Friday, December 22, 2017

NHÀ HOẠT ĐỘNG TRẦN THỊ NGA BỊ Y ÁN 9 NĂM TÙ (tin tổng hợp)



Phiên tòa kết thúc lúc 16h45. Y án 9 năm tù, 5 năm quản chế với bà Trần Thị Nga. Nói lời sau cùng trước toà, bà nói: "Tôi không chống lại nhà nước, tôi không chống lại nhân dân; tôi chỉ chống đảng CS."

CTV Danlambao
 - Vào lúc 8 giờ sáng ngày 22-12-2017 tòa án cấp cao Hà Nội mở phiên phúc thẩm xét xử người yêu nước Trần Thị Nga tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam.

Có ba luật sư thuộc liên đoàn luật sư Hà Nội bào chữa cho bà Nga, bao gồm: Luật sư Hà Huy Sơn, Luật sư Ngô Anh Tuấn và luật sư Lê Văn Luân.

Từ trái qua phải: LS Ngô Anh Tuấn, LS Lê Văn Luân và LS Hà Huy Sơn

Trần Thị Nga sinh năm 1977, cư trú tại thôn Đồng Phú, xã Nguyên Lý, phường Hai Bà Trưng, huyện Lý Nhân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. 

Bà Nga bắt đầu lên tiếng cho giới công nhân khi đang làm việc tại Đài Loan theo diện xuất khẩu lao động và được tận mắt chứng kiến những ngược đãi, đau khổ đối với giới công nhân người Việt ở đây. 

Về nước, bà đã tích cực tham gia các cuộc biểu tình ôn hoà nhằm đấu tranh bảo vệ đất liền, biển đảo Việt Nam trước sự xâm lược của Trung cộng. Đồng thời bà Nga đã lên án tập đoàn Formosa đã xả thải chất độc vùng biển trên 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, và yêu cầu Formosa cút khỏi Việt Nam.

Bà cũng đã nhiều lần phát trực tiếp trên mạng xã hội bằng lời nói của mình, tố cáo tham nhũng và tội ác của các quan chức cấp cao trong bộ máy cai trị cộng sản cũng như lên án mạnh mẽ đảng cộng sản luôn dùng áp dụng chính sách “hèn với giặc ác với dân”. 

Trước những nỗ lực tranh đấu của bà, nhà cầm quyền cộng sản nhiều lần tiến hành giam lỏng, bắt giữ, hành hung, và câu lưu trái phép bà. Đặc biệt năm 2014, bà đã bị công an dùng gậy đánh gẫy chân khi bà đang đi cùng hai con nhỏ. 

Nhà riêng của bà liên tục bị ném bom bẩn, bị công an côn đồ đến gây sự. 

Năm 2015 Trần Thị Nga vinh dự có tên trong cuốn sách e-book về những phụ nữ đấu tranh cho quyền con người ở châu Á được tái bản. Cuốn sách đã đưa ra 17 chân dung của những phụ nữ quả cảm trong những quốc gia và vùng lãnh thổ mà nhân quyền bị đàn áp dữ dội.

Bà bị bắt ngày 25/1/2017, đúng thời điểm cận kề ngày tết cổ truyền âm lịch và khi con trai út của bà chỉ vừa tròn 4 tuổi. 

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25/07, bà Nga đã bị tuyên án 9 năm tù giam, 5 năm quản chế với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo điều 88 BLHS

Ngay từ sáng sớm hôm nay (22/12) đã có nhiều bạn bè và anh em đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau đã tập trung trước trụ sở toà án nhằm ủng hộ bà Trần Thị Nga.

Ảnh: Facebook Nguyễn Thuý Hạnh

Phiên toà “công khai” lần này cũng giống như những phiên toà “công khai” khác tại nước CHXHCN Việt Nam. Mỗi khi có phiên toà xét xử đối với người yêu nước như bà Trần Thị Nga thì công an, an ninh mật vụ... cũng luôn ra sức lập thành tích vẻ vang trong việc đàn áp, đánh đập và bắt bớ những người đến ủng hộ. 

Ảnh: CTV Danlambao

Khoảng 9 giờ đã có nhiều người ủng hộ bà Nga bị bắt và áp giải về trụ sở ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo (68 Trần Hưng Đạo, Phủ Lý, Hà Nam) những người bị bắt gồm: Nguyễn Thị Hạnh, Trương Văn Dũng, Mai Phương Thảo, Phan Văn Phong (chồng của bà Trần Thị Nga), Lưu Phương, Hoàng Lan, Facebooker Hoà TD…

11h phiên toà nghỉ trưa. Sẽ bắt đầu lại lúc 14h cùng ngày.

Trong giờ nghỉ trưa, LS Hà Huy Sơn cho biết, bà Trần Thị Nga gầy hơn so với phiên toà sơ thẩm, nhưng tinh thần rất tốt.

LS Ngô Anh Tuấn, một trong 3 luật sư bào chữa cho bà Nga đã cho CTV Danlambao hay: “Đã có sự không minh bạch trong việc ghi lời khai của nhân chứng trong cáo trạng tại phiên tòa sơ thẩm”.

Cụ thể, trong phiên tòa sáng nay, cả 2 nhân chứng có mặt tại tòa là bà Hoa và ông Đông đều đã phản bác và phủ nhận hoàn toàn lời khai được ghi trong biên bản ở phiên tòa sơ thẩm.

Trong cáo trạng ghi: Bà Hoa là nhân chứng chứng kiến chị Nga bị bắt khi đang ngồi trên máy tính, đăng bài. Nhưng tại tòa sáng nay bà Hoa nói rằng chị Nga bị bắt khi đang đứng. 

Cáo trạng cũng ghi ông Đông là nhân chứng khai chị Nga treo rất nhiều băng rôn trước nhà. Tuy nhiên, ông Đôn cũng đã phủ nhận và nói rằng “Không có chuyện đó”.

Luật sư Tuấn hi vọng tòa sẽ xem xét kỹ lưỡng và đánh giá khách quan với lời khai khác này.

Sau đây là diễn biến bên trong phiên toà buổi sáng qua lời kể của các luật sư:

Phiên tòa kết thúc lúc 16h45. Y án 9 năm tù, 5 năm quản chế với bà Trần Thị Nga. Nói lời sau cùng trước toà, bà nói: "Tôi không chống lại nhà nước, tôi không chống lại nhân dân; tôi chỉ chống đảng CS."

22/12/2017


*
*
VIDEO :

*
*
BBC Tiếng Việt
22 tháng 12 2017

Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Nam tuyên y án đối với nhà hoạt động Thúy Nga tại phiên phúc thẩm ngày 22/12.
Như vậy, bà Thúy Nga sẽ chịu mức án 9 năm tù giam và 5 năm quản chế như đã tuyên trong phiên sơ thẩm. Bà Nga bị Công an tỉnh Hà Nam bắt và truy tố hồi tháng Một theo Khoản 1 Điều 88 với tội danh 'tuyên truyền chống nhà nước.'

Trao đổi với BBC từ TP Hồ Chí Minh ngày 22/12, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty luật Thế giới Luật pháp nhận định mức án này 'quá cao và quá khắc nghiệt'.

"Khung hình phạt của Khoản 1 Điều 88 là từ 3 đến 12 năm. Nếu không có thêm tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì toà phải áp dụng mức trung bình của khung hình phạt. Tức là 7 năm 6 tháng tù. Do đó, tòa án cấp phúc thẩm tuyên y án 9 năm tù cho bà là quá cao và quá khắc nghiệt, khi mà hành vi của bà không gây thiệt hại vật chất nào cho nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh bà Nga còn phải nuôi hai con nhỏ," luật sư Sơn nói.

Theo luật sư Sơn, 'vấn đề cần mổ xẻ' trong vụ việc của nhà hoạt động Thúy Nga không nằm ở việc bà 'bị tuyên án nặng hay nhẹ mà các hành vi của bà có thực sự gây nguy hiểm cho xã hội và đáng phải xử lý hình sự hay không'.

"Hiện nay, điều 88 Bộ luật Hình sự quy định về tội tuyên truyền chống phá nhà nước toàn là định tính chứ không định lượng nên rất mơ hồ và dễ lạm dụng," ông Sơn nói với BBC.

Một nhóm người, trong đó có chồng bà Thúy Nga, bị bắt đưa đi trước phiên tòa sáng 22/12. NGUYEN LAN THANG


'Không bất ngờ'

Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 22/12 sau khi được thả từ đồn công an, ông Phan Văn Phong chồng bà Thúy Nga cho biết 'không bất ngờ' vì đã lường trước kết quả.

"Tuần tới gia đình sẽ tới trại giam để tìm hiểu xem khi nào thì được vào thăm," ông Phong, người chưa từng được thăm vợ một lần kể từ khi bà Thúy Nga bị bắt, cho biết.

Ông cũng nói thêm "Tôi mới gửi hoạt huyết dưỡng não vào trong tù cho Nga theo yêu cầu Nga viết trong thư gia đình nhận được tuần trước."

Bắt 'câu lưu'

Một nhóm các nhà hoạt động nhân quyền đã bị công an tỉnh Hà Nam tạm giữ trước phiên phúc thẩm bà Thúy Nga.
Trong số những người bị bắt có chồng bà Nga, ông Phan Văn Phong.

Ông Phong cho BBC biết ông bị 'hốt lên xe' khi vào khoảng 08:00.
'Tôi vừa mua sữa ở cổng bệnh viện Hà Nam, đang đứng uống cách cách hàng rào an ninh vài trăm mét thì bị hốt lêt xe,' ông Phong nói.

Cùng bị bắt với ông Phòng còn có khoảng 3 - 5 người nữa đều là các nhà hoạt động nhân quyền. Tuy nhiên ông Phong cho BBC biết ông bị tách 'câu lưu' ở một mình ở phòng riêng biệt, có người giám sát.

Ông Phong nói trước đó ông nhìn thấy hàng trăm cảnh sát cơ động quanh tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam cùng rất đông cựu chiến binh đeo huân chương. Các cựu chiến binh này được phép vào dự phiên tòa.

Ông Phong nói không ai trong gia đình ông được dự phiên tòa.

Bà Thúy Nga cùng chồng trong một hoạt động biểu tình. FB LUONG DAN LY

Trên Facebook cá nhân nhà báo và nhà hoạt động Phạm Đoan Trang cũng đưa thông tin về vụ bắt giữ những người tới ủng hộ bà Thúy Nga sáng 22/12.

"Trong số người bị bắt, có các chị Mai Phương Thảo (Thảo Teresa), Nguyễn Thúy Hạnh, Hoàng Lan, các anh Trịnh Đình Hòa, Trương Văn Dũng… Tất cả đều đi từ Hà Nội về Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trong một nỗ lực bày tỏ tình đoàn kết và sự ủng hộ với blogger Trần Thị Nga - người bị Tòa án Hà Nam xét xử phúc thẩm hôm nay với tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước."

Theo blogger Đoan Trang, những người này "bị công an đẩy lên một chiếc xe 16 chỗ và đưa đi ngay khi chỉ mới xuất hiện trước cổng Tòa được vài phút. Đa số bị đưa về trụ sở UBND phường Trần Hưng Đạo (địa chỉ: số 2 đường Trần Hưng Đạo, TP. Phủ Lý), riêng Thảo Teresa và Trương Dũng bị tách riêng và chở đi đâu không rõ".

Bà Đoan Trang cũng cho hay cảnh sát và công an 'bao vây khu vực xử án' và còn 'leo lên cả mái nhà để kiểm tra xem có flycam không'.

Trong sáng cùng ngày bà Nguyễn Thúy Hạnh, một nhà hoạt động, cũng xác nhận trên Facebook cá nhân việc bà cùng một số người khác bị bắt.
BBC cố gắng liên lạc với bà Hạnh qua điện thoại nhưng không được.

Trả lời BBC hôm 19/12, chồng bà Thúy Nga cho biết vợ ông sẽ kiên quyết không nhận tội tại phiên phúc thẩm.
Hai ngày trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm bà Thúy Nga, tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (HRW) kêu gọi chính phủ Việt Nam "lập tức phóng thích và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà".

Bà Trần Thúy Nga và 2 con nhỏ.  FB LUONG DAN LY

Bà Trần Thuý Nga từng tham gia các hoạt động phản đối Trung Quốc, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng, ngăn chặn án tử hình oan sai. Hai đứa con trai nhỏ của chị, bé Phú và bé Tài, năm nay chỉ mới năm và ba tuổi.

*
LIÊN QUAN




--------------------------------


Tại phiên toà phúc thẩm vụ án bà Trần Thị Nga, bà Nga rất điềm tĩnh trả lời và cũng đối đáp tốt những câu hỏi hoặc một số quan điểm của Hội đồng xét xử (gồm 3 thẩm phán cao cấp) cũng như Kiểm sát viên (một kiểm sát viên cao cấp).

Tại phần xét hỏi, tôi làm rõ việc thu thập chứng cứ của cơ quan điều tra về thu thập dữ liệu điện tử đối với những nhân chứng chứng kiến việc bắt người trực tiếp ngày 21/01/2017 tại nhà bà Nga. Hai nhân chứng đã khẳng định việc máy tính vẫn được cắm trực tiếp với nguồn điện và các điều tra viên còn tự kết nối máy in để in ra 76 tệp (files) tài liệu từ trong máy ra và coi đó là chứng cứ. Điều này lại hiển nhiên được ghi rõ trong bản Kết luận điều tra và Cáo trạng của Viện kiểm sát.

Tôi hỏi 3 người dân (có mặt tài phiên toà phúc thẩm) với vai trò là những người (trong số 09 người) có đơn tố cáo bà Nga về các hành vi nói xấu, chửi bới đảng, các lãnh đạo và công an tỉnh, rằng họ có tin vào những gì bà Nga nói không? Và những người dân mà các vị là đại diện tổ dân phố họp có tin vào những gì bà Nga tuyên truyền không? Họ trả lời dõng dạc là hoàn toàn không tin.

Tại phần tranh luận. Tôi đưa ra ba luận điểm cơ bản cần phải giải quyết cả về mặt học thuật lẫn mặt tố tụng về thẩm quyền giám định cũng như thủ tục xác lập chứng cứ.

Thứ nhất, về mặt nội dung: cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã dùng kết luận giám định (về mặt tư tưởng) của các giám định viên để kết luận về mặt khách quan của tội phạm (tức các hành vi được liệt kê để cấu thành một tội nào đó trong điều luật). Vậy nghĩa là chính các giám định viên này đã thay mặt toàn bộ các cơ quan tiến hành tố tụng để “kết tội” về hành vi của bị cáo. Vậy là lầm lẫn về mặt luật nội dung và chức năng của các cơ quan tố tụng theo Bộ luật Tố tụng hình sự. Và luận cứ này không hiểu vì sao lại không được ghi vào trong Biên bản phiên toà sơ thẩm (thiếu sót nghiêm trọng).

Thứ hai, về thẩm quyền giám định của Bộ Thông tin và Truyền thông: theo Điều 2 Nghị định 17/2017/NĐ-CP thì không quy định về thẩm quyền của Bộ TTTT trong vấn đề giám định tư pháp. Duy chỉ có quy định về thẩm quyền trong việc quản lý “an toàn thông tin”. Còn hành vi đang xét trong vụ án này thì thuộc về một khái niệm pháp lý khác đó là “an ninh thông tin” nêu tại Điều 3 mục 24 Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Và tại Điều 39 Nghị định này thì quy định rõ thẩm quyền xử lý các vi phạm về an ninh thông tin thì do Bộ Công an giải quyết. Tiếp nữa, Điều 10 Thông tư số 10/2012/TT-BTTTT đã nêu rõ mọi giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông phải dựa vào Quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực này và cac văn bản pháp luật có liên quan đến đối tượng cần giám định. Tuy nhiên, các kết luận giám định lại được đưa ra là do hoàn toàn ý chí chủ quan của các giám định viên mà không hề căn cứ vào bất cứ văn bản pháp lý nào. Vậy nó vi phạm nghiêm trọng về căn cứ giám định nên những kết luận này không thể sử dụng làm căn cứ kết tội.

Thứ ba, về thủ tục xác lập và thu thập chứng cứ: về hai kết luận giám định của Bộ TTTT, ngoài việc đã vi phạm vào luận cứ thứ nhất được nêu ở trên, thì về việc giám định đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Nguồn chứng cứ đầu tiên do Sở TTTT tỉnh Hà Nam tự ý tải trên mạng về và cóp vào đĩa rồi gửi sang cho cơ quan điều tra gồm 11 video clip với tiêu đề cụ thể. Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra thu thập 11 video clip tại máy tính của bà Nga (đã vi phạm Điều 5 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC về trình tự thu thập chứng cứ dữ liệu điện tử), là với các tiêu đề khác với 11 clip do Sở TTTT cung cấp. Nên hai nguồn chứng cứ này có đồng nhất là một hay không thì lại không được giám định, và tất cả những video clip này cũng không được giám định về tính nguyên vẹn, liên tục của chứng cứ. Vậy một loạt các vi phạm tố tụng nghiêm trọng như vậy thì có thể coi những thứ đó là chứng cứ không khi không đảm bảo (vi phạm) 2 thuộc tính quan trọng của chứng cứ là khách quan và hợp pháp theo Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự?!

Với Điều 31 khoản 1 Hiến pháp quy định, không ai bị coi là có tội cho đến khi được chứng minh bằng trình tự luật định và có bản án kết tội của toà án có hiệu lực pháp luật. Điều 3 Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định, mọi hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ các quy định của Bộ luật này. Điều 10 quy định nguyên tắc xác định sự thật vụ án, ở đó nêu rõ các cơ quan tiến hành tố tụng phải sử dụng mọi biện pháp, chứng cứ hợp pháp để xem xét và giải quyết toàn diện, khách quan vụ án. Điều 222 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định toà án chỉ nghị án và tuyên án dựa vào những gì được thẩm tra, xem xét tại phiên toà.

Dựa vào những luận cứ nêu trên, căn cứ Điều 251 Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.

Thêm nữa, vấn đề quyền được tự bào chữa của bị cáo vẫn chưa được đảm bảo khi chưa được toà án tạo điều kiện cho tiếp cận hồ sơ mà lại giải thích cho bị cáo rằng bị cáo đã có luật sư bào chữa và thông qua luật sư để tiếp cận tài liệu vụ án. Tuy nhiên, Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 11 Bộ luật TTHS cũng quy định các cơ quan tiến hành tố tung phải đảm bảo quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Và không được đồng nhất giữa quyền được tự bào chữa của bị can, bị cáo với quyền nhờ luật sư bào chữa. Hơn nữa, toà án, theo Hiến pháp, có trách nhiệm bảo vệ công lý, nên việc đảm bảo quyền đó của bị cáo là đúng đắn và hợp pháp. Nên không thể nói rằng luật không có quy định để phủ nhận quyền này của bị cáo. Riêng phần áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần theo điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS để tăng nặng trách nhiệm trong bản án sơ thẩm, tôi đã nhận định rằng vị kiểm sát viên đang lầm lẫn về học thuật pháp lý vì hành vi tuyên truyền là hành vi cấu thành kéo dài, nên không thể coi 02 clip lấy trong máy ra sau 11 clip trước là phạm tội lần thứ 2. Nên cần phải xem xét lại việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này. Hơn nữa, việc bị cáo có các hành vi tuyên truyền đó cũng không hề suy suyển được niềm tin của những người dân (đã được xác nhận tại toà, cùng cả những người bị tạm giam cùng buồng với bị cáo Nga trong các bản khai), nên nó không thể làm giảm uy tín của nhà nước, không thể gây hoang mang trong nhân dân về niềm tin vào nhà nước. Đồng thời cũng đề nghị cơ quan điều tra và viện kiểm sát cần phải tách bạch rõ ràng hai chủ thể đó là Nhà nước CHXHCNVN và Đảng cộng sản Việt Nam, vì nội hàm (quy phạm) điều luật 88 là không có chủ thể đảng chính trị trong mặt cấu thành của tội phạm.

Tuy rằng vậy, vị đại diện viện kiểm sát đã không tranh luận (đối đáp lại) bất kỳ luận điểm nào trên đây của tôi. Theo Điều 218 Bộ luật Tố tụng hình sự, tôi đề nghị Hội đồng xét xử đề nghị Kiểm sát viên phải đối đáp lại, nhưng tuyệt nhiên sau đó vị kiểm sát viên vẫn không đối tụng lại bất kể luận cứ nào mà tôi vừa yêu cầu.

Sau giờ nghị án. Án sơ thẩm vẫn được giữ nguyên với 9 năm tù giam và 5 năm quản chế.

Khi bị dẫn giải đi, bà Trần Thị Nga đã vỗ tay và nói rằng, bà không chống lại nhân dân và dân tộc Việt Nam!

Phiên toà kết thúc. Buổi chiều mờ tối.







No comments: