Tuesday, May 23, 2017

BẦU CỬ TỔNG THỐNG PHÁP : ĐI TỚI ? (Nguyễn Quang - Diễn Đàn)




Tác giả : Nguyễn Quang  - Diễn Đàn


Dịch giả : Kiến Văn 
Cập nhật lần cuối 23/05/2017

Trong 10 cuộc bầu cử tổng thống Pháp thời Đệ ngũ Cộng hoà, cuộc bầu cử mùa Xuân năm nay chắc chắn sẽ được Lịch sử ghi nhận là kịch tính nhất và… bật ngửa nhất (bật ngửa hay lật sấp, như người ta lật sấp bàn cờ). Ngay một tác giả tay mơ phim bộ truyền hình hạng bét cũng chẳng dám ký tên mình dưới một kịch bản tồi tệ như vậy. Ông tổng thống François Hollande thì mất lòng dân đến mức không dám ra tranh cử trở lại vì sợ bị thảm bại : một sự kiện chưa hề có trong các cuộc phổ thông đầu phiếu. Bên phái hữu, thì người được coi là giữ thế thượng phong suốt mấy năm trời, cựu thủ tướng Alain Juppé, bị đè bẹp với tỉ số phiếu 33,5% - 66,5 % trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng LR (Những người Cộng hoà – đảng UMP cũ) bởi một cựu thủ tướng khác, François Fillon, vốn chỉ được coi là « phụ tá » của Nicolas Sarkozy (tay này bị loại trừ ngay từ vòng đầu) ; rồi đến phiên François Fillon cũng tiêu tùng bị dính vòng lao lý. Bên phái tả, trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của PS (Đảng Xã hội), « chú bé » Benoit Hamon – thuộc nhóm « phá bĩnh » (phản kháng đường lối chính thống của F. Hollande) – đã loại trừ cựu thủ tướng (lại một cựu thủ tướng nữa) Manuel Valls, với tỉ số phiếu 58,7% - 41,3%, trở thành ứng cử viên tranh cử tổng thống của PS ; nhưng ngay vòng đầu cuộc bầu cử, đã bị loại với tỉ số phiếu thảm hại 6,35%. Bên hữu của cánh hữu và bên tả của cánh tả, hai ứng cử viên dân tuý chủ nghĩa chạy đua sát cánh để vào lọt vòng nhì : bên hữu là Marine Le Pen (Mặt trận Quốc gia FN), bên tả là Jean-Luc Mélenchon (Nước Pháp Bất Khuất / France Insoumise) : Mélenchon thua suýt soát (19,6%) Le Pen (21,3%), làm mình làm mẩy để ôm khư khư 7 triệu phiếu bầu. Cuối cùng, một anh chàng (chưa đầy 40 tuổi) đã thắng cử với 66,1% phiếu bầu. Cũng đã làm bộ trưởng, nhưng không có quá trình chính trường, cách đây ba năm không ai biết là ai. Đứng đầu một « phong trào » (chưa phải là đảng) ra đời chưa đầy nôi. Làm thế nào mà, một năm sau, cái công ti « khởi nghiệp » En Marche (Đi Tới) đã đưa người sáng lập ra nó lên ngôi quốc trưởng ? Tất có người sẽ giải thích bằng câu châm ngôn : « thần tài chỉ chọn những kẻ táo bạo », hay bằng lá số tử vi « sao tốt chiếu mệnh ». Nói một cách hiện thực hơn, đây là sự trùng phùng của hai triệu chứng : sự rệu rã không thể chối cãi của các định chế Đệ ngũ Cộng hoà, đồng thời là quá trình phân hoá / tái tạo của xã hội dân sự.

Ngày 42 tháng tư

Cũng cần nhắc lại, theo Hiến pháp 1958, nền Cộng hoà thứ V là một chính thể đại nghị nửa tổng thống chế, quyền hành pháp được chia sẻ giữa tổng thống và thủ tướng – chỉ thủ tướng phải chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội. Nhờ hệ thống bầu cử hai vòng (vòng thứ nhất là vòng loại, vòng thứ nhì còn hai, ai được nhiều phiếu hơn thì thắng) mà trong suốt 60 năm, chính trường Pháp đã ổn định chưa từng thấy (khác hẳn nền Cộng hoà thứ IV) ; với cái giá phải trả là dần dần đã thành hình một cơ chế lưỡng đảng (gần giống kiểu Hoa Kỳ), hay nói chính xác hơn, do di sản lịch sử của cách mạng 1789, một cơ chế luân phiên cầm quyền giữa hai đảng độc quyền tả, hữu, khiến cho sinh hoạt chính trị trở nên tê liệt. Trong một tiểu luận có thể tạm dịch là Botay.com (nôm na trên mạng là "bó tay chấm còm"), Brice Teinturier i kể lại vụ Quốc hội Pháp thảo luận về dự luật Macron hồi tháng giêng 2015. Dự án luật nhằm mục đích « tháo dỡ những rào cản » cho nền kinh tế Pháp. Chính phủ có thể tập hợp được đa số đại biểu bỏ phiếu tán thành, nhưng cuối cùng đã phải vận dụng điều 49.3 của Hiến pháp để tránh biểu quyết ii. Vì sao nên nỗi ? Phe tả thì mè nheo về con số những ngày chủ nhật cho phép những cửa hàng mở cửa, 5 chủ nhật thì còn nằm trong phạm trù xã hội chủ nghĩa, 12 là phản bội, là rơi vào chủ nghĩa liberal thả dàn, vậy nên nhóm « phản kháng » (trong hàng ngũ đảng Xã hội) sẽ không tham gia bỏ phiếu (nghĩa là không bỏ phiếu thuận, nhưng cũng không dám bỏ phiếu chống). Phe hữu cho rằng dự luật có « chiều hướng tốt », nhưng chưa đủ « đô », nên sẽ bỏ phiếu chống ! Các nhà sử học sẽ không thể không liên hệ tới sự sụp đổ năm 1453 của đế chế Constantinople, khi các tu sĩ Byzance vẫn cãi nhau ỏm tỏi xem các thiên thần thuộc giống đực hay giống cái, trong khi quân đội của đế chế Ottoman đã tiến sát tới cổng thành…

Kiểu đối đầu vô bổ này không phải là một hiện tượng mới mẻ gì. Bốn mươi năm về trước, một tổng thống trẻ tuổi (tuy không trẻ bằng Macron), ông Valéry Giscard d’Estaing (nhiệm kỳ 1974-1981) cũng đã đề ra luận thuyết là nước Pháp muốn được cai trị « từ trung tâm », và muốn được như thế, phải biết « tập hợp hai trên ba người Pháp » iii. Từ đó, các đảng trung phái đều ra sức thực hiện, nhưng đều thất bại. Đảng cuối cùng muốn làm như vậy là MoDem của François Bayrou với khẩu hiệu « Không tả, không hữu », khác nào muốn giải bài toán hình học, biến thành vuông một hình tròn mà vòng chu vi ở khắp nơi, còn trung tâm không biết ở chỗ nào. Khó mà tin rằng Macron đã trở thành… trung tâm, chỉ vì biết thay chữ không : « Vừa tả vừa hữu ». Song các nhà chiêm tinh có lý khi họ nói đến « sao tốt chiếu mệnh » : sự trùng phùng giữa các hành tinh nên hiểu là sự trùng hợp giữa mấy thập niên khủng hoảng (kinh tế, xã hội, đạo đức…, xem ở dưới) tưởng như không phương cứu vãn, tạo ra tâm lý phổ biến về sự bất lực của mọi hành động chính trị. Vấn đề cốt lõi của chính trị là khả năng biến cải hiện thực, song kết quả thảm hại của hai nhiệm kỳ 5 năm (của tổng thống Sarkozy, rồi của tổng thống Hollande, cả hai đều nắm trong tay cả hai đòn bẩy quyền lực là lập pháp và hành pháp) đã góp phần không nhỏ vào tình trạng dư luận thật lạ lùng qua cuộc thăm dò tháng năm 2016 của Ipsos : chỉ có 3% người Pháp cho rằng hoạt động của chính phủ đã cải thiện tình hình cá nhân của họ, 60% nghĩ ngược lại, và 36% cho rằng nó hoàn toàn không có tác động !

Lạ một điều là trong bầu không khí chán chường ấy, có tới 78,69% cử tri đã chịu khó đi bầu vòng đầu (tỉ số này chỉ thua năm 2012 tí chút). Không thể quên rằng Pháp là nước chính trị nhất trần đời, và người dân đã lợi dụng cơ hội này để « tống khứ » giới cầm quyền – theo cách nói bay bướm của Jean-Luc Mélenchon – thậm chí, họ muốn làm một công đôi việc. Ngày 24 tháng tư 2017 phải gọi là ngày 42 tháng tư 2017, vì nó « sấm sét » gấp đôi cuộc bầu cử ngày 21 tháng tư 2002 (thủ tướng Lionel Jospin bị loại, không vào được vòng hai cuộc bầu cử tổng thống). Đây là lần đầu tiên, hai chính đảng lớn, rường cột chính trị của nền Cộng hoà thứ V, đã bị tống ra khỏi cổng hậu của đời sống chính trị ; và câu hỏi chính đáng mà người ta có thể đặt ra là : hay là cả cổng sau của Lịch sử ? Cố nhiên, việc En Marche lọt (và dẫn đầu bằng số phiếu) vào vòng nhì một phần là do tài năng của người cầm đầu và sự năng nổ của hàng ngũ ủng hộ Macron, nhưng một phần quan trọng không kém là vì một phần tư cử tri muốn « thử một chuyến », xem cuộc thay đổi thế hệ theo chiều hướng « liberal xã hội » chống lại xu hướng « suy đồi » biết đâu sẽ mang lại cái gì. Vẫn biết, cuối cùng tân tổng thống đã thu hút được hai người trên ba, tỉ số mà VGE hằng mơ tưởng, nhưng đó là lá phiếu « chống » nhiều hơn « xây », chủ yếu là bầu chọn người bảo vệ tối hậu cho những « giá trị cộng hoà », chống lại đảng FN, mà gì thì gì, FN cũng đã được sự ủng hộ của « người thứ ba » trong « ba người » Pháp. Nhưng ta hãy thử tưởng tượng rằng Macron « đi tới » thành công trên « con đường thứ ba » mà ông ta hô hào. Trong viễn tượng ấy, giữa trung tâm của cảnh quan chính trị nước Pháp, sẽ có một khối hỗn hợp « liberal xã hội », không còn một khoảng trống nào giữa nó và hai khối dân tuý, Mélenchon bên tả và Le Pen bên hữu. Khách quan mà nói, hai đảng Xã hội và LR sẽ ở thế kẹt. Tất nhiên, lập trường chính thức của LR vẫn là ủng hộ những giá trị cộng hoà, nhưng cái sườn bên hữu của đảng LR còn kẽ hở, nhưng không phải cứ nhích sang phía hữu mà LR có thể tìm ra lối thoát, bởi vì cử tri của FN vẫn ưa bản zin hơn là bản sao. Tiền đồ của PS còn đen tối hơn tiền đồ chị Dậu, bởi vì Đảng Xã hội bị kẹt cứng trong một khối mâu thuẫn ý thức hệ. Về mặt chủ quan, người xã hội ở bên tả, theo đuổi mục đích là tái phân phối cho công bằng hơn ; song chấp nhận luật chơi của chủ nghĩa liberal, thì khách quan mà nói, họ bị xô đẩy sang phía hữu. Quy luật chính trường không có chỗ đứng cho sự phân thân, tim một đàng, óc một nẻo như vậy.

Rạn nứt xã hội

Từ cuộc bỏ phiếu « nhị nguyên » này, có thể rút ra bài học thực chất gì ? Bản đồ phiếu bầu năm 2017 biểu lộ một đất nước bị chia cắt làm đôi : một bên là nước Pháp của những thành phố lớn, năng động ; bên kia là nước Pháp của nông thôn và vùng ngoại vi các thành thị, đang tụt hậu hay bị khó khăn ; một bên là vòng cung phía Đại Tây Dương, phồn thịnh ; và bên kia là vòng cung bắc – đông-bắc đang ở trong quá trình phi công nghiệp hoá. Sau hai vòng bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận đã làm hiện rõ các yếu tố kinh tế - xã hội có tính chất quy định : Macron giành được nhiều phiếu trong các thành phần có bằng cấp, chuyên nghiệp và dư giả. Jérôme Fourquet (viện Ifop) thậm chí còn làm hiện rõ hiệu ứng « của cải » liên hệ lá phiếu trung bình trong một xã với tỉ số hộ phải đóng thuế thu nhập iv. Như vậy là lá phiếu bầu rõ ràng có « tính giai cấp », nhưng phải xem xét cặn kẽ hơn để thấy, đằng sau lằn ranh đơn giản tả-hữu, là những đường rạn nứt đa dạng.

« Trong một thời gian dài, nước Pháp được coi là một mô hình về tính năng động xã hội. Tất nhiên, không phải mọi sự đều hoàn hảo. Nhưng nước Pháp đã vận động liên tục theo chiều hướng tốt. Vậy mà ngày nay, an toàn về kinh tế và tin tưởng vững chắc về tương lai đã trở thành những đặc quyền. Tuổi trẻ tỏ ra hoang mang. Vết rạn nứt khoét sâu, làm cho toàn bộ dân tộc chịu tác động. « Cỗ máy Pháp » trục trặc rồi. Nó không vận hành cho tất cả mọi người (…) Những khu ngoại ô bần cùng sống trong một bầu không khí kinh hoàng, một thứ « kinh hoàng mềm ». Khi quá nhiều người trẻ thấy mình đi học thì bấp bênh, học xong thì thất nghiệp, giỏi lắm thì tìm ra một chỗ thực tập vặt vãnh, thì cuối cùng họ sẽ nổi loạn. Trước mắt, Nhà nước chỉ còn biết duy trì trật tự và dùng những biện pháp xã hội để tránh xảy ra khả năng xấu nhất. Nhưng sẽ được bao lâu nữa ? (…) Mức độ trầm trọng của rạn nứt xã hội đang đe doạ khối đoàn kết quốc gia – tôi đắn đo từng chữ khi phải nói như vậy ».

Diễn ngôn của ai thế ? Của Jacques Chirac, năm 1995, khi ông bắt đầu vận động tranh cử (và sẽ thắng cử). Người chấp bút là Henri Guaino, dựa trên một văn bản của Emmanuel Todd, viết cho Quỹ Saint-Simon. Nhưng khái niệm « rạn nứt xã hội » đã được nhà triết học Marcel Gauchet v lý thuyết hoá từ năm 1984 (!), ban đầu để mô tả sự « bất nhất cao độ » của một xã hội đã mất đi sự liên kết, tức là một tình huống khác với đấu tranh giai cấp theo nghĩa mác-xít. Trong sơ đồ mác-xít, đối tượng trung tâm của cuộc đấu tranh và các phe trong cuộc được xác định rõ rệt, còn ở đây và bây giờ, các cuộc tranh chấp diễn ra đầy rẫy, nhưng không liên kết được với nhau. Năm 1984 đã lùi xa, ngày nay chúng ta có thể nhận rõ viễn cảnh, có thể liệt kê một loạt vấn đề : hàng hoá hoá, toàn cầu hoá, chủ nghĩa tư bản tài chính, sự xuống cấp giai cấp, nạn thất nghiệp… bao nhiêu là động lực tạo ra sự tan vỡ, giải kết, làm cho xã hội và những biểu hiện chính trị của nó tầng tầng lớp lớp xen kẽ nhau.

Vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống (24.5.2017)

Giải thích : mỗi tỉnh (đánh số theo thứ tự ABC, các tỉnh và lãnh thổ hải ngoại được xếp ở cột bên phải) là một hình tròn, to nhỏ theo số phiếu có giá trị (xem hình góc trái, bên dưới : Nombre total de votes exprimés).
Mỗi tỉnh mang một màu, tương ứng với ứng cử viên nhiều phiếu nhất ở vòng đầu : Emmanuel Macron (vàng), Marine Le Pen (đen), François Fillon (xanh), Jean-Luc Mélenchon (đỏ). Nguồn : Bộ nội vụ Pháp.

Vòng nhì

Giải thích : Ứng cử viên về đầu theo từng xã (bên trái), từng tỉnh (bên phải). Emmanuel Macron (vàng), Marine Le Pen (đen).

Rạn nứt, nghĩa là hai (hay nhiều) thế giới sống kỳ biệt (apartheid) trong cùng một xã hội, một cách gần như tự phát, đối kháng nhau mà không đối đầu : nước Pháp « trên » và nước Pháp « dưới », giới bằng cấp « thượng tầng » và giới « hạ tầng » không bằng cấp, những người hưởng lợi trong cuộc toàn cầu hoá và những người bị thiệt thòi trong quá trình ấy, giới « ưu tú lãng du » và đám cù lần ở yên một chỗ, giới « bobo » vi và dân « ngoại ô xa »… Con người trong một xã hội rạn nứt như vậy khiến ta liên tưởng tới những cá thể trong quần chúng của một xã hội « tiền – toàn trị » mà Hannah Arendt đã mô tả : một cá nhân bị « nguyên tử hoá », trải nghiệm một cuộc sống « chông chênh », nghĩa là mất hết cỗi rễ xã hội và văn hoá.

Đối phó với rạn nứt xã hội, chủ nghĩa dân tuý phái hữu không đưa ra đề nghị nào khác là sự co cụm khư khư « bản sắc dân tộc ». Vậy mà ăn tiền, bằng chứng là số phiếu ủng hộ phe cựu hữu đã tăng lên trong ba mươi năm qua : năm 1988, Le Pen (bố) được 4,38 triệu phiếu, năm 2002 được 5,53 triệu, và năm nay, 2017, Le Pen (con gái) được 10,64 triệu. Những phát ngôn bài ngoại bây giờ tha hồ công khai. Trong khi đó, mặt trận cộng hoà như bị tan vỡ : tháng tư năm 2002, 200 000 người xuống đường tức khắc « nói Không với Le Pen », 15 năm sau, lèo tèo vài trăm. Những thủ lĩnh chủ chốt của đảng LR đều lên tiếng kêu gọi ngăn chận FN bằng cách dồn phiếu cho Macron, nhưng Bộ chính trị của LR thì uốn éo chữ nghĩa, kêu gọi « không bỏ phiếu cho Le Pen », nhưng ai muốn hiểu là « chẳng bỏ phiếu cho ai cả » như Sarkozy đã từng chủ trương cách đây vài năm, thì cũng chẳng sao… Nhưng vô đạo nhất là thái độ của thủ lĩnh Nước Pháp Bất Khuất. Năm 2002, Mélenchon hô hào nảy lửa : « Không một lương tri phái tả nào có thể cam tâm trông chờ vào người hàng xóm để bảo vệ những điều cốt yếu nhất, bởi vì cho rằng nỗ lực ấy không xứng với chính mình ? Không chịu làm nghĩa vụ cộng hoà sợ hành động ấy làm cho mình buồn nôn, có khác nào chấp nhận một rủi ro tập thể to lớn gấp bội sự bức bối cá nhân », đến năm 2017 lại không chịu đưa ra chỉ thị bỏ phiếu mà nấp sau một cuộc tham khảo tào lao ý kiến các ủng hộ viên. Khác nào từ chối, không chịu chọn lựa giữa đối thủ chính trị (Macron) và ứng viên chống chế độ công hoà (Le Pen). Ngay sau vòng đầu, người ta có thể tưởng là vì tự ái (ai chẳng biết cái « tôi » của Mélenchon to chừng nào). Nhưng bây giờ, khi cuộc tranh cử đại biểu Quốc hội vừa mở màn, người ta mới thấy rõ sự tính toán chính trị cò con : « Tôi không muốn cản đường PS, mà muốn thay thế nó ! ». Tức là Mélenchon tung ra lời dạm mua cổ phiếu (OPA) để chiếm hữu phế tích của phái tả Pháp. Do đó không thể đưa ra một khẩu hiệu mà nửa nọ theo, nửa kia chống, e dẫn tới đổ vỡ trong nội bộ hàng ngũ ô hợp của « Nước Pháp Bất Khuất ».

Bây giờ thì sao ?

Bây giờ phải đợi cuộc bầu cử Quốc hội tháng sáu. Cuộc cải tổ hiến pháp năm 2002 rút nhiệm kỳ tổng thống xuống 5 năm đồng thời cũng đã đảo ngược trình tự cuộc bầu cử tổng thống và cuộc bầu cử quốc hội, nhằm mục đích không giấu giếm là tránh lặp lại tình trạng « ở chung nhà » đã gây rối nhiệm kỳ của François Mitterrand (phải cử Jacques Chirac, rồi Edouard Balladur làm thủ tướng vì đảng phái hữu chiếm đa số Quốc hội) và của Jacques Chirac (phải ở chung với Lionel Josin, Đảng Xã hội). Mục đích ấy cho đến nay đã đạt được vì mỗi lần bầu cho một tổng thống, bao giờ cử tri cũng cho đảng của tổng thống một đa số ở Quốc hội để tổng thống dễ cầm quyền với chính phủ cùng xu hướng. Tình hình hiện nay chưa từng có : Phong trào EM (Đi Tới) vừa trở thành đảng, với cái tên mới là REM hay LREM (La République En Marche / Cộng hoà Đi Tới), nhưng chưa có một bộ máy dày dạn, chưa có chỗ đứng trong nghị viện. Và bây giờ, ở 477 đơn vị bầu cử, nó phải đương đầu với những tay sừng sỏ biết rõ địa phương, có lợi thế của người đã yên vị, hai chủ bài quan trọng trong một cuộc vận động tranh cử trên thực địa. Thêm một khó khăn nữa : « thương hiệu » (ở ngoài « hệ thống ») buộc LREM phải đưa ra một danh sách ứng cử viên với đa số là người mới, lại xuất thân từ xã hội dân sự. Dễ thương đấy, nhưng đối diện với họ là những tay chuyên nghiệp lão luyện sẵn sàng bảo vệ bằng mọi giá sinh mệnh chính trị của mình và sự tồn tại của đảng mình – còn đảng còn mình mà. Macron đã tung ra một chiêu khá khôn khéo là dành hơn một trăm chỗ ứng cử viên LREM cho những người ở đảng khác muốn tham gia công cuộc « tái kiến tạo » mà không buộc phải bỏ đảng. Cho đến nay, chiêu này đạt được một số kết quả, về phía tả nhiều hơn phía hữu, song cũng chưa đủ. Với mục đích « hích » thêm vào sườn phái hữu, tân tổng thống vừa lật lá bài chủ là chỉ định làm thủ tướng ông Edouard Philippe, đảng viên LR, thị trưởng hải cảng Le Havre. Đó cũng là con chủ bài chót còn nắm trong tay. Rồi với Quốc hội sẽ được bầu ngày 18.6 tới đây, LREM có đa số hay phải liên minh với một đảng khác để cầm quyền, thì cho dù người ta tán thành hay không ủng hộ dự án liberal – xã hội của Macron (xem phụ lục ở dưới), cũng nhất thiết phải cầu mong ông ta sẽ thành công. Bởi vì, năm năm nữa, hoặc nước Pháp sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ nhì của Macron, hoặc nhiệm kỳ thứ nhất của Le Pen.
   
Nguyễn Quang
(Kiến Văn dịch)


i  B. Teinturier, Plus rien à faire, plus rien à foutre, 2017, Robert Laffont.

ii  Bình thường, dự án luật phải được đa số nghị sĩ tán thành mới được thông qua và trở thành đạo luật. Điều 49.3 của Hiến pháp Cộng hoà thứ V cho phép chính phủ quyết định thông qua, nếu Quốc hội không đồng ý thì trong vòng 24 tiếng đồng hồ, phải biểu quyết không tán thành (nghĩa là lật đổ) chính phủ. Chính phủ Manuel Valls đã lạm dụng điều 49.3 đến độ bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Trong cuộc tranh cử (vòng sơ bộ), chính Valls đã đề nghị huỷ bỏ điều 49.3 ! (chú thích của người dịch).

iii  V. Giscard d’Estaing, Deux Français sur trois, 1984, Livre de Poche


v  M. Gauchet, Le désenchantement du monde, 1984, Gallimard

vi  « Bobo » (đọc là bô-bô), từ mới, tạo ra từ hai danh từ BOurgeois và BOhème (tư sản, lãng du), ám chỉ một phong cách sống (dư giả, phóng khoáng) hơn là  một khái niệm xã hội học chính xác (chú thích của người dịch).

*
*

Phụ lục :


Macron : Chương trình của người đi dây
(theo Libération, 02/03/17) 



Phải chăng Emmanuel Macron là « người của giới tài phiệt », điều mà ông ta chối bây bẩy, hay là « ứng cử viên của tầng lớp trung lưu và bình dân », như ông ta khẳng định ? Cương lĩnh tranh cử tổng thống được công bố toàn bộ ngày 2 tháng ba 2017, đa dạng tới mức người ta có thể bảo vệ luận điểm nào cũng được.

Những ai bảo vệ luận điểm « người của giới tài phiệt » có thể viện dẫn chủ trương miễn thuế tài sản ISF cho tư bản sản xuất hoặc giảm thuế cho những thu nhập phái sinh từ tư bản, những biện pháp có lợi cho những người giàu có và quyền thế. Những ai cho rằng E. Macron bênh vực giới trung lưu và bình dân thì sẽ minh chứng bằng lời hứa miễn thuế nhà ở cho 80% các hộ gia đình, bằng chủ trương ngăn đe các xí nghiệp lạm dụng những hợp đồng lao động ngắn hạn, cũng như chủ trương cung cấp thêm phương tiện cho trường học ở các khu nghèo khó, và cam kết loại trừ những xung đột lợi ích trong đời sống công cộng.

Nhưng xét toàn bộ 300 trang dự án hành động thì không thể kết luận giản đơn là trắng hay đen được. Trong chương trình của Macron, hoàn toàn không có ý đồ « thanh tẩy » tài chính công hay đánh thuế vào các tầng lớp bình dân theo kiểu bà Thatcher như chủ trương của François Fillon ; song cũng không hề có ý chí bảo vệ những người yếu kém nhất khi họ không đủ công ăn việc làm, như cam kết của Benoît Hamon (Đảng xã hội). Không mảy may có ý định đoạn tuyệt với chủ nghĩa tư bản như Mélenchon hô hào ; lại càng không hứa hẹn bế quan toả cảng – về kinh tế, di dân và văn hoá – như Marine Le Pen lớn tiếng rêu rao…
Tính liên tục.  « Phải chăng cương lĩnh mà tôi chủ trương là một cương lĩnh khuynh hữu, hay khuynh tả ? Tôi xin trả lời : đó là cương lĩnh nhằm đưa nước Pháp bước vào thế kỉ XXI, mục đích của nó là làm cho nước ta thành công, làm cho mỗi người chúng ta có chỗ đứng trong xã hội. Nói ngắn gọn, là để chấm dứt nạn thất nghiệp tràn lan ». Thiện tai ! Cả vấn đề là ứng cử viên Đi Tới định đùng những đòn bẩy để làm được những gì mà trong ba mươi năm qua, các chính quyền trước đó đã thất bại, nhất là trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, mà chính sách kinh tế đã đi theo hướng mà chính Macron chủ trương. Rõ ràng là đường lối kinh tế của ông là kế tục chính sách liberal – xã hội của François Hollande. Khác hẳn phần đông các ứng viên đối thủ, Macron khẳng định tôn trọng những cam kết tài chính mà nước Pháp đã ký kết để bảo đảm tương lai của dự án Châu Âu. Đặc biệt nặng nề là cam kết tiếp tục giảm chi tiêu công và làm cho thị trưởng lao động « uyển chuyển » hơn. Định hướng ấy, Macron phần nào tuân thủ : « Trong nhiệm kỳ năm năm qua, đã có nhiều quyết định tích cực », nhưng cũng nhấn mạnh ngay tới những khác biệt : « Tôi đã có những bất đồng về chiến lược với Tổng thống (Hollande), vì thế mà tôi đã sáng lập phong trào Đi Tới, đã ra khỏi chính phủ và rời bỏ hàng ngũ công chức. Nếu tôi rắp tâm duy trì tính liên tục, thì đã chẳng chấp nhận rủi ro, quyết định như vậy : dự án mà tôi đeo đuổi là một dự án mới mẻ, sáng tỏ, quân bình ». Một dự án vừa hữu vừa tả, dựa trên tinh thần trách nhiệm của các tác nhân, dựa trên quyền tự do hành động và kinh doanh, thực sự thiết lập sự bình đẳng vận hội cho mọi người. Bình đẳng nam nữ được coi là « quốc sách ».

Cải cách.  Cựu bộ trưởng kinh tế khẳng định sự tin tưởng vào khế ước ký kết giữa công dân, công đoàn, công chức và các tập thể địa phương : « Công việc của chúng ta là giải thích, mô phạm và tôi nhận trách nhiệm về những cuộc cải cách gay go nhất. Trong các lãnh vực lao động, bảo hiểm thất nghiệp, huấn nghiệp hay giáo dục, sẽ thông qua những quyết định ngay trong những tháng đầu của nhiệm kỳ. Đình công hay khước từ không phải là điều tất định. Tôi được bầu, có nghĩa là quốc dân cho rằng đó là điều nên làm cho đất nước. » Macron hi vọng rằng thắng cử sẽ mang lại cho ông sự chính danh dân chủ, nhờ đó ông sẽ giảm bớt được những sự kháng cự, chống đối. Ứng cử viên nào mà chẳng hi vọng như thế.

Những biện pháp canh tân

Huỷ bỏ thuế nhà ở cho 80% người dân. Emmanuel Macron cho rằng thuế nhà ở là « bất công » và muốn miễn thuế này cho 80% người dân, nghĩa là « toàn bộ các tầng lớp trung lưu và bình dân ». Chẩn đoán chính xác : dựa trên những tiêu chí hoàn toàn lỗi thời, thuế nhà ở tại các khu chung cư bình dân đắt hơn là ở khu nhà tư sản ở Paris, ở các thị xã nghèo, thiếu vắng dịch vụ, lại phải trả đắt hơn là ở các thị xã giàu sang, dịch vụ đầy đủ. Thuế nhà ở xung vào ngân sách địa phương, nên Macron hứa sẽ đền bù hao hụt cho các thị xã, « không thiếu một Euro ». Nhưng biện pháp tái tập trung này bị các liên hội thị xã phản đối vì họ đã mấy lần bị chính quyền trung ương cho ăn bánh vẽ.

Tiến tới bảo hiểm thất nghiệp phổ quát.  Đây là cả một cuộc cách mạng, chứ không chỉ là cải cách. Macron muốn giành lại cho Nhà nước quyền « định hướng chiến lược và quyết định về chế độ Unedic » hiện ở trong tay các đối tác xã hội ; ông chủ trương tạo ra một chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho mọi người. Người được hưởng đầu tiên là những người làm công tự ý thôi việc (cho đến nay, họ không được trợ cấp trong thời gian tìm việc). Từ nay, họ được trợ cấp thất nghiệp, nhưng với điều kiện, 5 năm được hưởng một lần thôi. Tiếp theo là những người làm nghề thủ công, thương gia độc lập, doanh nhân, nghề tự do, nông dân. Để tìm ra nguồn tài trợ, ông trông chờ vào tỉ số thất nghiệp sẽ « giảm hẳn » xuống mức « 7% từ nay đến cuối nhiệm kỳ ». Thêm vào đó, sẽ « tăng cường kiểm tra nỗ lực tìm kiếm việc làm », phạt nặng những lạm dụng của người thất nghiệp. Chẳng hạn, sẽ rút trợ cấp cho người nào hai lần liên tiếp từ chối một công việc tương ứng với mức lương và trình độ nghề nghiệp, hoặc người nào « thiếu cố gắng » đi tìm việc. Những biện pháp này thực ra cùng nằm trong lô-gic của các biện pháp hiện có.

Thực tập mùa hè cho học sinh học kém. Vì «sự chênh lệch trong học hành một phần xuất phát từ ngoài mái trường», ông Macron đề nghị mở những lớp bổ túc cuối hè cho những học sinh yếu kém, với sự giúp đỡ tự nguyện của các giáo viên. Ông cũng muốn lập lại những « buổi học kèm » ở các trường trung học cấp một bằng cách huy động giáo viên, cũng như những giáo viên nghỉ hưu tự nguyện và sinh viên.

Từ nay đến 2018, thương lượng lại hiệp định «Privacy Shield». Kể từ ngày 1.8 tới đây, sẽ thi hành hiệp định khung, theo đó các công ti hàng không (châu Âu) phải cung cấp những thông tin về nhân thân hành khách đi Bắc Mỹ. Hiệp định này gặp sự phản đối của những người bảo vệ đời tư vì họ cho rằng nó có những điều bất cập. Sự phản đối càng mạnh mẽ hơn từ khi Trump lên làm tổng thống. Macron muốn giành thế chủ động, chủ trương phải thương lượng lại hiệp định, và đề nghị thành lập một « cơ quan Âu Châu nhằm tạo sự tin cậy về kĩ thuật số » để điều hoà các điều khoản.

Thẻ «thông hành văn hoá» 500 EUR. Để dân chủ hoá đời sống văn hoá và tạo điều kiện tham gia sinh hoạt văn hoá, thẻ « thông hành » này sẽ giúp thanh niên trên 18 tuổi có 500 EUR để chi tiêu về văn hoá (xem chiếu bóng, kịch, mua sách…). Macron cam kết số tiền này sẽ không lấy từ ngân sách văn hoá.

Đạo đức hoá đời sống công cộng. Cấm chỉ các nghị viên có những hoạt động tư vấn, sử dụng người thân làm trợ tá quốc hội, chấm dứt chế độ hưu bổng đặc biệt dành cho nghị viên, lương nghị viên cũng phải đóng thuế thu nhập… Do François Bayrou (đảng trung phái) tác động, Macron đã tăng cường các biện pháp « đạo đức hoá » này. Thực ra, một số biện pháp đã được áp dụng sau khi nổ ra vụ Cahuzac, và Benoît Hamon đã đề nghị thêm nhiều biện pháp khác. Mặt khác, Macron vẫn mập mờ về phương thức bầu cử một phần theo tỉ lệ mà ông ta sẽ đề nghị sau cuộc bầu cử Hạ viện tháng 6.2017.

Những biện pháp không có gì mới

Hầu hết các chủ trương của Macron về bảo vệ môi sinh. Về chính sách môi trường, phải nói Macron hoàn toàn « kế tục » đường lối của Hollande. Hầu hết các biện pháp gọi là mới mà ông đưa ra đều đã được ban hành, hoặc đã được tổng thống Hollande cam kết thực hiện. Để « đưa nước Pháp thoát khỏi các nguồn năng lượng hoá thạch », Macron hứa, từ nay đến năm 2022, đóng cửa 4 mỏ than cuối cùng còn hoạt động, nghiêm cấm thăm dò mỏ khí đá phiến, không cấp thêm giấy phép thăm dò hydro-cacbua, tăng cao thuế cacbon (nhắm 100 EUR/tấn khí CO2 từ nay đến năm 2030). Tất cả các chủ trương đều đã được cam kết hoặc đã trở thành luật. Cũng hứa giữ nguyên mục tiêu của chính quyền Hollande đưa tỉ trọng năng lượng hạt nhân từ 75% (hiện nay) xuống 50% trước năm 2015… nhưng không nói sẽ làm cách nào. Lời « cam kết » duy nhất (không có gì là cách mạng) : đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Fessenheim. Còn lời hứa « tăng gấp đôi sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời » từ nay đến năm 2022, thì thực ra là thụt lùi so với dự trù của nghị định tháng 4-2016. Cũng thế, Macron không chịu quyết định sẽ ra khỏi diesel trước năm 2025, mà chỉ hứa từ nay đến năm 2022 sẽ đánh thuế ngang mức ét-xăng… điều này đã được dự trù rồi. Vụ tiền thưởng 1000 EUR cho việc mua xe « thích hợp với môi trường » cũng vậy. Về các chất gây rối nội tiết (pertubateurs endocriniens), cũng là tiếp tục, thêm một chút mới khá mơ hồ : « Nhà nước sẽ sớm nghiêm cấm những chất được thấy là có tác động y tế được kiểm nghiệm hoặc khả thể, một khi đã có những giải pháp khoa học được thừa nhận là không tác hại bằng ». Một đề nghị mới mẻ hơn : Macron hứa, từ nay đến 2022, các nhà ăn tập thể – kể cả trong khu vực tư nhân – sẽ phải đề nghị « ít nhất 50% sản phẩm sinh học, có bảo chứng hoặc do địa phương sản xuất » (cũng rất mờ ảo nghệ thuật). Cuối cùng, về kinh tế quay vòng, thì theo luật sư Arnaud Gossement, « toàn là biết rồi, nói mãi, trừ một điểm : từ nay đến 2025, 100% chất dẻo phải được tái tạo ».

Giảm chi tiêu công cộng. Về tài chính công, Macron tuyên bố tiếp tục chính sách « sụt cân » của người tiền nhiệm. François Hollande hứa tiết kiệm 50 tỉ EUR trong vòng ba năm (2015-2017), nhưng chỉ đạt được nhiều nhất là 40 tỉ. Macron hứa, từ nay đến năm 2022, sẽ tiết kiệm 60 tỉ, như thế sẽ đưa chi tiêu công từ 56,5% GDP hiện nay (kỉ lục thế giới, đồng hạng với Đan Mạch) xuống 52%, tức là giảm đi một nửa khoảng cách giữa Pháp và các nước khác trong vùng Euro (48,5%). Mục tiêu này sẽ càng khó đạt được vì phải chờ đợi là lãi suất sắp tới sẽ tăng, làm Nhà nước sẽ mất đi một đòn bẩy quan trọng (theo Toà kiểm toán, lãi suất xuống thấp từ năm 2011 đã góp phần 40% vào việc giảm hao hụt ngân sách). Thêm nữa, nhà kinh tế học Philippe Martin đã chỉ rõ, trên mặt báo Libération, rằng muốn hạ mức chi tiêu công xuống mức 52% GDP trong vòng 5 năm, thì phải tiết kiệm tới 170 tỉ EUR !

Các khu ngoại ô : những « hợp đồng miễn trừ » bổn cũ soạn lại. Để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng trong các khu bình dân (là nơi thất nghiệp nặng), Macron đề nghị tạo ra những công ăn việc làm « miễn trừ ». Công ti nào tuyển dụng một nhân viên ở khu « ưu tiên miễn trừ » với hợp đồng lao động vô thời hạn, sẽ nhận được mỗi năm 5000 EUR trong vòng ba năm. Số tiền này tương ứng với phần đóng góp của người chủ đối với mỗi một nhân viên hưởng lương tối thiểu. Ý tưởng này đã được thử nghiệm trong nhiệm kỳ Hollande, và đã thất bại. Khởi động từ năm 2013, chính quyền đề ra mục tiêu là tạo ra 10 000 việc làm. Hai năm sau, không kết quả, phải bỏ cuộc.

Thêm 7 500 cảnh sát và 2 500 cảnh binh trong vòng 5 năm. Lời hứa này của EM (viết tắt tên họ tổng thống, cũng là viết tắt tên phong trào En Marche) cũng nối tiếp nhịp độ gia tăng của Hollande : theo báo cáo của IGA (Thanh tra hành chính) và IGF (Thanh tra tài chính), tổng thống tiền nhiệm đã tăng cường thêm được 8 837 nhân viên công lực.

Những biện pháp phái tả

Chế tài sự lạm dụng hợp đồng lao động ngắn hạn. Macron muốn giới chủ nhân phải hành xử « có trách nhiệm ». Làm sao ? Đặt ra cách tính điểm cộng-trừ về bảo hiểm thất nghiệp. Ông giải thích : « những người chủ duy trì tình trạng việc làm bấp bênh bằng cách lạm dụng hợp đồng ngắn hạn sẽ phải đóng góp nhiều hơn, ai tạo ra những việc làm ổn định sẽ phải đóng góp ít hơn ». Điều này sẽ làm vừa lòng các công đoàn từ lâu đã đưa ra yêu sách này trong cuộc thương lượng những điều lệ mới về bảo hiểm thất nghiệp, trong khi đại biểu các nghiệp chủ, đứng đầu là Medef, kiên quyết chống lại.

Tăng gấp đôi tiền thưởng hoạt động. Nhằm thực hiện phương châm «đi làm trở lại phải được thu nhập cao hơn», ông Macron đề nghị tăng tiền thưởng hoạt động (cho những người làm công lương tháng dưới mức 1500 EUR). Biện pháp này nhằm khuyến khích người thất nghiệp tích cực đi tìm việc làm, chấp nhận công việc lương thấp, được thưởng 80 EUR một tháng (cho người ăn lương tối thiểu) thay vì ngồi không, nhận trợ cấp thất nghiệp.

Giảm thuế trên lao động, tăng thuế trên di sản. Thêm một biện pháp có lợi cho sức mua của người làm công và những người lao động độc lập : giảm bớt phần đóng góp xã hội bằng cách bãi bỏ phần đóng góp vào quỹ bệnh tật và thất nghiệp. Macron hứa hẹn « mọi người làm công sẽ thấy lương tăng ». Với biện pháp này, một nhân viên lương tháng (ròng) 2 200 EUR sẽ tiết kiệm được mỗi năm 500 EUR. Để kiếm nguồn tài chính cho biện pháp này, Macron dự tính « tăng thuế CSG [thuế xã hội mở rộng] một chút (1,7%) » (miễn trừ cho lương hưu thấp và tiền bồi thường thất nghiệp). Chủ trương lấy thuế từ tư bản làm nhẹ gánh cho người ăn lương, nhưng cũng gây thiệt thòi cho người về hưu mà dư dả, và đi ngược với nguyên tắc tương tế vốn làm nền tảng cho sự bảo hộ xã hội.

Công an gần gũi… nhưng trấn áp mạnh hơn. Trong một cuộc họp báo, EM nhấn mạnh : « Người ta đã quá lẫn lộn hai khái niệm an ninh công cộng và can thiệp. Tôi chủ trương phải triển khai cảnh sát có mặt thường trực tại các nơi, họ sẽ phối hợp công việc với các đại biểu dân cử và các hội đoàn khu phố. » Ông cũng đề nghị là cảnh sát phải bắt phạt ngay cả những « liều lượng cần sa nhỏ » và những « vi phạm dân sự thường ngày ». Họ cũng có thể « cấm một cá nhân gây rối, không cho lai vãng một nơi chốn nào đó trong một thời gian nhất định ». EM còn chủ trương « cảnh cáo miệng » trong những vụ việc giản đơn để tiết kiệm thời gian. Nói khác đi, ông chủ trương tái lập công an « gần gũi », trấn áp mạnh hơn trước đây.

Đánh thuế « những đại công ti internet » tại Pháp. Đây là câu chuyện trở thành gần như muôn thuở : làm sao để chống lại mưu chước « tối ưu hoá » thuế má của nhóm GAFA (tức là tứ trụ Google, Apple, Facebook, Amazon). Các đại gia này chơi trò ma giáo kế toán, chuyển lợi nhuận sang những nước « nhẹ tay » để trốn thuế. Tháng 12.2016, Hôi đồng Hiến pháp đã kiểm duyệt đạo luật « thuế Google » mà Quốc hội đã thông qua. Macron tuyên bố đây sẽ là « hành động ưu tiên » của ông trong phạm vi châu Âu. Để xem như  vậy có đủ không.

Những lớp một và lớp hai 12 học sinh trong các trường thuộc mạng lưới REP (mạng lưới giáo dục ưu tiên). Tập trung nỗ lực giáo dục vào những khu dân cư cần được chiếu cố (mang lại nhiều cho những người có ít) vốn là truyền thống của phái tả. Macron muốn trả lương cao hơn cho các giáo viên REP bằng cách thêm bổng lộc 3000 EUR hàng năm (trong nhiệm kỳ Hollande, số tiền thưởng này đã được tăng gấp đôi, thành 2 700 EUR). Tiếp tục chiều hướng đó, Macron chủ trương giảm sĩ số các lớp học, tức là nối tiếp chính sách « nhiều thầy hơn số lớp » của Hollande, triển khai ưu tiên ở các khu dân cư có vấn đề. Macron chủ trương nhân đôi số lớp một và lớp hai tiểu học, dù rằng giới nghiên cứu giáo dục không nhất trí về sự liên hệ giữa sĩ số và kết quả học tập.

Những biện pháp phái hữu

Làm nhiều hơn để hưởng nhiều hơn. Đó là chiêu bài chủ chốt của Nicolas Sarkozy năm 2007. Chương trình tranh cử của Macron cũng lấy lại việc miễn đóng góp xã hội cho thời gian lao động ngoài giờ. Năm 2012, Hollande đã huỷ bỏ biện pháp này vì thấy nó không thích hợp với tình hình thất nghiệp cao. Macron thì đặt vấn đề củng cố sức mua của người ăn lương. Trái ngược với Le Pen, ông không chủ trương lập lại miễn thuế cho những giờ làm thêm.

Thống nhất các chế độ hưu bổng. Do quy mô của vấn đề, có thể nói đây là cả một « chương trình hành động trong chương trình hành động » : để « chấm dứt những bất bình đẳng giữa công chức và tư chức », EM hứa hẹn thiết lập một «  hệ thống lương hưu thực sự là phổ quát ». Thực chất là ông ta muốn chấm dứt các chế độ hưu bổng đặc biệt của công chức, nhân danh nguyên tắc là « đóng góp cùng một đồng Euro, thì phải được hưởng tiền hưu ngang nhau ». Ý tưởng này, phe hữu đã đưa ra từ lâu, và năm 2003 đã bắt đầu cải tổ các chế độ hưu bổng. Macron trông đợi vào cuộc thương lượng giữa các đối tác xã hội để đi xa hơn nữa. Chỉ khác một điều là sẽ không đụng tới tuổi nghỉ hưu và mức lương hưu trong nghiệm kỳ này. Và cũng hứa là sẽ không đụng tới những người sắp tới tuổi về hưu. Song, đối với giới công chức, liều thuốc đắng này cũng khó nuốt trôi, đó là Macron còn muốn giảm bớt 120 000 chỗ làm trong các công sở.

Thuế gia sản ISF không đụng tới thu nhập tài chính. Macron muốn «cải tổ sâu sắc» thuế liên đới đánh trên tài sản (ISF) bằng cách miễn thuế cho « phần tài sản được đầu tư vào sản xuất thực thụ», tức là không đánh thuế vào các cổ phần, biến ISF thành một thứ « thuế cổ tức bất động sản ». Cụ thể, Macron muốn tính ISF trên giá trị tài sản địa ốc thôi. Và hứa thuế đánh trên tư bản chỉ đánh một lần duy nhất, khoảng 30 %.

Lùi bước về nhịp độ học đường và các lớp hai sinh ngữ.  Khi chính phủ Hollande quyết định học sinh chỉ đi học bốn ngày rưỡi, các thị trưởng đã phản đối mãnh liệt vì họ phải tổ chức thêm (và tài trợ) các sinh hoạt ngoài giờ học. Phái hữu đã hứa hẹn huỷ bỏ cuộc cải tổ này khi họ trở lại cầm quyền. Trong cuộc cải tổ trường trung học cơ sở, Najat Vallaud-Belkacem (bộ trưởng giáo dục chính quyền Hollande) đã thông báo huỷ bỏ hầu hết các lớp này, nhưng bị chỉ trích khá nhiều, nên đã phải lùi bước. Macron đề nghị sẽ để cho các thị xã phối hợp với các trường để quyết định về nhịp độ học đường, và cũng hứa « mở lại những lớp học hai sinh ngữ ngay từ lớp sáu (năm thứ nhất trung học) ».
`
Thêm quyền tự trị cho trường học và các đại học. Theo quan niệm của Macron, tự trị bao gồm tự do giảng huấn (phái tả thiết tha với điều này), và thêm nữa, hiệu trưởng có thêm quyền định đoạt đội ngũ giảng dạy (ý này được Fillon bảo vệ). Macron đề nghị « quyền tự quản trong việc tuyển dụng » ở cấp một, nhưng không nói cụ thể. Nguy cơ của chủ trương này là tăng thêm những bất bình đẳng giữa trường nọ với trường kia.

Lập ra những trung tâm « khép kín » cho những phần tử cực đoan hoá. Macron dự trù lập ra những đơn vị giam cầm dành riêng cho những người bị bắt giam vì hành động khủng bố, không giam chung với tù nhân thường phạm. Phải chăng đó sẽ là những trại giam « Guantanamo kiểu Pháp » ? EM sẽ chấp nhận quyền thăm viếng (đặc biệt cho các luật sư bào chữa) nhưng không nói rõ ràng. Chỉ biết là số tù nhân (ít) sẽ ngang với số giám thị. Và những phần tử hối cải sẽ được đưa đi phát biểu để « chứng minh rằng một cuộc đời khác là có thể ».

Nathalie Raulin , Grégoire Biseau , Christophe Alix ,
Sibylle Vincendon , Marie Piquemal , Willy Le Devin ,
Coralie Schaub , Amandine Cailhol , Amaelle Guiton 

-------------------------

Nguyễn Quang 
Cập nhật lần cuối 22/05/2017
Actualisé le 15 mai, après la nomination du Premier ministre.









No comments: