Thursday, December 30, 2021

3 QUYỂN SÁCH QUỐC TẾ ĐÁNG CHÚ Ý về VIỆT NAM NĂM 2021 (Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa)

 


 

3 quyển sách quốc tế đáng chú ý về Việt Nam năm 2021

NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG  -  LUẬT KHOA

30/12/2021

https://www.luatkhoa.org/2021/12/3-quyen-sach-quoc-te-dang-chu-y-ve-viet-nam-nam-2021/

 

Các góc nhìn mới, lạ và sâu về các vấn đề của Việt Nam và quan hệ quốc tế.

 

https://2xjs7y10oiyz26vqxu2hok6y-wpengine.netdna-ssl.com/wp-content/uploads/2021/12/sach-2021-1024x577.png

Ảnh gốc: Alfons Morales/Unsplash, Amazon. Minh họa: Luật Khoa.

 

Năm 2021 là một năm không quá sôi động trong thị trường sách quốc tế liên quan đến chủ đề Việt Nam.

 

Tổng đầu sách xuất bản không quá cao, trong đó một lượng lớn là tái bản của nhiều tác phẩm liên quan đến Chiến tranh Việt Nam. Hiển nhiên, đây vẫn là một điều tốt khi cân nhắc các tranh cãi về hệ quả và sự thật của cuộc chiến mà cho đến nay vẫn chưa có hồi kết.

 

Mặt khác, cũng có tín hiệu vui là số lượng sách nghiên cứu về Việt Nam đương đại đang dần tăng tỷ trọng so với sách xuất bản liên quan đến Chiến tranh Việt Nam.

 

Dưới đây là ba quyển sách mà người viết cho là thú vị và xứng đáng nhận được sự quan tâm của các độc giả Việt Nam trong hay ngoài nước, dù bản thân người viết còn nhiều điểm bất đồng với các tác giả.

 

Experiments in Skin: Race and Beauty in the Shadows of Vietnam War

Tạm dịch: Những trải nghiệm của màu da: Chủng tộc và sắc đẹp trong cái bóng của Chiến tranh Việt Nam [1]

Tác giả: Thuy Linh Nguyen Tu (New York University)

Nhà xuất bản: Duke University Press – 2021

 

Làm đẹp và Chiến tranh Việt Nam, hai đề tài dường như khó có thể liên hệ với nhau, được tác giả biến thành một câu chuyện, một nghiên cứu cuốn hút khó mà bỏ qua.

 

Bắt đầu với kho lưu trữ thông tin về hoạt động y tế ở Đông Nam Á tại Văn khố Quốc gia Hoa Kỳ, giữa những chết chóc chiến tranh, tác giả Thuy Linh Nguyen Tu tìm thấy nhiều nguồn tư liệu ảnh chụp lại chứng viêm da chân lẫn da mặt mà lính Mỹ thường gặp phải khi tham gia hoạt động quân sự tại các vùng đầm lầy sông nước Mekong. Tuy nhiên, cũng trong cùng bộ hồ sơ đó là hàng loạt các bức ảnh phong cảnh, chân dung mà những người thợ ảnh của các lực lượng quân đội Hoa Kỳ để lại – khắc họa làn da đẹp của người dân quê Việt Nam, của trẻ con và người con gái Việt Nam, và của những người bản địa sống cùng môi trường với quân đội Hoa Kỳ.

 

Từ đó, da, sức khỏe của da và màu da trong chiến tranh Việt Nam trở thành một vấn đề đáng nghiên cứu.

 

Điểm bất ngờ đầu tiên người viết nhận thấy khi đọc tác phẩm của Thuy Linh Nguyen Tu là những ghi nhận về tham vọng tạo ra “áo giáp da” (amour of skin) dành cho các quân nhân da trắng tại Hoa Kỳ, những người dường như chịu ảnh hưởng nặng nề hơn về sức khỏe về da khi so với các quân nhân Hoa Kỳ da màu và quân nhân Việt Nam Cộng hòa. Bà từ đó cho rằng, nỗ lực quân sự của chính quyền Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam, ngoài rất nhiều thứ khác, thật ra cũng đi kèm với nỗ lực mở rộng thị trường và năng lực chữa trị các chứng da liễu đặc biệt của ngành sắc đẹp nước Mỹ.

 

Sự có mặt của nhà da liễu học lừng danh Albert Kligman đến từ trường Đại học Pennsylvania trong Chiến tranh Việt Nam là một trong những minh chứng rõ nhất cho thấy sự tiệm cận giữa hai lĩnh vực dường như không liên quan gì đến nhau trong chiến tranh Việt Nam.

 

Tuy nhiên, dù thừa nhận cách tiếp cận và khai thác vấn đề của Thuy Linh Nguyen Tu rất xác đáng và rất thú vị, người viết có cảm giác việc kết nối ngành làm đẹp hiện đại tại Việt Nam, nền tảng khoa học làm đẹp mà người Mỹ để lại sau chiến tranh cùng với hệ quả của… chất độc màu da cam là một sự kết nối tương đối mơ hồ và cần thêm nhiều thảo luận.

 

Cụ thể, trong hầu hết các chương, ý tưởng “đổ lỗi” cho sự “không hoàn hảo” của da vẻ người Việt Nam hậu chiến tranh cho các loại hóa chất được sử dụng trong chiến tranh (bao gồm cả chất độc màu da cam) là tương đối cảm tính, thiếu những nghiên cứu rõ ràng về độ bao phủ và tầm ảnh hưởng thật sự của các loại chất này trên toàn bộ dân số nói chung.

 

Một nhận định khác khó kiểm chứng một cách khoa học và chính xác là việc ám chỉ rằng các nỗ lực làm đẹp của phụ nữ Việt Nam sau Đổi mới đi kèm với nỗi ám ảnh của hóa chất độc hại sau chiến tranh. Chỉ tính vài chục người phụ nữ mà người viết thân quen, có thể khẳng định không một ai nghĩ về chiến tranh Việt Nam và “tác hại” của nó khi tham gia vào các hoạt động làm đẹp cả.

 

Tuy có nhiều điểm người viết còn thắc mắc và muốn được giải đáp thêm, “Experiments in Skin: Race and Beauty in the Shadows of Vietnam War” vẫn là một tác phẩm đáng đọc dành cho tất cả những ai muốn có một trải nghiệm đặc biệt khi tìm hiểu và nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, và mối tương quan của nó với một góc của xã hội Việt Nam đương đại và về vấn đề thẩm mỹ.

 

 

United-front: Projecting Solidarity Through Deliberation in Vietnam’s Single-Party Legislature

Tạm dịch: Ảo ảnh đồng lòng trong cơ chế lập pháp đơn đảng tại Việt Nam [2]

Tác giả: Paul Schuler (New York University)

Nhà xuất bản: Stanford University Press – 2021 

 

Xuất phát từ Trung Quốc, tư tưởng “thông thái” chính trị cho rằng cơ chế lập pháp và quá trình bầu cử đơn đảng có lợi cho cả công dân lẫn các nhà quản trị nhà nước luôn được các quốc gia toàn trị chào đón. Họ lý luận rằng tự thân các định chế này có thể giám sát và kiềm chế các lãnh đạo chính trị, cung cấp thông tin cho người dân và phản ánh nguyện vọng của người dân mà vẫn không gây “náo loạn” trật tự xã hội cùng sự “tôn nghiêm” của chính trường quốc gia.

 

Chuyện dài kể ngắn, Paul Schuler, giáo sư chính trị học tại University of Arizona School of Government and Public Policy, phủ nhận quan điểm này thông qua quyển sách của ông, phản biện lại xu thế học thuật mới trỗi dậy gần đây cho rằng mô hình dân chủ đơn đảng thật sự có lợi cho quần chúng và năng lực vận hành của nhà nước. Trong đó, nổi tiếng nhất là khái niệm “consultative authoritarianism” – hay “chủ nghĩa toàn trị tham vấn”.

 

Quyển sách được chia làm bảy chương với các đầu mục dễ theo dõi và đúng trọng tâm, cùng với đó là một lượng thông tin cực kỳ dồi dào và kín kẽ.

 

Ví dụ, trong chương Một, Schuler giải quyết câu hỏi vì sao các chính quyền đơn đảng lại cần sử dụng đến một cơ quan lập pháp “dân cử”. Ông dẫn giải nhiều lý thuyết, như thuyết “co-optation” (tức tạo không gian cho các nhóm đối lập, nhưng đồng thời vô hiệu hóa họ mà không cần dùng vũ lực), thuyết “rent-distribution” (tức phân phát ghế và không gian thảo luận cho một số nhóm lợi ích tinh hoa, từ đó dùng chính các nguồn lực này để ổn định trật tự xã hội theo mong muốn của chính quyền), thuyết “rationalisation and bureaucratic bargaining” (tức cho phép một lượng thông tin và đóng góp nhất định từ quần chúng, từ đó giúp hoàn thiện phần nào các văn bản quy phạm pháp luật, dù chúng vẫn là ý chí gốc của chính quyền), và thuyết “signaling” (theo đó, thay vì tiếp nhận thông tin hay trao bớt quyền lực, cơ quan lập pháp là nơi trình diễn các cuộc tranh luận ảo và các cuộc đối trọng ảo, từ đó tạo nên hình tượng một chính quyền mạnh và đồng lòng khi các văn bản pháp luật được đa số thông qua).

 

Sau nhiều thảo luận lý thuyết, các chương sách sau đi sâu vào hiện thực và kỹ thuật bầu cử của Việt Nam, từ đó làm rõ các điểm có vấn đề của hệ thống bầu cử và cơ quan lập pháp nói chung. Chương Hai tìm hiểu và làm rõ biện pháp đảng cầm quyền kiểm soát cơ chế bầu cử và bảo đảm rằng chỉ các ứng cử viên mà họ muốn thắng được chọn. Chương Ba giới thiệu khái niệm “unconditional party government” và vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc “lãnh đạo” tuyệt đối Quốc Hội.

 

Dù các câu hỏi cơ bản có vẻ không mới đối với nhiều học giả tại Việt Nam, cần thừa nhận rằng chưa tác phẩm trong nước nào dám làm rõ vai trò thật sự của cơ quan lập pháp Việt Nam. Đa phần chúng ta cũng thiếu góc nhìn so sánh chính trị học đối với mô hình mà Việt Nam đang áp dụng, và lượng dữ liệu cũng như các phân tích dữ liệu xuất hiện khá thường xuyên trong quyển sách là các tri thức về Việt Nam không phải ở đâu cũng có tìm thấy.

 

“Ảo ảnh đồng lòng trong cơ chế lập pháp đơn đảng tại Việt Nam” chắc chắn là một quyển sách có chiều sâu, đáng tham khảo và lưu giữ, với tính thẩm quyền nhất định trong các thảo luận về hệ thống chính trị Việt Nam trong tương lai.

 

 

After Saigon’s fall: Refugees and US-Vietnamese Relations, 1975-2000

Tạm dịch: Sài Gòn sụp đổ: Người tị nạn và quan hệ Mỹ – Việt 1975 – 2000 [3]

Tác giảAmanda C. Demmer (Virginia Tech)

Nhà xuất bản: Cambridge studies in US foreign relations, 2021

 

Một trong những thông điệp khá phổ biến sau Chiến tranh Việt Nam là nhà nước mới bị cô lập, cấm vận. Nhiều chính trị gia và các nhóm tuyên truyền cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc kinh tế Việt Nam rơi vào khủng hoảng và khó khăn trong suốt hơn 20 năm. Tuy đã có nhiều thông tin phản bác quan điểm này, người Việt Nam vẫn chưa có một tài liệu tổng hợp và quy củ phân tích đầy đủ các hoàn cảnh chính trị, giải thích các tư liệu – minh chứng lịch sử với giá trị khoa học cao. “After Saigon’s Fall” là một quyển sách có thể thỏa mãn gần như đầy đủ các vấn đề này.

 

Với chỉ ba chương sách (chia thời gian nghiên cứu thành ba giai đoạn 1975-80, 1980-89 và 1990-2000), với 6 đầu mục quan trọng, đây không phải là một quyển sách khó đọc.

Thông qua đó, những thông tin rất cơ bản nhưng không được nhiều người Việt Nam tin tưởng hay biết đến như Hoa Kỳ chủ động bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ngay từ năm 1977 sau khi Tổng thống Jimmy Carter nhậm chức; lý do thật sự Hoa Kỳ áp đặt cấm vận; các yêu cầu cải thiện nhân quyền ở Việt Nam trước khi được nhận viện trợ từ Hoa Kỳ; cũng như các tranh cãi liên quan đến việc tìm kiếm và trao trả hài cốt của binh lính Mỹ; cơ chế tị nạn cho công – viên chức, quân nhân Việt Nam Cộng hòa, v.v. đều là các nội dung được trình bày chi tiết trong quyển sách.

 

Một số tranh cãi thú vị giữa hai bên có thể kể đến như lá thư mật của Tổng thống Nixon gửi cho Hà Nội vào khoảng thời gian 1973 hứa chi trả hàng tỷ USD được Hà Nội mô tả là khoản bồi hoàn chiến tranh (war reparation) mà Hoa Kỳ có trách nhiệm pháp lý phải trả. Trong khi đó, phía Hoa Kỳ cho rằng họ sẽ chỉ chi tiền nếu Hà Nội chấp nhận gọi đây là các khoản viện trợ nhân đạo (humanitarian aid).

 

Ngoài ra, cũng không thể nào bỏ qua nhiều thông tin chi tiết về những khoản tiền khổng lồ mà chính quyền Hà Nội được viện trợ không hoàn lại, được cho vay, bắt đầu từ năm 1993, từ các định chế tài chính quốc tế do Hoa Kỳ kiểm soát như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB), với các khoản từ vài trăm triệu cho đến vài tỷ Mỹ kim một năm.

 

Quyển sách lý giải vì sao nhân quyền luôn là vấn đề quan trọng đối với Hoa Kỳ trong nghị trình làm việc với Hà Nội. Song nó cũng cho biết cách mà chính quyền Việt Nam gần như không chịu ảnh hưởng gì nặng nề trước hàng loạt các cáo buộc liên quan đến quyền tự do tôn giáo (như đàn áp và chính thức triệt tiêu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như vô hiệu hóa đạo Cao Đài hay Hòa Hảo), quyền tự do biểu đạt và các quyền khác, từ đó tiếp diễn quá trình bình thường hóa.

 

Nhìn chung, “After Saigon’s fall” là tác phẩm sử học theo rất sát và phân tích rõ chủ nghĩa hiện thực (realism) của Hoa Kỳ trong quá trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam ở giai đoạn quan trọng nhất (1975 – 2000). Với lượng thông tin dồi dào (đến mức đôi khi lộn xộn), đây là một quyển sách tư liệu đáng tham khảo đối với các sinh viên, học sinh yêu sử Việt hay các chuyên gia quan hệ quốc tế tại Việt Nam.

 


 

Chú thích

 

1. Amazon.com: Experiments in Skin: Race and Beauty in the Shadows of Vietnam: 9781478011774: Tu, Thuy Linh Nguyen: Books. (n.d.). Amazon. https://www.amazon.com/Experiments-Skin-Beauty-Shadows-Vietnam/dp/1478011777

 

2. United Front: Projecting Solidarity through Deliberation in Vietnam’s Single-Party Legislature (Studies of the Walter H. Shorenstein Asia-Pacific Research Center): Schuler, Paul: 9781503614628: Amazon.com: Books. (n.d.). Amazon. https://www.amazon.com/United-Front-Deliberation-Single-Party-Asia-Pacific/dp/150361462X

 

3. Amazon.com: After Saigon’s Fall: Refugees and US-Vietnamese Relations, 1975–2000 (Cambridge Studies in US Foreign Relations): 9781108488389: Demmer, Amanda C.: Books. (n.d.). Amazon. https://www.amazon.com/After-Saigons-Fall-US-Vietnamese-Relations/dp/1108488382




No comments: