Được đăng ngày Thứ hai, 21 Tháng 8 2017 14:14
Do phản ứng của Tổng thống Donald Trump qua vụ
Charlottesville, tình hình chính trị và xã hội Mỹ đang rối loạn.
Tổng thống Donald Trump
Ngày 12 tháng 8 vừa qua, tại Charlottesville,
Virginia những người da trắng thuộc các nhóm white supremacist, tân phát
xít/neo-Nazi và KKK tổ chức biểu tình phản đối việc di dời tượng Tướng Robert
E. Lee, lãnh tụ của Liên Minh Miền Nam, chủ trương duy trì chế độ nô lệ trong
cuộc nội chiến 1861-1965. Cuộc biểu tình này đã bị các thành phần dân Mỹ
khác (trắng cũng như đen) phản đối. Họ đã tổ chức phản biểu tình
(counterprotesting) để chống đối các thành phần da trắng cực đoan nói
trên. Ngoài việc hai bên đánh nhau loạn xạ trên đường phố, một người đàn
ông thuộc nhóm da trắng (James Field, 20 tuổi) lái xe đâm thắng vào đám đông phản
biểu tình làm cho một phụ nữ (da trắng) tử thương, 19 người khác bị
thương. Khác với những lần xung đột chủng tộc trước, lần này có vẻ trầm trọng
hơn nhiều.
TT. Trump đã ba lần lên tiếng về vụ này.
Lần thứ nhất ông quy trách cả hai bên.
Lần thứ hai ông lên án đích danh các thành phần quá
khích da trắng như white supremacists, tân phát xít, KKK…
Lần thứ ba ông trở lại quy trách cho cả hai bên như
lần thứ nhất.
Tại sao lập trường của tổng thống bất nhất và thiếu
minh bạch như thế?
Người ta nghĩ rằng TT. Trump đã bị áp lực. Lần thứ
nhất ông phát biểu đúng với bản chất của ông nhưng bị áp lực từ nhiều phía nên
mới có chuyện ông lên án đích danh các nhóm da trắng quá khích vào lần thứ hai.
Và lần thứ ba, bị ảnh hưởng/áp lực từ những nhóm da trắng cực đoan, ông trở lại
lập trường đầu: quy lỗi cho cả hai bên. Ngôi vị tổng thống của ông có được
nhờ người da trắng nên ông không thể bỏ rơi thành phần này được!
Với lập trường như thế, TT. Trump đã bị chỉ trích từ
nhiều phía, Cộng Hoà (CH) cũng như Dân Chủ (DC). Tạm gát lại sự chống đối
TT. từ quần chúng, bỏ qua sự chống đối đương nhiên từ phía đảng DC (những kẻ
“hành nghề đối lập”, chờ tổng thống sơ hở để chỉ trích), hãy đề cập đến sự chống
đối TT. Trump từ phía những người thuộc đảng CH của ông.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói: “Chúng ta phải
rõ ràng. Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là đáng kinh tởm. Sự mù
quáng này chống lại toàn bộ những gì đất nước này đại diện. Không thể nhập
nhằng đạo lý”.
Thống
đốc bang Ohio, John Kasich kêu gọi “Tổng thống phải lên án những nhóm thù hận
này”.
Bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, trong
một điện thư gởi cho thuộc cấp, bà kêu gọi “mọi người hãy đứng lên để
lên án sự hận thù” (Everyone must stand up and condemn hate/Yahoo!
News ngày 19/8/2017)
Cựu Thống đốc California, Anold Schwarzenegger,
trong một video clip mà ông nói là “dạy cho TT. Trump một bài học” có nội dung
như sau: “There are not two sides to bigotry, and there are not two
sides of haterd. And if you choose to march with a flag that symbolizes
the slaughter of millions of people, there are not two sides to that”! (Tạm
dịch: không hề có hai phe đối với sự cố chấp/cực đoan, và không hề có hai phe đối
với sự hận thù. Và nếu bạn đồng hành với ngọn cờ biểu tượng cho sự tàn
sát hằng triệu người, (lại càng) không thể có hai phe nào về đại vần nạn này).
Tại Charlottesville, phe thượng tôn da trắng gây sự
trước. Và cũng phe da trắng bạo động lái xe xông vào đám động cán chết
người không khác gì khủng bố tại thành phố La Ramblas ở Barcelona, Tây Ban Nha.
Khi đi biểu tình, họ không dùng cờ Mỹ hiện nay mà công khai dương cờ Liên Minh
Miền Nam và cờ phát xít Đức thời Hitler. Với biểu tượng của những lá cờ
này, họ muốn đấu tranh để phục hồi chế độ nô lệ mà phe Liên Minh Miền Nam chủ
trương trước khi nội chiến chấm dứt (1861-1865)! Với ý nghĩa của hai lá cờ
này, họ muốn đấu tranh để thiết lập một chế độ phát xít kiểu Đức Quốc Xã, không
phải để củng cố và bồi đắp cho đất nước Hoa Kỳ hiện tại! Trong khi đó, phe phản
biểu tình mang cờ Mỹ để chống lại các lá cờ kia, chống lại mọi hình thức kỳ thị
chủng tộc, mọi hình thức phát xít, độc tài. Thế mà, theo TT. Trump, họ đều
có lỗi như nhau?
Phán xét như thế, ông Trump đã đỡ đòn cho phe cực
đoan da trắng và gián tiếp đứng vào hàng ngũ của họ. Người ta tự hỏi ông
Trump là Tổng thống của nước Mỹ, của toàn dân Mỹ bao gồm mọi thành phần dân tộc,
hay chỉ là tổng thống của nhóm cực hữu da trắng?
Sau vụ Charlottesville, nhóm thượng tôn da trắng
tuyên bố họ chỉ mới bắt đầu, thời gian tới họ sẽ có những hoạt động mạnh mẽ
khác!
Cựu ứng cử viên tổng thống Mit Romney (2012)
yêu cầu TT. Trump phải xin lỗi vì đã làm cho thành phần cực đoan kỳ thị
chủng tộc lên tinh thần (Romney Tells Trump to Apologize for Causing “Racists
to Rejoice”/New Yook Times).
Hai cựu Tổng thống Mỹ Bush (George H. Bush và George
W. Bush) cũng đã lên án về vụ này, tuy không chỉ trích trực tiếp TT.
Trump.
Ngoài ra, một số tướng lãnh chỉ huy quân đội, một số
lãnh tụ nước ngoài cũng bất đồng với quan điểm của Tổng thống Trump.
Những người chỉ trích TT. Trump nói trên là người Mỹ
nên họ không thể là “Việt Gian”. Những người chống TT. Trump nói trên đều
là người CH nên không thể là “bọn cuồng đảng lừa DC”. Những người
lên án TT. Trump nói trên đều là NGƯỜI, không phải là “bầy chó đang sủa ông
Trump”… như một số cuồng Trump người Việt xuyên tạc và xúc phạm trên các diễn
đàn. Tuy cùng đảng với tổng thống nhưng họ lên tiếng vì lương
tâm con người, đặc biệt là vì sinh mệnh nước Mỹ. Dưới mắt những người chỉ
trích này, TT. Trump đã có những lời nói, việc làm gần như có chủ trương kỳ thị
chủng tộc. Và đó là điều rất nguy hiểm cho tương lai nước Mỹ. Những
thành phần quá khích da trắng coi TT. Trump như một lãnh tụ của họ, họ sẽ trỗi
dậy mạnh mẽ nhiều nơi. Những người chống đối kỳ thị chủng tộc sẽ không ngồi
yên. Họ cũng sẽ xuống đường phản biểu tình khắp nơi, xung đột đổ máu có
thể xẩy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Và cứ mỗi lần xẩy ra như thế,
TT. Trump sẽ quy trách nhiệm cho cả đôi bên? Với sự nhập nhằng này, làm
sao tổng thống có thể giải quyến vấn đề? Người dân đôi bên sẽ tự giải quyết
sự xung đột, “thanh toán” nhau tại chỗ? Nội chiến sẽ tự tái diễn
chăng? Nếu thế thì còn gì là nước Mỹ?
Một thực tế không thế chối cãi và cũng không thể sửa
đổi được, đó là tình trạng đa chủng của nước Mỹ. Ngoài người da trắng còn
có các sắc dân khác. Nếu muốn chỉ có “white only” thì các sắc dân khác giải
quyết như thế nào? Phát động một cuộc chiến tranh quân sự tàn sát tất cả những
người da màu như Đức Quốc Xã đã giết người Do Thái? Nếu có một cuộc chiến
như vậy, chưa chắc ai thắng ai. Trong tổng số dân số Mỹ, người da
trắng không còn chiếm đa số tuyệt đối như những ngày mới lập quốc nữa, họ chỉ
chiếm hơn 50% (kể cả phần đông người da trắng không có đầu óc kỳ thị chủng tộc).
Người da màu cũng có số lượng xấp xỉ như thế, không lý họ khoanh tay ngồi
chờ để “được hành quyết”? Xung đột sắc tộc, nếu xẩy ra lẻ tẻ đã là một vết
thương nhức nhối cho xã hội Mỹ rồi. Nếu xẩy ra với phạm vị rộng, nói khác
đi là nếu có nội chiến sắc tộc thì nước Mỹ sẽ tan hoang, có thế biến mất trên bản
đồ thế giới. Những người thượng tôn da trắng, tân phát xít, thành phần
KKK…muốn như thế, không lý TT. Trump cũng muốn như thế? Người dân thường,
một hay vài người, một hay vài nhóm chủ trương kỳ thị sắc tộc có thể sự tác hại
ở một mức độ nào đó. Tổng thống mà kỳ thị sắc tộc thì nước Mỹ có ngày tiêu
vong. Tuần báo Time số ra ngày August 28, 2017 với chủ đề HATE IN AMERICA,
đáng chú ý nhất là bài WILL THE NATION SUCCEED WHERE THE PRESIDENT FAILED? Của
tác giả Nancy Gibbs, trong đó có câu này đáng quan tâm: “Past presidents
risked everything to fight Naxis; this one provided them cover” (Những
tổng thống tiền nhiệm bất chấp mọi nguy hiểm/rủi ro để chống bọn phát
xít; tổng thống này bao che cho chúng)!
Một số người cho rằng TT. Trump không được bình thường. Ông
điều hành quốc gia bằng tweet. Tweet ngày tweet đêm, tweet liên tu bất tận. Tweet
hôm trước khác tweet hôm sau, chả ai biết đường nào mà lần. Có lẽ vì thế
mà các cận thần lần lượt ra đi, hết người này đến người khác. Mới nhất là
ông Steve Bannon, chiến lược gia hàng đầu của tổng thống, đã gắn bó với ông
Trump ngay từ khi tranh cử. Thế mà ông ta cũng “bức xô” đánh bài chuồn! “White
House has been shaking up”! Sau khi rời White House, ông ta tuyên bố
“Trump administration deeply divided”. Nếu Chính phủ Trump lung lay là do
sự chia rẽ trầm trọng này cùng với tính khí bất thường, lập trường khác lạ của
tổng thống, hoàn toàn không do sự chống đối của đảng DC, lại càng không phải do
âm mưu loại bỏ Chính phủ Trump của ĐẢNG CỘNG SẢN MỸ! Đảng này từ lâu chỉ còn
cái tên, không có thực lực, không đủ sức làm việc đó. Hiện nay chưa ai thấy
“âm mưu” của đảng này như thế nào cả. Nhận định như thế, nếu không phải là
sự hoang tưởng thì đúng là một hình thức chụp mũ đồng loạt, cộng sản hoá mọi
sinh hoạt đối lập dân chủ, mọi truyền thông báo chí tự do nhắm vào ông
Trump. Một sự “cuồng Trump” hồ đồ không được trí thức lắm.
Việc di dời các tượng đài, di tích của phe Liên Minh
Miền Nam là để loại bỏ tàn tích của chế độ nô lệ. Nó là chủ trương chung
của nhiều chính quyền địa phương do cả hai phía CH cũng như DC kiểm
soát. Bà Nikki Haley, năm 2015, khi còn làm Thống đốc tiểu bang South
Carolina, bà đã chuẩn thuận và chứng kiến việc hạ cờ phe Miền Nam tại thủ đô
Columbia. Bà là người CH, là thành viên của Chính phủ Trump hiện nay (Đại
sứ Mỹ tại LHQ). Thành ra việc loại bỏ các dấu tích kỳ thị chủng tộc không
phải là âm mưu riêng của đảng DC nhằm chia rẽ Bắc/Nam như có người hô hoán để
chống lưng cho Donald Trump. Việc di dời đó không phải là vấn đề. Vấn đề
là thái độ và lời nói thiên vị những kẻ kỳ thị chủng tộc của TT Trump hiện nay.
Ước mong TT Trump sẽ có thái độ thích nghi hơn trước
hiện tình đất nước.
Chỉ có một con đường duy nhất là tổng thống phải giữ
kỷ cương quốc gia, phải bảo vệ hiến pháp/luật pháp, phải đứng trên mọi thành phần
sắc tộc mới mong duy trì sinh mệnh của nước Mỹ được. Chỉ có một cách duy
nhất là mọi sắc dân phải tôn trọng nhau, phải sống hài hoà với nhau dựa trên sự
tôn trọng hiến pháp và luật pháp Hoa Kỳ. Được như thế mới mong có hoà bình và một
nước Mỹ tồn tại và vươn cao. Nếu không, không ai có thể lạc quan cho tương
lai của nước Mỹ cả.
Hạ tuần tháng 8, năm 2017
Định
Nguyên
No comments:
Post a Comment