29/09/2011 - 15:08
Thủ tướng Australia Julia Gillard tuyên bố quốc gia này cần chuẩn bị sẵn sàng trước tình hình cán cân toàn cầu đang chuyển dịch từ Tây sang Đông. Văn kiện ‘Australia trong thế kỷ Châu Á’ là một trong những nỗ lực chuẩn bị này.
Bà Gillard đã ủy nhiệm Tiến sĩ Ken Henry, cựu Thư ký Bộ Ngân khố, soạn thảo ‘Australia trong thế kỷ Châu Á’, văn kiện quan trọng và chi tiết đề cập tới vai trò của quốc gia này trong quá trình hội nhập vào khu vực Châu Á.
Theo dự kiến, văn kiện sẽ được công bố vào khoảng đầu năm 2012.
Tiến sĩ Henry và nhóm cộng sự sẽ tìm hiểu về những phương thức tốt nhất cũng như những điều mà Australia cần làm trước những thay đổi nhanh chóng tại Châu Á.
Ngoài ra, văn kiện sẽ tìm hiểu những phương cách giúp Australia hội nhập tốt hơn, đồng thời củng cố các mối quan hệ kinh tế, văn hóa, quốc phòng, nghiên cứu và kinh doanh với các nước trong khu vực Châu Á.
‘Australia trong thế kỷ Châu Á’ cũng sẽ tìm hiểu về những thách thức và cơ hội mà Australia có thể đối mặt qua sự trỗi dậy của Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sự suy giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Châu Âu.
Khi nhìn về Châu Á, các nhà soạn thảo văn kiện, đứng đầu là Tiến Sĩ Ken Henry, sẽ đặc biệt chú ý tới Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước trong vùng Đông Nam Á.
Quan điểm của Thủ tướng Australia về Châu Á
Hôm thứ Tư 28/9, trong buổi giới thiệu về văn kiện, Thủ tướng Gillard tuyên bố khu vực Châu Á đang chuyển đổi mạnh mẽ và sự chuyển đổi này sẽ “quyết định tương lai của Australia”.
Australia cần lập kế hoạch dài hạn để đáp ứng với sự trỗi dậy của Châu Á và phải nhắm vào Ấn Độ và Trung Quốc như là hai khách hàng chính yếu.
Bà Gillard phát biểu: “Đây là lần đầu tiên, so với các nước cạnh tranh khác, chúng ta gần hơn với Châu Á, khu vực phát triển nhanh nhất và năng động nhất trên thế giới về mặt kinh tế”.
Bà nêu một ví dụ cụ thể về mặt kinh tế: “Tới năm 2025, các nước đang phát triển và trỗi dậy có thể sẽ là những nhà đầu tư nước ngoài, trong khi đó các nước phát triển trở thành những quốc gia vay mượn nợ nước ngoài”.
Sự chuyển đổi kinh tế của Châu Á, bao gồm không những Trung Quốc mà cả Ấn Độ và Indonesia, đã tạo ra những ‘cú sốc rõ ràng’ trong một loạt các lĩnh vực, từ đầu tư nước ngoài, di trú tới môi trường và năng lượng.
Tuy nhiên, chính nhu cầu của Trung Quốc trong lĩnh vực tài nguyên để thỏa mãn số dân 400 triệu người từ vùng nông thôn di chuyển lên các thành thị đã tạo ra nhiều thay đổi nhất. Bà Julia đưa ra dẫn chứng cụ thể: “Một căn hộ điển hình tại Trung Quốc cần 6 tấn thép, một km đường xe lửa cần khoảng 7500 tấn thép. Mỗi tấn thép cần hơn 1,5 tấn quặng mỏ và hơn nửa tấn than đá. Australia có đầy rẫy cả hai thứ này và do vậy chúng ta đang thu được rất nhiều lợi lộc”.
Quan điểm của phe đối lập
Bà Julie Bishop, phát ngôn viên phe đối lập, đã lên tiếng hoan nghênh văn kiện ‘Australia trong thế kỷ Châu Á’ và cho rằng việc Australia tập trung chú ý vào Châu Á là hành động “thích hợp”.
Tuy nhiên, phe đối lập vẫn bày tỏ sự nghi ngờ liệu những đề nghị do văn kiện này đưa ra có được thực thi hay không. Họ hy vọng thấy được những thành quả cụ thể và rõ ràng mà Australia đạt được chứ không phải những kết quả có tính cách chung chung và mơ hồ.
Phe đối lập cho hay chính phủ có cả một “lịch sử” cho ra đời nhiều văn kiện nhưng cuối cùng họ thường làm ngơ những đề nghị do chính các văn kiện này đưa ra.
Bà Bishop tuyên bố: “Nỗ lực cuối cùng liên quan tới vấn đề chính sách do Tiến sĩ Ken Henry thực hiện là văn kiện Duyệt xét Thuế hiện vẫn nằm đóng bụi trong văn phòng của (Bộ trưởng Ngân khố) Wayne Swan từ gần hai năm qua, kể từ khi nó được hoàn thành. Tôi hy vọng văn kiện ‘Australia trong thế kỷ Châu Á’ sẽ không phải là một nỗ lực khác của chính phủ nhằm làm cho dân chúng không còn chú ý tới những tai ương do chính phủ của bà Gillard gây ra”.
Ngoài ra, phe đối lập còn cho rằng quan hệ giữa Australia với Châu Á đã bị xấu đi kể từ khi bà Gillard làm thủ tướng.
Sự vắng mặt của Ngoại trưởng Kevin Rudd tại buổi thông báo về văn kiện được phe đối lập xem là bằng chứng cho thấy có sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ, đặc biệt giữa bà Gillard với ông Rudd.
Cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương?
Trong khi đó, giới quan sát, trong đó có ông Daniel Flitton, phụ trách mục Ngoại giao của báo The Age tại Melbourne, nhận định việc bà Gillard không muốn tổ chức thêm các cuộc họp thượng đỉnh ngoại giao để bàn thảo về quan hệ trong khu vực cho thấy bà đã không chú tâm nhiều tới ‘Cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương’ vốn là chủ đề ông Rudd rất tâm đắc khi ông còn giữ ghế thủ tướng Australia.
Theo ông Flitton, rõ ràng là qua ‘Australia trong thế kỷ Châu Á’, bà Gillard đã bác bỏ quan điểm của ông Rudd về việc thành lập một diễn đàn khu vực mới - Cộng đồng Châu Á-Thái Bình Dương.
Sự vắng mặt của ông Rudd càng cho thấy chính sách của ông Rudd không được bà Gillard hậu thuẫn mạnh mẽ.
Chính sách mới của Australia liên quan tới vấn đề Châu Á được soạn thảo bởi văn phòng của bà Gillard, cụ thể là bà ủy nhiệm cho Tiến sĩ Ken Henry thực hiện.
--------------------------------
28/09/2011 - 16:43
Ngày 28/9, Chính phủ Australia đã ủy nhiệm cho Tiến sĩ Ken Henry, cựu Thư ký Bộ Ngân khố soạn thảo văn kiện quan trọng ‘Australia trong thế kỷ Châu Á’, đề cập tới vai trò của quốc gia này trong quá trình hội nhập vào khu vực Châu Á.
Một ủy ban gồm các chuyên gia cố vấn sẽ có nhiệm vụ giúp Tiến sĩ Henry soạn thảo tài liệu trên, theo dự kiến được hoàn tất vào giữa năm 2012.
Theo Thủ tướng Julia Gillard, nhóm soạn thảo của Tiến sĩ Henry sẽ đề ra các sáng kiến để giúp Australia tận dụng mọi cơ hội, đồng thời nêu bật những thách thức trong bối cảnh Châu Á trỗi dậy trong thế kỷ tới.
Nhà lãnh đạo Australia phát biểu: “Việc chuyển dịch sức mạnh kinh tế và chiến lược sang Châu Á chưa bao giờ xảy ra nhanh chóng và tác động sâu xa tới quyền lợi của Australia như lúc này. Tài liệu này sẽ giúp Australia tiến vào ‘Thế kỷ Châu Á’ để nắm bắt những cơ hội cũng như đối đầu với những thách thức”.
‘Australia trong thế kỷ Châu Á’ sẽ xem xét các chính sách của Australia và những sáng kiến ngắn hạn sẽ được thi hành trong vòng gian 5 năm sắp tới. Ngoài ra, tài liệu này đề xuất những kế hoạch dài hạn hơn cho Australia cho tới năm 2025.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Ken Henry cũng sẽ khảo sát sự gia tăng tầm ảnh hưởng của Châu Á trước các vấn đề trên thế giới cũng như những tác động của quá trình thay đổi kinh tế, chính trị và chiến lược trong khu vực đối với Australia.
---------------------------------
XEM THÊM :
.
.
.
No comments:
Post a Comment