Cindy Sui
BBC
News, Đài Bắc
Cơ
quan Di trú Đài Loan (National Immigration Agency - NIA) vừa phá vỡ một vụ đưa
người nước ngoài nhập cư lậu, trong đó có 11 em nhỏ và trẻ vị thành niên người
Việt.
Nhiều phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan đã bị bắt giữ trong các cuộc bố ráp
gần đây. NIA
Các em vào Đài Loan bằng giấy tờ giả là con của các
gia đình có bố là người Đài Loan và mẹ người Việt, và sau đó được đưa tới làm
việc tại các trang trại trồng chè và các tiệm cắt tóc.
Lực lượng chuyên trách của NIA tại thành phố Đài
Trung, Lữ đoàn Đặc nhiệm (Specialized Operation Brigade) nói 11 em này nằm
trong tổng số 17 em nhỏ từ 8 đến 15 tuổi được đưa lậu vào trong thời gian từ
2013 đến 2016. Các em đến từ những vùng nông thôn khác nhau của Việt Nam.
Những bà vợ người Việt của các ông chồng Đài Loan tại
các thành phố Gia Nghĩa (Chiayi), Cao Hùng (Kaohsiung), huyện Nam Đầu (Nantou)
và Vân Lâm (Yunlin) đã trả từ 3.000 cho tới 7.000 đô la Mỹ cho một tay môi giới
để đưa các em tới nơi, hầu hết để đưa đi làm việc không công, phát ngôn viên của
lữ đoàn là Lin Jui-lin nói.
Cánh sát bắt 34 'cha mẹ' giả trong các cuộc bố ráp
do 150 điều tra viên của NIA và công tố viên tiến hành trong vài ngày qua.
Các nghi phạm bị cơ quan công tố huyện Vân Lâm bắt
giữ với tội danh buôn người và vi phạm quy định sử dụng hộ chiếu, và đã được
cho tại ngoại hầu tra.
Giới chức nói đây là vụ buôn người tồi tệ nhất được phát hiện ở Đài Loan.
NIA
NIA nói vụ việc được phát hiện ra từ tháng Tám năm
ngoái, khi một viên chức Bộ Ngoại giao Đài Loan tại văn phòng ở Thành phố Hồ
Chí Minh nhận thấy hồ sơ của một người đàn ông Đài Loan và vợ người Việt xin hộ
chiếu cho "con gái" họ trông có vẻ có vấn đề: giấy khai sinh ghi đứa
trẻ chào đời tại Việt Nam vào thời điểm "mẹ" lại đang ở Đài Loan, cho
thấy người phụ nữ đó không thể là người sinh ra đứa trẻ được.
Giới chức đã tiến hành điều tra.
Với sự giúp đỡ của giới chức Việt Nam, những người
đã cung cấp giấy khai sinh thật của đứa bé, các điều tra viên đã xác định được
rằng kẻ môi giới ở Việt Nam đã dùng giấy khai sinh giả để giúp các cặp vợ chồng
nộp đơn xin hộ chiếu Đài Loan cho tổng số 17 em nhỏ và trẻ vị thanh niên, trong
gồm cả bé gái nêu trên.
Trong số 17 em, có ba em đã bị chặn, không cho vào
Đài Loan sau khi các viên chức Đài Loan phát giác ra vụ việc.
Ba em nữa đã trở về Việt Nam vì không thích nghi được
với cuộc sống mới, khiến tổng số các em nhập cư lậu còn lại tại hòn đảo này là
11 em, NIA nói.
Trong tất cả các trường hợp, các em đều hoặc là bà
con họ hàng, hoặc là người cùng quê với người phụ nữ Việt Nam có chồng là người
Đài Loan nói trên, ông Lin cho biết.
NIA nói đã phát hiện được 17 em được đưa từ Việt Nam sang Đài Loan trong
thời gian 2013-2016. NIA
"Đài Loan cần nhân công cho các nông trại; có
người làm đều đặn thì rẻ hơn là phải đi thuê người khác. Mỗi ngày, các em đi
hái chè và được trả một khoản ít ỏi, khoảng vài trăm đô la Đài tệ mỗi tháng. Nếu
thuê người Đài Loan thì tốn kém hơn nhiều," ông Lin nói.
"Cha mẹ thật của các em thì muốn con cái mình
có được một cuộc sống tốt đẹp hơn, cho nên họ đồng để con đi theo các cha mẹ giả."
Các nhân viên xã hội đi cùng viên chức nhập cư và cảnh
sát trong các cuộc bố ráp nói rằng không có dấu hiệu nào cho thấy các em bị lạm
dụng, ông Lin nói.
Trong một số trường hợp, các em là cháu gọi người phụ
nữ Việt kia là dì, là bác, hoặc là hàng xóm cũ của các em ở Việt Nam, cho nên tất
cả đều được chăm sóc tử tế, ông cho biết thêm.
"Chúng đều được đi học, nhưng sau giờ học thì
phải đi làm trong nông trại của gia đình, trồng hoa, hái chè. Một số em giúp dọn
dẹp trong cửa hàng cắt tóc của gia đình," ông Lin nói.
"Bởi có cuộc sống trước đây vất vả, nghèo khó
hơn, cho nên khi tới Đài Loan chúng cảm thấy mọi thứ khá hơn. Các em thực sự
thích Đài Loan."
Số trẻ Việt Nam bị phát hiện trong đợt này có độ tuổi từ 8 đến 15. NIA
Em nhỏ nhất, 8 tuổi, sống cùng cha mẹ giả, là những
người không có con.
"Cháu đang ôm búp bê lúc chúng tôi tới nhà. 'Bố
mẹ' cháu là những người buôn bán. Cháu không phải làm gì hết. Cháu sống với hai
vợ chồng đó từ khi 7 tuổi," ông Lin nói.
Hầu hết các em là bé gái, bởi các gia đình muốn có
những đứa trẻ ngoan ngoãn, dễ bảo giúp hái chè trong trang trại.
Kế hoạch là để các em ở lại Đài Loan dài hạn, ông
Lin nói.
Theo luật di trú Đài Loan, con cái của các cặp vợ chồng
có một bên là công dân Đài Loan thì được phép sống và được coi là thường trú
nhân ở Đài Loan. Khi đến tuổi 20, các em có thể trở thành công dân nơi này.
Ông Lin nói cơ quan công tố và tòa án Đài Loan sẽ
cân nhắc xem nên giải quyết vụ này theo cách nào là tốt nhất.
Hiện NIA đã kích hoạt chiến dịch phối hợp Đài Loan -
Việt Nam chống tội phạm, và kiểm tra phát hiện xem còn các trường hợp nào khác
nữa không, kể cả các trường hợp đến từ những nước khác. Kẻ môi giới người Việt
vẫn chưa bị bắt, ông Lin nói.
Hộ chiếu của các em nhỏ mà giới chức thu được từ các cuộc bố ráp. NIA
Bộ Ngoại giao Đài Loan nói đã tăng cường kiểm soát
việc cấp hộ chiếu lần đầu sau vụ việc.
Đây là vụ buôn người tồi tệ nhất mà Đài Loan từng
phát hiện ra, theo ông Lin.
Nếu bị kết tội, các cha mẹ giả có thể phải đối diện
mức án bảy năm tù giam và khoản tiền phạt 5 triệu Đài tệ (khoảng 166.700 đô la
Mỹ).
Các em hiện vẫn đang ở tại nhà của cha mẹ giả. Sau
khi các nhân viên xã hội xem xét tình hình thì giới chức thấy rằng đó là phương
án tốt nhất cho các em trong thời gian điều tra.
Luật nhập cư hiện hành của Đài Loan không cho phép
những ai là người nước ngoài kết hôn với người Đài Loan, kể cả khi đã được cấp
quốc tịch, nộp đơn xin cho cha mẹ, anh chị em hay thậm chí cả con cái đã thành
niên của mình sang định cư tại Đài Loan.
Tuy có tỷ lệ sinh sản thấp và thiếu nhân công, Đài
Loan chỉ cho phép chừng 600.000 lao động nhập cư từ các nước Đông Nam Á vào hòn
đảo này làm việc.
-----------------------
CÁC
TIN KHÁC
29 tháng 5 2017
28 tháng 5 2017
29 tháng 5 2017
29 tháng 5 2017
29 tháng 5 2017
No comments:
Post a Comment