Thursday, June 21, 2018

NGÀY TÀN CỦA NHÂN QUYỀN? (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
June 20, 2018

Trong những ngày qua việc chính quyền Trump cách ly con cái của những người di dân với cha mẹ chúng đã làm ồn ào dư luận. Nhìn hình ảnh những đứa trẻ bị nhốt như trong những cái lồng thú tại nước Mỵ tự do dân chủ đã làm cho người ta phải tự hỏi phải chăng là nhân quyền nay đã đến ngày tàn?

Không ai có thể nghi ngờ rằng phong trào nhân quyền hiện đang phải đối đầu với thách thức lớn nhất mà nó gặp phải từ khi nổi lên trong thập niên 1970 như là một nhân tố tham dự quan trọng trong trật tự thế giới.

Một bằng chứng điển hình cho thấy cuộc khủng hoảng này nghiêm trọng như thế nào là bài tiểu luận mà Kenneth Roth, giám đốc điều hành của tổ chức Human Rights Watch viết như là phần mở đầu báo cáo thường niên của tổ chức. Ta phải quay trở lại đến năm 2014 mới có thể thấy Roth viết một cách tương đối lạc quan về tương lai của phong trào nhân quyền trên thế giới. Đến 2016 thì Roth đã đưa ra những suy tư về “làm sao chính trị dựa vào sợ hãi và việc hủy diệt xã hội công dân đã làm nguy cho nhân quyền trên thế giới.” Và đến năm sau, 2017 Roth đã lên tiếng cảnh cáo những người ủng hộ cho Human Rights Watch rằng việc nổi dậy của phong trào dân túy “đe dọa lật lại tất cả những thành quả đạt được của phong trào tranh đấu cho nhân quyền hiện đại.”

Báo cáo năm nay đuợc đưa ra với tựa đề tích cực “Stopping Mass Atrocities, Majority Bullying, and Abusive Counterterrorism.” Và tuy rằng trong đó Roth khẳng định rằng tình hình có thể không đến nỗi tệ như là trong ba năm trước, ông đã để cho người ta không có một chút nghi ngờ gì rằng tình hình cũng còn rất tệ hại. Và Roth kết luận rằng “một lượng định công bằng về triển vọng của nhân quyền phải làm cho người ta quan ngại nhưng không phải là đầu hàng – một lời kêu gọi hành động chứ không phải là một tiếng thở dài tuyệt vọng.”

Thế nhưng nhìn xuyên qua những lời lẽ có tính kích động, phần còn lại cho thấy một phong trào nhân quyền bị buộc phải lập lại những trận chiến trong quá khứ mà họ nghĩ là đã thắng. Human Rights Watch không phải là tổ chức độc nhất kêu gọi động viên tất cả những ủng hộ viên của mình cho cuộc đấu tranh cho nhân quyền. Trong báo cáo thường niên năm 2017-2018, tổ chức Ân Xá Quốc Tế cũng viết: “Trong vòng năm ngoái, các lãnh tụ chính trị đã kích thích sự hận thù, chiến đấu chống lại nhân quyền, bỏ qua những tội ác chống lại nhân lọai và thản nhiên để mặc tình trạng bất công và đau khổ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.”

Thế nhưng cũng giống như Roth, các tác giả của báo cáo này kết luận rằng: “Tuy rằng những thách thức đối với chúng ta có thể chưa bao giờ lớn hơn, nhưng ý chí chiến đấu chống lại chúng cũng mạnh không kém.”

Nhưng vấn đề vẫn là tại sao các tổ chức quốc tế đấu tranh cho nhân quyền nổi bật nhất lại để sót không nhận ra cơn bão đang tụ tập ngoài chân trời cho đến khi, với sự nổi lên của phong trào dân túy tại Châu Âu và Mỹ đập vào họ.

Cố nhiên là đã có những người – thường thuờng là những người chỉ trích hoặc là học giả nghiên cứu về lịch sử phong trào nhân quyền – tỷ như Stephen Hopgood, Samuel Moyn và Eric Posner – trước đó đã tiên đoán rằng sự đặt quá nặng vào đấu tranh pháp lý của phong trào nhân quyền nay không còn đủ để đối phó với những thay đổi trong tình hình mới. Bao hàm trong chủ thuyết tranh đấu của phong trào nhân quyền là một khi đã đạt được những tiêu chuẩn pháp lý có tính cách ràng buộc, thực tế của cuộc sống dần dà sẽ phải thay đổi để thích ứng với chúng. Nó là một cách tiếp cận kiểu của các luật sư mà không hề để ý đến sự kiện như là học giả người Đức nhận xét, luật pháp không phải là ở trên chính trị mà trái lại không thể tách rời khỏi chính trị. Thành ra đối với những người lãnh đạo phong trào nhân quyền, họ coi là một khi cái mà nhà văn Michael Ignatief gọi là cuộc “cách mạng đạo đức hậu chiến” đã hoàn toàn được thực hiện thì chỉ còn vấn đề thời gian trước khi một trật tự thế giới dựa trên nhân quyền sẽ chiến thắng trên toàn thể thế giới.

Thế nhưng ít nhất là vào lúc này, với Brexit tại Anh, triều đại tổng thống của ông Donald Trump ở Hoa Kỳ và việc nổi lên càng ngày càng rõ của Trung Cộng độc tài đã phá tan cái ảo tuởng của phong trào nhân quyền rằng tiến bộ đến một trật tự thế giới dựa trên nhân quyền là tất yếu.

Trong lịch sử không có cái gì là tất yếu – chỉ trừ việc là không sớm thì muộn mọi nền văn minh và mọi hệ thống chính trị cũng đều phải suy tàn – và cả Human Rights Watch lẫn Amnesty International đều đã phạm phải cái lỗi lầm mà hầu hết các phong trào đều mắc phải khi họ tin rằng họ đi đúng chiều hướng của lịch sử. Chính cái tinh thần “tự mãn” (hubris) này là cái mà đã được Michael Ignatieff, một trong những nhà tranh đấu cho nhân quyền tích cực nhất cảnh cáo trong cuốn sách xuất bản năm 2001 Human Rights as Politics and Idolatry:

“Trong năm muơi năm tới, chúng ta có thể chờ đợi thấy sự đồng thuận về đạo dức vốn dẫn đến bản Tuyên Ngôn Quốc Tế về Nhân Quyền năm 1948 bị tan rã thêm nữa… Không có một lý do gì để có thể tin tưởng được là sự toàn cầu hóa về kinh tế sẽ dẫn đến toàn cầu hóa về đạo đức.”

Cả Human Rights Watch và Amnesty đều đúng khi không chịu chấp nhận thất bại. Với tình trạng thế giới hiện nay khi mà cán cân quyền lực quốc tế đã chuyển từ các chính quyền chấp nhận các tiêu chuẩn về nhân quyền sang những chính quyền chống lại hay ít nhất là dửng dưng đối với nhân quyền, chúng ta càng cần có những tổ chức nhân quyền tích cực hoạt động. Hy vọng rằng phong trào nhân quyền sẽ trở thành hữu hiệu hơn khi bị đẩy vào buớc đường cùng giống như một giáo hội ngầm nhưng đầy tinh thần lúc ban đầu thay vì một giáo hội đầy quyền lực nhưng trống rỗng về sau. (Lê Mạnh Hùng)





No comments: