Cách đây 3 năm, nhân kỷ niệm 60 năm sau cuộc di cư
1954, nữ sĩ Trùng Dương có bài viết và giới thiệu về một tác phẩm của một người
Mỹ như một sử liệu quan trọng và đầy đủ nhất về cuộc di cư ấy. Đó là cuốn “Operation
Passage to Freedom – The United States Navy in Vietnam, 1954-1955” ((Texas
Tech University Press, Lubbock, Texas, 2007), tạm dịch là “Chiến Dịch Đường Tới Tự Do – Hải
Quân Hoa Kỳ tại Việt Nam, 1954-1955”, do Ronald B. Frankum, Jr. biên soạn).
Theo đó cuộc di tản này có sự tham dự của 115 chiến hạm và các loại tầu lớn, nhỏ
khác của Mỹ, và đã chuyên chở trên 310,000 người trong số 800,786 tổng số người
di cư, kể cả dân lẫn quân sự, từ Bắc vào Nam. Số còn lại do các cơ quan của
chính phủ Việt, Pháp và Anh đảm trách, bằng phương tiện vừa tầu thủy vừa máy
bay, và khoảng trên 40,000 người tự túc bằng các phương tiện riêng. (Table
10.1. Evacuation Totals, May 1955, tr. 205, và Phụ Lục C, tr. 216).
Bà Trùng Dương cho biết thêm: đây cũng là một tài liệu
quý và có lẽ là độc nhất về cuộc di tản vĩ đại, tuy không bi thảm bằng cuộc di
tản năm 1975 và những chuyến vượt biên sau đó, cho những nhà viết sử và những
người quan tâm tới lịch sử Việt Nam. Bởi vì tập sách không những chỉ đề cập tới
việc di tản người di cư, mà còn kể tới cả những nỗ lực định cư khối gần 1 triệu
người tại miền Nam nữa, ít ra là trong thời gian 300 ngày di tản, cho tới khi
chuyến tầu chót rời vùng Hải Phòng vào ngày 15 tháng 5, 1955 khi bức màn tre
buông xuống ở miền Bắc.
Cuộc di tản không những đã gây ấn tượng sâu đậm nơi
các thủy thủ đã tham dự vào chiến dịch di tản vĩ đại này, nó còn thay đổi cuộc
đời của gần 1 triệu người Bắc di cư, bên cạnh cuộc đời của 11 triệu người sinh
quán ở miền Nam, sự ra đời của một quốc gia mang tên Việt Nam Cộng Hoà hừng hực
một sức sống và tiềm năng phát triển. Với sự bảo lãnh của Hoa Kỳ, VNCH đã lôi
kéo được nhiều hứa hẹn tiếp tay kiến thiết và xây dựng từ các nước tự do trên
thế giới. Nếu không vì tham vọng thanh toán miền Nam của Hànội và sự hỗ trợ ồ ạt
của khối cộng sản thế giới sau đó và một guồng máy tuyên truyền tinh vi, có thể
VNCH đã trở thành một thứ Nam Hàn…
Trong cuốn “Operation Passage to Freedom”, Frankum
cho rằng Hoa Kỳ đã hành xử trong tinh thần trách nhiệm: sau khi đã giúp di tản
khối người khao khát tự do đông đảo này vào miền Nam (mà nếu để một mình hai
chính phủ Pháp và Việt Nam chắc chắn đã không mang được cái biển người muốn rời
khỏi miền Bắc vào Nam ấy, trong khi Anh quốc cũng chỉ tiếp tay cầm chừng vì coi
đó là vấn đề của Pháp). Để giúp họ ổn định chỗ ở, Hoa Kỳ đã không thể quay lưng
coi như đã hoàn tất phần sự và đã tiếp tục hỗ trợ giúp miền Nam xây dựng nên một
quốc gia mới trên căn bản dân chủ tự do, điều mà ai cũng phải công nhận. Sự
tham dự tích cực này của Hoa Kỳ lại chính là điều mà Hà Nội đã khôn khéo khai
thác tuyên truyền cho chiêu bài chiến tranh giải phóng của họ vài năm sau đó…”
.
No comments:
Post a Comment