Thursday, May 25, 2017

TRẦN HOÀI THƯ, NGƯỜI NGỒI VÁ LẠI NHỮNG LINH HỒN (Đỗ Trường)




Đỗ Trường
Tháng Năm 24, 2017

Cuối tuần, có bác nhà thơ già đến thăm, ghé mắt vào bài đang viết về nhà văn Trần Hoài Thư của tôi, rồi gật gật, lắc lắc, bảo: Cái tựa, Người ngồi vá lại những linh hồn, thấy rờn rợn thế nào ấy. Vâng! Khi chưa đọc, chưa nghiên cứu Trần Hoài Thư, bác có cảm giác vậy thôi. Đọc rồi, bác sẽ thấy, một Trần Hoài Thư không chỉ đang ngồi vá lại linh hồn mình, đồng đội mình, mà còn đang nhặt nhạnh những linh hồn văn hóa Việt rách nát, vương vãi đâu đó, rồi cặm cụi khâu lại nữa kìa.

Trần Hoài Thư

Nghe tôi trả lời, bác nhà thơ già gật gù, gật gù lẩm bẩm: Được, tôi sẽ tìm đọc, xem có thật vậy không?

Phải nói thẳng, Trần Hoài Thư không phải là một nhà văn, nhà thơ lớn, lừng lững tên tuổi trên văn đàn của Văn học miền Nam trước 1975, cũng như ở hải ngoại hiện nay. Nhưng ông là một trong những nhà văn tôi yêu mến nhất của nền văn học Việt Nam từ trước đến nay. Bởi, ngoài tài năng, thì nhân cách lòng quả cảm, dám hy sinh, đi đến tận cùng của sự đam mê, cũng đầy trách nhiệm với văn hóa, văn chương nước nhà như ông, không phải ai cũng làm được. Và có lẽ, nhiều người đọc, nghiên cứu ông đồng cảm với tôi về điều này (?).

Nhà văn Trần Hoài Thư tên thật là Trần Qúi Sách, sinh năm 1942 tại Đà Lạt. Dường như, cái tên Qúi Sách này, đã vận thẳng vào cái nghiệp viết, và nâng niu gìn giữ từng trang sách, hồn thơ Việt của ông chăng? Truyện ngắn “Nước Mắt Tuổi Thơ“ in trên tạp chí Bách Khoa Sài Gòn vào năm 1964 là chiếc thẻ thông hành đã đưa Trần Hoài Thư đến với làng văn. Sau khi tốt nghiệp ngành toán học, trường Đại học Sài Gòn, ông về giảng dạy trung học tại Tam Kỳ. Năm 1966 Trần Hoài Thư  nhập ngũ khóa 24 Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Và gần mười năm trong quân ngũ, lúc là lính thám kích, khi là phóng viên chiến trường, dường như không lúc nào ông ngừng viết. Nhật ký chiến trường, hoặc những truyện ngắn, tản văn thời kỳ ấy, không chỉ có khói súng, mùi đạn bom quyện với máu thịt ông, đồng đội ông, mà còn thấm đẫm nước mắt của tình yêu, tình người. Sau 30-4-1975, Trần Hoài Thư bị tù cải tạo. Ra tù, năm 1980 ông vượt biển, hiện đang viết và làm chủ cơ sở xuất bản Thư Ấn Quán, cũng như Thư Quán Bản Thảo, một tạp chí văn học tại New Jersey Hoa Kỳ.

Có thể nói, thơ văn cũng như thân phận người lính Trần Hoài Thư gắn chặt với những biến cố thăng trầm của đất nước. Do vậy, cũng như những nhà văn cùng thời, cái sự nghiệt ngã ấy, đã ngắt thơ văn ông thành từng giai đoạn thật rõ ràng.

Tuy bước chân vào làng văn bằng văn xuôi, nhưng thơ đã đóng góp không nhỏ tạo nên một chân dung vạm vỡ Trần Hoài Thư. Với 14 tập truyện, cùng 8 tập thơ (?) đã xuất bản, minh chứng Trần Hoài Thư có sức viết dẻo dai, và khá cân đối. Với tôi Truyện Từ Văn và Truyện Trần Hoài Thư (rút từ các tập san) viết trước 1975, được in lại trong mấy năm gần đây, cùng với thơ, và tập truyện Ra Biển Gọi Thầm, Hành Trình Của Một Cổ Trắng là những tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp trong từng giai đoạn sáng tác của ông.

Khi đi sâu vào nghiên cứu, tôi nhận ra, ngoài tính chân thực, thì nghệ thuật miêu tả (diễn biến) nội tâm nhân vật là đặc điểm nổi bật nhất trong truyện của Trần Hoài Thư. Nghệ thuật này là một tài năng, tìm tòi liên tưởng chứ dứt khoát không phải do ông xuất thân từ nhà giáo, đã kinh qua những giáo trình tâm lý học. Bởi, cũng có nhiều nhà văn xuất thân từ nhà giáo, nhưng không có đặc điểm này.

*Chiến tranh, dưới cái nhìn và ngòi bút nhân bản của nhà văn.

Nếu phải đưa ra một câu trả lời, với tôi Trần Hoài Thư, Phan Nhật Nam, Thế Uyên là những nhà văn hàng đầu viết về người lính của văn chương miền Nam ở thời điểm nóng bỏng nhất của cuộc chiến. Và cùng với Cao Xuân Huy và Phạm Tín An Ninh ở giai đoạn sau 1975 cho đến nay, nơi hải ngoại.

Có một điều đặc biệt, Trần Hoài Thư là một người lính chiến thực thụ và viết ngay nơi chiến trường. Hơn thế nữa, nhiều nhà phê bình đánh giá, nhận định ông là nhà văn quân đội. Nhưng đọc ông, cho tôi cảm giác, dường như có những lúc linh hồn ông đã tách ra khỏi cuộc chiến, rời bỏ chiếc áo nhà binh. Bởi, ngoài những người lính, còn có không ít truyện viết về tình yêu, về cái thuở học trò với những cuộc sống thường nhật, hay về cả những khi phản kháng đào ngũ, bỏ đơn vị nó hằn đậm trên trang viết của ông ở cái thời binh đao khói lửa ấy.

Có lẽ, ngay từ buổi ban đầu, Trần Hoài Thư chưa có ý thức rõ ràng về chiến tranh, với những lý tưởng cao đẹp nào đó. Cho nên, bước chân vào quân trường là nghĩa vụ bắt buộc đối với ông. Sự chán chường ấy, ta đã bắt gặp rất nhiều trên những trang viết của Trần Hoài Thư. Giai đoạn đó với ông, dù có đứng ở bên nào, góc độ nào thì cuộc chiến này cũng đều vô nghĩa. Do vậy, không chỉ ở truyện ngắn văn xuôi, mà ngay trong thơ ta thấy tương lai mịt mù với những lời thán ca đau đến nhức nhối lòng người:

 “Thế hệ chúng tôi mang đầy vết sẹo
Vết sẹo ngoài thân và vết sẹo trong hồn
Không phạm tội mà ra tòa chung thẩm
Treo án tử hình ở tuổi thanh xuân

Thế hệ chúng tôi loài ngựa thồ bị xích
Hai mắt buồn che bởi tấm da trâu
Quá khứ tương lai, tháng ngày mất tích
Đàn ngựa rũ bờm, không biết về đâu“
 (Thế hệ chiến tranh)

Với cái nhãn quan như vậy, cho nên người lính Trần Hoài Thư luôn ước nguyện, hy vọng trở về quê hương, nơi có cuộc sống bình dị, và cũng thật yên bình: “…Anh nghĩ rồi đây chiến tranh sẽ chấm dứt. Miền Nam và miền Bắc sẽ sum họp. Mọi người sẽ ngồi lại và tha thứ lẫn nhau. Rồi em về Nha Trang. Anh cũng trở lại cùng Nha Trang. Anh sẽ xin dạy trở lại. Rồi anh sẽ xin cưới em…”(Nha Trang).

Và cái suy nghĩ đơn giản, vô tư ấy, ông đã trả giá bằng chính những năm tháng ngục tù, rồi buộc phải cùng với con thuyền lá tre kia lao ra biển cả.

Có thể nói, tính nhân đạo là đặc trưng nổi bật nhất, xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Trần Hoài Thư. Cái tình người, và sự cảm thông ấy không chỉ nằm trong tình đồng đội, tình đồng bào, mà nó còn là hơi ấm cho cả những người lính ở bên kia của chiến tuyến. Cái đặc tính này, gần đây dường như nó được tiếp nối một cách rất sâu sắc trong trang văn, truyện ngắn của đồng đội ông, nhà văn Phạm Tín An Ninh.

Ngày Thanh Xuân, một truyện ngắn điển hình như vậy, được Trần Hoài Thư viết vào mùa xuân 1972. Chúng ta hãy đọc lại lời thoại của hai đoạn trích dưới đây giữa một tù binh bị thương miền Bắc với người lính miền Nam, khi ở ngoài chiến trường, cũng như lúc ở quân y viện. Để thấy rõ tài năng miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật, cũng như sự nhân đạo và sự cảm thông ngút trời ấy của Trần Hoài Thư:

“Mong anh hiểu trách nhiệm và bổn phận của chúng tôi, những người lính khác trận tuyến với các anh. Anh hãy để chúng tôi săn sóc. Hy vọng một ngày hòa bình, anh sẽ trở về quê hương và tôi được dịp đáp tàu ra Bắc, như niềm mơ ước của tôi. Mời anh một điếu thuốc thơm, anh vui lòng chứ? Anh uống cà phê nhé. Cà phê tôi mang theo trong bi-đông…

Nếu tôi còn ở miền Bắc, có lẽ bây giờ tôi là đồng chí của anh. Chúng ta đều bị bắt buộc cầm súng. Chúng ta bị chủ nghĩa, ngoại bang, các thế lực quốc tế xô đẩy chúng ta vào hố thẳm của hận thù. Anh đồng ý với ý kiến của tôi không? – Phải, tôi đồng ý – Y thầm thì – Tôi đã hiểu rằng những người tuổi trẻ của Việt Nam là những đứa con tội nghiệp. Chúng ta lỡ sinh vào một thế kỷ bất hạnh nhất. Chúng ta được giao truyền lại một gia tài bi đát nhất…”

Không chỉ đối với những người còn sống, hay người tù binh tàn tật, mà lòng nhân đạo, và tình thương ấy đến với cả người lính đối phương vừa chết trận của Trần Hoài Thư. Và nếu văn là những lời sẻ chia, cảm thông, thì thơ ông như một tiếng ru cho linh hồn của đồng loại đã nằm xuống trong trận chiến này. Tôi đã đọc khá nhiều thơ của những người lính, thuộc cả hai chiến tuyến viết cho đồng đội nằm xuống. Từ đó có thể nói, Khi Chưa Có Mùa Thu là một trong những bài thơ hay nhất của người lính phía Bắc Trần Mạnh Hảo. Và vắt cơm nhòa nước suối, hay nhòa nước mắt để viếng (cúng) đồng đội của Trần Mạnh Hảo làm cho người đọc phải rưng rưng, xúc động: ”Vắt cơm nhòa nước suối/ Viếng bạn mình không ăn”. Nhưng đặc biệt, cao cả hơn thế nữa, người lính phương Nam Trần Hoài Thư đã tiễn đưa hồn người lính Bắc bằng những ly rượu nồng với những câu thơ đẹp và vô cùng lãng mạn, đọc lên ai cũng bùi ngùi, xót xa. Và tôi tin lúc đó, Trần Hoài Thư đã dứt bỏ hoàn toàn mọi áp lực xung quanh, mà chỉ còn trái tim đa cảm, bao dung đang rung lên của người nghệ sĩ, để viết nên bài thơ này. Tôi không dám nghĩ, đây là bài thơ độc nhất vô nhị, dù được viết trong lúc chiến tranh đang diễn ra ác liệt. Nhưng có lẽ, nó là bài thơ lạ lùng nhất đến nay tôi được đọc. Vâng! Và chính nó, bài thơ Một Ngày Không Hành Quân của Trần Hoài Thư đã làm cho những giọt nước mắt của tôi rơi ngay trên bàn phím này:

“…Tôi rót mời một người lính Bắc
Hắn nằm banh thây dưới hầm bí mật
Trên người vẫn còn sót lại bài thơ
Trên đồi cao mây vẫn xanh lơ
Có con bướm vàng dịu dàng dưới nắng
Tôi với hắn đâu có gì thống hận
Bài thơ nào cũng viết để yêu em”

Hoàn toàn không có ý so sánh, nhưng như có một sợi dây liên cảm, bởi khi đọc truyện ngắn Chiến Tranh của Trần Hoài Thư, làm cho tôi nghĩ đến những người lính gian khổ chống phát xít trong tiểu thuyết, tập truyện: Họ Đã Chiến Đấu Vì Tổ Quốc, hay Số Phận Con Người… của nhà văn Nga Mikhail Sholokhov. Trong cái không khí mịt mù khói lửa ấy, sự nguy hiểm, gian nan càng tăng lên, thì tình chiến hữu đồng đội của họ càng hòa quyện chặt vào nhau hơn. Và đứng trước thất bại cũng như cái chết, dường như đã cho Trần Hoài Thư nghị lực vượt qua tất cả để sống, để viết trả nợ đồng đội. Lời văn tự sự nhanh và mãnh liệt, với ngôn ngữ, câu thoại mang đậm tính điện ảnh, gần tâm lý độc giả Âu- Mỹ, Trần Hoài Thư đã cho ta thấy rõ điều đó:

“- Mày hãy nghe tao nói. Mày là nhà văn. Tao là độc giả của mày. Mày phải sống. Mày nghe rõ chưa. Mày phải sống để mà viết lại…
 Rồi hắn gào lớn:
– Phải viết lại cảnh này. Thằng Trí, thằng Luông đang nằm cạnh tao đây cũng cần mày. Thằng Trí cõng tao, rồi chết vì tao… Mày hãy nói cho mọi người biết về những cái chết chó má như thế này. Chết mà không được bắn một viên đạn như thế này…
 – Tư. Tao xin nghe mày. Tôi đau đớn nói.
 – Tao dẫu sống cũng vô ích. Hai chân tao, ngực tao, ruột tao… Chỉ còn cái đầu tao là không trúng đạn… Rồi hắn la. Không, hắn mắng tôi.
– Sao lại không chịu chạy. Mày hèn à.  Diều hâu mà hèn à…”

Chập chờn ký ức hiện về, cùng những tình tiết hiện thực đan xen, tạo nên hình ảnh so sánh ẩn dụ làm cho người đọc phải ám ảnh rờn rợn, xuyên suốt những tác phẩm của Trần Hoài Thư. Với thủ pháp nghệ thuật này, đã góp phần không nhỏ tạo nên thành công, cũng như tên tuổi tác phẩm, tác giả Trần Hoài Thư. Nhiều thế hệ các nhà văn trẻ sau ông sử dụng khá thành công thủ pháp nghệ thuật này, đặc biệt cuốn Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh. Và Mắt Đêm là một truyện ngắn điển hình như vậy của Trần Hoài Thư. Tuy khoác áo lính, bước vào cuộc chiến là nghĩa vụ bắt buộc, nhưng Trần Hoài Thư luôn giữ vững quân kỷ của người trung đội trưởng, và trách nhiệm bảo vệ dân chúng, đồng bào được ông đặt lên hàng đầu. Đọc nó, không chỉ thấy được cái tình của người lính Việt Nam Cộng Hòa đối với người dân nơi chiến trường (dù biết họ có thể là nằm vùng, hay có quan hệ, che chở cho những người lính Bắc) mà Trần Hoài Thư còn đưa ta ngược về ký ức với hình ảnh tuổi thơ xa vời vợi của ông. Có thể nói, đây là một trong những truyện ngắn hay nhất của Trần Hoài Thư được viết trong thời kỳ này: 

“Thằng Trung cầm trái M.26, sắp bỏ vào miệng rút chốt. Tôi gọi giựt: Khoan đã. Muốn chết hả? Trung nói: Thiếu úy, em nghe tiếng động trong hầm, bọn nó núp trong hầm, thiếu úy. Tôi nạt: Mà tưởng bắt bọn nó dễ dàng như vậy sao? Trung cầm trái lựu đạn, phân bua: Thì ở đây là bọn nó rồi còn gì. Tôi nói: Lỡ dưới hầm toàn dân không thì? Tôi chỉ tay vào trái lựu đạn cay, sao mày không dùng thứ này?…
Tôi không thể chịu nổi những gương mặt thảm thê, những đôi mắt ngơ ngác sợ sệt đó. Mụ đàn bà nhìn tôi van lơn. Hai ông già tiếp tục nhìn ra cánh đồng chói nắng… Tôi muốn nhắm mắt lại, ngủ một giấc, một giấc thôi. Mẹ tôi ở đó, những đêm ôm chặt tôi trốn dưới gầm giường. Đạn réo ngoài sân, ngoài ngõ, ngoài hiên. Đạn réo trên đầu, trên mùng, Mẹ tôi ở đó, trên sân nắng, hai tay để lên đầu, khóc lóc nhìn bọn lính Tây tra hỏi. Vẫn những giọt nước mắt, vẫn những tiếng khóc lóc, như một âm vang từ xa xôi vọng lại, từ một quê hương, một xóm làng đìu hiu.”

Vẫn những đêm ngủ rừng, hay trên gò mả giữa cánh đồng trắng trơn, hoặc xông vào những trận đánh kinh hồn, nhưng dường như giấc mơ, nỗi nhớ vẫn không thể thiếu trên mỗi chặng đường hành quân của Trần Hoài Thư. Tình yêu và cái thuở ban đầu ấy, như những cơn mưa đầu mùa tưới mát cho tâm hồn chai sạn của người lính chiến. Với tôi, trong các nhà văn quân đội VNCH (trực tiếp cầm súng) nơi chiến trường ác liệt, viết nhiều và hay nhất về tình yêu, và cái thuở học trò, chắc chắn phải là Trần Hoài Thư. Thật vậy, đọc truyện Nụ Hoa Vàng Của Ngày Si Tình của ông, cho tôi cảm giác như đang đọc một bài thơ. Một bài thơ tự sự đầy hình tượng về sự tiếc nuối một mối tình đầu của thuở hoa niên. Tuy nhiên ông bạn nhà thơ già của tôi, ghé mắt đọc, không cho là như vậy. Vì thế, khi ngồi viết những dòng chữ này, tôi chưa biết để Nụ Hoa Vàng Của Ngày Si Tình ở mục truyện ngắn, tùy bút, hay một trang thư…Nếu đây là một lá thư, thì có lẽ, đây lá thư tình hay nhất mà tôi đã được đọc. Và đọc nó, khẳng định thêm một lần nữa tài năng miêu tả tâm lý, nội tâm nhân vật của nhà văn Trần Hoài Thư:

“…Trên mái ngói đỏ của ngôi trường nữ trung học, có đôi chim bồ câu âu yếm tỉa lông cho nhau. Nhưng, riêng anh, cả lòng như một bến ga quạnh quẽ. Đứng bơ vơ, mà nghe trong gió có một cung đàn kỷ niệm. Cung đàn ấy, vọng từ một cõi nào xa xôi lắm, có vỉa hè Đồng Khánh, có cả rừng bướm trắng dập dìu, và có một kẻ tình si đang trồng chân như cây phượng vĩ già nua, nhìn theo một cánh bướm, qua sông vĩnh biệt…”

Trong văn học sử miền Nam có hai ông nhà văn vừa cầm súng vừa viết Phan Nhật Nam và Trần Hoài Thư, cùng chung cảnh cải tạo tù tội sau 1975, nhưng lại có văn phong khác hẳn nhau. Nếu văn Phan Nhật Nam sinh động, sắc sảo, thì văn Trần Hoài Thư trầm lắng, hình tượng. Phan Nhật Nam động thì Trần Hoài Thư tĩnh. Âu đó cũng là sự may mắn làm phong phú thêm cho nền văn học Việt Nam.

Và Viễn Thám là một truyên ngắn hay, có lời văn đẹp, tĩnh lặng như vậy của Trần Hoài Thư. Đây là truyện ngắn làm cho người đọc ngạc nhiên, bất ngờ và gây ra nhiều tranh cãi. Nó mở ra tư tưởng cũng như nhân sinh quan của ông. Có lẽ, không riêng tôi, mà còn nhiều người đánh giá cao giá trị nội dung cũng như quan niệm, thay đối tượng thẩm mỹ trong chiến tranh của tác giả trong truyện ngắn này. Hơn thế nữa, nó không chỉ đẹp trong từ ngữ lời văn, mà trong cả tâm hồn và trong cái tình của người lính thám báo, nhà văn Trần Hoài Thư. Và nó khác hẳn hình ảnh người thám kích dã man, tàn bạo trong truyện của Bảo Ninh và Dương Thu Hương. Tôi nghĩ, Bảo Ninh, Dương Thu Hương viết Nỗi Buồn Chiến Tranh và Vô Đề vào những năm cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, khi chưa bốc (hết) được ngôi mộ với con ma xó tuyên truyền bấy lâu ra khỏi linh hồn mình. Nếu những cuốn sách ấy được ra đời vào thời điểm ngày nay, có lẽ sẽ khác đi chăng? Đọc truyện này, có lẽ nhiều người phản bác, cho rằng Trần Hoài Thư hành động bằng cảm tính. Và bằng chứng dường như có những đoạn văn của ông bị xét duyệt cắt bỏ khi in ấn vào thời điểm ấy chăng? Ơ hay! Trần Hoài Thư mang trái tim nghệ sỹ vào chiến tranh cơ mà. Và trong chiến tranh dường như, những người nghệ sỹ cầm súng luôn có tâm hồn, suy nghĩ như vậy. Nhưng dám hành động, và viết thành lời như ông không phải ai cũng đủ dũng khí. Chúng ta đọc lại một đoạn trích trong Viễn Thám (tuy nhiên, có đoạn khi duyệt đã cắt bỏ?) để thấy rõ điều đó:

 “Trung đội thám kích đang săn tin về một đơn vị Bắc quân mới xâm nhập vùng Trường sơn, đã không ngờ gặp một cặp bộ đội đang hát bên bờ suối. Quân thù đó nhưng người lính đã không bắn. “Tôi không thể chơi cái trò dã man như vậy. Tôi muốn người thanh niên kia, ít ra, có một giờ phút vĩnh cửu (…) Tiếng hát như nói lên những điều câm nín từ những con tim của tuổi trẻ Việt Nam…. Tiếng hát như dậy khỏi mồ, bạt cả gió, khiến rừng như thể im phăng phắc lá như thể thôi lay động trên cành. Và ít ra, tôi vẫn còn hiểu rằng, mỗi người đều có trái tim. Và trái tim thì lúc nào cũng sống vĩnh cửu”

Có thể nói, chất liệu trong văn thơ Trần Hoài Thư có được từ thực tế bản thân và đồng đội. Ông đã trải nó lên trang văn dưới nhãn quan của riêng mình. Tuy có cái nhìn bi quan về cuộc chiến, nhưng nó lại bật lên tính nhân đạo ngút trời trong từng trang viết của ông.

*Tính bi hài và những nỗi đau.

Có lẽ không ai nghĩ, một thư sinh với sức trói gà Trần Hoài Thư có sức phản kháng mãnh liệt đến vậy. Sự phản kháng ấy, không chỉ có trên trang văn, mà còn mãnh liệt hơn trước những bất công ở ngoài đời. Trần Hoài Thư tự động rời bỏ quân ngũ trước phi lý của số phận đã chứng minh cho điều đó. Và từ đó, cho ta thấy được tính khí khái trong con người ông. Chứ thành thật mà nói, một nhà văn dù có sống ở chế độ nào cũng vậy, cứ cúi mặt xuống viết dưới cái bóng của các đấng ngồi trên, thì không bao giờ có được những tác phẩm ra tấm ra miếng.

Ngay ngày đầu, Trần Hoài Thư đã nhận ra cái bất công và số phận hẩm hưu của những người lính nơi tiền đồn. Do vậy, những cay đắng, khắc khoải đó như nén chặt trong lòng văn nhân. Và rồi, một lúc nào đó, nó sẽ chảy ộc ra bằng văn, bằng thơ, trải dài trên trang giấy, đọc lên ai cũng phải xót xa:

“Khi ra trận ta là thằng chết trước
Tổ quốc ghi ơn, lãnh tụ đẹp lòng
Khi tìm vợ, ta là thằng chạy chót
Nên khó lòng ấp vợ đẹp trong chăn…”
  (Lính tiền phương)

Vâng! Và người lính ấy chưa chết hẳn, nhưng trở về với đôi nạng gỗ trên tay. Đọc truyện Bệnh Xá Mùa Xuân, ta không chỉ thấy được sự lên án, mỉa mai, mà còn thấy được sự tàn nhẫn của chiến tranh. Và hình ảnh người lính cụt chân ấy, cứ tưởng mình còn nguyên vẹn, nhảy phắt xuống giường, bị ngã úp mặt xuống đất, dường như đẩy tính bi hài, và nỗi đau lên gấp bội. Phải nói thẳng, miền Nam có nhiều nhà văn lớn và tài hoa, nhưng tài năng đưa hình ảnh, hình tượng vào trong văn nhiều và hay như Trần Hoài Thư quả thực không nhiều:

“Nửa đêm, cả lòng đêm bỗng dưng bị dội lên bởi những quả đạn rơi rất gần khu bệnh xá. Những tiếng la thất thanh. Pháo kích! Pháo kích! Tiếp sau là những bóng người vụt chạy ra hầm núp ngoài sân. Tên thương binh cụt chân, trong cơn bấn loạn tột độ ngỡ mình vẫn còn lành lặn như xưa, đã ào nhảy xuống giường. Sau đó, hắn mới biết được sự thật. Hắn ôm khúc đùi rên rỉ và nằm ngay dưới nền. Hắn không còn nhận ra cặp nạng nữa…”

Đọc và nghiên cứu tôi thấy rất có lý, khi nhà phê bình Nguyễn Vy Khanh nhắc đến cái chất giản dị trong văn của Trần Hoài Thư. Thật vậy, ngoài cái giản dị trong sáng, văn thơ Trần Hoài Thư không hề đao to búa lớn. Chính những đặc điểm ấy, đã giúp tôi đọc hết tất cả những gì ông viết, khi bắt gặp, hoặc tìm thấy, dù bất kể đề tài, thể loại nào. Qủa thật, tôi rất sợ đọc những bài viết lên gân quá mức cần thiết khi viết về người lính Việt Nam Cộng Hòa của một số tác giả gần đây. Thường những bài này, tôi bỏ nửa chừng. Là người, kể cả người lính dù có lý tưởng gì gì đi chăng nữa, trước cái chết ai mà chẳng sợ. “Cái chết nhẹ tựa lông hồng” không phải ai, và hoàn cảnh nào cũng có thể dùng được. Ta đọc lại những câu thoại giữa hai người lính (là thày, trò cũ của nhau) cùng bị thương dưới đây, trong truyện Bệnh Xá Mùa Xuân, để thấy cái day dứt, bi hài đi thẳng vào lòng người, tuy từ ngữ rất mộc mạc:    

“- Trời ơi, một người mang cặp kính nặng như thế mà họ vẫn không chịu buông tha sao thầy?
Minh cười:
– Họ nói là điếc thì không sợ súng, còn mang hai cặp mắt mới dễ bắn VC hơn.
– May mà em cụt một chân, nếu mù một con mắt họ vẫn bắt em đi ra đánh giặc trở lại.
– Thầy không buồn đâu. Bởi vì dù sao thầy là sĩ quan, là thiếu úy, thầy vẫn còn sướng hơn những người lính khác. Trung đội thầy có thằng mang đại liên, tên là Nga, Võ hồng Nga, to đen như Mỹ đen, nhưng bị cận thị nặng. Đi hành quân, nó không thấy đường, cứ nhằm chỗ VC mà tiến. Cuối cùng nó chết.
– Thầy biết không, bởi vì nó không cổ cánh….”

Chết hoặc trở thành tàn phế chưa phải là điều đáng sợ của người lính, mà cái đáng sợ nhất nhận lệnh, buộc phải thi hành của những người lãnh đạo quan liêu, và dốt nát. Đọc truyện Thế Hệ Chiến Tranh dường như cho ta một cảm giác, đây là một bản cáo trạng của nhà văn thì đúng hơn:

“Suốt cả một buổi trưa hai thằng chúng tôi mắc nạn không thể bò xuống đồi. Tư bị đạn trúng bã vai và chân. Còn tôi thì bị lựu đạn làm bể cả bắp đùi. Lúc này mạnh ai nấy thoát. Bởi ai cũng biết rằng nếu ở lại thì chết bởi những họng súng đang săn mồi từ cao điểm. Rõ ràng đây là một cuộc thí quân. Họ ra lệnh chúng tôi phải chiếm đồi với M16, và lựu đạn, trong khi địch ẩn núp trong những hang kiên cố, với lợi thế là thấy rõ chúng tôi, còn chúng tôi thì như những kẻ đui mù…”

Không dừng lại nơi chiến sự, Trần Hoài Thư tiếp tục chọc thẳng vào cái ung nhọt thượng tầng của xã hội. Khi ông đã nhận ra, sự hy sinh cả một thế hệ để phục vụ cho những kẻ lãnh đạo không lương thiện, thiếu tài năng này. Nếu gần đây, ta đã đọc bút ký Sau Cơn Binh Lửa của Trung tá, nhà văn Song Vũ, thì thấy được, những con sâu ở giới lãnh đạo thượng tầng này, góp phần không nhỏ dẫn đến sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Có thể nói, tuy miền Nam được tự do viết lách, nhưng ở vào thời điểm đó, Trần Hoài Thư viết thẳng tưng như thế này, quả thật cần lắm một sự dũng cảm. Và đoạn trích dưới đây, chứng minh cho ta thấy sự thối nát cũng như sự can trường của nhà văn:

“Trong khi bạn bè thầy,  bạn bè em cứ tiếp tục bị chết, thì ở Sài Gòn người ta vẫn ăn chơi phè phỡn, đô la thuốc phiện và tran giành quyền lực bằng những thủ đoạn chính trị bẩn thỉu. Ngay tại nơi này, những đồn điền mênh mông, những khu rừng cấm mà bọn mình đem xương máu bảo vệ là tài sản của các tướng tá hay các lãnh tụ ở Sài Gòn. Chúng ta cứ chết, mặc nước mắt của người mẹ, người em, để những mệnh phụ phu nhân, những bà lớn nắm quyền mua quan bán chức. Họ đục khoét tiền viện trợ Mỹ, con cái họ được chạy đi du học để trốn tránh trách nhiệm.”

Nỗi đau, sự trớ trêu trên những trang viết Trần Hoài Thư không dừng lại một gia đình, một tỉnh thành, mà cho toàn dân tộc Việt. Có thể nói, từ ngày lập quốc đến nay chưa có trận chiến nào tang thương, thù hận bằng cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn vừa qua. Trần Hoài Thư chứng kiến những hiện thực bi hài trớ trêu ấy, và tái hiện vào những trang sách, nên đôi lúc tôi cứ nghĩ, ông không dừng lại ở nhà văn, mà còn như một nhà sử học vậy. Nếu truyện Người Anh Hàng Xóm, cuộc đối đầu nhau trên chiến trường giữa hai cha con đều là trung đoàn trưởng ở hai phía, thì truyện Về Làng là nỗi đau của một người lính Việt Nam Cộng Hòa trước người chú và chị ruột theo CS, bị chính đồng đội của mình bắn chết… Đây là hai câu chuyện điển hình nhất trong nỗi bất hạnh của dân tộc trên trang viết của ông. Và nó cứ ám ảnh đeo vào lòng người một sự day dứt, không thể dứt bỏ.

Có một điều đặc biệt nữa, truyện nào của ông cũng mang một nỗi u hoài của sự chia ly, chết chóc với những cái kết bất ngờ bỏ ngỏ, buộc người đọc phải suy nghĩ. Nói Trần Hoài Thư là nhà văn của những nỗi đau, thì quả thật không ngoa tẹo nào.

Khi các nhà văn cùng thời thường khai thác đề tài ít va chạm với quyền lực, xã hội, hoặc viết về những trận đánh, chiến công oai hùng của người lính, thì Trần Hoài Thư đi vào bới móc cái bóng đen của chiến tranh, cũng như xã hội con người. Một đề tài khó nhằn, khó nuốt.

Nói cho cùng, xã hội, quân đội nào cũng vậy, đằng sau cái hào nhoáng đó, nó còn ẩn nấp bao thứ tồi tệ và bệnh hoạn khác. Và rất cần những nhà văn như Trần Hoài Thư bóc trần, rồi cắt bỏ.

*Ba mươi tháng tư, và linh hồn rách nát.

Vậy là chiến tranh đã kết thúc, người lính thám kích Trần Hoài Thư không thể về Nha Trang cưới em, và trở về nghề dạy học của mình, như ước nguyện. Nam- Bắc thống nhất, nhưng không thể tha thứ cho nhau, và người lính thua trận ấy bước vào vòng lao lý. Bốn năm lưu đày ấy như bốn ngọn roi quất vào tâm hồn văn nhân. Cặp bộ đội đứng hát bên bờ suối năm xưa, nay đã thành người quản giáo. Tiếng hát ngày nào đổi thành lời rao giảng, để hành hạ nhau. Đói và rét làm cho người người lính, văn nhân mất đi cả lý trí. Mình là ai? Sinh vật hay con người? Có lẽ chỉ có trời mới biết. Sự phản ứng vô ý thức ấy của văn nhân buộc tôi tự hỏi: Nếu bây giờ trở lại hoàn cảnh năm xưa, người thám kích Trần Hoài Thư có bắn cặp bộ đội đang hát bên suối hay vẫn tha? Và trái tim văn nhân có còn sống vĩnh cửu? (như ở truyện Viễn Thám). Ta đọc lại đoạn trích trong truyện ngắn Ra Biển Gọi Thầm, để so sánh tư tưởng, ý thức, hành động trước và sau 30-4-1974 của nhà văn Trần Hoài Thư:

“Nó cũng thâm độc hơn bất cứ một sinh vật nào. Nó đái lên những con cá lóc cá trê nó câu được trước khi nạp phần cho cán bộ quản giáo. Nó thầm lén phạt đứt cọng mạ non thay vì làm cỏ. Nó chửi thề khi hắn ngồi nghe chính trị viên lên lớp. Nhưng nó lại chịu thua trước thiên nhiên. Bởi nước thì quá sâu, và chảy quá mạnh. Bởi bó tràm thì quá ngỗ nghịch, cứng đầu. Nó ngoi ngóp. Nó vùng vẫỵ Hai chân vừa đạp, hai tay vừa kéo. Mưa lạnh làm châu thân nó run như lên cơn sốt rét. Hàm răng nó đánh cầm cập. Nó lại đóị Cái đói ghê gớm. Cái đói tàn bạo quật ngã nó khiến nó cứ thở dốc, thở rống từng hồi từ lồng ngực ngỡ khô cạn. Nó lảo đảo. Nó đang ở bên trời. Nó hay là tôi. Và tôi hay là nó. Tôi cũng chẳng cần biết nữa… »

Với tôi, Ra Biển Gọi Thầm là truyện ngắn hay và cảm động nhất trong tập truyện cùng tên. Truyện này, Trần Hoài Thư viết khi ông đã vượt thoát sang Hoa Kỳ. Vẫn thủ pháp nghệ thuật hồi tưởng, chập chờn của ký ức, ông đã đưa người đọc trở về với những ngày tù tội, nơi có mối tình cao thượng tuyệt đẹp, nhưng cũng tuyệt vọng của mình. Tôi đã đọc khá nhiều truyện, ký của các tù nhân, cải tạo, nhưng đây là lần thứ hai đọc truyện viết về tình yêu trong thời gian tù của họ. Và trước đó, là truyện Nghỉ Hè Ở Mallorca của nhà văn Phạm Tín An Ninh.

Dường như càng lớn tuổi, nhất là từ sau 1975 càng gian nan Trần Hoài Thư kiệm lời hơn, nên đi vào sự cô đọng, sâu lắng của thơ. Hơn bốn năm tù, với một linh hồn rách nát, đủ để cho ông nhìn lại. Dù nhận được lời mời vào hội văn thơ, nhưng ra đi là con đường duy nhất của ông. Và con thuyền lá tre chòng chành giữa biển khơi mênh mông bão tố ấy, chở ông đi tìm tự do, hay tìm về cõi chết? Đọc bài thơ Đêm Ra Biển của Trần Hoài Thư làm cho tôi phải rợn tóc gáy :

«… Đêm nước mặn mà ngọt ngào nỗi chết
Đêm quá dài mà ngắn chớp tử sinh
Đêm ơi đêm, một cõi u minh
Đêm bật khóc nhìn chúng tôi tự sát… »

Vậy là Trần Hoài Thư đã vượt qua được những chớp tử sinh. Đến được bến bờ tự do, nhưng ông cảm thấy mình bất hạnh hơn. Mâu thuẫn trong tư tưởng, tình cảm luôn giằng xé văn nhân. Và từ đây, ông như con thuyền không lái, chòng chành hơn, bởi đã mất quê hương :

«  Là lúc biết mình như thoát nạn
Sáng chân trời, hồng rực vầng dương
Là lúc, thấy mình như bất hạnh
Sắp làm người không có quê hương »
 (Đêm tiễn biệt Việt Nam)

Có thể nói, sau 1975 và từ khi định cư ở Hoa Kỳ, Trần Hoài Thư viết nhiều hơn. Ông viết cho mình, viết cho đồng đội, cho quê hương. Mỗi trang sách, bài thơ của ông như những đường kim sợi chỉ, vá lại linh hồn cho bao người đã bị rách nát trong chiến tranh, và trong những ngày trốn chạy lưu vong.

Tuy chưa phải là nhà văn lớn, nhưng Trần Hoài Thư là một trong những nhà văn điển hình nhất trong hai mươi năm nội chiến của nền Văn học Việt Nam.

Viết bài này, khi tài liệu thơ văn của Trần Hoài Thư, tôi có không nhiều, chủ yếu tìm đọc trên Internet, (và cũng chưa một lần gặp gỡ ông). Do vậy, không có hệ thống, có thể còn sai sót và chưa lột tả, đi hết cái tận cùng con người, cũng như thế giới mênh mông văn thơ Trần Hoài Thư. Nhưng đây như một lời tạ ơn của kẻ hậu bối, đến một nhà văn suốt đời hy sinh, tận tụy cho văn chương nước nhà.

Và hình ảnh Trần Hoài Thư, ngồi vá lại những linh hồn in đậm trong lòng, đã thôi thúc cho tôi viết bài này.

Leipzig ngày 22- 5-2017
Đỗ Trường





No comments: