Friday, August 25, 2017

BẢN TIN NGÀY 26/8/2017 (Báo Tiếng Dân)









Tin trong nước

Tin Biển Đông
Về thông tin bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam  phản đối Đài Loan tập trận bắn đạn thật trên đảo Ba Bình, RFI có bài: Biển Đông: Đài Loan tái khẳng định chủ quyền trên đảo Ba Bình.

Bài báo đưa tin, Bộ Ngoại giao Đài Loan ra thông cáo “khẳng định là đảo Thái Bình (tên Đài Loan gọi đảo Ba Bình) là một phần lãnh thổ quốc gia và Đài Bắc hoàn toàn có quyền tiến thành các cuộc tập trận thường xuyên trên đảo này. Thông cáo của họ còn cho rằng Trung Hoa Dân Quốc có chủ quyền trên các đảo ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh những đảo này”.

Báo QĐND có bài: Đại tướng Ngô Xuân Lịch cắt băng khánh thành trụ sở mới của Bộ tư lệnh Cảnh sát biển. Đại tướng Ngô Xuân Lịch “chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực các cấp, theo dõi và nắm chắc tình hình diễn biến các vùng biển, đảo, kiên quyết không để bị động bất ngờ“. Bài trên báo VietNamNet có nhiều hình ảnh hơn: Khánh thành trụ sở mới Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Sự kiện tàu khu trục USS John McCain và tàu chở dầu Liberia, Alnic MC, đụng nhau trên Biển Đông ngày 21/8/2017, dẫn đến việc tư lệnh Hạm đội 7, ông Joseph Aucoin bị mất chức, RFI có bài: Trung Quốc bị nghi đứng sau tai nạn tàu chiến Mỹ ở Singapore. Bài viết nói về hoạt động đáng ngờ của tàu chở dầu Trung Quốc, Guang Zhou Wan, vào thời điểm tai nạn xảy ra.

Dẫn nguồn từ báo The Australian của Úc, một cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh nêu giả thiết, có thể ‘lộ trình của tàu Mỹ và tàu Liberia đã bị đánh cắp, và tàu Trung Quốc ‘có thể đã’ đóng vai trò trong vụ đụng tàu này. Video clip của trang Vessel Finder, trang mạng chuyên theo dõi giao thông hàng hải, cho thấy tàu Trung Quốc bất ngờ đổi hướng ngay trước khi tàu chở dầu Liberia đâm vào tàu Mỹ: https://www.youtube.com/watch?v=vlrA36GzHNs

Cựu sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh nói: “Nếu bạn quan sát chuyển động của tàu Trung Quốc từ đầu, bạn có thể thấy tàu Trung Quốc bám sát đúng theo lộ trình của chiếc Alnic MC. Rồi, ngay trước khi chiếc tàu này quay đầu, tàu Trung Quốc đã chuyển hướng về phía phải… đúng vào lúc vụ va chạm xảy ra”.

Trang Đại Kỷ Nguyên VN đưa tin: Tướng Trung Quốc ăn mừng vụ tai nạn của tàu khu trục Mỹ. Thiếu tướng Hải quân Trương Thiệu Trung (Zhang Zhaozhong), kiêm giảng viên của Đại học Quốc phòng TQ, bình luận về vụ tai nạn của tàu John McCain: “Gieo gió thì gặp bão thôi. Tàu USS John S. McCain đã gây ra rất nhiều rắc rối ở Biển Đông“.


Cảnh giác trước Trung Quốc
TTXVN có bài: Sáng kiến Vành đai và Con đường: Cơ hội mới cho hợp tác Việt-Trung. Tin cho hay, sáng 25/8 tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao Việt Nam cùng Đại sứ quán Trung Quốc tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Sáng kiến Vành đai và Con đường: Cơ hội mới cho hợp tác Việt-Trung”.

Bài báo cho biết: Trên tinh thần “duy trì và củng cố hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực“, buổi tạo đàm muốn “làm rõ các vấn đề liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường” giúp cho công chúng, giới học giả và các doanh nghiệp VN “hiểu rõ hơn về mục tiêu, cơ hội và các vấn đề trong triển khai Sáng kiến“.


Bộ sách Lịch sử Việt Nam: Vẫn là loại lịch sử do đảng viết ra
Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn nhận xét: “Bây giờ có gọi Việt Nam Cộng Hòa đúng như cái tên của nó, thì cũng không thay đổi được cái gì, từ lịch sử cho tới việc khẳng định chủ quyền biển đảo“. Lý do, theo ông Tuấn, tiêu chuẩn của “sử học” là sự “trung thực”, nên bất kỳ một sự nửa vời nào đều là gian dối.

Facebooker Nguyễn Thị Bích Ngà có bài: Về bộ sách Lịch sử Việt Nam. Cô Ngà cho rằng, bộ sách này không có gì mới cả, vẫn là loại sách lịch sử do đảng viết ra, sở dĩ nó ồn ào mấy ngày qua cũng chỉ là một hình thức PR, “đánh vào tâm lý mong muốn có sự đổi mới trong xã hội, mong ước sự thật lich sử được làm rõ của nhiều người dân để… bán sách“.

Cô Ngà viết, “lật giở những đoạn lịch sử hiện đại trong cuốn 12, thì thấy đó vẫn là lịch sử đảng mở rộng, không khác các sách tuyên truyền. Nó không phải là sách sử...” Về Chính quyền VNCH: “Sách vẫn viết ‘chính quyền tay sai’, không hề thừa nhận VNCH như một số người nhận định“.
                                    
Trang 167, tập 12, sách Lịch sử Việt Nam, vẫn gọi chính quyền VNCH là “ngụy quân, ngụy quyền”. Nguồn: Nguyễn Thị Bích Ngà.

Ông Trần Đức Cường, cựu Viện trưởng Viện sử học và là tổng chủ biên bộ sách lịch sử này, đã từng phát biểu: “Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả“.

Hơn một tháng trôi qua, Chủ tịch nước vẫn ‘biệt tích’
Trang Dân Luận có bài dịch từ báo Nikkei Asian Review: Nghi ngại gia tăng trước sự vắng mặt bí ẩn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Kể từ tối 25/7/2017 đến nay, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không hề xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, mà chỉ có các tờ báo đưa tin, Chủ tịch nói cái này, Chủ tịch làm cái kia… nhưng không hề có hình ảnh, âm thanh mới nhất, chứng minh sự tồn tại của ông Quang.

Bài viết nêu những sự kiện bất thường liên quan đến sự vắng mặt của Chủ Tịch nước Trần Đại Quang, như việc đột ngột thay đổi lịch trình của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ thăm Việt Nam đêm 22/8/2017: “Phiên bản sửa đổi được gửi tới các phương tiện truyền thông đã xóa bỏ cuộc gặp với Trần Đại Quang được dự kiến ​​vào ngày hôm sau. Bộ Ngoại giao không đưa ra lý do gì để giải thích cho sự thay đổi“.

VOA có bài: Không đặc xá và ông Quang vắng mặt bất thường: điều gì đang xảy ra? Bài báo viết: “Các nhà quan sát Hà Nội đang chờ xem liệu ông Quang có xuất hiện vào ngày lễ Quốc Khánh 2-9 này hoặc đánh trống khai giảng năm học mới vào ngày 5-9 như các vị chủ tịch nước tiền nhiệm đã làm hay không. Việc không xét đặc xá 2-9, không tiếp thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với sự vắng mặt bất thường của ông Quang trong tháng qua, vẫn chưa ngơi những lời đồn đoán trong chính trường Hà Nội“.


“Trịnh – Nguyễn phân tranh”
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh có bài: Hai ông họ Nguyễn đau đầu với hai ông họ Trịnh. Đó là hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc, đấu với hai ông Trịnh Vĩnh Bình và Trịnh Xuân Thanh. Theo ông Chênh, trong khi ông Trọng là người chịu trách nhiệm trực tiếp về vụ “đầu thú” của ông Trịnh Xuân Thanh, thì ông Phúc lại là người đứng đầu chính phủ đương nhiệm, phải lo giải quyết hậu quả của những vị lãnh đạo tiền nhiệm, như vụ kiện của doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình.

Với ông Trọng: “Mỗi thông tin đưa ra như một tiếng búa nện vào tai ông ấy. Mà gần một tháng qua, từ trung tâm Berlin cứ thế, chậm chạp, đều đặn và từ tốn vang lên từng nhát búa, chưa biết đến lúc nào mới ngưng. Khổ thân ông. Phải chi trắng đen, nước Đức lạnh lùng ấy làm quách một lần cho xong để ông Trọng dứt cơn đau đầu, yên tâm lo việc đốt lò cứu đảng“.

Còn với ông Phúc thì: “Ở phiên tòa Paris này, dù ông Nguyễn có thắng ông Trịnh thì VN cũng thua to. Bao nhiêu cái xấu xa của hệ thống tư pháp không độc lập bị phơi bày ra trước mắt thiên hạ qua vụ hình sự hóa quan hệ kinh tế với nhà đầu tư Trịnh Vĩnh Bình trước đây ở VN“.

Nhà báo Bùi Tín có bài trên VOA: Cột trụ suy yếu nhất của Lâu Đài Độc Đảng. Nhờ có 2 vụ án liên quan đến pháp luật quốc tế, giúp người dân hiểu rõ “thế nào là một nền tư pháp quốc tế, dân chủ công bằng, bình đẳng, thế nào là một phiên tòa liêm chính, thượng tôn luật pháp, không có một uy quyền hay số tiền nong nào có thể mua chuộc…”

Về vụ án Trịnh Vĩnh Bình kiện chính quyền CSVN, ông Bùi Tín viết, “trong vụ án này, Nhà nước độc đảng lần đầu phải ngồi vào ghế bị cáo, cúi đầu phải nghe và trả lời quan tòa một cách lễ phép, để rồi phải cúi đầu nghe các bản luận tội đanh thép. Đây là bài học nhớ đời cho những kẻ quen xử án theo uy quyền tuyệt đối – pháp luật là ta“.

RFA có bài: Thiếu dân chủ, trả giá kinh tế. Ông Davit Hutt, báo The Diplomat, cho biết: “Theo tôi, một trong những điều Đức có thể làm là đe doạ cắt giảm viện trợ Việt Nam, và có lẽ Đức sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác cùng làm như vậy. Đức cũng có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam.”

Nhân quyền Việt Nam
BBC có bài: Khởi tố LS Đài theo hai điều là ‘chưa có tiền lệ’. Việc LS Nguyễn Văn Đài bị khởi tố về các tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 88 và 79 Bộ luật Hình sự, được LS Lê Quốc Quân nói: “Tôi bị sốc… Lần đầu tiên có người bị khởi tố vì hai hành vi liên quan đến hai Điều 79, 88 thuộc Chương an ninh quốc gia, có mức án rất cao, có thể đến tử hình”.

LS Lê Quốc Quân cho biết thêm: “Chính quyền xem vụ án Nguyễn Văn Đài là đầu vụ, xem ông là con cá lớn, là món đổi chác cho những vấn đề lớn với quốc tế. Nhưng hiện tại Việt Nam đang vỡ trận, bị ảnh hưởng bởi vụ không tôn trọng luật pháp quốc tế sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh nên không có nhiều cơ hội để đổi chác.

Facebooker Phạm Lê Vương Các có bài: Phán xử vụ việc giãu luật sư Hà Huy Sơn và Viện kiểm sát Tối cao, khi VKS “từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa” để có thể tham gia vụ án từ giai đoạn điều tra và quyết định chỉ để LS Hà Huy Sơn tham gia tố tụng sau khi kết thúc điều tra vụ án ông Nguyễn Văn Đài.

Ông Các đưa ra nhận định, “trong vụ việc này Quyền có luật sư kịp thời của bị can Nguyễn Văn Đài, và Quyền tham gia vào tất cả giai đoạn vụ án của Luật sư Hà Huy Sơn đã bị vi phạm. Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao cần thay đổi quyết định của mình để đảm bảo thực hiện các quyền này theo như luật định và không thể bị trì hoãn“.


Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Để đáp lại sự nhập nhèm thuốc H-Capita của công ty VN Pharma nhập về là thuốc giả hay thuốc sử dụng giấy tờ giả, báo Phụ nữ TP có bài: Bà Phạm Khánh Phong Lan, nguyên PGĐ Sở Y tế TP. HCM: ‘Nói thẳng ra, H-Capita là thuốc giả’. Bà viết rõ: “Nói thẳng ra, H-Capita là thuốc giả. Hành vi vi phạm pháp luật này gây tác hại rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe, niềm tin trong người dân và niềm tin trong điều trị“.

Bà Lan kể, “nhiều doanh nghiệp dược than trời khi tình hình cấp số đăng ký của Cục Quản lý Dược rất khó khăn khi một hồ sơ chờ đợi cả hàng năm. Trong khi đó, một công ty vừa thành lập lại trúng thầu ở nhiều địa phương. Khi cung cấp visa thì tương đối dễ dàng, trong thời gian rất nhanh. Khi cơ quan điều tra có những những kết luận thì mới ‘té ngửa’ bởi toàn bộ hồ sơ giả mạo“.

Báo Một Thế Giới có bài: Vụ VN Pharma, Bộ trưởng Y tế nói có sự vu khống, bịa đặt trên mạng xã hội. Trước hàng loạt thông tin về việc Bộ trưởng Bộ Y tế “can thiệp vào đấu thầu thuốc để công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả“, Bộ Y tế đã khẩn cấp ra Thông cáo báo chí khẳng định: “Các thông tin trên mạng là hoàn toàn vu khống, bịa đặt… đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm khắc các trường hợp đăng tải và phát tán thông tin sai sự thật và vô căn cứ làm ảnh hưởng uy tín của ngành y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế”.

Nhà báo Bạch Hoàn viết: “Vậy là, theo xác minh của báo Tuổi Trẻ, em chồng bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế là lãnh đạo của Công ty VN Pharma, trước khi công ty này bị phát hiện nhập khẩu thuốc giả.

LS Luân Lê có bài: Trách nhiệm và liêm sỉ của việc từ chức. Ông Luân dẫn chứng, nữ Bộ trưởng của Thuỵ Điển “chỉ vì lái xe khi có men rượu sau khi cảnh sát kiểm tra nồng độ cồn đã lập tức từ chức vì thấy mình không còn đủ tư cách để đảm nhận chức vụ đó nữa“. Còn Bộ trưởng về tái thiết sau thảm hoạ ở Nhật Bản, “chỉ vì lỡ lời sau trận động đất lớn ở một thành phố vào tháng 4/2017, khi nói về tình trạng nơi này vẫn còn ‘tốt’, liền sau đó đã phải từ chức vì chính điều này“…

Riêng Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, sau khi để xảy ra nhiều tai tiếng, đã “đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tin đồn, bịa đặt gây ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị và an ninh“.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu có bài: Thưa Bộ trưởng, có một người vừa mất hôm qua! Tác giả kể về một bệnh nhân ung thư, bà Chín, vừa qua đời, là những người vất vả làm lụng tích cóp quanh năm, khi có bệnh thì của cải “chuyển quyền sở hữu” cho bệnh viện, phó mặc số phận mình cho bác sĩ: “Họ chỉ biết có bệnh thì cố chịu, lúc chịu hết được thì đến bệnh viện, bác sĩ cho thuốc nào về uống thuốc đó”.

Tác giả viết, “lẽ ra Bộ trưởng phải bảo vệ họ bằng cách nêu cao trách nhiệm, vạch trần những gian dối trong đầu thầu thuốc, xoá bỏ những tiêu cực đang tồn tại trong ngành y tế. Đó là việc quan trọng hơn gấp nghìn lần chuyện Bộ trưởng nhanh chóng phân bua Bộ trưởng không từ chức, Bộ trưởng kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra ai tung tin đồn“.

Facebooker Tuệ Lâm có bài nói về thân phận bệnh nhân ung thư, 2 lần bị nhận án tử hình: “Một khi bị bác sĩ ‘phán’ bị K, bệnh nhân ung thư xem như đã nhận bản án tử hình. Vật vả chống chọi với căn bệnh nan y – giành giật sự sống mong manh, rơi vào tay đám bác sĩ ‘mê’ hoa hồng kê thuốc dỏm, họ xem như thêm một lần nữa bị tuyên án tử!

Báo Tuổi Trẻ có bài: Nguyên tổng giám đốc VN Pharma bị phạt 12 năm tù, một mức án mà dư luận cho là quá nhẹ, lẽ ra ông Hùng phải nhận bản án tử hình.

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM nói: “Các bị cáo của VN Pharma trong đó có ông Nguyễn Minh Hùng đã vi phạm Bộ luật hình sự với tội kinh doanh thuốc giả chứ không phải tội buôn lậu. Hình phạt cao nhất cho tôi kinh doanh thuốc giả là tử hình và cần phải xử nghiêm các bị cáo để răn đe hành vi vô nhân đạo này tái diễn“.

Báo Phụ Nữ TP có bài: Chuyện động trời phía sau vụ án VN Pharma. Bài báo nêu trách nhiệm của Cục Quản Lý Dược: “Vì sao chỉ trong thời gian ngắn, Cục Quản Lý Dược lại có thể cho VN Pharma nhập hàng từ đơn vị ‘không rõ nguồn gốc’ ồ ạt? Ai ‘chống lưng’ cho những phi vụ này? Do vậy, việc không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ Cục QLD là không thể chấp nhận“.

Cũng báo Tuổi Trẻ, có bài: Nhức nhối chuyện nâng khống giá thuốc để chi hoa hồng. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: “Nếu tài trợ nghiên cứu khoa học hoặc đào tạo thì được, còn đưa tiền mặt cho bác sĩ là hành vi không thể chấp nhận. Tuy nhiên muốn đưa vào luật thì phải nghiên cứu thêm, đưa vào chương nào, khoản nào…”.

Báo Nhà Quản Lý có bài: Làm thế nào để không mua phải thuốc chống ung thư giả? Báo viết giới thiệu “top 20 loại thuốc chữa các loại bệnh ung thư bán chạy nhất trên thế giới năm 2017″ để bạn đọc tham khảo.

Bệnh nhân nằm chờ khám bệnh ở bệnh viện ung bướu. Nguồn: suckhoeembe.com


Diễn biến Đồng Tâm
Ông Nguyễn Đăng Quang, cựu Đại tá công an có bài: Đồng Tâm lại bất an: Cụ Lê Đình Kình bị Cục Điều tra Hình sự – Bộ Quốc phòng triệu tập. Tác giả cho rằng, “việc triệu tập này của quý Cục là thiếu khôn ngoan, thiếu sức thuyết phục, lại vừa thiếu tình người, chưa nói việc này là rất là hạ sách“, vì cụ Kình đã “công khai tố cáo 4 sỹ quan LLVT, trong đó có 3 người là của quý Cục“.

VOA có bài: Dân Đồng Tâm ‘quyết chiến’ nếu công an cố bắt người. Thông tin cho biết, Công an Hà Nội gửi giấy triệu tập hơn 70 người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội để làm rõ về vụ “bắt người trái phép” và “gây rối trật tự công cộng” xảy ra hồi tháng 4/2017. Trong khi đó, người dân tại đây nói “sẽ quyết chiến nếu công an cố bắt người“.
Anh Trịnh Bá Phương, dân oan Dương Nội cho biết: “Người dân Đồng Tâm đã tuyên bố với chính quyền, với lực lượng công an của Hà Nội rằng sau khi nhận hơn 70 quyết định triệu tập, chỉ cần bất kỳ ai ở Đồng Tâm bị bắt thì họ sẽ đóng cửa ủy ban [nhân dân], hai là họ sẽ không còn nhân nhượng với lực lượng cưỡng chế, với những quan chức tham nhũng ở địa phương nữa. Sự không nhân nhượng của người Đồng Tâm theo tôi phỏng đoán rất là nghiêm trọng. Tại Đồng Tâm có thể lặp lại nhiều vụ ở Đắc Nông”.

Đừng để xảy ra vụ Đồng Tâm 2!
Báo Gia đình & Xã hội có bài: Gần 20 công an bị thương ở Thái Nguyên: Dân dùng kẻng báo động khi có xe đổ xỉ thải. Việc đổ xỉ thải của Công ty Than Khánh Hòa đã diễn ra từ lâu và do quá bức xúc, người dân xã An Khánh – Đại Từ – Thái Nguyên đã cắt cử người ăn ngủ tại chân mỏ, dùng kẻng đánh báo động cho mọi người biết mỗi khi doanh nghiệp đổ thải.

Trước việc người dân tụ tập, phản đối việc đổ xỉ thải của Công ty Than Khánh Hòa, cơ quan chức năng Thái Nguyên đã phải huy động gần 1.000 cảnh sát để giữ gìn an ninh trật tự tại đây. Tuy nhiên, “nhiều người dân bị kích động, dùng cả gạch đá ném về phía lực lượng chức năng bảo vệ mục tiêu, khiến gần 20 chiến sĩ công an bị thương“.


UBND tỉnh Hà Tĩnh giúp đỡ Formosa
Báo Một Thế Giới có bài: Hà Tĩnh chỉ đạo các ban ngành tuyên truyền giúp công ty Formosa tuyển lao động. Do công ty Formosa không thể tuyển đủ số lao động cần thiết, nên đã gửi công văn cầu cứu tới UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan địa phương tỉnh này nhờ giúp họ tuyển nhân sự.

Một công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh giao cho Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, phối hợp với các cơ quan địa phương, “làm việc với Công ty Formosa để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giới thiệu, tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu vào làm việc tại Công ty Formosa“.

Vẫn chưa làm rõ các vi phạm của Formosa, dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục hứa là sẽ đóng cửa nhà máy này, nếu nó tiếp tục vi phạm. Bây giờ UBND tỉnh Hà Tĩnh lại giúp Formosa tuyển dụng nhân sự, giúp nhà máy này vận hành với nhiều sai phạm, để nó tiếp tục tàn phá môi trường biển miền Trung?

Không chịu giảm chi, chỉ lăm le tăng thuế
Thời báo Kinh tế SG có bài viết của tác giả Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh: Thuế nhà nước và nợ của dân. Tác giả nhận định, trong bối cảnh nợ công tại Việt Nam tăng cao, cùng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ, thì tăng thuế sớm muộn cũng sẽ xảy ra.

Tác giả kết luận: “Từ nhiều năm nay, đã rất nhiều lần các chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng cần phải giảm chi thường xuyên thì mới có cơ hội cân bằng được ngân sách của Việt Nam… Thế thì vì sao không quyết liệt hơn trong chuyện giảm chi thường xuyên thay vì quyết liệt tăng thuế? Không nên để tình trạng dân cứ phải có nghĩa vụ đóng thuế để trả nợ công và thu hẹp thâm hụt ngân sách; còn xài tiền thuế nhà nước thế nào thì là chuyện của người khác“.

Báo Tuổi Trẻ cuối tuần: Chuyện phải làm trước khi tăng thuế: giảm chi. “Tình trạng chi tiêu đến mức khiến bội chi tăng cao, đặt vấn đề thu để mà chi là không ổn. Chính phủ nên lo giảm chi trước hết… Hiện 70% tổng chi thường xuyên là chi cho lương của bộ máy“.


BOT: sản phẩm lỗi
Thời báo Kinh tế SG có bài của tác giả Võ Trí Hảo: BOT – Nhà nước cần “bảo hành” các sản phẩm lỗi. Tác giả cho rằng: “Nếu chỉ vì lý do phải lấy ngân sách để bồi thường cho nhà đầu tư để từ chối việc di dời trạm thu phí BOT trở về vị trí hợp lý thì rõ ràng Nhà nước đã bắt nhân dân gánh chịu hai lần: một lần nộp thuế, phí để nuôi bộ máy để họ gây ra lỗi, một lần phải trả phí bổ sung vì lỗi đó không được khắc phục“.
Tác giả viết: “Nếu đã thừa nhận có sai sót trong quá trình triển khai các dự án BOT như TTCP đã chỉ ra thì Nhà nước cần ‘bảo hành’ sản phẩm lỗi của mình, mà không nên đùn đẩy trách nhiệm giữa tỉnh với bộ, giữa bộ với Chính phủ nữa.


Đồng bằng sông Cửu Long kêu cứu
Báo SGGP có bài: Móc ruột những dòng sông (bài 1): Vắt kiệt tài nguyên cát. Bài báo cho biết, dọc tuyến sông Tiền, sông Hậu, hoạt động khai thác cát diễn ra rất rầm rộ, sôi động “với hàng chục xáng cạp nhấp nhô và nhiều sà lan nối đuôi nhau chờ ‘ăn’ cát”.

TS. Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam: “Hiện ở ĐBSCL có khoảng 126 tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại các mỏ cát dọc sông Cửu Long, khối lượng khai thác hàng năm khoảng 28 triệu m³. Với tốc độ khai thác như hiện nay, toàn bộ trữ lượng cát trên sông Tiền, sông Hậu sẽ hết sau 30 năm nữa. Nếu khai thác toàn bộ trữ lượng này không xem xét tác động đến môi trường, hậu quả sẽ rất khó lường“.

Mời xem lại clip của báo Lao Động: Hiểm họa từ khai thác cát tại Đồng bằng Sông Cửu Long: https://www.youtube.com/watch?v=qXX_ZsX--DI

Video clip người dân ấp Tấn Thuận, xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, hôm 20/5 đã ra tận xáng cạp, buộc công nhân ngừng hoạt động khai thác cát: https://www.youtube.com/watch?v=4kXP3QoBZj8

Vụ tàu vỏ thép đóng theo nghị định 67/CP
Báo Tuổi Trẻ có bài: Tàu vỏ thép nằm bờ, công ty dọa… kiện đăng kiểm và chủ tàu. Ông Lê Văn Thục, chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đại Nguyên Dương, đe dọa sẽ kiện cơ quan đăng kiểm và chủ tàu về chuyện ngư dân đóng tiền mua thép Nam Hàn, nhưng nhận tàu thép Trung Quốc.

Ông Thục cho rằng, mỗi con tàu có 20 tấn thép Nam Hàn và 60 tấn thép Trung Quốc, trước khi đóng đều được Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản kiểm tra, xác nhận là thép đủ mác A nên công ty mới đóng tàu cho ngư dân.

Còn ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết, “ngay tại cuộc họp nêu trên, ông đã nói thẳng với ông Thục rằng Công ty Đại Nguyên Dương đã lừa dối ngư dân khi dùng thép Trung Quốc đóng tàu thay cho thép Hàn Quốc như cam kết“.

“Mùa thu em thay áo mới”
Báo VnExpress có bài: May trang phục lưu giữ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo cho biết: “Năm năm một lần, xí nghiệp đo may quân đội tổ chức may trang phục cho Chủ tịch Hồ Chí Minh,… mỗi lần may 10 bộ hoàn chỉnh gồm 10 bộ đồ đông, 10 áo sơ mi, 10 bộ lót trong và 10 vỏ gối“. Được biết, toàn bộ vật liệu đều do Viện 69 cung cấp.

Báo cũng cho biết, “chất liệu vải sẽ được kiểm soát rất kỹ. Chỉ cần một dấu chấm nhỏ như đầu bút bi hay vết hơi mờ thì cũng phải thay bằng tấm vải khác” và “việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng cực kỳ ngặt nghèo, tính từng đường kim mũi chỉ, các thông số đảm bảo tuyệt đối. 10 chiếc áo may xong thì về trực quan và thông số phải giống nhau tuyệt đối“.

Tin quốc tế

Donald Trump, chuyện dài nhiều tập
Báo Politico có bài nói về những chuyện lộn xộn trong tòa Bạch Ốc dưới thời TrumpBài báo nói rằng, chuyện từ chức, bị sa thải hoặc ngay cả bị đe dọa phải từ chức của các quan chức bên trong tòa Bạch Ốc dưới thời Trump, không đơn giản chút nào.

Dẫn chứng nhiều trường hợp như cựu phát ngôn viên Nhà Trắng, Sean Spicer; cựu Chánh Văn phòng Reince Priebus, Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions; cựu Giám đốc Truyền thông Anthony Scaramucci, hay cánh tay phải của Trump là Steve Bannon… nhiều người đã bị Trump hành hạ để rồi đi không được, mà ở cũng không xong.

Hiện tại ông Gary Cohn, cố vấn kinh tế hàng đầu của tổng thống Mỹ đang ở trong hoàn cảnh đó, khi ông viết nhiều bức thư từ chức và cuối cùng ông chọn cách tấn công ông Trump bằng cách trả lời báo Financial Times, công khai chỉ trích ông chủ Nhà Trắng, xem ông Trump phản ứng ra sao.

Báo Người Việt có bài: Cố vấn TT Trump chỉ trích Tòa Bạch Ốc không mạnh mẽ đả kích kỳ thị chủng tộc. Ông Gary Cohn nói với báo Financial Times. “Chính phủ này có thể làm được, và phải có hành động rõ ràng hơn, trong việc lên án một cách rõ ràng và nhất quán các nhóm kỳ thị này và phải làm tất cả những gì trong khả năng để hàn gắn sự chia rẽ trong cộng đồng chúng ta“.

Về cuộc đối đầu giữa TT Trump và những người cùng đảng Cộng Hòa với ông, báo Người Việt có bài: TT Trump tiếp tục tấn công lãnh đạo Cộng Hòa. “Tổng Thống Donald Trump hiện đang làm trầm trọng hơn cuộc đối đầu với thành phần lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Quốc Hội, giữa khi thời điểm phải đưa ra được các đạo luật quan trọng đang ngày càng đến gần. Tình trạng này nếu kéo dài có thể khiến chính phủ phải đóng cửa“.

Không còn chịu đựng thêm nữa những cái tweet của Trump, bà Valerie Plame Wilson, cựu nhân viên CIA gây quỹ, để mua lại Twitter, “bịt miệng” Tổng thống. Bà Wilson cho biết trên Twitter: “Có hàng ngàn người đã đóng góp trong hai ngày qua, đã nhận được đóng góp $1.000 mỗi tiếng, có thêm nhiều người mới tham gia đóng góp từng phút“.

Bà Valerie Plame Wilson là vợ của cựu đại sứ Mỹ Joseph Wilson ở Niger. Còn nhớ, năm 2006, dưới thời TT George W. Bush, bà Wilson đã từng kiện Phó Tổng thống Dick Cheney và các viên chức cao cấp khác trong chính quyền Bush con, gồm cố vấn của tổng thống và phó tổng thống, cáo buộc họ đã tiết lộ danh tính của bà, để trả thù chồng bà khi ông điều tra vụ bê bối của chính quyền Bush liên quan tới “vũ khí hủy diệt hàng loạt” ở Iraq.


Mỹ bắt tin tặc Trung Quốc
VOA đưa tin: Một tin tặc Trung Quốc bị Mỹ bắt ở Los Angeles. Người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, hôm 24/8, ông Vu Bình An, người Thượng Hải đã bị bắt ngày 21/8 tại phi trường Los Angeles, “vì bị cáo buộc cùng một số người khác sử dụng một phần mềm độc hại có tên gọi là Sakula“. Ông Vu bị cáo buộc “cung cấp một phần mềm độc hại có liên quan đến vụ đánh cắp lý lịch an ninh của hàng triệu viên chức chính quyền liên bang Mỹ“.

Lệnh bắt giữ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra
RFI đưa tin: Thái Lan phát lệnh bắt giữ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra. Tòa án Tối Cao dự định tuyên án cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra vào ngày 25/08/2017 vì tội bất cẩn trong thời gian đương nhiệm, tội danh mà bà có thể đối mặt với mức án 10 năm tù. Bà Yingluck Shinawatra thông báo không đến tòa vì lý do sức khỏe, nên các thẩm phán đã ra lệnh bắt giữ cựu thủ tướng và hoãn tuyên án tới cuối tháng 9.

Phóng viên RFI tường trình: “Sau nhiều tiếng đồng hồ chờ đợi, một thông báo bất ngờ được đưa ra: Luật sư của bà Yingluck Shinawatra giải thích thân chủ của ông có vấn đề về sức khỏe, bị đau tai, vì thế bà không thể đế để nghe tuyên án. Không thuyết phục với lý do trên, Tòa đã phát lệnh bắt giữ, cho rằng bà Yingluck Shinawatra có thể bỏ trốn… tòa quyết định hoãn tuyên án đến ngày 27/09 tới”.



*
*
Bài Mới Nhất
26/08/2017
26/08/2017
26/08/2017
25/08/2017
25/08/2017
25/08/2017
25/08/2017
25/08/2017
25/08/2017
25/08/2017









No comments: