Friday, July 28, 2017

VÀNG và CỨT (S.T.T.D Tưởng Năng Tiến)





Nếu bạn để chính phủ (cộng sản) điều hành sa mạc Sahara, trong 5 năm chúng ta sẽ thiếu cátMilton Friedman

Nghi thức hara-kiri

Bắt đầu từ thế kỷ thứ XII, người Nhật Bản “phát minh” ra một nghi thức tự tử (hara-kiri) mà ai ngó thấy cũng phải hết hồn. Họ đâm dao vào bụng trái, rồi rạch qua phải, xong thốc ngược mũi lên phần ngực. Chết là cái chắc! Bởi vậy mới có thành ngữ “gan như Nhựt.” Qua đến đầu thế kỷ 21, nhân loại mới được nghe nói tới một trường hợp tự tử cũng bằng dao nhưng ghê rợn hơn nhiều – theo bản tin (“Một Phụ Nữ Chết Ở Trụ Sở Công An Với Nhiều Vết Đâm”) của báo Dân Trí:

“Ngày 13-4, công an thị trấn Long Hải tiếp nhận thông tin từ một gia đình ngụ trong thị trấn về việc bị mất trộm tài sản. Qua camera an ninh, chủ nhà nghi ngờ chị T. là người trộm tiền. Đầu giờ chiều cùng ngày, Công an thị trấn Long Hải đã mời chị T. đến trụ sở làm việc. Sau hơn hai giờ làm việc, công an cho gia đình bảo lãnh chị ra về.

Khoảng 30 phút sau chị T. quay lại trụ sở công an thị trấn Long Hải. Khi cán bộ công an thị trấn Long Hải đi ra khu vực phía sau thì phát hiện chị T. nằm dưới đất với con dao còn trên ngực. Chị T. được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Qua khám nghiệm tử thi, trên người chị T. có 12 vết đâm.”

Ngay cả Giới Hiệp Sỹ Đạo Nhật Bản mà đọc bản tin dẫn thượng (chắc) cũng sợ teo chim. Sao lại có một phụ nữ Việt Nam gan dạ tới cỡ đó, hả Trời. Dám quyên sinh bằng một cái dao... rất cùn nên phải tự đâm vào mình tới mười hai lần lận!

Sự can đảm quá cỡ thợ mộc của chị T. khiến cho blogger Hải Âu nghi ngại, và xem đây là một “chuyện quá hoang đường!” Thực ra, gần đây, có nhiều vụ tự tử còn “hoang đường” hơn nữa:

- Ngày 9 tháng 2 năm 2017, ông Nguyễn Thành Ngôn treo cổ bằng dây giầy tại đồn công an Yên Thành - Nghệ An.

- Ngày 3 tháng 5 năm 2017, ông Nguyễn Hữu Tấn dùng dao cắt cổ đứt lìa tại đồn công an Bình Minh - Vĩnh Long.

- Ngày 14 tháng 6 năm 2017, ông Ngô Chí Tâm thắt cổ bằng dây thun quần tại đồn công an Thủ Đức - Sài Gòn.

- Ngày 7 tháng 7 năm 2017, ông Nguyễn Hồng Đê thắt cổ bằng áo dài tay tại đồn công an Ninh Hải - Phan Rang.

Cùng với những phương cách quyên sinh hoang đường kể trên, người Việt còn có nhiều kiểu hy sinh rất lạ mắt và khó tin không kém:

- Ngày 12 tháng 12 năm 1953, ông Bế Văn Đàn hy sinh lấy vai làm giá súng. 

- Ngày 1 tháng 2 năm 1954, ông Tô Vĩnh Diện hy sinh lấy thân chèn pháo.

- Ngày 13 tháng 3 năm 1954, ông Phan Đình Giót hy sinh lấy thân mình lấp lỗ châu mai.

Đó là chưa kể đến nhiều đợt hy sinh ở bình diện tập thể, chưa từng xẩy ra ở một quốc gia nào khác – ngoài Việt Nam: 

- Sau cuộc Cải Cách Ruộng Đất (1953 – 1956) tại miền Bắc, toàn thể nông dân ở đây đã “tự nguyện” mang hết đồng ruộng giao nộp lại cho Nhà Nước (bằng cách gia nhập hợp tác xã) để Chính Phủ thực hiện chính sách... đất đai là của toàn dân.

- Trong cuộc Cải Tạo Công Thương Nghiệp, kéo dài nhiều đợt, ở miền Nam, không ít người dân ở vùng đất này cũng đã “tự nguyện” mang hết tài sản (nhà, xe, cơ sở thương mại) cho Nhà Nước dưới hình thức hiến tặng.

Ngoài ruộng đất, xe cộ, nhà cửa, cơ sở làm ăn..., đã có lúc dân Việt còn mang luôn vàng cho (không) Chính Quyền Cách Mạng nữa kìa. Ký giả Trà Phương – báo Vnexpress, số ra ngày 13 tháng 10 năm 2010 – có bài tường thuật, kèm hình ảnh (ngó) vô cùng cảm động:

“Sau khi giành độc lập, đất nước gặp nhiều khó khăn về tài chính, 4/9/1945 Bác Hồ đã phát động Tuần lễ Vàng kêu gọi mọi người ủng hộ ngân sách quốc gia. Trong tuần lễ này, giới công thương có đóng góp nhiều nhất.”

ông đảo đồng bào, trong đó có tầng lớp thương nhân tham dự buổi đấu giá tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuần Lễ Vàng 9/1945. Ảnh và chú thích: Vnexpress

Dù với đủ kiểu và đủ cách hy sinh của người dân (về tính mạng cũng như tài sản) ròng rã hơn bẩy mươi năm qua, Nhà Nước Cách Mạng Việt Nam – xem ra – vẫn nhất định không chịu phát triển. Quốc khố vẫn cứ trống trơn, cũng y như lúc vừa cướp được chính quyền, và nợ công thì đang chồng chất.

Theo TTXVN, đây là vấn đề đã được Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên lên trong hội nghị tổng kết ngành tài chính vào ngày 6 tháng 1 năm 2017: 

“Nợ công trong 5 năm qua tăng trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng... tốc độ tăng chi thường xuyên cao... thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ.... nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ nền tài khóa quốc gia không thể tránh khỏi... Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan chức năng phải có cải cách đột phá trong tư duy ngân sách...”

Khuynh hướng tư duy “đột phá” đang được nhắc đến nhiều nhất là... huy động nguồn lực vàng trong dân! Nói nào ngay thì kiểu “tư duy” này cũng gần giống như chuyện bác Hồ phát động “tuần lễ vàng” hồi năm 1945 thôi, chớ cũng không được “đột phá” gì cho lắm. 

Cái gì chớ vàng thì hiện nay người dân không thiếu, và còn có nhiều hơn hồi trước nữa kìa (đó là chưa kể đô la) nhưng e là họ thiếu niềm tin vào cái Nhà Nước hiện hành. Liên quan đến vấn đề huy động vàng trong dân, trong cuộc phỏng vấn do báo Dân Trí thực hiện, chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu góp ý:

“Hiện nay, chưa có thống kê rằng, loại vàng nào trong dân là nhiều, vàng miếng, vàng trang sức, nữ trang để đưa ra lời khuyên cho các nhà hoạch định chính sách và giúp người dân hiểu được chủ trương. Tôi cho rằng, nếu chúng ta làm tốt chủ trương này, thì đây là cơ hội lớn để phát triển đất nước, gia tăng tài sản cho NHNN. Đồng thời, nó cũng là cơ hội kinh doanh, kiếm lời cho người dân.”

Ông nội T/S này không biết từ hang hóc nào mới chui ra, hay chắc mới từ ... trên trời rớt xuống nên không biết những chuyện cười (ra nước mắt) như sau, ở nước CHXHCNVN: 


- Báo Kiến Thức,09/03/2015: " Gửi tiết kiệm 20 năm mua được… 3 kg thịt.”




- Báo Điện Tử Đài Tiếng Nói Việt Nam, 10/05/2017: “Lào Cai: Hàng chục tỷ gửi tiết kiệm ‘bốc hơi’ chỉ còn 1 triệu đồng

Dân Việt không ít kẻ đã gửi gắm niềm tin vào Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh và đang nhận lại nguyên một băng trộm cướp. Tuy thế, báo Dân Trí, số ra ngày 16 tháng 7 năm 2017, lại vừa có bản tin (“Bộ Tài Chính Đôn Đốc Trả Nợ Tiền Vay Dân Sau Hai Cuộc Khảng Chiến”) đọc mà muốn trào nước mắt luôn:

“Đó là những khoản mà người cho vay và cơ quan nhận vay đều ý thức rằng sẽ được trả và phải hoàn trả. Cụ thể những khoản vay được Nhà nước đảm bảo trả là những khoản: Công phiếu kháng chiến, phát hành trong các năm 1948, 1949, 1950, 1951, 1952; Công trái quốc gia, phát hành năm 1951; Công trái Nam-Bộ, phát hành năm 1947, 1958; Công phiếu nuôi quân phát hành năm 1964 và những khoản vay khác (tiền hoặc lương thực) do các cơ quan chính quyền từ cấp huyện trở lên vay theo lệnh của cấp trên để mua sắm vũ khí, nuôi quân đánh giặc...”

Công trái
Ảnh: cafef.vn

“Giặc giã” đã chấm dứt gần, hay hơn, nửa thế kỷ rồi mà nay Bộ Tài Chánh mới “đôn đốc” trả nợ, sau khi biết (chắc) là tất cả những kẻ cho vay đều đã mồ yên/mả đẹp từ lâu. Đàng hoàng, sòng phẳng, và tử tế đến như thế thì e chỉ huy động được cứt thôi! 

28/7/2017






No comments: