Jul 30, 2017 03:34 pm
Vào ngày này cách đây 61 năm, cụm từ “In God We
Trust” (tạm dịch: “Chúng ta tin Chúa”) trở thành tiêu ngữ quốc gia Mỹ.
Dòng tiêu ngữ trên
đồng tiền Mỹ. Ảnh: Liberty News Now
Ai đã từng cầm một tờ đô-la Mỹ trên tay đều dễ dàng
nhìn thấy dòng chữ này. Vì sao một nhà
nước thế tục như Mỹ lại sử dụng dòng chữ mang đầy tính tôn giáo này
làm tiêu ngữ quốc gia?
“Chúng ta tin Chúa” bắt nguồn từ bài thơ Lá cờ sao lấp lánh được luật sư Francis Scott
Key viết trong Cuộc
chiến Anh-Mỹ năm 1812. Bài thơ này được nhà soạn nhạc John Stafford
Smith phổ nhạc, và vào năm 1931, đã chính thức trở thành Quốc ca Hoa Kỳ.
Một đạo luật của Quốc hội vào năm 1864 đã cho phép
khắc dòng chữ này trên đồng hai xu sau khi có rất nhiều người dân đưa ra đề xuất.
Người đi đầu trong nỗ lực này là mục sư M. R. Watkinson của bang Pennsylvania.
Theo thông tin từ Bộ Ngân khố Hoa Kỳ, mục sư M. R. Watkinson cho rằng, khi Cuộc
chiến Nam – Bắc trở nên khốc liệt hơn, đại bộ phận người dân miền Bắc cảm thấy
họ cần phải được tiếp sức niềm tin để tiếp tục chiến đấu.
Niềm tin của họ, theo Watkinson, chính là God.
God ở đây được hiểu là Chúa trời, hay Thượng đế. Nhiều người Mỹ tin
rằng Chúa trời đã bảo vệ nước Mỹ từ những năm đầu lập quốc, nhờ vậy, cho dù đã
từng trải qua nhiều cuộc chiến ác liệt, Liên bang Hoa Kỳ (the Union) vẫn tồn tại.
Bài thơ Lá cờ sao lấp lánh đã truyền cảm
hứng đặc biệt cho người dân miền Bắc. Lý do là nó ra đời sau khi tác giả chứng
kiến pháo đài McHenry tại thành phố Baltimore, bang Maryland vẫn ngoan cường
chiến đấu và không thất thủ, dù bị quân đội Anh tấn công dữ dội vào đêm
18/6/1812.
Francis Scott Key hoàn thành bài thơ vào năm 1814,
và ông đã viết:
“Hãy cùng ca tụng quyền lực nào đã làm nên và bảo
toàn Tổ quốc ta! Chiến thắng rồi sẽ đến với những ai mang lý tưởng của sự công
bình. Hãy lấy điều này mà làm tiêu ngữ, ‘Chúng ta tin Chúa’!”
Và theo mục sư Watkinson, niềm tin của các binh sĩ
trong cuộc chiến Anh – Mỹ cũng chính là niềm tin của người miền Bắc trong thời
kỳ Nội chiến, rằng Chúa đứng về phía họ, như đã từng đứng về phía cha ông họ
trong những cuộc chiến trước, và sẽ giúp họ chiến đấu bảo vệ một nước Mỹ toàn vẹn.
Đến tháng 3/1865, khi Nội chiến sắp kết thúc, Quốc hội
Mỹ tiếp tục ban hành một đạo luật nữa, cho phép tiêu ngữ này được khắc trên tất
cả các đồng tiền kim loại. Ngay sau khi Nội chiến chấm dứt, từ năm 1866 trở đi,
tiêu ngữ này đã bắt đầu xuất hiện trên các đồng xu Hoa Kỳ.
Tiến vào thập niên 1950, cuộc chiến chống lại ý thức
hệ cộng sản dâng cao tại Mỹ. Một số người dân cho rằng, việc xác quyết niềm tin
vào tôn giáo một lần nữa cần được đề cao để khẳng định Hoa Kỳ là một đất nước
có niềm tin tôn giáo, trái ngược với tư tưởng vô thần của những người cộng sản.
God đến lúc này được họ hiểu là đấng tối cao nói chung của các tôn giáo,
chứ không riêng tôn giáo nào.
Vì vậy, ngày 11/7/1955, Tổng thống Dwight D.
Eisenhower đã ký ban hành Đạo luật H.R.619,
và kể từ năm 1957 trở về sau thì không chỉ các đồng xu, mà tất cả các đơn vị tiền
tệ của Hoa Kỳ sẽ đều in dòng chữ “In God We Trust”.
Ngày 30/7/1956, tiến thêm một bước, Tổng thống
Eisenhower lại ký ban hành Đạo luật P.L.84-140, chính thức công
nhận dòng chữ “In God We Trust” là tiêu ngữ quốc gia của Hoa Kỳ.
Luật sư Francis
Scott Key, tác giả bài thơ “Lá cờ sao lấp lánh”, sáng tác năm 1812, sau này được
phổ nhạc thành Quốc ca Hoa Kỳ. Ảnh: Maryland Public Television.
Có
trái ngược với Hiến pháp không?
Ngay từ những ngày đầu tiên khi “In God We Trust” trở
thành tiêu ngữ quốc gia, nó đã bị phản đối.
Những người ủng hộ một nhà nước thế tục tuyệt đối
(secularists) cho rằng nó vi phạm Tu chính án thứ Nhất của Hiến pháp Mỹ, vốn
ngăn cấm Quốc hội ban hành bất kỳ đạo luật nào tôn vinh một tôn giáo nào hay cấm
đoán quyền tự do tôn giáo của người dân.
Hầu hết những người cho rằng tiêu ngữ này vi hiến đều
dựa vào lập luận của Thomas Jefferson, là một trong những tổ phụ cổ xúy cho việc
Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ phải tuyệt đối trở thành một nhà nước thế tục.
Trong bức thư gửi Hội
thánh Danbury năm 1802, Jefferson đã giải thích lý do vì sao ông ủng hộ việc
phân chia rõ ràng giữa quyền lực nhà nước và thần quyền của một tôn giáo.
“Tôi,
cũng như quý vị, tin rằng tôn giáo là vấn đề riêng tư giữa một cá nhân và Thượng
đế, rằng một người không cần phải giải thích với bất kỳ ai về niềm tin hay cách
thức mà anh ta thờ phụng, và rằng các quyền lực chính đáng của một nhà nước chỉ
có thể vươn đến các hành vi của một người chứ không phải là những suy nghĩ của
anh ta.
Tôi
đoan chắc, với chủ quyền nhân dân đáng kính mà người dân Hoa Kỳ đã dùng để
tuyên bố rằng, cơ quan lập pháp của họ sẽ ‘không tạo ra những luật lệ chỉ tôn
vinh sự thiết lập của một tôn giáo, hay cấm đoán quyền được có tự do tín ngưỡng’,
là chính người dân đã dựng lên một bức tường phân cách giữa Nhà nước và
Tôn giáo” – Thomas Jefferson (1802).
Theo Giáo sư Công pháp Jesse
H. Choper của Đại học Luật Berkeley, bang California, Tu chính án thứ
Nhất thường được các án lệ diễn giải là Hiến pháp không cho phép nước
Mỹ có quốc giáo (national religion) và cũng nghiêm cấm chính quyền liên bang
dùng ngân sách quốc gia để ủng hộ việc thiết lập hoặc vận hành của bất kỳ một
tôn giáo nào.
Vào năm 1971, trong án lệ Lemon v.
Kurtzman, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã đưa ra ba tiêu chuẩn để giúp xác
định một hành vi hay đạo luật của chính phủ có vi phạm Tu chính án thứ Nhất hay
không, bao gồm:
- mục đích của nhà nước phải mang tính thế tục (secular purpose),
- kết quả tiên quyết (primary purpose) của hành vi hay đạo luật của nhà nước không thể ủng hộ hay ngăn cấm bất kỳ một tôn giáo nào, và
- không được tạo ra quan hệ đan xen quá mức giữa nhà nước và tôn giáo.
Tự do tôn giáo lại còn có nghĩa là người ta có quyền
theo hoặc không theo bất kỳ một tôn giáo nào. Những ai phản đối sử dụng
“Chúng ta tin Chúa” thì cho rằng, mục đích của việc đưa nó trở thành tiêu ngữ
rõ ràng là ý tứ của những người tin vào thần quyền. Vì thế, mục đích của đạo luật
này đã mất đi tính thế tục, và là hành vi vi hiến.
Tuy nhiên, tòa án Hoa Kỳ đã không đồng ý với lập luận
trên, và tiêu ngữ này vẫn tiếp tục được sử dụng.
Tiêu ngữ “Chúng ta
tin Chúa” trên tem Hoa Kỳ thập niên 1960. Nguồn: Shutterstock.
Tòa
án nghiêng về phe ủng hộ tiêu ngữ
Trong 61 năm kể từ khi “Chúng ta tin Chúa” trở thành
tiêu ngữ quốc gia, đã có khá nhiều vụ kiện phản đối nó. Lần gần đây nhất là vào
năm 2016, khi một người theo chủ nghĩa vô thần (atheist), luật sư Michael
Newdow, nộp đơn kiện yêu cầu tòa án không công nhận “Chúng ta tin Chúa” là tiêu
ngữ quốc gia vì lý do vi hiến.
Nhưng mặc cho các nỗ lực của những người như Michael
Newdow, cho đến thời điểm hiện tại, quan điểm của các vị thẩm phán Hoa Kỳ trong
các án lệ liên quan vẫn không thay đổi, và nghiêng về phía ủng hộ tiêu ngữ.
Theo các thẩm phán, tiêu ngữ “In God We Trust –
Chúng ta tin Chúa”, không phải là một câu văn có ý nghĩa tôn giáo tại Mỹ.
Do đó, tiêu ngữ này không vi phạm Tu chính án thứ Nhất.
Ngoài ra, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ liên tục từ
chối, cũng như chưa bao giờ xem xét những vụ kiện liên quan đến tiêu
ngữ “Chúng ta tin Chúa”.
Và vì thế, hiện nay, án lệ Aronow
v. United States (1970) của Toà Phúc thẩm Liên
bang Khu vực số 9 có thể được xem là phán quyết có thẩm quyền cao nhất về vấn đề pháp lý này.
Theo án lệ này, “rất hiển nhiên là câu
tiêu ngữ quốc gia được in trên các đồng xu và toàn bộ hệ thống tiền tệ của Hoa
Kỳ – ‘Chúng ta tin Chúa’ – không có bất cứ mối liên quan gì đến việc thiết lập
một tôn giáo nào (làm quốc giáo)”.
Ngoài ra, những gì thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ,
William J. Brennan Jr., viết trong án lệ Lynch v. Donnelly (1984) – là một
vụ kiện liên quan đến lời tuyên thệ trung thành với nước Mỹ (pledge of
allegiance) – cũng nói rõ quan điểm chung của các tòa án Mỹ về vấn đề này.
Đó là, ngày nay, các tiêu ngữ như “Chúng ta tin
Chúa” hay “Dưới Thiên Chúa” (Under God) đã mất đi màu sắc tôn giáo của nó bởi
vì mọi người cứ nhai đi nhai lại những câu nói này theo kiểu học vẹt. Điều này
đã khiến chúng không còn được xem là một cách tuyên xưng tôn giáo nữa, mà chỉ
còn mang tính hình thức, đủ để xem đó là một phần của nghi lễ dân sự (civil
religion).
Thái độ của các thẩm phán cũng đại diện cho số đông
dân chúng.
Đến thời điểm hiện tại, đa số người Mỹ vẫn ủng hộ
“In God We Trust”, và điều này được thể hiện qua việc Quốc hội Mỹ đã rất nhiều
lần tái
khẳng định đó chính là tiêu ngữ quốc gia. Lần gần nhất là vào năm
2011.
Vì sao người Mỹ lại có thái độ như vậy?
Ủng
hộ tiêu ngữ “Chúng ta tin Chúa” vì lý do lịch sử
Ngoài việc nghe quen tai như các thẩm phán đã chỉ ra
ở trên, đa phần những người ủng hộ (hoặc không phản đối) dựa vào lịch sử và bối
cảnh ra đời của nó tại Hoa Kỳ, chứ không hẳn bởi vì họ là những người sùng đạo.
Theo thời gian, trong sâu thẳm tâm thức của người Mỹ,
ca từ của bài Quốc ca hiển nhiên được xem là một phần của lịch sử đất nước, với
một tinh thần rất thế tục chứ không có mục đích tôn giáo nào nữa.
Hơn thế, hoàn cảnh ra đời của tiêu ngữ trong thời kỳ
Nội chiến càng giúp người Mỹ khẳng định niềm tin vào sự vẹn toàn của Tổ quốc họ,
cũng như lý do để họ tiếp tục bảo vệ quốc gia và những giá trị, di sản ông cha
để lại.
Vì vậy, chúng ta có thể phần nào hiểu được vì sao đa
số người Mỹ không cảm thấy họ đang tuyên xưng cho một quốc giáo, khi chọn một
câu trong bài thơ Lá cờ sao lấp lánh của luật sư Francis Scott Key làm
tiêu ngữ quốc gia của mình.
United
States of America's National Anthem
*
Tài
liệu tham khảo:
- The real story behind ‘In God we Trust’
- Over God We Fight
- One Nation Under God: Is the Pledge of Allegiance constitutional?
- ‘In God We Trust’ will stay on U.S. coins after Supreme Court rejects appeal
No comments:
Post a Comment