Saturday, December 30, 2017

BẢN TIN NGÀY 30/12/2017 (Báo Tiếng Dân)




Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
Sau quá trình quân sự hóa Biển Đông diễn ra khá thuận lợi trong năm 2017, Trung Quốc mưu đồ đưa nhà máy điện hạt nhân nổi ra Hoàng Sa. Nhân Dân Nhật báo của ĐCS Trung Quốc đã công bố kế hoạch sử dụng nhà máy điện hạt nhân nổi để cung cấp năng lượng cho “cái mà Bắc Kinh gọi thành phố Tam Sa, đơn vị hành chính phi pháp được đặt trụ sở ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam” và khẳng định, nhà máy này sẽ tăng cường năng lực phòng thủ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lò phản ứng hạt nhân có thể hỗ trợ chiến thuật “sử dụng công trình lưỡng dụng”, kết hợp yếu tố quân sự, dân sự, mà Trung Quốc quen áp dụng để tạo “tình thế đã rồi” trên Biển Đông“có thể di chuyển và cung cấp năng lượng cho những giàn khoan… Công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Trung Quốc hồi tháng 8 công bố kế hoạch sản xuất 20 nhà máy điện hạt nhân nổi phục vụ mưu đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông”.

Facebooker Nguyễn Trường Uy chia sẻ“Trung Quốc nói sẽ đưa tàu này ra Biển Đông, cung cấp năng lượng cho thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện bị Trung Quốc chiếm đóng, đồng thời sẽ giúp tăng cường năng lực phòng thủ quân sự ở Biển Đông”.

Báo Thanh Niên điểm mặt: Những điểm nóng địa chính trị thế giới năm 2017. Trong đó, Biển Đông là “điểm nóng bị lãng quên”. Tác giả ghi nhận, “tình hình Biển Đông khá lặng sóng, thậm chí đạt được bước tiến lớn với việc Trung Quốc – ASEAN thông qua Dự thảo khung về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”. Tuy nhiên, đó là chiến thuật hòa hoãn tạm thời của Trung Quốc, tiến trình quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh chưa hề dừng lại.
“Vấn đề Biển Đông vẫn đang chứa đựng nguy cơ va chạm nguy hiểm và leo thang quân sự, xuất phát từ những hành động bất chấp luật pháp của Trung Quốc”. Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì những hoạt động quân sự, đe dọa quyền tự do hàng không và hàng hải trong khu vực, điển hình là hàng loạt cuộc tập trận, hoạt động triển khai máy bay quân sự, tàu chiến, binh sĩ, ra các đảo nhân tạo được bồi đắp phi pháp.

Quan hệ Việt – Trung
VOA có bài tổng hợp của tác giả Lê Anh Hùng: Kinh tế Việt Nam 2017: bóng ma Trung Quốc ám ảnh. Một số thành tựu kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 có được nhờ sự ám ảnh từ “bóng ma Trung Quốc”. Việt Nam vẫn nhập khẩu rất nhiều hàng từ Trung Quốc, thậm chí các lãnh đạo cho mở thêm tàu “container liên vận Việt – Trung bắt đầu hoạt động từ ngày 22/11” để hàng Trung Quốc dễ dàng tiến vào Việt Nam và đầu độc người Việt như đã làm trong suốt những năm qua.

Xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc quả thực có tăng, nhưng đấy không phải tín hiệu đáng mừng, “bởi hàng hoá xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản và khoáng sản, trong khi Trung Quốc là một thị trường ẩn chứa nhiều rủi ro đối với nông dân Việt”. Đầu năm 2017, nhiều loại nông sản rớt giá mạnh, phần lớn do phía Trung Quốc ngừng thu mua, thị trường trong nước không tiêu thụ nổi, người làm nông thì điêu đứng.

Nỗi ám ảnh trong kinh tế dĩ nhiên có liên quan đến sự “hợp tác chính trị”: “TBT Nguyễn Phú Trọng không những vẫn đang tại vị, mà còn ngày càng thể hiện rõ quyết tâm biến Việt Nam thành ‘một bộ phận của đại gia đình các dân tộc Trung Hoa’, khi hết hợp tác với Bắc Kinh để đào tạo cán bộ cấp cao lại đến lượt giao cho “bạn” đào tạo cán bộ cho một loạt tỉnh biên giới”.

Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có bài: Theo chân dòng tiền vào nhiệt điện than. Các dự án nhà máy nhiệt điệt than từ lâu nổi tiếng tàn phá môi trường. Bằng số liệu cụ thể về các nguồn tài chính, tác giả chứng minh, “việc phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam thời gian qua phụ thuộc phần lớn vào nguồn tài chính nước ngoài, trong đó Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu”.

Các dự án điện than ở VN, vừa giúp Trung Quốc TQ giải cứu số thiết bị nhiệt điện kỹ thuật tồn đọng trong kho, lẽ ra phải phế bỏ, vừa biến Việt Nam thành con nợ lâu dài, và nhất là cứu nạn thất nghiệp ở Trung Quốc, giải quyết nạn thiếu cô dâu cho số nhân công đó nhờ xuất khẩu lao động nam sang VN điều hành các dự án. Nói cách khác, TQ mang bom bẩn, phế liệu vào VN, đổi lấy vàng và tiền mang về TQ.


Bác Tổng và một năm điều hành Đảng “toàn trị”
Báo Pháp Luật TP HCM có bài bình luận: Nghĩ về Đảng. Hiện tượng người đứng đầu môt đảng, tham dự và phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp Chính phủ một quốc gia, tác giả không thấy đó là bất thường, mà cho rằng “tất nhiên phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”. Nghĩa là, dù nền kinh tế bất ổn thế nào, xây dựng Đảng vẫn là quan trọng nhất, và Đảng có quyền can thiệp vào mọi phương diện hoạt động quản lý quốc gia!

“Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hạt nhân sức mạnh đoàn kết của Bộ Chính trị. Ở đó, Bộ Chính trị là trung tâm đoàn kết của Ban Chấp hành Trung ương”. Nghĩa là, cả 3 nhánh quyền lực ở Việt Nam vẫn nằm trong tay một đảng, và hầu hết quyền lực trong đảng ấy giờ đã nằm trong tay một cá nhân. Nhiệm vụ của truyền thông trong nước là xác lập tính chính danh cho hành động thâu tóm quyền lực của cá nhân ấy?!

Hiện tượng viết bài ủng hộ chiến dịch thâu tóm quyền lực của TBT đảng Cộng sản xuất hiện ở nhiều trang báo quốc doanh, trong đó có bài: Chung sức đồng lòng. Sự kiện một đảng công khai can thiệp và định hướng quá trình điều hành quốc gia được diễn giải thành, “sự nhất quán về quan điểm của Đảng, Nhà nước và trực tiếp là Chính phủ về cách thức tổ chức điều hành, phát triển kinh tế – xã hội, chung sức đồng lòng trong giải quyết các nhiệm vụ chính trị quan trọng”.

“Từ cuộc họp chưa có tiền lệ này, nhiều người kỳ vọng, tinh thần chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị sẽ tiếp tục được phát huy”. Đến giờ, Đảng Cộng sản chưa hề tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý, có sự giám sát của quốc tế, để xác nhận có bao nhiêu người dân ủng hộ “cuộc họp chưa từng có tiền lệ” này, để biết được có bao nhiêu người dân ủng hộ chuyện Đảng công khai can thiệp vào hoạt động quản lý kinh tế – xã hội cấp quốc gia.

Báo Pháp Luật Plus bàn về quyết tâm của Tổng Bí thư và lòng tin toàn xã hội. Báo VietNamNet kêu gọi: Lửa đã chụm, dân giữ lửa cùng Đảng. Truyền thông trong nước liên tục khẳng định: “Lòng tin đang được nhen nhóm trở lại, cộng với sự ủng hộ và chung tay của các địa phương, doanh nghiệp”, mà không hề hỏi ý kiến người dân, xem có bao nhiêu người thật lòng muốn “cùng Đảng giữ lửa”?

Báo Người Việt đưa tin: Tổng bí thư đảng CSVN họp chính phủ. Bài viết có đoạn: “Việc ông tổng bí thư đảng CSVN dự phiên họp chính phủ gây nhiều quan tâm trong dư luận về sự can thiệp ngày càng rõ ràng của đảng đối với công tác điều hành của chính phủ”.

LS Lê Văn Luân đánh giá: Học Tây, học ta rồi mà không thay đổi được cái gì. Nền học vấn của Việt Nam đã đào tạo được hàng ngàn giáo sư, hàng vạn tiến sĩ, nhưng không làm được chuyện căn bản là hỗ trợ, góp sức vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, “thay đổi thể chế trong việc quản trị quốc gia,… phản biện lại trong việc lấy một chủ thuyết duy nhất làm tư tưởng cho quốc gia định hướng”.

Một bộ phận người trí thức Việt Nam không những không có ý thức cùng phản biện học thuyết Marx – Lenin, thứ lý thuyết đã bị từ chối bởi chính đất nước sinh ra nó, mà còn dựa vào học thuyết này để mưu sinh. “Hay là họ chỉ học để cốt về quê nhà tìm kiếm niêu cơm cho bản thân no bụng mà rồi bàng quan với xã hội, nên nó mới cứ chệch choạc và nhiễu nhương thế này?”.

Dư luận viên và nỗ lực “an ninh hóa” truyền thông
Về công tác “dân vận”, tuyên truyền, Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu: Tăng cường đối thoại với dân, không để điểm nóng. Tại hội nghị sáng 29/12/2017, ông Tô Lâm xác định nhiệm vụ “tăng cường đối thoại với nhân dân” và “phân tích từng vụ việc cụ thể” của lực lượng tuyên truyền phía công an, để dễ nhận diện những nơi tụ tập nhiều người dân không đồng lòng với chính quyền.

Không chỉ ông Tô Lâm, nhiều lãnh đạo liên quan đến ngành tuyên truyền đều khuyên các tuyên truyền viên, dư luận viên “đối thoại với nhân dân”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi “tranh luận” với những người bất đồng chính kiến, các dư luận viên không có khả năng lắng nghe những quan điểm trái chiều, nên chớ có mơ tới chuyện “đối thoại”.


Lãnh đạo trẻ và “lý lịch đỏ”
Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính thức công bố kết luận vụ ông Lê Phước Thanh, Lê Phước Hoài Bảo. Chiều 29/12/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào tỉnh Quảng Nam để công bố kết luận kiểm tra sai phạm của các lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Tác giả cho biết: “có khá đông lực lượng công an canh gác trước cổng Tỉnh ủy Quảng Nam”, ngay cả báo giới cũng không được vào dự họp.

Ông Lê Phước Hoài Bảo (trái) và ông Lê Phước Thanh. Ảnh: báo DT

Về vụ các “thái tử Đảng” ở Quảng Nam, báo Người Lao Động giải thích: Lãnh đạo Quảng Nam vi phạm thế nào? Ông Lê Phước Thanh và ông Đinh Văn Thu đều công khai đưa “quý tử” vào những vị trí lãnh đạo cao cấp tỉnh Quảng Nam. Ông Huỳnh Khánh Toàn đã giúp ông Thanh bao che cho “thái tử” Hoài Bảo. Kiểm tra lại toàn bộ quá trình bổ nhiệm “thái tử Đảng” ở Quảng Nam, Bộ Nội vụ vẫn kết luận “đúng quy trình”.

Về lời bình của ông Nguyễn Văn Nhân, Ủy viên UBKT Trung ương về trường hợp “thái tử” Hoài Bảo: “đây là người lớn làm hư trẻ con”, LS Lê Văn Luân viết: Những người lớn trẻ con. Hầu hết “thái tử Đảng” ở độ tuổi 30 vừa bị điểm mặt, một người bình thường được giáo dục đầy đủ đã có thể nhận thức đúng sai. Ở các nước phương Tây, người trên 20 tuổi đã có thể tự ứng cử vào vị trí lãnh đạo, nếu không có đủ năng lực thì thất bại.

Theo luật sư Luân, “chính những người phát ngôn như dưới đây cần phải thay đổi tư duy về nhân sự và người trẻ cũng như vị thế của công dân một quốc gia trước khi bàn về những vấn đề khác”. Chính vì họ luôn tư duy theo kiểu “cha truyền con nối”, gia đình trị từ những thế kỷ trước, nên họ không chấp nhận được quy luật: người giỏi phải vào vị trí xứng đáng, bất chấp thân thế.


Nhóm “củi tẩm dầu” và đoạn kết của “tình đồng chí”
Bị biến thành củi, quăng vào lò bác Tổng, ông Đinh La Thăng nhận trách nhiệm, xin hưởng sự khoan hồng. Bài viết cho biết, “trong giai đoạn bị truy tố, bị can Đinh La Thăng nhận trách nhiệm trước pháp luật với tư cách người đứng đầu PVN và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”. Có lẽ ông Thăng vẫn hy vọng vào “tình đồng chí” của bác Tổng từ những ngày bác cho ông Thăng về làm Bí thư Thành ủy TP HCM?

Ông Đinh La Thăng khi chưa bị bắt – Ảnh: Hoàng Triều/ NLĐ

Trang VOV nhìn lại hành trình của Trịnh Xuân Thanh: Từ xe Lexus biển giả đến vành móng ngựa. Bê bối chính trị – ngoại giao liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, khởi đầu từ sự kiện bác Tổng cho điều tra “xe Lexus 570 do Trịnh Xuân Thanh sử dụng gắn biển xanh”. Trịnh Xuân Thanh không chấp nhận làm “dê tế thần” cho màn kịch “chống tham nhũng” của bác Tổng nên bỏ trốn. Bác Tổng bất chấp hậu quả ngoại giao khi ra lệnh bắc cóc Trịnh Xuân Thanh trên nước Đức.

Đến giờ, bác Tổng, cũng như toàn bộ hệ thống tuyên truyền ở Việt Nam, vẫn không thừa nhận hành vi bắt người trái phép ở Berlin, vẫn khẳng định “ngày 31/7/2017, Bị can Trịnh Xuân Thanh đã đến cơ quan công an để đầu thú”, và tuyên bố sẽ xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm ở PVN vào ngày 8/1/2018.


Vũ “nhôm” và chuyện chính trường Đà Nẵng
Cựu đại tá Nguyễn Đăng Quang bình luận về những bất thường và khác lạ về chuyên án “Vũ nhôm”. Sự kiện “thái tử Đảng” Nguyễn Xuân Anh vào lò cũng khởi đầu một đợt sóng gió chính trị ở Đà Nẵng năm 2017, đỉnh điểm là chuyện Vũ “nhôm” lọt lưới an ninh. Thế lực của Vũ “nhôm” cũng có liên quan đến các công ty, doanh nghiệp là “sân sau” của Thành ủy Đà Nẵng.

Vụ khám xét nhà Vũ “nhôm” là một sự kiện bất thường của ngành an ninh, các bước, từ công bố lệnh đến khám xét, bắt giữ “được tiến hành theo một quy trình ngược lại”. Cuộc khám xét diễn ra trên 3 tiếng đồng hồ, sau đó phía an ninh điều tra không cung cấp thông tin, chỉ xác nhận “Vũ nhôm” không có mặt tại nơi cư trú. Đến sáng ngày 22/12/2017, phía an ninh mới công bố quyết định khởi tố bị can, phát lệnh truy nã toàn quốc, khi “Vũ nhôm” đã cao chạy xa bay.  

Báo Người Lao Động tổng kết tình hình Đà Nẵng: Một năm biến động. TP Đà Nẵng được mệnnh danh “thành phố đáng sống”, nhưng năm 2017 vừa rồi chứng kiến nhiều biến cố chính trị lớn ở TP Đà Nẵng. “Thái tử Đảng” Nguyễn Xuân Anh trở thành củi vào lò, bị mất chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và chức Ủy viên BCHTW Đảng khoá XII. Phiên họp bất thường HĐND TP Đà Nẵng ngày 24/11/2017 bãi nhiệm luôn chức Chủ tịch và đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa 9 đối với “quý tử” nhà ông Nguyễn Văn Chi.

Ngày 21/12/2017, Bộ Công an phối hợp với công an Đà Nẵng khám xét nhà ông Phan Văn Anh Vũ. Không bắt được Vũ “nhôm”, phía công an – an ninh điều tra đành công bố lệnh truy nã và quyết định “khởi tố bị can Phan Văn Anh Vũ về hành vi Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước”. Vụ Vũ “nhôm” cho thấy các cấp lãnh đạo Đà Nẵng, kể cả ông Nguyễn Xuân Anh, đã chấp nhận để đồng tiền thao túng chính trường.

Chuyện tiền lương ở Việt Nam
Bế mạc Hội nghị sáng 29/12/2017, Thủ tướng phát biểu: Thu nhập bình quân đầu người thấp là nỗi buồn bực của lãnh đạo“Một đất nước thu nhập có hơn 2.300 USD/người thì có gì mà quá phấn khởi các đồng chí? Có thể nói đó là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta khi bình quân thu nhập thấp đến thế”.Thủ tướng biết nói vậy, nhưng lại không biết nghĩ đến thực trạng của một đất nước phải gánh nợ công để nuôi khoảng 4 triệu đảng viên.

Giải pháp của Thủ tướng: “Chúng ta phải chuyển biến cả hệ thống thì cuộc cách mạng mới thành công, còn mới có một bộ phận chuyển biến nhận thức thì chưa trọn vẹn. Phải chuyển biến tư duy, nhất là cấp cơ sở liên quan đến người dân”. Điều lạ là có những đảng viên “chuyển biển” đúng hướng thì lại bị kết án “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vậy nên người ta mới không dám “chuyển biến” cả hệ thống.

Báo Người Lao Động có bài: Cần tiếp tục duy trì lương tối thiểu. Hội thảo lấy ý kiến cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp, Bà Tống Thị Minh, Cục trưởng Cục Quan hệ lao động – Tiền lương Bộ LĐ-TB-XH, thừa nhận, tiền lương tối thiểu vẫn “chưa đáp ứng được xu thế toàn cầu hóa và quá trình hội nhập của đất nước… vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động”.

Biết chuyện “tiền lương không đủ sống” cho người lao động Việt Nam, các lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH tuyên bố vẫn phải chấp nhận “chính sách tiền lương sắp tới”, với những thay đổi đã khiến dư luận có ý kiến bất bình từ tháng 7/2017.


Bất cập ngành du lịch Việt Nam
Trang VnExpress có bài bình luận của thầy giáo Jesse Peterson: Thiên đường hạ giới. Tà Năng – Phan Dũng đã từng là cảnh đẹp khiến tác giả phải phải thốt lên “tôi đã sững sờ trước một nơi đẹp đến nhường này”. Tuy nhiên, “lần thứ hai và thứ ba, cũng chính tôi phải chứng kiến sự suy tàn của thiên đường ấy chỉ vì một thứ: tiền”. Sự vô trách nhiệm của người làm du lịch, sự thờ ơ của chính người Việt Nam đã hủy hoại một “thiên đường hạ giới”.

Tác giả nói thẳng: “Tôi không nghĩ các công ty du lịch nên có mặt ở đó. Hiện tại, họ chẳng mang lại được gì nhiều hơn ngoài một nhóm du khách vô ý thức và các núi rác mới cho khu rừng”. Các lãnh đạo ngành du lịch thường tự hào về cảnh đẹp ở Việt Nam, nhưng họ không hiểu được một nguyên tắc đơn giản: không có cảnh đẹp nào giữ được lâu nếu người sở hữu không biết trân trọng.

Báo Một Thế Giới đánh giá: Du lịch Việt Nam 2017 và những góc nhìn. Tác giả ghi nhận, “các con số thống kê tiêu cực cũng không hề biết nói dối: thống kê mới nhất của Tổng cục Du lịch đã chỉ ra, 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam”. Các nước ASEAN khác có lượng khách du lịch ổn định và tỷ lệ khách quay lại cao, “82% khách du lịch quay lại Thái Lan trên 2 lần, còn ở Singapore là 89%”.


Bất cập ngành thủy sản Việt Nam
Sau khi EU đã “giơ thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam, Phó thủ tướng tuyên bố: Không để EU ‘rút thẻ đỏ’ xuất khẩu thủy sản. Đó là phát biểu của ông Trịnh Đình Dũng trong Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 29/12/2017. Hiện tượng ngư dân đánh bắt hải sản không có nguồn gốc rõ ràng và thủy sản Việt Nam đang nhiễm kim loại nặng, là 2 trong nhiều lý do khiến EU “rút thẻ vàng”.

Phó thủ tướng cảnh báo: “Hiện EU đã rút thẻ vàng, nếu không cải thiện được tình trạng này, Việt Nam sẽ bị thẻ đỏ, khi đó Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu thủy sản vào EU, vốn chiếm khoảng 25% thị phần xuất khẩu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu”. Ngư dân không thể khai thác trong ngư trường truyền thống nữa, do bị Trung Quốc đuổi vào tới tận bờ rồi.

Về vấn đề thủy sản Việt Nam nhiễm kim loại nặng, các lãnh đạo Việt Nam là những người hiểu rõ nhất chuyện gì đã và đang xảy ra sau thảm họa biển miền Trung hồi tháng 4/2016. Họ cũng biết rõ dự án nào của “bạn vàng, bạn tốt” ở khu Vũng Áng – Hà Tĩnh đã góp phần vào tình trạng nhiễm độc của thủy sản Việt Nam.


Chuyện làm đường ở Việt Nam
Báo VnExpress đưa tin, Hà Nội sắp làm tuyến đường giá 3,5 tỉ đồng mỗi mét. Đó là Vành đai một đoạn đường Hoàng Cầu-Voi Phục, với chiều dài 2,2km, có tổng mức đầu tư làm đường lên tới 8.000 tỉ. Lý do đầu tư làm đường với giá ngàn tỉ: “Cơ quan chức năng phải giải phóng mặt bằng hơn 2.000 hộ dân… tái định cư hơn 2.200 hộ”, chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư vào khoảng 6.400 tỷ đồng.

Tác giả ghi nhận: “bình quân chi phí làm một mét đường ở tuyến Vành đai 1 Hoàng Cầu – Voi Phục gồm giải tỏa và xây lắp là 3,5 tỷ đồng. Đây sẽ là tuyết đường đắt nhất Thủ đô đến nay, phá vỡ các kỷ lục trước đó”.


Gánh nặng đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Báo VnExpress đưa tin: Đường sắt Cát Linh – Hà Đông khai thác thương mại từ cuối năm 2018. Trong cuộc họp Ban quản lý dự án đường sắt sáng 29/12/2017, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phát biểu: “Tiền đã có, đường đã xong, thiết bị đang về nên không thể nói là vướng cái này, vướng cái kia, không có lý do gì để chậm trễ thêm nữa”. Ngân hàng Eximbank Trung Quốc xác nhận “hôm qua thông qua thủ tục giải ngân vốn bổ sung 250 triệu USD cho dự án Cát Linh – Hà Đông”.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã nhiều lần lỗi hẹn với người dân thủ đô. Đầu năm 2016, Bộ GTVT hứa sẽ đưa vận hành tuyến đường sắt này trong năm 2017. Đến cuối năm 2016, Bộ GTVT lại phải xin Chính phủ cho lùi ngày vận hành đến đầu 2018. Giờ, dù đã có tiền, lãnh đạo Bộ GTVT cũng chỉ dám hứa trong khoảng cuối năm 2018.


Hồi kết chuyện bia Việt vào tay người Thái
Báo Zing đưa tin, tỷ phú Thái đã chuyển gần 5 tỷ USD, hoàn tất thương vụ mua Sabeco. Một lãnh đạo Bộ Công Thương xác nhận, Công ty TNHH Vietnam Beverage đã “chuyển vào tài khoản phong tỏa của Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) số tiền gần 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng) và hoàn tất thương vụ mua Sabeco”.

Nhân sự kiện nhà nước “bán lúa giống” thành công để có tiền trang trải ngân sách, blogger Phương Thơ bình luận“tỷ phú Thái chỉ là hạng cò con thôi nếu so với việc tôi hay các quỹ đầu cơ Mỹ cầm đầu đi đánh sập các thị trường hay châm vốn đầu tư đủ mọi lĩnh vực như dầu khí như  tập đoàn năng lượng khổng lồ PTT Group của Thái khi bỏ chạy hủy bỏ  kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu và hóa dầu trị giá 20 tỷ USD”.

Theo nhà nghiên cứu Phương Thơ, bất chấp các lý lẽ ngụy biện của truyền thông trong nước, “thương vụ” Sabeco vẫn cho thấy sự thất bại của mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trải qua gần nửa thế kỷ hòa bình, các quan chức làm kinh tế vẫn chỉ tạo ra được “những quả đấm thép nợ nần chồng chất đáng ghê tởm”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Bà Vũ Minh Khánh, vợ LS Nguyễn Văn Đài cho biết, luật sư của gia đình mời vẫn không được tham gia bào chữa cho LS Nguyễn Văn Đài. Bà Khánh viết, “khi kết thúc điều tra, họ không thông báo cho gia đình, không thông báo cho luật sư và ngang nhiên chỉ định luật sư cho chồng tôi”. Phía an ninh cũng đã cố tình kéo dài thời gian, không để các luật sư có đủ thời gian tiếp xúc với luật sư Nguyễn Văn Đài và hồ sơ vụ án.

Không phải đến bây giờ phía an ninh mới bày trò này. Bà Khánh cho biết, vụ chồng bà bị bắt năm 2007, sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ của LS Đài “nằm Viện kiểm sát 2 ngày (sai luật), và chuyển đến toà án luôn”. Các luật sư chỉ có 5 ngày, vừa tiếp xúc với LS Đài, vừa nghiên cứu hồ sơ. Lần này cũng thế, người của phía an ninh, viện kiểm sát, tòa án vẫn không thể tự tin, trong việc thắng LS Đài và các luật sư biện hộ cho ông bằng lý lẽ.

Báo Dân Việt đưa tin: Từ 2018, công an được nghe lén điện thoại khi điều tra tham nhũng. Tuy nhiên, theo thông tin chi tiết trên văn bản của các luật mới, phía công an, an ninh còn có thể nghe lén các trường hợp “xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; tội phạm khác (có tổ chức) thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Tội “khủng bố” là một tội rất hay bị an ninh “suy diễn” thành “khủng bố chống chính quyền nhân dân”. Không chỉ nhóm bạo động vừa bị bắt của “Thủ tướng” Đào Minh Quân, mà nhiều cá nhân, tập thể đấu tranh khác đã từng bị kết tội “khủng bố chống chính quyền nhân dân”. Nói cách khác, phía an ninh hoàn toàn có thể sử dụng luật mới một cách “linh hoạt” để nghe lén những người đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp hơn.


Tin quốc tế

Căng thẳng Bắc Hàn
Báo Pháp Luật và Đời Sống có tin: Lính Triều Tiên đào tẩu là con quan chức quân đội cấp cao? Người lính đào tẩu khỏi Bắc Hàn hôm 13/11 được cho là con một quan chức quân đội cấp cao, tên là Oh Cheng-seong, 24 tuổi, mong muốn định cư tại Nam Hàn.
Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết, ông Oh đủ điều kiện nhận được sự bảo vệ và các dịch vụ chăm sóc y tế đối với người tỵ nạn Bắc Hàn. Trong khi chạy trốn, lính Bắc Hàn đã bắn khoảng 40 phát đạn về phía ông Oh. Hiện nay sức khỏe ông đã hồi phục.

Cũng liên quan đến việc đào tẩu khỏi “thiên đường”, nhưng người này không may mắn như ông Oh Cheng-seong. Đó một nhà khoa học hạt nhân khoảng 50 tuổi, làm việc ở Viện Khoa học Quốc gia của Triều Tiên đã tìm cách trốn khỏi Bắc Hàn. Báo Pháp Luật TPHCM cho biết, nhà khoa học Triều Tiên tự tử bằng thuốc độc, khi nói về nhà khoa học đào tỵ này.

Nhà khoa học này đã tìm cách trốn sang Trung Quốc, nhưng đã bị bắt giam ở TP Thẩm Dương. Trong quá trình “trả lại” nhà khoa học này cho Triều Tiên, phía Trung Quốc đã nhiều lần lục soát người ông. Khi đến giáp biên giới với Bắc Hàn, ông bị “biệt giam trong Bộ An ninh Nhà nước” và ông đã dùng thuốc độc để tự tử. Vẫn không có tin về số phận của ông, còn sống hay đã chết.

Trang Bnews có bài: Hàn Quốc bắt giữ tàu Hong Kong (Trung Quốc) tình nghi chuyển dầu cho Triều Tiên. Bài viết cho biết, các nhà chức trách Nam Hàn đã bắt giữ để điều tra một tàu vận tải của Hồng Kông vì nghi ngờ con tàu này bán 600 tấn dầu cho tàu Sam Jong 2 của Bắc Hàn.

Bài viết trích dẫn lời một quan chức ngoại giao Nam Hàn, cho biết “đây là một vụ vi phạm điển hình giúp Triều Tiên nhận được các mặt hàng trong danh sách cấm thông qua các mạng lưới phi pháp”. Sự việc này sẽ được báo cáo lên Ủy ban giám sát các nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn của HĐBA Liên Hiệp quốc.

Việc các tàu của Trung Quốc vẫn lén lút “chi viện” cho Bắc Hàn đã làm TT Trump “nổi điên”. Infonet đưa tin, ông Trump: “Bắt quả tang” Trung Quốc tuồn dầu cho Triều Tiên. Vị tổng thống “lập dị” này lôi Trung Quốc lên Twitter để tế sống: “Đã bắt quả tang. Thật đáng thất vọng khi Trung Quốc vẫn xuất khẩu dầu sang Triều Tiên. Mỹ – Trung không thể đưa ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên nếu như Bắc Kinh vẫn làm như vậy”.

Như muốn chơi khăm và chọc tức ông Trump, Trung Quốc bác bỏ việc bán lậu dầu cho Bắc Hàn, ngay sau khi ông Trump “thất vọng” trên Twitter. RFA cho biết, “Trung Quốc hôm 29/12 lên tiếng phủ nhận cáo buộc từ Tổng thống Mỹ rằng nước này vẫn cho phép bán dầu cho Bắc Hàn trái phép bất chấp lệnh cấm vận“.

Việc Trung Quốc vẫn lén lút chi viện và nuôi dưỡng Bắc Hàn, bất chấp các lệnh trừng phạt là điều mà nhiều người nghĩ đến và đã đưa ra các cảnh báo, dự đoán. Bên cạnh Trung Quốc, Nga cũng rất muốn nuôi dưỡng chế độ Kim Jong-un làm lá chắn chống Mỹ. Liên quan đến mối quan hệ Nga- Bắc Hàn, TTXVN có tin, nghi vấn Nga từng bán công nghệ vũ khí hạt nhân cho Triều Tiên.

Theo bài viết, sau khi Liên Xô sụp đổ, Bắc Hàn đã mua của Nga rất nhiều công nghệ vũ khí hạt nhân, tên lửa. Đến nay, những công nghệ, máy móc thiết bị này vẫn chạy tốt và là cơ sở cho các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa. Đó là trong quá khứ, còn trong giai đoạn hiện nay, TT Putin của Nga vẫn đang nghiêng rất nhiều về phía Bắc Hàn để che chở cho quốc gia này.


Tin nước Mỹ
Trong khi đang bị điều tra vì nghi án đi đêm với Nga, hiện đã có 4 người thân tín của Trump đã nhận tội, trong đó có ông tướng ba sao Michael Flynn, nhưng ông Trump tin được “minh oan” trong nghi vấn thông đồng với Nga. Ông Trump nói rằng, ông “tin sẽ được đối xử công bằng trong cuộc điều tra về nghi vấn đội ngũ tranh cử của ông thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016″.

Tiếp tục với việc TT Trump không tin trái đất nóng dần lên, RFI chạy tít: Mỹ, Canada lạnh kỷ lục: TT Trump mỉa mai “Trái Đất đang nóng lên”. Theo bài viết, ông Trump vẫn không tin và mỉa mai những lo ngại về việc Trái Đất đang nóng lên. Bài viết có đoạn: “Nhiều người phê phán ông Trump đã không phân biệt được sự khác nhau giữa ‘thời tiết’ và ‘khí hậu‘”.

Theo tác giả, trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới, Mỹ và Canada đang hứng chịu đợt lạnh kỷ lục. Lợi dụng việc này, TT Trump mỉa mai rằng: Những lo ngại về chuyện ấm dần lên của Trái Đất là không có gì phải bàn. Trong khi đó, bà Pramila Jayapal, dân biểu thuộc đảng Dân Chủ, bang Washington nói “Thời tiết không phải là khí hậu. Tổng thống lẽ ra cần hiểu điều đó chứ. Điều đó đâu có khó hiểu lắm!”. 

Facebooker Nguyen Dat An có bài viết khá gay gắt và thú vị. Tác giả viết “Donald Trump vừa hót lên trên Twitter: ‘Ở bờ Đông nước Mỹ, đêm giao thừa năm nay có thể sẽ là LẠNH NHẤT theo ghi nhận. Lẽ ra Đất nước chúng ta có thể hưởng thêm một chút hơi ấm từ Thuyết Nóng lên Toàn cầu lỗi thời, chứ không phải như các quốc gia khác, đang sắp bỏ ra HÀNG NGHÌN TỶ DOLLARS để chống lại và được bảo vệ. Nên ăn mặc ấm áp vào đi!‘”.

Tác giả dẫn lời Matthew England, một nhà khoa học về khí hậu của Đại học New South Wales cho rằng, phát biểu và nhận thức của TT Trump là “một loại nhận thức sai vì ngu dốt về cách mà nền khí hậu của Trái Đất hoạt động“.


Chính sách diều hâu của Trung Quốc 
Liên quan đến việc Quân ủy Trung ương của đảng CS Trung Quốc nắm quyền lãnh đạo lực lượng cảnh sát vũ trang, Thanh Niên có bài phân tích: Vì sao Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết ‘chỉ huy tuyệt đối’ cảnh sát vũ trang? Bài viết dẫn lời một nhà phân tích chính trị cho rằng, “các bè phái chính trị địa phương có thể sử dụng cảnh sát vũ trang chống lại giới lãnh đạo trung ương“.

Nhân Dân Nhật báo của đảng CS Trung Quốc cho rằng, việc cảnh sát vũ trang do Quân ủy Trung ương (CMC) lãnh đạo, “sẽ tăng cường quyền chỉ huy tuyệt đối của đảng đối với quân đội cũng như các lực lượng vũ trang khác, đảm bảo sự ổn định, thịnh vượng của đảng và quốc gia“.

Những bê bối chính trị, thanh trừng gần đây ở Trung Quốc như: Giám đốc Cảnh sát thành phố Trùng Khánh Vương Lập Quân đến xin tị nạn tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, vụ Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai… các vụ việc này đều có bàn tay giúp sức của cảnh sát địa phương, chống lại các quan chức trung ương.

Tóm lại, việc CMC nắm toàn bộ lực lượng vũ trang là “nhu cầu” cấp thiết trong làn sóng thanh trừng nội bộ rầm rộ như hiện nay. Những lo ngại về kẻ thù của Tập Cận Bình đảo chính, làm loạn tại các địa phương là hoàn toàn có cơ sở. Những nguy cơ bùng phát làn sóng chống lại “Tập Hoàng đế” đang hiện hữu ngày càng rõ, cả từ phía các quan chức nằm trong chiến dịch thanh trừng của Tập cũng như sự phản kháng âm ỷ từ người dân trong cái lồng khổng lồ mà Tập cùng đảng CS đang vây khốn dân.

Tình hình căng thẳng 2 bên eo biển Đài Loan ngày càng được Bắc Kinh đẩy lên mức nguy hiểm. Đích thân bà Thái Anh Văn, Tổng thống Đài Loan nói quân đội Trung Quốc gây bất ổn trong khu vực. VOA cho biết, bà Thái Anh Văn đã có những phát biểu khá cứng rắn về việc Trung Quốc ngày càng ngang ngược và gây hấn khi liên tục tập trận ngay sát Đài Loan.

Theo bà Thái: “Trong gian đoạn này, các hoạt động quân sự thường xuyên của Trung Quốc đại lục ở Đông Á đã ảnh hưởng tới sự an toàn và ổn định trong khu vực ở một mức độ nhất định“. Khi phát biểu trước giới chức quân sự cấp cao ở Đài Bắc, bà cũng cho biết, “không ngày nào là không sẵn sàng tác chiến”.

Trước thái độ hiếu chiến và sức ép ngày càng lớn từ Trung Quốc, bà Thái khá cứng rắn: “Đài Loan sẽ không thụ động ngồi chờ trước thái độ diều hâu của Trung Quốc“. Bà cũng thông báo việc tăng ngân sách quốc phòng và cam kết “sẽ bảo vệ an ninh và lối sống của Đài Loan”. 


Tình hình nước Nga
Sau vụ đánh bom ở St Petersburg, TT Putin ra lệnh tiêu diệt khủng bố tại chỗ, không bắt sống. Lệnh này được ông Putin đưa ra cho lực lượng cảnh sát, khi ông phát biểu tại lễ tuyên dương các binh sĩ tham gia chiến dịch ở Syria.

Tác giả viết: “Mệnh lệnh của ông Putin sau đó đã được chuyển đến giám đốc cơ quan an ninh Nga (FSB) Alexander Bortnikov. Tất cả nhân viên FSB hiện được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ“. Ông Putin luôn thể hiện là người quyết đoán, độc tài và sẵn sàng nổ súng ở bất cứ đâu, đúng  phong cách xuất thân là mật vụ KGB của vị Đại đế này.

Cuộc bầu cử ở Nga cũng được giới ngoại giao nước này quảng bá rầm rộ. Báo Pháp Luật TPHCM có bài: Nga cảnh cáo Mỹ đừng can thiệp bầu cử 2018Sau khi tay chân của “Putin Đại đế” loại bỏ đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nhà chính trị đối lập Alexei Navalny, thì chẳng còn đối thủ nào ra tranh giành với Putin nữa. Tất cả đều đã cúi đầu trước nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của Putin.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông điệp “đề nghị chính phủ Nga tổ chức bầu cử thực chất, minh bạch, công bằng và đảm bảo tự do bày tỏ ý kiến, phù hợp các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế“, sau khi Nga loại bỏ, không cho ông Alexei Navalny ra tranh cử.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Nga lu loa: “Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cáo buộc chính phủ Nga tạo áp lực lên các ứng cử viên tham gia cuộc chạy đua tổng thống Nga 2018, có các biện pháp cứng rắn lên một số ứng cử viên và không có bảo vệ nhân quyền. Các tuyên bố này của Bộ Ngoại giao Mỹ là một sự can thiệp trực tiếp đến tiến trình bầu cử và chuyện nội bộ của một nước“. Putin Đại đế muôn năm!


 Điểm nóng Trung Đông
Tình hình tại Trung Đông chưa bao giờ hết nóng, báo Pháp Luật TPHCM có tin: Mỹ-Israel ra kế hoạch hành động chung đối phó Iran. Theo bài viết, Mỹ và Israel “quyết định thành lập bốn nhóm hành động chung nhằm đối phó Iran”. 

Bốn nhóm hành động này gồm: Nhóm chịu trách nhiệm xử lý quan hệ của Iran với nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon Hezbollah và các nhóm khủng bố khác, cũng như hoạt động của Iran ở Syria; Nhóm thứ 2 chịu trách nhiệm về chương trình hạt nhân ở Iran; Nhóm thứ 3 lo vấn đề tên lửa và nhóm thứ 4 chịu trách nhiệm về kiểm soát những leo thang của Iran, Hezbollah và Syria nhằm chống lại Israel.

Mỹ và Israel trong mối quan hệ với Iran luôn căng thẳng. TT Trump đang vận động bãi bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, còn tại LHQ, bà Nikki Haley đại sứ Mỹ, cũng rất cứng rắn “cáo buộc Iran thách thức các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khi cung cấp vũ khí cho nhóm nổi dậy Houthi tại Yemen“. Về phần mình, Israel luôn coi Iran là kẻ đối đầu số 1 của mình.

Tình hình tại Trung Đông vẫn chưa hạ nhiệt sau tuyên bố của ông Trump, công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. VOA đưa tin: Biểu tình chống Tổng thống Trump tại Gaza, Bờ Tây. Bài viết cho biết, hàng ngàn người Palestine đã biểu tình trên các đường phố ở Gaza và vùng Bờ Tây, với những khẩu hiệu “Diệt Mỹ, diệt Israel, giết Trump!”.

Căng thẳng leo thang đã làm khoảng 20 người bị thương. Những người biểu tình dùng gạch đá ném vào cảnh sát Israel, phía cảnh sát Israel đáp lại bằng lựu đạn cay. Những kẻ quá khích Palestine pháo kích vào Israel, khiến nước này không kích vào phe Hamas ở bờ Tây.


Các tin quốc tế khác










No comments: