LỊCH SỬ VÀ CÁC DÀN XẾP CHÍNH TRỊ TRONG CUỘC THI PIANO CHOPIN
24/10/2021
trích dịch và tóm lược từ (*).
1. Lịch sử thành lập
Theo nhà âm nhạc học và phê bình âm nhạc Ba
Lan Stanisław Dybowski (1946 – 2019), động lực chính để thành lập cuộc thi
Chopin là nhằm khôi phục uy tín của Chopin. Số là việc Ba Lan không phải là một
quốc gia độc lập đã khiến âm nhạc của Chopin bị các nhà phê bình phương Tây chỉ
trích ngay khi ông còn sống. Ví dụ L. Rellstab viết trong Iris, xuất bản tại
Berlin ngày 5.7.1833:
“Chopin là người tìm kiếm không mệt mỏi những âm
thanh nghịch nhĩ đinh tai nhức óc, những chuyển đổi đau đớn, những chuyển giọng
sắc gay gắt, những xoắn vặn gớm ghiếc của giai điệu và nhịp (…) Nhưng thật
không đáng mất công mà đả kích nhiều và dài thế này vì nhữmg bản mazurka mất nết
của Ngài Chopin. Nếu như ông đưa nhạc của mình cho một nhạc sư chắc người này sẽ
xé vụn nó ra vứt xuống chân – và đó là điều chúng ta muốn làm một cách tượng
trưng.”
Còn tờ Musical World, xuất bản tại London, số
28.10.1841 viết:
“Toàn bộ các tác phẩm của Chopin là một bề mặt pha tạp
của những phép ngoa dụ ồn ào và những tạp âm đau đớn. Khi không lập dị quá mức,
ông chẳng hơn gì Strauss hay bất kỳ nhà bào chế nhạc valse nào khác (..) Ta tự
hỏi làm sao George Sand, nổi tiếng cả về số lượng lẫn chất lượng xuất sắc của
các tiểu thuyết cũng như các tình nhân của bà, người đã có lần đốn tim nhà dân
chủ tôn giáo cao siêu và khủng khiếp Lamennais, lại có thể tùy tiện phóng túng
sự hiện hữu mơ mộng của mình cho một kẻ vô giá trị trong nghệ thuật như
Chopin.”
Sau khi Chopin qua đời vào năm 1849, phong cách
piano của ông đã bị bóp méo bởi sự nảy nở của những pianist tuyên bố mình là những
người có thẩm quyền trong phong cách diễn xuất của ông và tuyên xưng mình là học
trò của ông, bất kể mối liên hệ có đáng ngờ đến mấy. Hậu quả là âm nhạc của
Chopin bắt đầu bị quên lãng, tới mức vào đầu t.k. XX sinh viên nhạc viện nghi
ngờ hiệu quả của âm nhạc Chopin trong chương trình học. Nghệ sỹ piano kiêm nhạc
trưởng và nhạc sư người Ba Lan Jerzy Żurawlew (1886 – 1980), người sáng lập cuộc
thi piano Chopin tại Warsaw vào năm 1927, cho biết ông bị thôi thúc tổ chức cuộc
thi này sau khi nghe lỏm được cuộc đối thoại giữa hai sinh viên trong một lần
đi trên tàu hỏa. Một sinh viên tuyên bố rằng Chopin thật buồn tẻ và lỗi thời,
và cần loại bỏ nhạc phẩm của ông ta ra khỏi các chương trình hòa nhạc và dạy nhạc.
Sinh viên kia phụ hoạ rằng âm nhạc của Chopin còn gây hại bởi sự nhu nhược và
không lành mạnh, khiến người ta trở nên ủy mị đa cảm không cần thiết và làm suy
yếu tinh thần. Chứng kiến nhiệt tình gia tăng cho các cuộc thi đấu thể thao ở
Ba Lan sau Đệ Nhất Thế Chiến, Żurawlew cảm thấy một cuộc thi đấu sẽ là cách hữu
hiệu nhất để thay đổi thái độ của công chúng đối với Chopin và bồi dưỡng sự thấu
hiểu giá trị âm nhạc của ông trong các pianist trẻ tuổi.
Song dự án xin tài trợ tổ chức cuộc thi do
Żurawlew kiến nghị với chính phủ năm 1925 đã bị Bộ Tôn giáo và Giáo dục bác bỏ
vì phi hiện thực. Sau đảo chính năm 1926, tổng thống mới Ignacy Mościcki đồng ý
tài trợ giải nhất mang tên mình và cấp quà tặng cho người thắng cuộc. Việc dự án
tổ chức cuộc thi Chopin được ủng hộ chủ yếu là do xu hướng đề cao bản sắc dân tộc
sau cuộc đảo chính. Cuộc thi cũng tạo ra niềm tin rằng chỉ người Ba Lan mới có
thể chơi tốt âm nhạc Chopin.
2. Các vụ tranh cãi và bê bối
Vụ tranh cãi đầu tiên đã xảy ra ngay từ cuộc
thi đầu tiên vào năm 1927. Tin rằng chỉ các nhạc sỹ Ba Lan mới có thể thật sự
hiểu âm nhạc Chopin, Żurawlew đã mời toàn các pianist và nhạc sư Ba Lan làm
thành viên hội đồng giám khảo. Ba Lan cũng có số thí sinh tham gia áp đảo là 16
người trên tổng số 26. Những người còn lại đến từ Liên Xô, Áo, Thụy Sỹ, Latvia,
Bỉ và Hà Lan. Trong toàn bộ thời gian diễn ra cuộc thi, báo chí Ba Lan chỉ ca
ngợi các thi sinh Ba Lan, coi họ là những người duy nhất có khả năng đoạt giải,
khiến khán giả tại Nhà hát Warsaw Philharmonic cũng như toàn thể công chúng Ba
Lan chờ đợi chiến thắng của Ba Lan. Vì thế tất cả bị một phen choáng váng khi hội
đồng giám khảo công bố người thắng cuộc là Lev Oborin của Liên Xô. Người Ba Lan
coi đây là thất bại và điều nhục nhã bởi sau khi cuộc chiến giữa Ba Lan và Liên
Xô kết thúc sáu năm trước, người Ba Lan đã nuôi một thù hận đối với người Liên
Xô, và coi cuộc thi này như cơ hội để trả thù về văn hóa.
Sự căng thẳng giữa Ba Lan và Liên Xô lại bùng
lên một lần nữa tại cuộc thi Chopin lần IV vào năm 1949, sau khi Liên Xô tấn
công và chiếm đóng Ba Lan năm 1939, thảm sát hàng ngàn sĩ quan và dân thường Ba
Lan tại khu rừng gần Katyn vào năm 1940, và các nhóm kháng chiến chống cộng ở
Ba Lan sau Đệ Nhị Thế Chiến đã thu hút hàng ngàn thành viên. Tại cuộc thi
Chopin năm 1949, Lev Oborin đã trở thành một thành viên hội đồng giám khảo. Lần
này, đến lượt các nhà chức trách Liên Xô, chứ không phải Ba Lan, là những người
bất mãn vì kết quả cuộc thi.
Theo báo cáo của I.S. Kuznetsov, một quan chức
tại Đại sứ quán Liên Xô ở Warsaw, 23 thành viên ban giám khảo cuộc thi, trong
đó có 10 người Ba Lan, đã tiến hành các bước nhằm dàn xếp kết quả cuộc thi. Phó
thủ tướng Ba Lan lúc đó là Włodzimierz Sokorski đã chỉ thị cho các giám khảo Ba
Lan phải ủng hộ các thí sinh Ba Lan và Liên Xô. Tuy nhiên, các giám khảo Ba Lan
chỉ tuân theo một phần chỉ thị đó. Họ đã hy sinh các thí sinh Liên Xô để ủng hộ
các thí sinh Ba Lan. Khi thấy Bella Davidovich của Liên Xô đạt được điểm số cao
nhất ở vòng đầu, các giám khảo Ba Lan đồng loạt hạ điểm của bà tại các vòng
sau, bởi họ rất cần chiến thắng quyết định của người Ba Lan trong năm giỗ
Chopin lần thứ 100. Nhờ đó, kết quả lúc đầu nghiêng về phe Ba Lan khi thí sinh
Ba Lan Halina Czerny-Stefańska đứng thứ nhất, sau đó là Bella Davidovich. Song
phe Liên Xô phản đối, cáo buộc các giám khảo đã sửa điểm của Bella Davidovich.
Ban chủ tịch hội đồng Chopin sau đó đã quyết định trao đồng giải nhất cho
Halina Czerny-Stefańska và Bella Davidovich.
Tại cuộc thi Chopin lần thứ V (năm 1955),
Arturo Benedetti Michelangeli đã bỏ hội đồng giám khảo để phản đối khi Vladimir
Ashkenazy, người Michelangeli cho xứng đáng được giải nhất, lại được xếp giải
nhì, sau Adam Harasiewicz, vì điểm số chỉ ít hơn ông này chưa tới nửa điểm.
Tại cuộc thi Chopin lần thứ VI (1960) người nổi
dóa lại chính là chủ tịch danh dự của hội đồng giám khảo Arthur Rubinstein bởi
thí sinh yêu thích của ông, Michel Block, chỉ đứng thứ 10. Thay vì từ bỏ hội đồng,
Rubinstein lên tiếng phản đối bằng cách bỏ 850 USD tiền túi làm giải thưởng
riêng của mình trao tặng Michel Block. Sau cuộc thi này, quy trình chấm của ban
giam khảo đã buộc phải thay đổi. Thay vì chấm điểm cho từng trình tấu, họ chấm
cho từng vòng thi. Sau vòng chung kết, hội đồng giám khảo phải họp để bàn thảo
1 hoặc 2 ngày trước khi công bố quyết định.
Tại cuộc thi Chopin lần thứ VII (1965), tranh
cãi đã nổ ra ngay từ vòng hai, khi thí sinh người Mỹ Findlay Corkrell bị loại
sau vòng một. Corkrell chính thức lên tiếng phản đối bằng một bức thư ngỏ gửi bộ
trưởng Văn hóa Ba Lan, cáo buộc ban giám khảo đã có thành kiến chính trị, chỉ
cho 3 trong 8 thí sinh Mỹ vào vòng hai, trong khi toàn bộ 5 thí sinh Liên Xô và
7 thí sinh Ba Lan được thi tiếp. Chủ tịch hội đồng giám khảo Zbigniew
Drzewiecki chối bỏ bất kỳ sai sót nào, nhưng lại tăng thêm mối cừu hận khi nói
các thí sinh Mỹ có thể thắng cuộc một khi học chơi Chopin cho tốt.
Phản đối của Corkrell hóa ra là đúng sau khi
các giám khảo Ba Lan bị phát hiện đã đồng loạt hạ điểm các thí sinh Liên Xô để ủng
hộ các thi sinh Ba Lan tại vòng hai cuộc thi này, bởi không một thí sinh Liên
Xô nào lọt vào vòng chung kết. Một số thành viên giám khảo, kể cả phó chủ tịch
hội đồng là Arthur Hedley (Anh) đã đề xuất tăng số thí sinh lọt vào chung kết từ
6 lên 8 người. Đề xuất này bị bác vì việc chấp nhận nó sẽ vô hình trung thừa nhận
nghi ngờ sai trái trong chấm điểm là đúng. Kết quả thí sinh người Argentine là
Martha Argerich đã đoạt giải nhất sát nút. Các thí sinh Ba Lan chỉ đoạt giải ba
và giải sáu. Các thành viên giám khảo Ba Lan sau đó đã buộc phải thừa nhận với
các nhà báo Mỹ rằng đó là một “sự chắp vá tồi tệ”.
Tới cuộc thi Chopin lần thứ IX (1975) thì đến
phiên công chúng lên tiếng phản đối. Theo một nhà quan sát người Mỹ, công chúng
năm đó lạnh nhạt khác thường đối với các thí sinh Liên Xô, trái lại nhiệt liệt
hoan nghênh các thí sinh từ bắc Mỹ. Công chúng cổ vũ nhiệt tình nhất thí sinh
Canada John Hendrickson. Sau khi Hendrickson không được vào vòng chung kết,
công chúng nổi dóa biểu tình ngoài phố cho đến hết cuộc thi. Hendrickson được
trao giải thưởng của Các Phê bình gia âm nhạc Ba Lan trước khi vòng chung kết
còn chưa bắt đầu. Năm đó người đoạt giải nhất không chối cãi được là Krystian
Zimmermann (Ba Lan).
Tuy nhiên chỉ tới cuộc thi Chopin lần thứ X
vào năm 1980 các tranh cãi mới phát triển thành một vụ bê bối thực sự trong
toàn bộ lịch sử cuộc thi Chopin.
Cuộc thi lần thứ X diễn ra vào năm kỷ niệm lần
thứ 170 ngày sinh Chopin với 180 thí sinh được chấp nhận vào vòng một, tức nhiều
hơn cuộc thi trước 60 người. Ivo Pogorelich đã tỏa sáng ngay từ vòng đầu. Công
chúng hồ hởi chào đón lối chơi phá cách của Pogorelich và coi ông là thí sinh sủng
ái nhất của họ, còn các nhà phê bình thừa nhận ông là người đặc biệt nhất trong
tất cả 180 thí sinh. Tuy nhiên Lajos Kentner (Hungary), người đoạt giải 5 tại
cuộc thi Chopin lần thứ hai (1932), một cuộc thi có tới 15 giải thưởng, từ 1 tới
15, đã bỏ hội đồng ngay sau vòng một, sau khi tuyên bố: “Nếu những người như
Pogorelich được vào vòng hai, tôi không thể tham gia ban giám khảo. Chúng ta có
các tiêu chuẩn khác nhau về thẩm mỹ.”
Trong khi chỉ gây tranh cãi tại hai vòng đầu,
trình diễn của Pogorelich tại vòng ba mới thực sự trêu ngươi. Chẳng những đã
trình tấu rất khác thường âm nhạc của Chopin, Pogorelich còn tỏ ra bất tuân quy
định của cuộc thi bằng cách đảo trật tự chương trình của mình, rời sân khấu giữa
chừng, và kích động phản ứng từ khán giả. Theo quy định của cuộc thi, thí sinh
phải chơi mazurkas trước, sau đó là một hoặc hai sonata. Tất cả các thí sinh đều
tuân thủ quy định đó, trừ Pogorelich. Ông chơi Sonata B minor Op. 35 “Hành khúc
tang lễ” thật tuyệt vời đến mức kinh ngạc, rồi đứng lên đón nhận các tràng vỗ
tay cuồng nhiệt của công chúng, rồi đi vào cánh gà, một điều cấm kỵ. Sau đó ông
lại bước ra sân khấu chơi mazurkas, như thể chơi encore cho các khán giả đang
nhiệt thành ủng hộ mình.
Tính nổi loạn của Pogorelich còn được gia tăng
bởi áo quần của ông. Thay vì y phục trịnh trọng cho buổi biểu diễn âm nhạc, ông
ăn vận như một “hoàng tử bị bỏ rơi giữa sa mạc”: quần da, áo sơ-mi trắng viền
đăng ten, ca-vat dây màu đen. Công chúng phấn khích không chỉ lao đến tặng hoa
ông, mà giới trẻ trong khán giả còn bắt chước cách ăn mặc của ông. Song
Pogorelich đã phải trả giá cho sự thách thức này: Ông đã bị loại sau vòng ba.
Nguyên nhân biến các tranh cãi thành vụ bê bối
là ở chỗ Pogorelich không phải là người duy nhất đã kích động công chúng. Sau
khi Pogorelich bị loại, Martha Argerich, thành viên giảm khảo, đồng thời là người
đoạt giải nhất cuộc thi lần thứ VII vào năm 1965, đã bỏ hội đồng giám khảo để
phản đối quyết định của hội đồng. Trong cuộc họp báo ngay sau đó, giải thích lý
do bỏ hội đồng giám khảo của mình, Martha Argerich tuyên bố Pogorelich là một
‘thiên tài’ mà các đồng nghiệp của bà đã không đánh giá đúng bởi tính bảo thủ
thâm căn cố đế. Đó là vì sao bà cảm thấy xấu hổ khi ngồi trong một hội đồng như
vậy. Tuy cũng bỏ hội đồng, hành động của Argerich có tác động rộng lớn hơn nhiều
so với khi Kentner bỏ hội đồng sau vòng một. Hành động của Kentner không được
đánh giá cao bởi tính vụ lợi: Ông bực mình vì không học trò nào của ông lọt vào
vòng hai. Trong khi đó công chúng hoàn toàn đồng tình với cơn giận của
Argerich. Hai thành viên khác của hội đồng giảm khảo, Nikita Magaloff và Paul
Badura-Skoda cũng tuyên bố trong một cuộc họp hội đồng giám khảo rằng ‘thật quả
là một điều không thể tưởng tượng nổi khi một nghệ sỹ như Pogorelich lại không
được chọn vào vòng chung kết’.
Nhiều người bên ngoài hội đồng giám khảo đồng
cảm với Argerich. Nhiều khán giả và một số thí sinh của cuộc thi cũng lên tiếng
bày tỏ sự bất đồng với quyết định của hội đồng giám khảo và muốn tặng
Pogorelich các giải thưởng thay thế. Stefania Woytowicz, chủ tịch hội âm nhạc
Warsaw, đích thân tài trợ một giải đặc biệt trị giá 50 ngàn złotys tặng ông,
còn nữ nghệ sỹ Irena Eichlerówna đã đề nghị Pogorelich chấp nhận 20 ngàn złotys
từ bà vì đã đọc trích dẫn thư của Chopin tại lễ trao giải thưởng. Hai mươi phê
bình gia âm nhạc Ba Lan nhất trí Pogorelich là pianist bị đối xử bất công nhất
trong toàn bộ lịch sử cuộc thi Chopin và đã gây quỹ một giải thưởng mang tên của
họ để trao cho ông. Các sinh viên Nhạc viện Fryderyk Chopin đã trao tặng
Pogorelich một bằng chứng nhận viết “Ivo Pogorelich – người chiến thắng của
chúng tôi”, và giám đốc nhạc viện đã mời Pogorelich trình tấu Chopin piano
concerto cung Fa thứ cùng dàn nhạc của sinh viên nhạc viện. Song trên hết, hãng
Deutsch Grammophon đã ký hợp đồng thu âm với ông, một cơ hội, nếu có, thường chỉ
được dành cho người đoạt giải nhất cuộc thi.
Sau khi bị loại, Pogorelich đã phê phán thái độ
của hội đồng giám khảo. Trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times, ông nói:
“Một số giám khảo ở đây muốn giữ Chopin như nhà hát
Nhật Bản – bất biến từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhưng khi viết các nhạc phẩm
này, bản thân Chopin cũng không hiểu sự phong phú thật sự trong âm nhạc của
ông. Thời gian đã làm cho âm nhạc của ông trở nên sâu sắc hơn ông nghĩ. Nếu một
người chơi Chopin vào năm 1980, y phải dùng toàn bộ hiểu biết chúng ta đã đạt
được kể từ thời Chopin sáng tác.” Chuyển động theo thời gian có nghĩa là thừa
nhận sự thay đổi trong cấu trúc của đàn piano và sự ra đời của ghi âm đã thay đổi
cách thính giả nghe âm nhạc trong các phòng hòa nhạc. Pogorelich khẳng định việc
ông nghiên cứu các bản thảo của Chopin nhằm một mục đích cao hơn cuộc thi: “Tôi
tới Warsaw không phải để giành giải nhất, mà là để tham gia cuộc thi lớn mang
tên Chopin. Tôi coi sự hiện diện của mình ở đây như một sứ mệnh bởi Chopin của
tôi có những yếu tố của quan điểm mới về trình tấu âm nhạc của ông. Tôi cho rằng,
trong năm 1980, một quan điểm như vậy là thiết yếu.” Do đó, việc loại
Pohgorelich không chỉ đơn thuần là một thất bại cá nhân: đó còn là một bất công
lớn. “Không phải tôi là người bị họ tước đoạt một cái gì đó, mà đó là các khán
giả và cuộc thi, bởi lẽ uy tín của nó bị giảm sút, và cả uy tín của Chopin cũng
bị tổn thương, bởi lẽ cơ hội diễn giải lại các tác phẩm của ông đã bị từ chối.”
Tờ New York Times mô tả bầu không khí nóng bỏng
bao trùm Gala concert của Pogorelich sánh ngang với một concert nhạc rock:
“Ít nhất 3000 người tụ tập bên ngoài phòng hòa nhạc
1000 chỗ ngồi, chặn mọi lối vào và xô nhau lên trước như những đợt sóng chao đảo.
Khoảng 200 sinh viên dàn hàng ngang trước cửa chính để chắn những người có vé.
Cửa sau sân khấu bị đập vỡ và 100 kẻ phá cửa đã tràn vào phòng hòa nhạc. Ngôi
sao trình tấu, với mái tóc xoăn bồng bềnh trên đầu như một vầng hào quang ma
quái, bước ra sân khấu. Khán giả bùng lên như mất kiềm chế, đồng thanh gọi tên
ông: ‘Ivo, Ivo’, vẫy sổ xin chữ ký và chen nhau để được nhìn rõ hơn.”
Bị loại khỏi cuộc thi Chopin lần thứ X,
Pogorelich đã trở nên nổi tiếng toàn cầu.
Józef Kański, nhà âm nhạc học và phê bình âm
nhạc Ba Lan, nói:
“Bất chấp bạn nghĩ thế nào, cách diễn tấu của
Pogorelich, với tất cả sự bùng nổ của nó, là hoàn toàn logic, khêu gợi, và cuối
cùng, một điều khá hiếm, chứa đựng một kiểu trải nghiệm chân lý nghệ thuật sâu
sắc. Và thế hệ trẻ ngày nay rất nhạy cảm với sự thật và dối trá, không chỉ
trong âm nhạc. Pogorelich dường như đã dùng âm nhạc để chỉ ra chân lý của thời
đại hiện nay, đầy bất ổn, bạo lực, và các căng thẳng kịch tính.”
Việc loại Pogorelich còn được dùng như bằng chứng
cho các vấn đề nổi cộm của các cuộc thi âm nhạc. Ví dụ nhà quản lý âm nhạc kiêm
biên tập và cây viết về âm nhạc người Anh Sir Nicholas Kenyon đã trích dẫn
Pogorelich như một trong vài trường hợp chứng tỏ các cuộc thi âm nhạc là một
ván bài đáng thua. Tương tự như vậy, khi danh cầm cello Julian Lloyd Weber
tuyên bố hầu hết các cuộc thi âm nhạc là thối nát và chỉ tồn tại như một cách
cho các ông/bà thày đề bạt các học trò của chính mình, ông đã trích dẫn vụ
Argerich phản đối việc loại Pogorelich như một ví dụ ‘khi các giám khảo chơi
sai note’.
Bản thân Pogorelich cũng góp phần nâng vụ bê bối
lên tầm cỡ một huyền thoại. Trả lời phỏng vấn tờ The Los Angeles Times năm
1993, ông khẳng định kết quả cuộc thi đã được quyết định từ trước:
“Nhiều tháng trước cuộc thi, các nhà chức trách khối
Sô-Viết đã quyết định cần thiết có người thắng cuộc từ Việt Nam. Quyết định
tham gia cuộc thi của tôi hoàn toàn không được hoan nghênh. Họ bảo tôi phải đợi
một năm nữa để tham gia cuộc thi Tchaikovsky và đảm bảo tôi sẽ được giải nhất.”
Năm 2008 ông đòi mở một cuộc điều tra chính thức
về cuộc thi Chopin lần thứ X nhằm làm rõ điều gì đã xảy ra sau cánh cửa phòng
giám khảo để ông có thể quên đi toàn bộ vụ này. Trong khi Chopin Institute từ
chối, cáo buộc của Pogorelich đã khơi lại vấn đề này trong mắt của công chúng
yêu âm nhạc. Và trong giới âm nhạc, việc loại Pogorelich khỏi cuộc thi năm 1980
vẫn tiếp tục gây tranh luận.
-------------
Nguồn:
(*) Lisa McCormick, Pogorelich at the Chopin:
Towards a sociology of competition scandals (Pogorelich tại cuộc thi
Chopin: Về một vấn đề xã hội học của các vụ bê bối trong các cuộc thi âm nhạc),
The Chopin Review, Issue 1 (2018), published by The Chopin Institute, Warsaw.
Link: http://chopinreview.com/pages/issue/7/1#3
No comments:
Post a Comment