Thursday, May 25, 2017

THỦ TƯỚNG VIỆT NAM SẼ LÀM GÌ Ở MỸ ? (Viễn Đông - VOA)




Viễn Đông  -  VOA
26/05/2017

Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc cấp cao Việt – Mỹ đầu tiên dưới chính quyền của Tổng thống Donald Trump, và gặp người đứng đầu Liên Hiệp Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 25/5 cho biết rằng chuyến đi “nhằm triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hoá, đa phương hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam” cũng như “đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ”.

Tin cho hay, trong khuôn khổ chuyến đi mà Hà Nội mong đợi sau khi tỷ phú bất động sản đắc cử, kéo dài từ ngày 29 tới 31/5, người đứng đầu chính phủ Việt Nam sẽ hội đàm với ông Trump; tiếp xúc một số nghị sĩ và bộ trưởng; dự tọa đàm với sự tham dự của các doanh nghiệp Hoa Kỳ; phát biểu tại Quỹ Di sản (Heritage Foundation); tới thành phố New York để hội kiến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Chưa rõ là ông Phúc sẽ gặp các nhà lập pháp nào, nhưng trong một động thái cho thấy Hà Nội đặt ưu tiên vào việc vận động cơ quan lập pháp Mỹ, xuất hiện vị trí tham tán phụ trách các vấn đề quốc hội Mỹ tại cơ quan đại diện ngoại giao ở thủ đô Washington DC. Theo trang web của Đại sứ quán Việt Nam, một nhà ngoại giao nữ tên Phạm Thu Hằng đang nắm nhiệm vụ này.

Đầu tháng, đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh từng tiếp xúc với hai nhân vật có liên quan tới Việt Nam là Thượng nghị sĩ John McCain và nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên tại quốc hội Mỹ, bà Stephanie Murphy nhằm “thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện” giữa hai nước và “thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao”.

Trước đó, đại diện ngoại giao hàng đầu của Việt Nam tại thủ đô Washington DC đã gặp dân biểu Ted Yoho, Chủ tịch tiểu ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, sau khi ông Vinh có buổi tiếp đón nhiều nhân viên của các nhà lập pháp Mỹ.

Trong các vấn đề ông Phúc dự kiến thảo luận với các quan chức chủ nhà, nữ phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng không nêu nhân quyền, nhưng phía Mỹ lâu nay vẫn khẳng định rằng thúc đẩy vấn đề này “là một phần sống còn trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là một thành phần quan trọng trong cuộc đối thoại tiếp diễn giữa hai nước trong khuôn khổ Đối tác Toàn diện Việt – Mỹ”.

Ít ngày trước chuyến công du của ông Phúc, dân biểu Chris Smith, Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Toàn cầu của Hạ viện Mỹ, hôm 25/5 chủ trì một buổi điều trần với chủ đề “Việt Nam: Vì sao nhân quyền và tự do tôn giáo lại mang tính sống còn đối với các quyền lợi quốc gia của Mỹ”.

Thông cáo trích lời nhà lập pháp, vốn từng nhiều lần chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Việt Nam nhưng bị Hà Nội phản bác, nói rằng “khi Thủ tướng Việt Nam thăm Hoa Kỳ vào cuối tháng này, chính quyền của [ông] Trump có một cơ hội để khẳng định rằng người dân Mỹ sẽ không ủng hộ việc đàn áp các nhóm tôn giáo, các nhà dân chủ, các blogger, và các nhà báo”.

Trong cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm 25/5, khi được hỏi rằng liệu vấn đề Biển Đông có được mang ra thảo luận hay không, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng ông Phúc sẽ “trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, giáo dục, khắc phục hậu quả chiến tranh” cũng như thảo luận “các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, vì hòa bình, ổn định và sự phát triển của khu vực và trên thế giới”.

Tháng trước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tới Mỹ trong chuyến đi mà nhiều nhà quan sát cho là tiền trạm cho chuyến công du của ông Phúc.

Thông tin trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng tình hình Biển Đông đã được mang ra trao đổi trong khi ông Minh tiếp xúc với Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster.

Hai quan chức Mỹ được trích lời “khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, dựa trên các tiến trình ngoại giao và pháp lý và trên cơ sở luật pháp quốc tế…” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Nhà Trắng không công bố thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận này.

Trả lời VOA News, ông Murray Hiebert từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Washington nhận định rằng Việt Nam “muốn nắm chính sách và chiến lược của Mỹ về Biển Đông cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại đó, nhất là khi Washington đang hướng tới Bắc Kinh để khống chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Hàn”.

Chuyến thăm Mỹ của ông Phúc diễn ra hơn 10 ngày sau khi Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang công du Trung Quốc, và tin cho hay, đôi bên đã “nhất trí kiểm soát bất đồng ở Biển Đông”.

Ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson, cho rằng các quốc gia Đông Nam Á thường thận trọng trong chiến lược làm bạn với các cường quốc, và “không một nước nào muốn bị cuốn quá sâu vào tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, Mỹ, hay bất kỳ một các cường quốc nào khác”.

Chính quyền Hà Nội lâu nay vẫn bị chỉ trích là “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng Việt Nam luôn nhấn mạnh “không dựa vào nước này để chống nước kia”.

*
Liên quan






No comments: