Friday, December 31, 2021

CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ BỊ ĐE DỌA (Ngô Nhân Dụng)

 


Chế độ dân chủ bị đe dọa

Ngô Nhân Dụng

30/12/2021

https://www.voatiengviet.com/a/che-do-dan-chu-bi-de-doa/6375554.html

 

https://gdb.voanews.com/4562EA0A-F0B5-478D-890C-59337AC634C7_w650_r1_s.jpg

Một bảng hiệu chỉ dẫn nơi bỏ phiếu bầu cử tại Brooklyn, New York, 2014. Hình minh họa

 

Dân Mỹ đang chia rẽ nặng: 60% cử tri của mỗi đảng nghĩ rằng đảng bên kia là một mối nguy hiểm cho số phận quốc gia. Trong đảng Cộng Hòa, 70% nghĩ rằng ông tổng thống đương nhiệm không xứng đáng vì đã thắng nhờ gian lận bầu cử.

 

Hai chính đảng ở Mỹ cũng đang chia rẽ ngay trong nội bộ. Trong 8 năm đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện, từ năm 2011 đến 2019, hai vị chủ tịch bị các đồng viện cùng đảng chống đối, các ông John Boehner and Paul Ryan phải từ bỏ chính trị luôn, Giáo sư Richard H. Pildes mới kể, trên nhật báo New York Times. Năm 2020 đảng Dân chủ nắm đa số ở cả hai viện; hai nhóm thiên tả và trung dung phá lẫn nhau. Bà Nancy Pelosi muốn biểu quyết dự luật xây dựng hạ tầng cơ sở nhưng phải rút lại, vì các đại biểu thiên tả muốn phải đưa ra cùng một lần với dự luật cải tổ trợ cấp xã hội (BBB). Họ chỉ chịu bỏ phiếu sau khi đảng Dân chủ thất bại lớn trong cuộc bầu cử ở Tiểu bang Virginia. Sau đó, dự luật BBB được Hạ viện thông qua, lên Thượng viện lại bị một nghị sĩ Dân Chủ chống.

 

Trong đảng Cộng Hòa, cựu Tổng thống Donald Trump được đa số ủng hộ nhưng vẫn bận rộn lo tấn công những vị thống đốc tiểu bang đã không thay đổi kết quả cuộc bỏ phiếu cho ông thắng. Các dân biểu, nghị sĩ Cộng Hòa đã bỏ phiếu truất phế ông Trump trong hai vụ đàn hạch hoặc công nhận ông Biden thắng đều bị ông Trump “trừng phạt.” Nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh tụ ở Thượng viện vẫn lên án vụ bạo động ngày 6 tháng 1 năm 2021 ở trụ sở quốc hội.

 

Richard H. Pildes nhìn thấy tình trạng chia rẽ diễn ra không riêng gì ở Mỹ mà còn ở khắp các quốc gia tự do dân chủ. Từ sau Đại Chiến Thứ Hai, các cử tri nghèo và ít học thường ủng hộ các đảng cấp tiến cánh tả; bây giờ họ chạy qua các đảng bảo thủ đang kích thích tinh thần dân tộc và chủng tộc, với chủ trương chống di dân. Trong khi đó những người có học và khá giả lại nghiêng qua chủ trương cấp tiến.

 

Trước đây, các đảng lớn ở Âu châu với khuynh hướng “trung hữu” hoặc “trung tả” thay phiên nắm chính quyền; bây giờ họ bị chia phiếu vì nhiều đảng mới mọc lên với chủ trương cực tả hay cực hữu. Ở Đức, hai đảng chính trị lớn nhất thường chia nhau trên 90% số phiếu; bây giờ cộng lại chỉ thấp dưới 50%. Từ 2015 đến 2017 có 30 đảng chính trị mới được bầu vào quốc hội các nước châu Âu. Các đảng nhỏ tạo được ảnh hưởng lớn hơn thực lực của số người theo họ, vì những chính phủ liên hiệp cần họ tham gia mới thành hình. Năm 2017, nước Đức phải chờ 6 tháng, Hòa Lan mất 225 ngày mới lập được chính phủ bao gồm nhiều đảng.

 

Có thể giải thích tình trạng phân liệt chính trị ở Mỹ và Âu châu bằng các động cơ kinh tế. Trong một thế hệ, kinh tế thế giới phát triển đồng loạt nhờ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, do các công ty lớn hoạt động qua mạng lưới toàn cầu hóa. Các công việc cũ, không cần kỹ thuật cao, được chuyển qua cho công nhân các nước nghèo. Nhiều người lao động hoặc trung lưu ở Mỹ hoặc Âu châu đã bị bỏ rơi trong cuộc chạy đua này vì họ không thể thay đổi, học các kỹ năng mới. Lợi tức của họ xuống thấp so với mức trung bình đang lên cao. Nhiều chính trị gia đã kích thích họ với các khẩu hiệu chống các công ty liên quốc, chống di dân, bài ngoại, từ phía tả cũng như phía hữu. Các phong trào mới xuất hiện, vì bất mãn với cả hệ thống chính trị.

 

Ở Mỹ, cựu Tổng thống Trump đã lôi cuốn được những người “bị bỏ rơi” như trên, và đến nay vẫn được họ ủng hộ. Ông thay đổi bàn cờ chính trị nước Mỹ, đặc biệt đã thay đổi cả đảng Cộng Hòa. Tổng thống Biden được đảng Dân chủ chọn và được 81 triệu phiếu dân bầu vì có bộ mặt khác với ông Trump. Nhưng tình trạng phân cực trong dân chúng và chia rẽ trong mỗi đảng sẽ còn nguyên, ít nhất cho đến cuộc bầu cử năm 2024.

 

Báo Economist tuần này cho biết 80% dân Mỹ nghĩ rằng cần cải tổ lớn để bảo vệ chế độ dân chủ. Người ta lo lắng nhất về hệ thống bầu cử, mà đó là nền tảng của các chế độ dân chủ.

Năm 2024, ứng cử viên một đảng sẽ được tuyên bố đắc cử tổng thống, rồi đảng kia có chấp nhận hay không? Trước khi dân bỏ phiếu, trong những năm 2016, 2018 và 2020, Tổng thống Trump đã lớn tiếng tố giác những âm mưu gian lận. Năm 2024 ông sẽ còn nói mạnh hơn, nếu ông ứng cử rồi thất bại. Ngược lại, nếu đảng Cộng Hòa chiếm ghế tổng thống, phía đảng Dân chủ cũng có thể nói cuộc bầu cử đã gian lận từ trước khi dân đi bỏ phiếu. Trong năm qua, các tiểu bang do Đảng Cộng Hòa nắm quyền đã làm ra mấy trăm đạo luật mà đảng Dân chủ tố cáo là cố ý hạn chế không cho dân chúng đi bầu tự do.

 

Chế độ dân chủ ở Mỹ tồn tại hơn 200 năm qua vì việc chuyển giao quyền hành diễn ra trong hòa bình. Nếu sau mỗi lần dân bỏ phiếu mà người thua không chấp nhận kết quả thì cả nền dân chủ đang lung lay. Nếu người thất cử lại có khả năng huy động dân chúng nổi lên phản đối bằng bạo lực, thì chế độ bị đe dọa thật.

 

Nước Mỹ may mắn vì có những định chế vững vàng, vượt lên trên những tranh chấp đảng phái. Quốc hội, chính phủ đều chịu ảnh hưởng nặng của các đảng chính trị. Nhưng các đại biểu quốc hội cũng vẫn phải quyết định theo luật pháp và lương tri để được dân tín nhiệm lâu dài. Người dân có thể bị mị hoặc trong một thời gian nhưng không thể bị lừa dối mãi mãi.

 

Ở Mỹ, tòa án và quyền tư pháp vẫn giữ được tư cách độc lập. Chỉ nhìn vào hàng trăm đơn kiện của những người ủng hộ Tổng thống Trump muốn lật ngược kết quả bầu cử năm 2020, tất cả bị tòa án bác bỏ, trong đó có các vị quan tòa do ông Trump bổ nhiệm, kể cả ba người trong Tối cao pháp viện. Quân đội và cả guồng máy hành chánh ở Mỹ đều độc lập với các đảng phái. Đa số trong giới truyền thông, trí thức, các đại học cũng vậy. Những người có trách nhiệm tổ chức bầu cử không để cho các nhà chính trị lạm quyền, gây áp lực, trái với các quy tắc dân chủ.

 

Nhưng muốn chế độ dân chủ vững chắc hơn, nước Mỹ cần những đạo luật mới cải thiện hệ thống bầu cử. Hiện nay cả hai đảng chính trị đều quan tâm đến vấn đề này, nhưng nhấn mạnh đến những mặt khác nhau. Đảng Dân Chủ muốn các cử tri được ghi danh dễ dàng; muốn kéo dài thời gian bỏ phiếu vào những ngày giờ thuận tiện cho người lao động; được bỏ phiếu bằng thư, bằng máy điện toán, vân vân. Đảng Cộng Hòa quan tâm ngăn chặn các cử tri và lá phiếu gian lận. Cả hai đảng muốn việc kiểm phiếu được công minh.

 

Nước Mỹ sắp nhớ lại biến cố ngày 6 tháng Giêng năm 2021. Hơn 700 người đã bị truy tố vì xâm nhập trụ sở quốc hội bất hợp pháp. Họ đã chiếm đóng các văn phòng, phá phách và đi tìm các người họ muốn “trị tội.” Tất cả giới lãnh đạo và đại biểu quốc hội, cả vị phó tổng thống phải chạy trốn. Năm người đã chết và 140 nhân viên công lực bị thương.

 

Muốn tránh một thảm cảnh như vậy tái diễn, Quốc hội Mỹ cần làm ngay một hay nhiều đạo luật về bầu cử, đáp ứng những điều được cả hai đảng quan tâm. Hai đảng sẽ phải thỏa hiệp, một điều hiện nay rất khó làm nhưng có thể làm được nếu mọi người đều quyết tâm.

 




No comments: