Trước
COP26: G20 nhất trí về mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C
Trọng
Nghĩa -
RFI
Đăng ngày: 31/10/2021 - 16:01
Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu
(COP26) chính thức khai mạc hôm nay, 31/10/2026 tại Glasgow, thủ phủ xứ
Scotland, Vương Quốc Anh. Vào lúc thế giới mong đợi hội nghị đề ra được
các giải pháp cụ thể nhằm “cứu” hành tinh khỏi thảm họa khí hậu được dự báo,
các nước thuộc diện phát thải khí CO2 hâm nóng Trái Đất nhiều nhất, tập trung
trong nhóm G20, đã đạt thỏa thuận về mục tiêu cố gắng duy trì mức tăng
nhiệt độ dưới 1,5°C, so với thời tiền công nghiệp.
Các lãnh đạo G20 họp
tại Roma, ngày 30/10/2021. Erin SCHAFF POOL/AFP
Theo dự kiến, Hội nghị COP26 sẽ diễn ra trong
hai tuần, từ ngày 31/10 cho đến ngày 12/11, tập hợp đại diện khoảng 200 quốc
gia trên toàn thế giới, vốn đã được yêu cầu giảm lượng khí thải của mình để nhiệt
độ Trái Đất không tăng quá mức. Trách nhiệm đè nặng lên nhóm G20. Nhóm 20
cường quốc kinh tế lớn nhất hành tinh đã dành ngày họp thượng đỉnh hôm nay tại
Roma cho hồ sơ khí hậu, ngay trước Hội nghị COP26.
Hãng tin Pháp AFP cho hay, theo dự thảo cuối
cùng của bản thông cáo chung, các lãnh đạo của G20 đã nhất trí về
mục tiêu nỗ lực để nhiệt độ trái đất không tăng quá mức 1,5 độ C so với thời kỳ
tiền công nghiệp. Theo hai nguồn tin tham gia các cuộc đàm phán tại Roma,
thỏa thuận G20 vừa đạt được có “ngôn từ mạnh mẽ hơn” so với Hiệp định Khí
hậu Paris.
Nhóm G20 tái khẳng định mục tiêu của Hiệp định
Paris "giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, và tiếp tục các nỗ lực
để giới hạn nhiệt độ không quá 1,5°C so với thời tiền công nghiệp". Nhưng
đã đi xa hơn một chút, khi bổ sung: "Việc để mục tiêu 1,5°C trong tầm
tay cần đến các hành động và cam kết đáng kể và hiệu quả từ phía tất cả
các nước".
"Trung hòa về
khí thải vào giữa thế kỷ"
Các quốc gia G20 thống nhất về mục tiêu
"trung hòa về khí thải vào giữa thế kỷ", nhưng không xác định rõ thời
điểm 2050 hay 2060. Các thành viên G20 cũng cam kết không tài trợ cho các dự án
nhiệt điện than ở nước ngoài ngay trong năm nay, nhưng không đặt mục tiêu từ bỏ
nhiệt điện than trong nước.
Về phần mình, hãng tin Anh Reuters ghi nhận, bản
dự thảo thông cáo chung cuối cùng ít tham vọng hơn các phiên bản được đưa ra
trước đó, kể từ thứ Bảy 30/10, trong đó có phiên bản đã xác định mục tiêu 2050
"trung hòa về khí thải". Vẫn theo Reuters, dự thảo thông cáo chung cuối
cùng không cho thấy khối G20 có được các cam kết cụ thể mới, có thể cho
phép hy vọng thực hiện được mục tiêu giữ nhiệt độ không tăng quá 1,5°C. Cản trở
chính đến từ các nước phát thải nhiều nhất, đặc biệt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ,
Brazil và Đức. Sự thiếu vắng một "đột phá đáng kể" của G20 trong
các cam kết cụ thể khiến đàm phán tại COP26 dự kiến sẽ cam go.
Ngay sau khi thượng đỉnh G20 kết thúc, đa
số lãnh đạo các nước có mặt tại Roma lên đường sang Glasgow dự COP26. Các
đàm phán diễn ra suốt đêm qua, theo một nguồn tin châu Âu. Theo AFP, dù
sao việc nhóm G20, chiếm gần 80% lượng khí thải carbon, thống nhất về mục tiêu
chung 1,5°C, cũng tạo ra một động lực rất cần thiết cho COP26 mở ra hôm
nay.
No comments:
Post a Comment