.
Nguyễn Vinh
- TBKTSG
Thứ Hai, 22/2/2016, 09:02 (GMT+7)
(TBKTSG)
- “Tết nhất, tưởng về quê là được yên ổn, ai ngờ lại bị tra tấn bởi nhà nhà đều
có dàn karaoke gia đình. Người ta cứ vô tư nghêu ngao từ sáng đến tối. Chịu hết
nổi rồi, chắc phải nhảy xe vào phố sớm...”.
Chị
bạn nói như khóc qua điện thoại vào sáng mùng hai Tết trong nền nhạc karaoke
văng vẳng và một giọng hát nhừa nhựa. Nỗi khổ này đâu chỉ riêng ai. Chỉ biết ủi
an như vậy với một kẻ về quê với ảo tưởng giản dị “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”
nhưng bất thành.
Nếu
cách đây hai chục năm, người dân các vùng quê coi “nhà có ti vi, xe máy, tủ lạnh”
như một biểu hiện thăng tiến về đời sống tiện nghi văn minh, một thước đo bộ mặt
kinh tế gia đình, thì nay, bộ tiêu chí “vật chất luận” ấy cũ rồi. Ngày nay, xe
máy số đã lên đời tay ga, tủ lạnh tiết kiệm điện thế hệ mới, vậy tiếc gì chiếc
ti vi màu màn hình lồi xài ăng-ten thay bằng màn hình phẳng kèm dàn âm thanh cực
đỉnh để nghe nhạc và không thể thiếu phương tiện giải trí hiệu ứng “thật như
mang sân khấu về nhà” - chiếc đầu karaoke 5 số để hát hò trong những dịp họp mặt
gia đình.
Đời
sống tinh thần khá lên, thì phải lạc quan. Nhưng trong cái lạc quan thái quá của
sự lấy hát hò để vơi đi nhọc nhằn hay lơi đi phần nào thực tại quanh quẩn, có
thể thấy dấu vết của sự rạn vỡ trong đời sống nhân quần. Những buổi họp mặt gia
đình không còn là sự sum vầy ấm cúng quan tâm của tình thân, tình thương, mà tất
cả là “thay lời muốn nói” bằng tiếng nhạc điện tử chát chúa từ dàn máy karaoke
âm thanh nổi.
Chuyện
mâu thuẫn thế hệ trở nên gay gắt khi ông mê nhạc đỏ, bà mê nhạc vàng, lũ con mê
nhạc tình thời đổi mới còn bọn cháu chắt choai choai lại say đắm với dòng “nhạc
ngôn tình” thời thượng bây giờ. Chỉ cần “chỏi gu” nhau là coi như “lời muốn
nói” của người này trở thành lời tra tấn với người kia.
Có
thời người ta lấy tiếng hát át tiếng bom, bây giờ tiếng hát át đi nhiều thứ dồn
nén nhưng cũng đồng thời tạo ra hố ngăn cách trong mỗi gia đình, mà giản đơn, bắt
đầu từ gu, từ hành xử qua chuyện hát hò không mấy đồng thuận. Lãng xẹt!
Nói
tới tình làng nghĩa xóm thì còn tệ hại hơn. Chuyện con gà tức nhau tiếng gáy,
hay nói nôm na là “tính đố kỵ làng xã” của người thôn quê muôn đời vẫn vậy nay
nó lại được cộng hưởng với căn bệnh phô trương của những người thích mô phỏng lối
sống phù phiếm kiểu đô thị, sinh ra vô vàn hệ lụy. Dưới thời đại của những dàn
karaoke đầu số, xem ra, những “tiếng gáy” kia càng được khuếch đại. Nhà nọ có
con đi học phố về sắm cho dàn karaoke âm thanh stereo thì nhà kia cũng không
thua kém gì, con ở phố về cũng phải lên được dàn surround cực đỉnh... Cuộc
tranh đua về công nghệ không ngừng leo thang. Mọi minh chứng về tính ưu việt, đẳng
cấp hay “biết sống” được thể hiện qua hiệu quả của những buổi karaoke sum họp
kéo dài triền miên trong các dịp lễ lạt.
Vậy
là, cái sự cạnh tranh nhau về âm lượng gây chú ý theo kiểu “tra tấn nhau” cứ tưởng
chỉ diễn ra trong thế giới của các cửa hàng mùa giảm giá trên các phố bán hàng
bình dân, nay lại diễn ra sau những lũy tre làng.
Bất
kể ngày đêm. Bất kể giờ giấc. Khi nào nhà còn người hát, còn người cầm mi-crô
thì khi đó âm nhạc cứ trỗi lên.
Karaoke
từ một trò tiêu khiển vui vẻ trong những căn phòng cách âm, sinh ra để giúp người
ta xả bớt căng thẳng trong đời sống công nghiệp phố thị bỗng trở thành một hiện
tượng bi hài giữa làng quê Việt Nam trong thời kỳ mà hát hò được coi là phương
cách tinh thần để thoát ly biết bao bùng nhùng quanh quẩn của thực tại và đồng
thời cũng hứa hẹn tạo ra cho thực tại biết bao quanh quẩn bùng nhùng “khó đỡ”
khác!
* * *
Buổi
sáng trong vườn quê trong trẻo, nếu ai đó quá lãng mạn, còn thèm nghe tiếng
chim hót thì hãy thông cảm cho lũ chim - chúng đã trốn đi biệt vì tiếng hát, tiếng
nhạc, tiếng nhằn nhéo lẫn nhau của những con người tự nguyện làm nạn nhân của
chính mình.
Sự
tĩnh lặng trong trẻo của xóm làng đang bị triệt tiêu. Chia buồn với chị bạn. Chỉ
biết ủi an rằng, thôi thì cứ về phố, biết đâu trong những ngày lễ lạt, phố phường
vắng vẻ lại là nơi cho ta chút yên ổn tạm thời, ít ra là trong bốn bức tường!
No comments:
Post a Comment