọng” là đúng hơn. Lật lọng đến nỗi mà tất cả
những điều khoản đem về đều thay đổi, tức là trở mặt đó. Tôi có những tài liệu
trên tay như Bộ Tư pháp họp làm sao, liên ngành họp làm sao, họ dùng những câu
như “tiêu chí” gì gì đó… một đống như vậy, phịa ra rồi cùng nhau suy nghĩ để
đưa ra những cái không đúng cả về lý và luật cũng không đúng.
Tôi trả lời vừa rồi không phải là vì vấn đề trả
thù hoặc căm hận chuyện của mình rồi phát biểu. Không phải. Tôi nói vừa rồi là
có hai ngụ ý.
Một, tôi muốn đưa lên một sự thật cho chính phủ
Việt Nam, những người tốt (trong chính phủ) thấy được.
Thứ hai, đây là một sự thử thách. Như tôi nói,
“thuốc đắng giã tật”, có lẽ khi mình nói lên một sự thật đôi khi nó có đụng chạm,
có chua xót một tí, nhưng nó là sự thật. Tôi sẵn sàng chấp nhận đối thoại nếu
chính phủ Việt Nam cử một vị hay bao nhiêu vị chất vấn tôi về những câu nói của
tôi không có căn cứ, tôi sẽ trả lời trực tuyến. Bây giờ là thời buổi hiện đại rồi,
internet rồi, Việt Nam đừng nghĩ với những đạo luật về mạng này kia rồi cứ bịt
miệng, cứ ém được. Trong câu chuyện của tôi bây giờ, tài liệu của tôi bây giờ
đã tung ra tùm lum… Tôi cho phơi bày hết. Cái gì có để cho mọi người tự đăng, tự
phơi bày. Bây giờ không nên bịt nữa. Vì mình cứ đóng cửa, mình ở trong bóng tối
rồi mình giết người hay hại người hoài đâu có được.
Việt Nam bây giờ một trong những cái đau đớn
nhất hàng ngày đang xảy ra là vấn đề đất đai bị chiếm. Biết bao nhiêu cuộc dân
xuống đường người ta phản đối, người ta bị hành hung, bị đàn áp đều là vì vấn đề
tài sản, đất đai của người ta.
Tôi xin hỏi anh chị em nào sống thời Đệ nhị Cộng
hoà có nghe chính phủ đi đàn áp dân lấy của dân không, chiếm đất dân không? Người
ta có dự luật 57 phát đất cho dân. Tới thời Đệ nhị Cộng hoà là có Luật “Người
cày có ruộng”, cấp đất cho dân. Đâu có bao giờ lấy của dân. Mà cũng không đi lấy
của địa chủ nữa: Mua lại. Mua xong phát cho dân.
Do đó, về vấn đề đất, bây giờ mình đừng có giấu
nữa.
“Để lâu cứt trâu
hoá… vàng!”
VOA: Nhiều độc giả
VOA sau khi theo dõi các bài viết liên quan đến các vụ kiện của ông thì cho rằng
mặc dù ông có lợi thế được luật pháp quốc tế bảo vệ vì là công dân Hà Lan,
nhưng với thời gian kéo dài nhiều chục năm, vấn đề tuổi tác của ông lại đang dần
trở thành lợi thế cho chính phủ Việt Nam theo kiểu “để lâu cứt trâu hoá bùn”.
Ông nghĩ sao về nhận định này?
Trịnh Vĩnh Bình: Tôi
không hy vọng chính phủ Việt Nam giữ cách hành xử thường ngày là “Để lâu cứt
trâu hoá bùn”. Tôi không nghĩ vậy. Bây giờ tôi phải đảo ngược lại “Để lâu cứt
trâu hoá vàng” mới được.
Là vì trước đây khi tôi đòi đền bù thì giá đất
còn thấp. Lúc đó, cả (đền bù) giá đất và vấn đề về nhân thân, nhốt tù oan, là
trên 1,25 tỷ đô la. Nhưng bây giờ, giá đất cao thì nó đã trên 4 tỷ đô la rồi.
Nhưng căn bản là, tôi muốn nhấn mạnh, về pháp lý, chính phủ Việt Nam không chối
cải được. Bảo đảm không chối cãi được và phải trả. Trả bằng cách nào cũng phải
trả: bằng tài sản hoặc đền bù, nhưng phải trả. Chuyện này chúng tôi khẳng định
rõ ràng như vậy.
Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam giải quyết vì
đây là cơ hội hai bên win-win. Tại sao? Chính phủ Việt Nam không phải lấy tiền
đền bù cho tôi, mà chỉ cần bán một phần tài sản của tôi thôi. Phần khác, chính
phủ Việt Nam còn có thể bỏ vào ngân sách, thừa sức bỏ vào ngân sách. Tôi cũng
không đòi bắt buộc phải trả hết 100%.
Nhưng nếu ra toà thì khác. Khi ra toà thì lý
ai nấy giữ, phần ai nấy giữ. Chúng tôi sẽ đòi tối đa, mà có thể luật sư họ còn
đòi hơn nữa, là vì trong đó còn nhiều loại phí mà cũng phải đền bù nữa.
https://gdb.voanews.com/A7074502-E01C-487E-8F9F-883F91D56BB8_cx0_cy0_cw81_w650_r1_s.jpg
Nha hàng bờ biển của
khách sạn Long Beach mà ông Trịnh Vĩnh Bình đầu tư ở Phú Yên.
VOA: Như vậy, cho đến
lúc này, thái độ và phản hồi của chính phủ Việt Nam đối với ông ra sao?
Trịnh Vĩnh Bình: Sau
phán quyết 10/4/2019, đây là theo lời của “con thoi” (người chịu trách nhiệm
liên lạc giữa chính phủ Việt Nam và ông Trịnh Vĩnh Bình), quan chức này khá lớn
và nói chuyện rất đàng hoàng. Nhân vật con thoi này là do Bộ Chính trị cử, theo
lời người đó, thì ở Việt Nam lúc đó có hai khối người. Phần đông là muốn phải
giải quyết cho ông Trịnh Vĩnh Bình, nhưng một thiểu số nhỏ không chịu, nói là
“Chơi tới cùng vì ông Bình giờ cũng lớn tuổi rồi, chưa chắc gì ông đeo đuổi vụ
này được”.
Tôi đã trao đổi và nói với anh này rất rõ rằng
một khi công lý có rồi, mà vụ này tôi đã chuẩn bị rồi, tôi sẽ giao cho một nhóm
về luật pháp để người ta đeo đuổi, kể cả tới đời con tôi.
Tôi cũng nói rằng trong vấn đề này tôi đã thấy
Việt Nam xuất hiện tiếp cận luật sư, chơi màn đi cửa sau cửa trước. Hễ tiếp cận
mà tôi ngửi thấy là tôi đổi luật sư. Thứ hai, tôi có một nhóm người đeo đuổi về
luật pháp và họ ở trong bóng tối. Không bao giờ chính quyền Việt Nam có thể biết
và tiếp cận được. Chuyện này tôi đã làm. Nhóm người này điều hành tất cả và hễ
họ thấy luật sư làm việc không được là đổi bỏ. Mỗi một lần đổi như vậy thì
chính phủ Việt Nam phải nói là “lấy gai lễ gai”, tức là cứ lấy một cái gai để lễ
thì gãy cái gai và cái gai thứ hai lại nằm trong chân, và như vậy tất cả những
hệ luỵ chính phủ Việt Nam phải gánh.
Tôi sẽ làm công khai, bạch hoá hết. Tôi không
giấu gì hết. Tại sao? Để cho chính phủ Việt Nam phải sửa lại. Phải nhờ những vụ
như vậy để sửa lại cách hành xử của mình. Chính phủ Việt Nam không thể cứ bịt lại,
ém nhẹm lại. Tôi sẽ không đi theo chiều hướng này.
Án mẫu
VOA: Ông từng nói rằng
mục tiêu của các vụ khởi kiện của ông chống lại chính phủ Việt Nam ở toà án quốc
tế không chỉ là giành lại công bằng về mặt vật chất, mà trên hết là để tạo ra một
“tiền lệ” cho những người dân mất đất tại Việt Nam để họ cũng có cơ hội giành lại
công bằng cho mình. Liệu rằng ông có lạc quan quá không khi hoàn cảnh của ông
(là Việt kiều) hoàn toàn khác với những người dân trong nước?
Trịnh Vĩnh Bình: Tôi
sẽ trở thành một điển hình vì hoàn cảnh tôi khá thuận tiện là vì tôi ở ngoài.
Tôi dựa vào Hiệp thương, vào luật quốc tế. Nhưng dân ở trong nước không phải
không có hiệp thương thì làm không được. Nên nhớ Công ước Quốc tế về quyền dân
sự và chính trị, trong quyền dân sự có quyền về tài sản. Tôi nghĩ những cái đó
trong thời gian tới chính phủ Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Trịnh Vĩnh
Bình: Đất đai | VOA
https://www.youtube.com/watch?v=IOGdtw9P-LI
Riêng chuyện của tôi, tôi đã có tâm nguyện và
tôi lặp đi lặp lại, là tôi sẽ mở một con đường đấu tranh về vấn đề chiếm đoạt
tài sản. Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam nên lấy đây là một sự việc báo cho mình thấy
được những góc tối, những sai trái. Đừng để tham quan cứ ngày càng làm tới
hoài, vì những cuộc biểu tình trong nước của dân oan đã kéo dài suốt mấy chục
năm. Tôi nhớ vào những 1990, lúc tôi đi làm đơn cầu cứu ở miền Bắc. Tôi nhớ
chính miệng chú Sáu Khải (Thủ tướng Phan Văn Khải) nói với tôi: “Trời rét như
thế này, mà bà con người ta sáng sớm đã chầu chực trước nhà rồi”. Người ta chờ
đầy hết để người ta đưa đơn. Người ta cầm tận tay tới nhà các lãnh đạo, không
phải chỉ nhà chú Sáu Khải. Tất cả (nhà) những lãnh đạo lớn đều có dân bu đầy hết
để đưa đơn. Ở một đất nước thực sự nhìn thấy mấy cái đó mình thấy đau lòng.
Lúc đó tôi đã thấy đau lòng, tại sao tôi còn
trở về nữa? Như tôi nói, tôi muốn khi tôi đã nhảy lên chiếc tàu rồi thì tôi muốn
quăng những viên đá đi, tức là làm sao cho tàu nổi lên. Nhưng hoàn cảnh không
cho phép thì mình đành bó tay, nhưng ý chí của mình lúc nào cũng vẫn còn.
Việc tranh đấu ở ngoài này của tôi cũng vậy. Kỳ
trước tôi đã nói, tôi đã mở một con đường cho chính phủ Việt Nam. Tức là tài sản
tôi đang ở đó, đừng để cho (mọi người) phải hiểu lầm rằng nhà nước phải tốn một
số tiền để trả cho tôi để đền bù. Không phải. Tài sản của tôi 8 triệu m2 đất,
chỉ cần lấy bán một phần để trả tôi thôi. Phần kia các vị có thể bán để bỏ vào
ngân sách quốc gia hay gì đó. Chuyện đó coi như tôi cam tâm. Không cần chính phủ,
quý vị phải bỏ tiền ra trả cho tôi. Không phải như vậy…
Từ câu chuyện của tôi, tôi mường tượng ra ở
bên ngoài hằng hà sa số những câu chuyện như vậy. Chỉ có điều người ta chưa có
cơ hội để có được một tiếng nói trọng thôi, chỉ làm ở cục bộ rồi bị dẹp, bị đàn
áp...
https://gdb.voanews.com/69ABEA08-454E-4376-98D3-6C372DEA247F_w650_r1_s.png
Phán quyết của Toà
án quốc tế tại Paris năm 2019 tuyên bố ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện và yêu cầu
chính phủ Việt Nam phải bồi thường cho ông.
Tôi xem những vụ (của mình) là những vụ án mẫu,
điển hình để để cho chính phủ Việt Nam một là phải nên sửa. Còn nếu chính phủ
Việt Nam vẫn tiếp tục để cho các quan chức địa phương hay những bàn tay lông lá
phe con ông cháu cha nhắm đến tài sản của người ta rồi tìm cách “thịt” để chia
với nhau, thì tôi sẽ làm đến cùng vấn đề này và tôi sẽ công bố để cho người dân
trong nước cũng biết cách để đấu tranh để bảo vệ tài sản của mình.
‘Chưa và không bao
giờ làm công dân CHXHCN Việt Nam’
VOA: Trong tư cách là
một Việt kiều với nhiều trải nghiệm làm ăn tại Việt Nam, ông còn có lời khuyên
hay lưu ý gì dành cho các kiều bào khác hay không?
Trịnh Vĩnh Bình: Về
vấn đề passport, tôi xin nói một điển hình của tôi. Lúc vụ kiện của tôi tại
Paris, 1 trong 3 vũ khí mà chính phủ Việt Nam tính vô hiệu hoá vụ kiện của tôi
là cho rằng tôi có hai quốc tịch: quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Hà Lan. Nếu
tôi có quốc tịch Việt Nam thì toà án quốc tế không có quyền xử. Chính phủ Việt
Nam nghĩ như vậy. Nhưng (ở đây) tôi chỉ nói những gì để khuyên người Việt mình
hãy coi chừng thôi. Tôi không muốn nói sâu tới những mặt khác.
Lúc đó, phía luật sư của chính phủ Việt Nam buộc
rằng: “Ông Trịnh, xin ông trả lời, ông đang có hai quốc tịch. Ông có quốc tịch
Hà Lan, và đương nhiên ông có quốc tịch Việt Nam”. Tôi chờ nói hết tôi mới nói:
“Ông nhầm lẫn. Và chính phủ Việt Nam nhầm lẫn”. Những gì tôi nói còn thu băng của
phiên toà. Tôi nói: “Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam Việt Nam. Việt Nam thời
đó chia làm hai miền: Nam và Bắc, có hai chế độ khác nhau. Sau 1975, khi miền
Nam mất, thì tôi đi tị nạn. Tôi chưa bao giờ một ngày là công dân của chính phủ
CHXHCN Việt Nam”. Bữa đó tôi nói trắng luôn. Tôi nói: “Tôi chưa từng và cũng sẽ
không bao giờ là công dân của CHXHCN Việt Nam”, tức chế độ Cộng sản. Không có vấn
đề đó! Họ rất ngỡ ngàng.
Sở dĩ tôi nói ra là vì tôi thấy rất nhiều người,
có một số người quen của tôi, cũng vì vấn đề muốn về Việt Nam cho tiện lợi nên
xin thêm một passport thứ hai tại toà đại sứ, mà đây là lén. Vì có những quốc
gia anh không được có passport thứ hai nếu anh đã có quốc tịch, chẳng hạn như Đức.
Ở Đức, nếu anh có passport Đức rồi, mà anh có passport thứ hai là anh về không
được. Nó không cho. Mà làm lén như vậy thì thứ nhất, có chuyện gì thì không bao
giờ than van gì được, là vì anh có passport Việt Nam, chỉ vì muốn tiện lợi, muốn
đi qua phi trường không cần xin visa, chỉ đóng dấu là đi. Tôi nghĩ đây là một cảnh
báo. Quý vị nào đang sử dụng cách đó nên coi chừng.
Và toà đại sứ Việt Nam cũng kỳ! Những cái này
là không đúng. Đúng ra không được khuyến khích. Anh phải làm một thủ tục tương
đối tốt, an toàn cho người Việt mình đi về để được bảo vệ. Thí dụ, những vị đó
có mua nhà cửa, đất đai, khi dùng passport đó đi làm thì nhanh hơn. Nhưng khi đụng
đến vấn đề về pháp lý, tranh chấp, thì chừng đó mới biết. Chừng đó là gay cấn
đó! Rồi còn ở cả quốc gia mà mình đã lén lút làm passport thứ hai thì đó cũng
là vấn đề lớn lắm. Có đôi khi mất cả quốc tịch ở nước sở tại luôn.
VOA: Cám ơn doanh
nhân Trịnh Vĩnh Bình đã dành thời gian cho VOA.
-----------------------------
* "Bên thắng cuộc"
là tựa đề cuốn sách nổi tiếng của nhà báo Huy Đức viết về chính trị và nhân vật
chính trị Việt Nam từ giai đoạn 1975 đến nay.
No comments:
Post a Comment