Friday, December 1, 2017

VIỆT NAM MUỐN KIỂM SOÁT MẠNG XÃ HỘI ? ĐÃ MUỘN! (Dien Luong - The New York Times)


Dien Luong  The New York Times  
DCVOnline dịch

Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam | Khi Messenger của Facebook chập chờn liên tục trên khắp Việt Nam vào ngày 4 tháng 11 – một sự bất thường, ngay cả tại một quốc gia nhiều áp bức này – cư dân mạng đã bị một cú sốc xây xẩm mặt mày. Một số người bạn Facebook của tôi hỏi, “Đã xong rồi à?”

Nguồn: Dom McKenzie

Messenger ở những nước khác cũng không khá hơn, và vào ngày hôm đó, cơn bão Damrey đã đổ ập vào bờ biển miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên, một số bạn bè của tôi đã cho rằng sự chập chờn của Messenger là do một nguyên nhân khác: một dự luật về an ninh không gian mạng, đã là tin trang nhất ngày hôm trước.

Dự luật này được đưa ra để tham khảo ý kiến công chúng từ tháng 6 nhưng chỉ mới được mọi người quan tâm đến trong thời gian gần đây khi Quốc hội vừa họp lại, Phòng Thương mại đã tuyên bố phản đối. Dự thảo luật này yêu cầu các công ty khổng lồ nước ngoài về kỹ thuật như Google, Facebook và Skype lập văn phòng và đặt máy chủ ở Việt Nam. Mặc dù Quốc hội không dự định biểu quyết dự luật này cho đến giữa năm 2018, viễn tượng của nó đã khiến người sử dụng internet sợ hãi, và cộng đồng doanh nghiệp và ngay cả một số dân biểu cũng lo ngại.

Chính phủ cho rằng mối quan tâm ngày càng tăng về an toàn trên không gian mạng và tin giả mạo là những lý do cần kiểm soát mạng xã hội nhiều hơn. Nhưng truy cập internet cũng đã phục vụ như là một ngõ thoát để giới hoạt động chính trị tố cáo tham nhũng và những hành vi sai trái của chính phủ.

Việt Nam là nước có tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao nhất trong số các nước có thu nhập bình quân đầu người tương đương. Hiện có khoảng 52 triệu trương mục Facebook hoạt động ở Việt Nam, với số dân khoảng 96 triệu. Google và YouTube cũng rất phổ biến.

Giống như Trung Quốc, Việt Nam muốn kiềm chế Internet ngay từ đầu. Vào năm 2009, họ cũng đã cố gắng ngăn chặn Facebook bằng cách ra lệnh cho các dịch vụ lớn ở địa phương không được cung cấp ứng dụng này cho người sử dung mạng. Nhưng chính phủ đã không dám thẳng thừng lập một bức tường lửa, vì sợ giới kinh doanh internet và thương mại điện tử bỏ chạy; họ cho phép truy cập một số trang web nhất định thay vì dựng tường lửa ngăn chận tất cả như Trung Quốc, vì nghĩ rằng có thể thuyết phục được những trang web đó hợp tác khi cần thiết. Nhân dịp này, chính phủ Việt Nam đã yêu cầu giới cung cấp dịch vụ địa phương chận một số các trang web nhất định trong danh sách đen của chính phủ, nhưng việc đó rất dễ dàng có lối thoát bằng cách đổi tên miền.

Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên mạng và kiểm soát là yếu tố họ quan tâm đế trước nhất; hệ thống mạng ở Trung Quộc hiện nay là một mạng intranet (toàn quốc) hơn internet (toàn cầu). Cách kiểm soát nhẹ nhàng hơn của Việt Nam đã tạo ra một cơ sở hạ tầng ghép phát triển và thích ứng nhanh hơn khả năng ra quy định và kiểm soát của chính phủ.

Một điểm khác biệt ở Trung Quốc, một quốc gia có dân số lớn hơn và nền kinh tế của thị trường lớn trong nước, cho phép các hệ thống mạng xã hội nội địa như Weibo hoặc WeChat phát triển. Ở Việt Nam không được như thế vì đơn giản là không có đủ tiền hoặc sự gan lỳ chính trị để cạnh tranh với những công ty công nghệ cao hiện đại ở Silicon Valley. YouTube và Facebook hiện chiếm 2/3 thị trường truyền thông kỹ thuật số ở Việt Nam.

Giỏi lắm chính phủ cũng chỉ có thể chặn Facebook vào những thời điểm nhạy cảm, chẳng hạn như khi Tổng thống Barack Obama viếng thăm Việt Nam vào tháng 5 năm 2016 hoặc trong các cuộc biểu tình phẩn đối một thảm hoạ môi trường. Nhưng cũng chỉ chặn được trong một thời gian ngắn, vì người sử dụng Internet Việt Nam có hiểu biết kỹ thuật luôn có những giải pháp khác để truy cập và chuyển tải thông tin.

Vào năm 2015, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc đó là Thủ tướng của Việt Nam, nói rằng không thể cấm các phương tiện truyền thông xã hội và thay vào đó, chính phủ nên sử dụng những phương tiện như vậy để truyền bá thông điệp của riêng mình. Sau khi ông Dũng rơi khỏi chính trường năm 2016, chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục để cho dân dùng Facebook trong khi cố gắng theo dõi thông tin trên mạng.

Một nỗ lực dường như đáp ứng được những mối quan tâm của công chúng, vào năm 2015, chính phủ Việt Nam đã lập các trang Facebook chính thức để thông tin về những cuộc hộp báo sau các cuộc họp nội các và thông báo chính sách và quy định mới của chính phủ. Đồng thời, nó đã đưa một đội ngũ gọi là “các chuyên viên hướng dẫn dư luận” để tuyên truyền quan điểm riêng của họ và bảo vệ nhà nước chống lại những người bị gièm pha, hoặc cái mà họ gọi là “các thế lực thù địch”.

Đầu năm nay, Bộ Thông tin đã yêu cầu các trang web, mạng xã hội và các ứng dụng di động với hơn một triệu người dùng ở Việt Nam “hợp tác” với chính quyền và xóa nội dung “có ý định và độc hại”, từ những quảng cáo bán hàng lậu hoặc động vật hoang dã được bảo vệ đên bí mật quốc gia. Bộ Thông tin Việt Nam cũng yêu cầu Google lấy 2.300 clip trên YouTube xuống vì họ cho là những video clip đó phỉ báng giới lãnh đạo Việt Nam; Google đã đồng ý một phần, xóa bỏ gần 1.500 clip.

Có lẽ được khuyến khích với thành công này, và bằng những tăng cường đàn áp internet ở các quốc gia Đông Nam Á, nhà chức ở đó trách muốn đi xa hơn. Nhưng đã quá trễ. Dự luật này hiện đang được thảo luận, dường như mô phỏng theo luật Trung Quốc được thông qua hồi đầu năm nay, sẽ chỉ đem lại kết quả ngược lại sự mong đợi.

Vào tháng 8, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang – từng lãnh đạo Bộ Công an, người ủng hộ chính của dự luật – cho rằng sở dĩ có nhu cầu “ngăn chặn các trang tin tức và blog có nội dung xấu và nguy hiểm” một phần là do những cuộc vận động trực tuyến “làm suy giảm uy tín của lãnh đạo đảng và nhà nước”. Tuy nhiên, ngay chính dự luật này có thể làm tổn thương uy tín của nhà nước nhiều hơn nữa.

Như một số chuyên gia pháp luật đã nói, dự luật này quá bao trùm, đáng chú ý vì nó vượt xa khỏi mục đính bảo vệ an ninh mạng mà chính là để thực sự kiểm soát nội dung. Facebook và Google cũng đã lập luận rằng có rất nhiều cơ chế có sẵn để cảnh cáo người dùng và xóa nội dung vi phạm luật địa phương; và do đó không cần phải lưu trữ dữ liệu ở Việt Nam, và hệ thống của họ cũng không thiết kế như thế.

Việt Nam thường bị quốc tế chỉ trích về hồ sơ nhân quyền tồi tệ, đặc biệt là tự do ngôn luận – vì họ kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm, tin trên đài phát thanh và truyền hình, và bịt miệng những người viết blog. Thông qua dự luật internet này khó có thể giúp Việt Nam được tiếng tốt. Luật này cũng sẽ đi ngược lại những cam kết của Việt Nam trong những nhiều hiệp định thương mại đã ký kết, gồm cả Tổ chức Thương mại Thế giới, và có thể sẽ làm giới đầu tư nước ngoài bất mãn.

Tháng 11, Việt Nam kỷ niệm 20 năm ngày ra đời của Internet. Thời nay, ngăn chặn các ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến có vẻ như là một bước thoái hoá – và họ cũng chưa bao giờ kiểm soát được hết. Luật an ninh mạng này cũng chắc chắn sẽ gây ra một phản ứng dữ dội trong cộng đồng mạng.

Chính phủ coi internet là nguồn gây mất ổn định, nhưng kiểm soát nó gay gắt hơn cũng có thể là một nguồn gây bất ổn – ngay ở một quốc gia độc tài như Việt Nam, sự ủng hộ nào đó của quần chúng vẫn là điều cần thiết cho sự sống còn của chế độ.

© 2017 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net

*
Nguồn: Vietnam Wants to Control Social Media? Too Late. By Dien Luong. The New York Times. NOV. 30, 2017. Dien Luong một nhà báotại thành phố Hồ Chí Minh.

------------------------------

XEM THÊM :









No comments: