Friday, December 22, 2017

LIÊN HIỆP QUỐC BÁC BỎ QUYẾT ĐỊNH CỦA TRUMP CÔNG NHẬN JERUSALEM LÀ THỦ ĐÔ CỦA DO THÁI (Viễn Đông Daily)


Viễn Đông Daily
Thursday, 21/12/2017 - 09:09:13

NEW YORK – Trong một cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Liên Hiệp Quốc ngày thứ Năm, có tới hơn 120 quốc gia đã chống lại Tổng Thống Donald Trump và bỏ phiếu ủng hộ một quyết nghị của Liên Hiệp Quốc. Quyết nghị này kêu gọi Hoa Kỳ hãy từ bỏ việc công nhận Jerusalem là thủ đô của nước Do Thái (hay Israel).

Ông Trump từng đe dọa cắt giảm viện trợ đối với những nước nào không ủng hộ Hoa Kỳ. Thế nhưng có tới 128 quốc gia đã ủng hộ quyết nghị của Liên Hiệp Quốc, 35 quốc gia không bỏ phiếu, và chín quốc gia chống mà trong đó có Do Thái và Hoa Kỳ.

Tuy vậy, lời đe dọa của ông Trump đã có ảnh hưởng một phần nào đến một vài quốc gia, chẳng hạn như Úc. Quốc gia đồng minh này của Mỹ đã không bỏ phiếu.

Kết quả bỏ phiếu cho thấy Hoa Thịnh Đốn đang bị cô lập trên chính trường quốc tế, nơi mà nhiều quốc gia Tây Phương và quốc gia đồng minh Ả Rập của Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ Liên Hiệp Quốc, trong đó có các quốc gia đồng minh ở Trung Đông như Ai Cập, Jordan và Iraq.

Tổng Thống Donald Trump đã nói rất rõ rằng rằng Hoa Kỳ sẽ cứu xét việc tiếp tục tài trợ cho cơ quan Liên Hiệp Quốc và sẽ ghi nhớ những quốc gia nào bỏ phiếu chống Mỹ.

Thế nhưng hầu như không có nước nào quan tâm đến lời đe dọa đó.

Trong các quốc gia bỏ phiếu ủng hộ Liên Hiệp Quốc và chống Mỹ có cả Anh, Pháp, Đức, và Nhật.

Tuy quyết nghị do Thổ Nhĩ Kỳ và Yemen đệ trình hoàn toàn không thể thi hành hoặc bắt buộc, nhưng nó cho thấy tiếng nói chung của cộng đồng thế giới trước một chính sách đối ngọai mà chính phủ Trump đang theo đuổi.

Trong các quốc gia ủng hộ Hoa Kỳ thì ngoài Do Thái còn có Guatemala, Honduras, và các đảo ở Nam Thái Bình Dương gồm Marshall Islands, Micronesia, Palau, Nauru và Togo.

Bà Đại Sứ Hoa Kỳ Nikki Haley (bên phải) cùng Đại Sứ Anh Matthew Rycroft tại cuộc họp của Hội Đồng Bảo Liên Hiệp Quốc ngày 18 tháng 12, 2017 (Drew Angerer/ Getty Images)

Đại diện cho Hoa Thịnh Đốn tại Liên Hiệp Quốc là bà Đại Sứ Nikki Haley. Trước khi 193 quốc gia bỏ phiếu, bà Nikki Haley có tuyên bố như sau, “Hoa Kỳ sẽ ghi nhớ ngày này, ngày mà nước Mỹ bị tách riêng để bị tấn công tại Đại Sảnh Liên Hiệp Quốc, chỉ vì chúng tôi thực hiện quyền hành của một quốc gia.”

-----------------------------------

Huệ Vũ
Sunday, 10/12/2017 - 10:30:08

Vào chiều ngày thứ Tư, 6 tháng 12, 2017, trời đã vào Đông, nhưng Nam California đang có những đám cháy rừng dữ dội. Những đám cháy rừng trái mùa này chỉ gây nóng ở tiểu bang Cali, còn Tổng Thống Donald Trump đã gây nóng cho cả thế giới, sau khi ông ta tuyên bố chính thức thừa nhận thành phố Jerusalem là thủ đô của Do Thái.

Cho tới nay chưa có quốc gia, nguyên thủ nào chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái. Hoa Kỳ dưới quyền Tổng Thống Donald Trump đã trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới. Lời tuyên bố của Tổng Thống Trump làm cho người bảo thủ cực đoan và đạo Evangelicals ở Hoa Kỳ vô cùng hài lòng. Thủ Tướng Do Thái Benjamin Netanyahu đã nồng nhiệt cảm ơn, “Quyết định của Tổng thống Trump là một quyết định lịch sử, Do Thái sẽ không bao giờ quên.”

Nhưng Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres gọi giờ phút đưa ra lời tuyên bố của Tổng Thống Trump là giờ phút “vô cùng lo ngại.” Đức Giáo Hoàng Francis đã cầu nguyện cho sự khôn ngoan và thận trọng để tránh tạo thêm căng thẳng mới cho toàn cầu đang ở trong tình trạng căng thẳng.” Hầu hết các nhà lãnh đạo, chính khách, chính trị gia trên thế giới đã bày tỏ hối tiếc hay lên án lời tuyên bố của TT Trump.

Không chỉ người dân Palestine, người Hồi giáo trên khắp thế giới đã xuống đường. Ở Thủ đô Kuala Lumpur, chính quyền Mã Lai phải tăng cường các biện pháp an ninh, hàng ngàn người đã kéo tới Tòa Đại sứ Hoa Kỳ đốt hình nộm Tổng Thống Trump. Ở Indonesia, quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất thế giới, dân chúng xuống đường vẫy cờ Palestine, hô to các khẩu hiệu chống Hoa Kỳ.

Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại thành phố Surabaya đã phải chính thức ngưng hoạt động từ ngày thứ Sáu, 8/12, lo sợ bị tấn công. Ở Pakistan, đảng Hồi Giáo Jamaat-e-Islami kêu gọi người Hồi xuống đường trên toàn quốc sau lễ Cầu Nguyện Ngày Thứ Sáu. Ở Ai Cập, cảnh sát đã dùng giây kẽm gai, trụ sắt, các tấm bững thép rào chung quanh trụ sở Hội Báo Chí để đề phòng biểu tình. Dân Ai Cập đang sống dưới chế độ độc tài sẵn sàng đàn áp đẫm máu, nên trong ngày thứ Sáu chỉ vài trăm người xuống đường ở thủ đô Cairo và thành phố Alexandria. Tuy nhiên, Tổng Thống Abdel-Fattah al-Sisi cũng nói rằng Ai Cập ủng hộ mạnh mẽ việc giữ nguyên trạng thành phố Jerusalem.

Á Rập Thống Nhất Emirates, Á Rập Saudi đều lên án lời tuyên bố. Các giới chức chính trị trong vùng đều cho rằng quyết định của Tổng Thống Trump đã kết thúc vai trò hòa giải của Hoa Kỳ trong vùng. Hamas đang kiểm soát dải Gaza tuyên bố “Hoa Kỳ đang mở mọi cánh cửa địa ngục.”

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, hàng ngàn người ở thành phố Istanbul xuống đường đả đảo Hoa Kỳ. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, “Quyết định của Tổng Thống Trump đặt thế giới và đặc biệt là vùng Trung Đông lên lò lửa. Chống lại hành động của Trump là bổn phận của người Hồi Giáo!”

Liên Đoàn Á Rập đã triệu tập các cuộc hợp khẩn ở Cairo để thảo luận về lời tuyên bố của TT Trump vào ngày thứ Bảy, 9/12. Chủ Tịch Ahmed Aboul Gheit mạnh mẽ lên án Hoa Kỳ, nói rằng “đây là quyết định hợp thức hóa việc chiếm đóng.”

Các nước đồng minh truyền thống quan trọng của Hoa Kỳ đều bày tỏ sự bất mãn. Thủ Tướng Đức Angela Merkel tuyên bố không ủng hộ hành động này. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, “Đây là hành động đáng tiếc, phản lại pháp luật quốc tế, và tất cả các nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.” Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng bà ta muốn thảo luận lại vấn đề với Tổng thống Trump, lập trường không công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái của Anh là “lập trường bất biến.” Ngoại Trưởng Thụy Điển Margot Wallström nói rằng quyết định của Tổng Thống Trump là một thảm họa. Ngoại Trưởng Didier Reynders của Bỉ nói rằng đây là việc làm đầy nguy hiểm, sẽ tạo thêm bạo động trong vùng. Để phản đối TT Trump, Liên Đoàn Á Rập kêu gọi các nước trên thế giới công nhận quốc gia Palestine với thủ đô là Đông Jerusalem.

Sau khi Liên Minh Á Rập bị Do Thái đánh bại trong năm 1967, Do Thái đã chiếm Đông Jerusalem, Tây Ngạn và Dải Gaza. Trong trên nửa thế kỷ qua vấn đề Palestine luôn luôn là nỗi nhục nhã cho thế giới Á Rập. Vấn đề Palestine-Do Thái cũng vẫn luôn luôn là mối quan tâm, nỗ lực hòa giải của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, nhưng không thành công.

Có lẽ hy vọng đầu tiên đem lại hoà bình giữa Do Thái và Palestine là hiệp ước Oslo năm 1993. Vào năm 1991, Tổng Thống George H.W. Bush và Ngoại Trưởng James Baker đã vận động Do Thái và các nước Á Rập tham dự hội nghị hoà bình ở Madrid, Tây Ban Nha, để giải quyết xung đột Trung Đông. Các cuộc đàm phán từ Madrid tới Hoa Thịnh Đốn không đem lại kết quả. Nhưng tiếp theo đó, các cuộc đàm phán ở Oslo, Na Uy, phái đoàn Do Thái và Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO) đã có thể ký kết một hiệp ước ấn định những điều kiện căn bản để thành lập một quốc gia Palestine trong tương lai, dựa trên tinh thần nghị quyết 242 và 338 của Hội Đồng Bảo An.

Thủ Tướng Do Thái Yitzhak Rabin, Chủ Tịch PLO Yasser Arafat và Ngoại Trưởng Shimon Peres đã được chọn trao tặng giải Nobel hòa bình năm 1994. Nhưng năm 1995, ông Rabin bị ám sát và hiệp ước Oslo coi như chết dần sau đó, Do Thái gia tăng đưa người qua Tây Ngạn định cư lên gấp đôi, dân quân Palestine lại nổi dậy chống Do Thái mạnh hơn.

Vào năm 2000, Tổng Thống Bill Clinton đứng ra hòa giải giữa ông Yasser Arafat và Thủ tướng Ehud Barak thì chính quyền Do Thái lọt vào tay đảng Likud cực hữu, ông Ariel Sharon lên làm Thủ tướng Do Thái và tiến trình hòa bình Thượng Đỉnh Trại David chết yểu.

Trong tháng 3 năm 2002, khối Á Rập đưa ra sáng kiến hoà bình “Land for Peace,” trả đất tìm hoà bình, đề nghị Do Thái trả lại tất cả những vùng đất bị chiếm đóng để tái lập hoà bình, thiết lập ngoại giao với các nước Á Rập. Ngoại Trưởng Shimon Peres tỏ ra hoan nghênh Sáng Kiến Hoà Bình Á Rập nhưng nói rằng Do Thái chưa sẵn sàng trả đất và cho phép người Palestine di cư hồi hương.

Tháng 7 năm 2002, Bộ Tứ gồm Liên Hiệp Quốc, Liên Âu, Hoa Kỳ và Nga đã thảo ra những nguyên tắc ấn định lộ trình hoà bình Trung Đông. Theo lộ trình, chính quyền Palestine phải ngăn chận, bắt giữ những người, hay những nhóm người có chủ trương và hành động bạo động đối với Do Thái. Ngược lại, Do Thái phải ngưng thiết lập và mở rộng các khu định cư. Nhưng gần như hai bên, Do Thái và Palestine đều không thi hành những điểm nêu ra trong lộ trình. Lộ trình Bộ Tứ gần như đã bế tắc sau khi Hamas chiến thắng cuộc bầu cử quốc hội năm 2006 và chiếm quyền kiểm soát dải Gaza trong năm 2007.

Chính phủ George W. Bush đã tổ chức Hội Nghị Annapolis vào cuối tháng 11 năm 2007, đưa ra lộ trình hòa bình hai quốc gia, nhưng cũng không thành công. Ông Obama sau khi lên làm Tổng thống đã chỉ định Nghị Sĩ George Mitchel làm Đặc sứ Hòa Bình Trung Đông, nhưng Đặc sứ Mitchel không tạo nên sự tiến bộ nào và phải từ chức sau hai năm nỗ lực. Nghị Sĩ John Kerry lên thay thế bà Hillary Clinton (thân Do Thái) làm ngoại trưởng Hoa Kỳ, đã nhiệt thành vận động cho hòa bình Palestine-Do Thái, nhưng cũng đã không mang lại kết quả gì. Do Thái không ngừng mở rộng các khu định cư trong vùng chiếm đóng Tây Ngạn.

Sự mâu thuẫn quá lớn giữa Palestine và Do Thái về lãnh thổ, về Jerusalem, về người định cư và di cư đã làm cho mọi nỗ lực vận động cho hòa bình không thành công. Thành phần Palestine quá khích như Hamas cho rằng quốc gia Do Thái hiện giờ là lãnh thổ Palestine, nên không công nhận quốc gia Do Thái. Người Palestine ôn hòa đi nữa cũng cho rằng quốc gia Palestine trong tương lai sẽ phải lấy Jerusalem làm thủ đô.

Người Do Thái không chỉ tin tưởng quốc gia của họ phải bao gồm những vùng đất Tây Ngạn và Dải Gaza, Jerusalem phải là kinh đô của họ. Mà còn nhiều hơn nữa, Quốc gia Do Thái đối với người Zionists phải là đất của vua David, Salomon, đất mà Chúa Trời hứa hẹn với con cháu ông Abraham sẽ từ sông Ai cập tới sông Euphrates có đất Kenite, Kamonite, Hittite, Perizzite, Rephain, Amorite, Canaanite, Girgashite và Jubesite. (Genesis 15:18-20) chứ không phải biên giới hiện nay.

Jerusalem đối với người Do Thái là thánh địa, là thành phố của của vua David. Vào thời vua David, khoảng năm 1000 trước công nguyên, Do Thái đã cai trị một vùng đất rộng lớn trải từ Hồng hải đến sông Euphrates. Jerusalem có nghĩa là thành phố hòa bình đã được vua David chinh phục từ người Jebusites. Và ngôi đền thờ Đức Chúa Trời đầu tiên của người Do Thái cũng đã được vua Solomon, người kế vị vua David xây dựng lên ở đây. Với tin tưởng từ lịch sử, từ Kinh Thánh, Do Thái sẽ nhất định không nhượng bộ dù một phần diện tích nào đó của thành phố này cho Palestine.

Jerusalem cũng là Thánh Địa của người Thiên Chúa Giáo, là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thập Tự Giá, phục sinh sống lại và sau đó trở về Trời. Tới Jerusalem, đi bộ trên con Đường Đau Khổ, nơi Chúa Jesus vát Thập Tự Giá đi qua, là mơ ước trong đời của người Thiên Chúa Giáo. Nhà Thờ Mộ Thánh ở Jerusalem, là nơi thiêng liêng của Thiên Chúa Giáo và Nhà Thờ này đang được Chính thống Giáo Đông Phương, Chính Thống Giáo Armenia, và Giáo Hội Công Giáo cùng cộng đồng cai quản.

Với người Hồi Giáo, Jerusalem cũng là thánh địa của họ. Theo sự tin tưởng, tín đồ Hồi Giáo đến cầu nguyện một lần ở Mecca có giá trị bằng 2,000 lần cầu nguyện ở nơi khác. Cầu nguyện một lần ở Medina có giá trị bằng 1,000 lần, và cầu nguyện ở Jerusalem có giá trị bằng 500 lần. Theo người Hồi Giáo, Jerusalem là nơi mà ông Muhammad, giáo chủ Hồi Giáo đã được thiên thần Gabriel thay mặt Chúa Trời chỉ dạy về nghi thức cầu nguyện cho người Hồi Giáo. Ngôi đền Al-Aqsa ở Núi Đền là nơi thiêng thiêng đứng hàng thứ 3 của người Hồi Giáo. Người Hồi Giáo chắc chắn cũng sẽ không cam tâm để Jerusalem chính thức thành thủ đô của Do Thái.

Các quốc gia Hồi Giáo Á Rập có thể coi là đồng minh Hoa Kỳ, họ hy vọng ảnh hưởng Hoa Kỳ đối với Do Thái có thể giúp giải quyết cuộc xung đột Palestine-Do Thái. Tuy nhiên, sau khi Tổng Thống Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái thì khó biết sau những lời chỉ trích sơ khởi đã nêu trên, các nhà lãnh đạo các quốc gia Á Rập và Hồi Giáo sẽ có phản ứng gì. Hay cũng chỉ là những lời nói, những lời tuyên bố như xưa nay mà thôi.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng những lời nhận định của Ngoại Trưởng Thụy Điển Margot Wallström và Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders sẽ trở thành thực tế. Trong bốn ngày qua, ít nhất đã có bốn người Palestine biểu tình tử thương và trên 80 người bị thương. Trung Đoàn Tử Đạo Al-Aqsa thuộc quyền đảng Fatah của Tổng Thống Abbas, là người tin tưởng vào giải pháp hòa bình, đã bắn rocket qua Do Thái, và quân đội Do Thái đã pháo kích Dải Gaza làm ít nhất 25 người bị thương. Thủ lĩnh Hamas đang kiểm soát Dải Gaza là ông Fathy Hammad kêu gọi người Palestine nổi dậy cho Intifada lần thứ 3. Intifada lần thứ nhất diễn ra từ năm 1987 cho tới năm 1993, Intifada lần thứ nhì kéo dài từ năm 2000 tới năm 2005. Qua 2 đợt Intifada này, hàng ngàn người Palestine tử thương và trên 1,000 người Do Thái thiệt mạng. Đợt Intifada 3 khó biết sẽ kéo dài bao lâu, nhưng có thể sẽ liều lĩnh, cực đoan hơn nhiều vì được bơm thêm ngọn lửa oán thù “Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái.”

Các nhóm Hồi Giáo cực đoan ở Trung Đông và Á Châu từ lâu cũng đã coi Do Thái và Hoa Kỳ là kẻ thù của chúng. Việc Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái, cũng rất có thể sẽ bơm thêm cho chúng nỗi căm hờn mới, bơm thêm cho chúng thêm những yếu tố tuyên truyền mới, chiêu mộ mới, cho nên Trung Đông đang đầy khói lửa cũng rất có thể sẽ gia tăng khói lửa.

Dù bối cảnh sẽ diễn ra thế nào, có lẽ chỉ còn biết cầu nguyện cho hòa bình thế giới, hòa bình Trung Đông, và Palestine. (hv)

------------------------------

Huệ Vũ
Sunday, 10/12/2017 - 10:52:05

Dân số Palestine hiện nay khoảng trên 8 triệu người. Số người đang sống ở Dải Gaza, West Bank và trong lãnh thổ Do Thái chỉ trên 4 triệu. Hơn một nửa đang sống ở những quốc gia Arab và các nước trên thế giới được coi như người tỵ nạn Palestine. Hiện đang có khoảng 5 triệu người Palestine phải sống nhờ vào sự chăm sóc của cơ quan UNRWA (United Nations Relief and Works Agency for Palestine Refugees in the Near East).

Dân tộc Palestine có lẽ là dân tộc đau khổ nhất trên thế giới, trong lịch sử họ chưa từng có quốc gia, và họ rất khó có thể tìm được một quốc gia trong giai đoạn hiện nay khi Chủ Nghĩa Zionism chủ trương phải lấy lại tất cả “Vùng Đất Hứa” theo Cựu Ước, và người Do Thái gần như thao túng chính sách ngoại giao của nhiều cường quốc Tây Phương, trong đó có Hoa Kỳ.

Cùng lúc đó, người Palestine lại cũng là con bài mà thành phần Hồi giáo Sunni cực đoan muốn qua họ, dùng sự đàn áp của Do Thái để kích động tinh thần chống Tây phương, chống chính phủ thế quyền, vua chúa tại các nước Á Rập. Khối Shiite do Iran lãnh đạo cũng muốn dùng sự chiến đấu của người Palestine để cạnh tranh ảnh hưởng và cảm tình trong khối Hồi Giáo.

Tên gọi Palestine xuất hiện đầu tiên trong Cựu Ước là Philistin. Theo tài liệu của đền thờ cổ Medinet Habu, Palestine là dân Peleset, một dân tộc miền biển, đã xâm nhập Ai Cập dưới triều đại vua Usimare Ramesses III (cũng gọi là Ramses III hay Ramese III), là vị Pharaoh thứ nhì của Triều đại thứ 20. Peleset được dịch qua tiếng Anh là “Philistia.”

Hiện cũng không thể xác định người Palestine hiện nay có phải là con cháu người Philistines hay không. Theo lịch sử, vào năm 1000 BC, vua David của Do Thái chinh phục người Philistines. Vào năm 922 BC vương quốc Israel bị chia làm đôi: Israel ở phía bắc và Judad ở phía nam. Năm 721 BC Israel bị rơi vào tay Assyria, đến năm 586 BC Judad bị Babylon chinh phục, thành phố Jerusalem bị phá hủy, người Do Thái bị lưu đày.

Theo các nghiên cứu gần đây, người Do Thái và Palestine có cùng huyết thống. Theo họ, trong các đợt bị lưu đày, nhiều người Do Thái đã trốn tránh, cương quyết tiếp tục ở lại quê hương, nhưng theo thời gian cả ngàn năm, họ đã thay đổi ngôn ngữ, phong tục, để thích ứng với nhiều hoàn cảnh cay nghiệt, và cuối cùng họ đã theo Hồi Giáo. Những kết quả nghiên cứu trên hiện cũng chưa được chính thức xác nhận! Như vậy, dù có phải cùng là con cháu ông Abraham hay không, tiên tổ người Palestine và Do Thái cũng đã từng là anh em trong một quốc gia kéo dài trong nhiều trăm năm. Nhưng ngày hôm nay họ bị chính người anh em của mình trước kia ngược đãi, đàn áp dã man. Họ cũng là nạn nhân của tranh chấp giữa Do Thái và Hồi giáo.

Palestine, sau thời kỳ Babylon là đế quốc Ba tư, La Mã cai trị. Tiếp theo đó là người Á Rập Hồi giáo, đế quốc Thổ. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Palestine lại bị lệ thuộc Anh.

Người Do Thái sau khi bị đế quốc Babylon và Đế quốc La Mã lưu dày, bán làm nô lệ, đã đi sinh sống nhiều nơi trên thế giới không còn hiện diện nhiều ở vùng đất Palestine thuộc Anh (lãnh thổ Do Thái hiện nay, Tây Ngạn và Gaza), vào năm 1850 trong toàn vùng chỉ có khoảng 12 ngàn người.

Vào năm 1897, người Do Thái hợp đại hội phục quốc đầu tiên ở thành phố Basle, Thụy Sĩ, bàn cách thành lập quốc gia Do Thái. Đại hội trong năm 1904 đề nghị thành lập quốc gia Do Thái ở Á Căn Đình (Argentina), nhưng đại hội năm 1906 đã quyết định quốc gia Do Thái phải là Đất Hứa Palestine. Trong năm 1917, Ngoại Trưởng Anh Arthur J. Balfour đã gởi thư cho một lãnh tụ phục quốc Do Thái hứa hẹn sẽ giúp thành lập quốc gia Do Thái. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, người Do Thái các nơi trên thế giới ồ ạt trở về vùng đất này. Từ năm 1920 tới năm 1945 có khoảng 350 ngàn người Do Thái di cư hợp pháp vào Palestine.

Chủ nghiã phục quốc Do Thái không chỉ đơn giản có một quốc gia Do Thái sống hòa bình bên cạnh quốc gia Palestine hay chấp nhận người Palestine sống chung với Do Thái. Quốc gia Do Thái đối với người Zionists phải là đất của vua David, Salomon, đất mà Chúa Trời hứa hẹn với con cháu ông Abraham sẽ từ sông Ai cập tới sông Euphrates có đất Kenite, Kamonite, Hittite, Perizzite, Rephain, Amorite, Canaanite, Girgashite và Jubesite. (Genesis 15:18-20) chứ không phải biên giới hiện nay.

Họ cắt nghĩa giai đoạn 1000 năm trong sách Khải Huyền (Revelation) rằng thì là... một khi người Do Thái phục hồi lại cõi bờ vua David, Salomon, sẽ tới thời kỳ mạt thế và thăng thiên khoảng 7 năm, Chúa Jesus sẽ đến từ trời, hiện rực rỡ trong mây đón rước những người tin Chúa lên thiên đàng. Sau giai đoạn này, Chúa Jesus sẽ trở lại trần thế, chọn 144,000 người Do Thái cùng Ngài cai trị các nước trên thế giới trong vòng 1000 năm cho tới ngày phán xét cuối cùng.

Những điều tin tưởng trên của người Zionist có lẽ hoàn toàn bóp méo kinh điển. Nếu Chúa Trời đã có hứa với ông Abraham thì phải chăng con cháu của ông ta, vua David cũng đã từng nhận đất mà Ngài đã hứa? Kinh Thánh đã xác định Chúa Trời đã chu toàn lời hứa qua các đoạn Joshua 21:43, Kings 8:56. Người Zeonist cũng đã quên, không nhớ rằng tổ tiên của họ đã từng chối từ không công nhận chúa Jesus là con của Chúa Trời. Qua Kings 9:6-9, Chúa Trời đã cảnh cáo nếu con cháu người Do Thái không theo Chúa, không giữ lời Chúa, Ngài sẽ tước bỏ những đất đai mà Ngài đã ban cho. Sự sụp đổ của vương quốc Israel-Juda phải chăng đã là sự trừng phạt của Chúa Trời, và tội chối Chúa Jesus không công nhận Ngài là con Chúa Trời cũng đã làm cho họ bị đế quốc La Mã bán làm nộ lệ khắp thế giới.

Tuy nhiên, không phải chỉ có người Do Thái tin tưởng những điều huyễn hoặc mà các nhà tiên tri Christian Zionists nêu lên. Nó được rộng rãi tin tưởng ở Anh và Hoa Kỳ. Chính vì những tin tưởng như vậy mà Balfour đã cam kết với người Zionist ở Anh, và Anh Quốc đã ngầm giúp cho người Do Thái trở về Palestine trong thời gian cai trị vùng Palestine.

Ở Hoa Kỳ, hội Người Thiên Chúa Đoàn Kết cho Do Thái (Christians United for Israel - CUFI) là một hội rất mạnh. Người thành lập CUFI là Mục sư John C. Hagee của Nhà thờ Cornerstone ở San Antonio/Texas có 19 ngàn tín đồ, giám đốc global Evangelism Television, đã công khai tuyên bố quốc gia Do Thái phải gồm Tây Ngạn và Gaza, đây là đất Chúa tuyệt đối dành riêng cho người Do Thái. Trong tháng 7 năm 2007, Mục sư Donald Wagner của đạo Presbyterian nói rằng điều ông lo ngại nhất là Christian Zionists với trên 1 triệu tín đồ Evangelical trên thế giới đã hết sức cực đoan chống Hồi Giáo và ủng hộ Do Thái có thể tạo thêm hận thù giữa người Christian và người Hồi Giáo. Các nhà thờ Công Giáo (Catholic), Lutheran và Orthodox trong vùng Trung Đông cũng rất lo sợ luận điệu của Evangelicals.

Người phục quốc Do Thái không chỉ tin tưởng quốc gia của họ phải bao gồm những vùng đất Tây Ngạn và Dải Gaza, Jerusalem phải là kinh đô của họ mà họ cũng không chấp nhận sống chung với người Palestine.

Trong năm 1895, ông Theodor Herzl được coi là nhà tiên tri của Zionism đã viết: “Hãy tước đoạt nghị lực của dân tộc không đáng một xu trong nước chúng ta bằng cách tước đoạt tài sản và xua đuổi chúng một cách vô cùng thận trọng.”

Người lãnh đạo Do Thái đầu tiên là ông David Ben Gurion đã triệt để thực hiện chủ trương của Herzl ngay từ lúc làn sóng di dân Do Thái mới bắt đầu trở về “Đất Hứa” với hai chính sách là “Mua đất của người Palestine” và “chỉ dùng công nhân Do Thái.” Người Do Thái đã thực sự bắt tay bí mật thực hiện chính sách thanh lọc chủng tộc ngay từ năm 1937. Sau khi Ủy ban do ông Earl Peel cầm đầu đưa ra kế hoạch phân chia Palestine, ông Ben Gurion đã tuyên bố: “Không thể có một quốc gia Do Thái trong đó có một thiểu số người Á Rập nguy hiểm” và “Không thể có quốc gia Do Thái nếu người mọi rợ điạ phương vẫn còn hiện diện trong biên giới.”

Thế chiến Thứ Hai kết thúc, người Do Thái vẫn còn kinh hoàng với thảm trạng Holocaust, nhưng ngay sau đó họ lại không có một chút lòng nhân đạo nào đối với dân tộc Palestine, để mỗi năm người Do Thái tưởng niệm Holocaust, thì người Palestine cũng mỗi năm mỗi tưởng niệm thảm trạng al-Nakba.

Thảm trạng al-Nakba không có giết người tập thể bằng hơi ngạt như Holocaust, nhưng hàng trăm, hàng ngàn người dân vô tội bị xua đuổi khỏi nhà cửa, khỏi làng mạc mà ông cha, tổ tiên của họ đã sống từ bao ngàn năm trước.

Ngày 14 tháng 5 năm 1948 là ngày Anh chấm dứt sự cai trị Palestine cũng là ngày Do Thái tuyên bố độc lập, thì từ nhiều tháng trước, Ben Gurion đã ra lệnh cho lực lượng dân quân Haganah phải dùng mọi cách từ đe doạ tới khủng bố để làm cho người Palestine phải đi khỏi lãnh thổ càng nhiều càng tốt. Nhà sử học Edgar O'balance đã viết lại thảm trạng: “Xe Do thái với máy phóng thanh ra lệnh cho người Á Rập phải nhanh chóng di tản... những làng xã người Palestine bị bao vây buộc phải ra đi trong vòng 2 hay 3 ngày... xe ủi đất Do Thái tới dỡ nhà cửa ngay trước mắt họ.”

Từ cuối năm 1947 tới tháng 3 năm 1949, Do Thái đã hệ thống xua đuổi người Palestine trong 4 đợt, số người bị buộc phải ra đi trên 800,000 người. Dọn sạch khoảng 500 thị trấn, làng mạc và bộ lạc Palestine. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc chỉ có 150 ngàn trong số 950 ngàn người Palestine lúc bấy giờ nhất định ở lại với quê hương của họ. Qua cuộc chiến 1967 giữa Ai Cập và Do Thái, trên 300 ngàn người Palestine nữa đã phải trở thành người tạm trú ở những nước lân cận.

Đức Chúa Trời chắc chắn phải là đấng nhân từ, nếu người Do Thái xua đuổi người Palestine để lập lại vương quốc David, Solomon, Ngài sẽ cho Chúa Jesus xuống trần để cùng người Do Thái cai trị thế giới hình như nghe cũng chẳng thuận tai chút nào. Thế nhưng, đây là sự tin tưởng của Christian Zionists, của Evangelicals, của hàng triệu người có thế lực chính trị tại nhiều cường quốc, cho nên người Palestine có lẽ khó tìm được những ngày bình an, dù họ có từ bỏ những chiến thuật đấu tranh sai lầm của họ hiện nay hay không.

Xin cầu nguyện cho người Palestine, cầu nguyện cho họ sớm thấy rằng hình thức đấu tranh của họ không thích hợp, chỉ phản lại chính nghĩa của họ. Nhưng cũng xin cầu nguyện cho những người Zionists sớm thấy rằng Chúa Trời là đấng nhân từ. Ngài có ban đất cho Do Thái thì chắc chắn cũng chọn lựa một cách nhân từ, tự nhiên chứ không phải xua đuổi, tước đoạt quyền sống, đàn áp, một dân tộc khác.

Cầu nguyện cho thảm trạng chiếm đóng trong thế kỷ thứ 21 sớm chấm dứt, dân tộc Palestine có thể sống bình an, mưu cầu hạnh phúc cho chính họ như các dân tộc khác trên thế giới. Cầu nguyện cho trẻ em Palestine không còn ngồi tù, không còn đi ném đá quân nhân, cảnh sát Do Thái để bị bắn chết. Cầu nguyện cho chúng có thể cắp sách tới trường như trẻ em các dân tộc khác trên thế giới. (hv)









No comments: