Tường An, thông tín viên RFA
2011-09-30
Như các cuộc biểu tình trước đây, cuộc biểu tình ngày 21/8 cũng bị công an đàn áp và bắt giữ những người tham gia biểu tình trong đó có ba mẹ con một công dân Đức gốc Việt.
Chị Trần Thị Hường biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội hôm 21/8/2011. RFA photo
Gia đình này sau đó đã bị trục xuất khỏi Việt Nam. Về đến Đức Họ đã viết thư lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để yêu cầu làm rõ sự việc. Thông tín viên Tường An tiếp xúc với bà Trần thị Hường, người đứng tên trong lá thư ngỏ này.
Dù bị nhiều đàn áp từ phía chính quyền, các cuộc xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều cường độ khác nhau. Hòa vào dòng cuồng lưu đó, bà Trần thị Hường, một công dân Đức gốc Việt, trong một dịp cùng gia đình về Việt Nam nghỉ hè, đã tham gia biểu tình để giải tỏa nổi bức xúc âm ỉ lâu nay khi nhìn thấy ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc bức hiếp, bà xúc động :
"Tôi nhìn cái cảnh ông Lành nào đấy ổng trên thuyền, ổng mặc cái áo màu xanh, tôi vẫn còn nhớ cái cánh tay áo toạc ra mà người thì gầy gò, cái răng thì sứt mất một cái. Ổng ấy vừa bị bắt chuộc về. Có xót ruột không khi thấy người dân mình như thế."
Biểu tình ôn hòa
Vợ chồng chị Hường và và ba cô con gái là cô Tuyết Trinh 26 tuối, cô Hà Thanh 14 tuổi và Minh Tâm 10 tuổi về Việt Nam ngày 14 tháng 8, tạm trú tại Hà nội, chị dự định sẽ thăm gia đình Cha Mẹ chồng cũng như viếng mộ Cha Mẹ chị ở Quảng Bình nhưng tất cả những dự định đó đã không thực hiện được bởi chị bị trục xuất vì đã tham gia cuộc biểu tình chống Trung Quốc ngày 21 tháng 8 vừa qua, chị kể lại diễn tiến sự việc xảy ra ngày hôm đó :
"Tôi làm 2 cái biểu ngữ, một cái tôi đề là «Quyết tử cho Tổ Quốc Quyết Sinh» «Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam» và một biểu ngữ nữa tôi ghi «Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hãi của Việt Nam là sứ mệnh của toàn dân» Trên 2 biểu ngữ đó thì ở 2 đầu góc tôi ghi luôn là cờ Đức và cả một cái cờ Việt Nam.
Thế thì 8.30 giờ thì ba Mẹ con dựng cái banderole vào lễ tạ tượng đài Vua Lý Thái Tổ, đương lễ tạ thì có một anh mặc thường phục mở banderole của tôi ra. Đáng lẽ ra ở Đức là không được phép vì đấy là tài sản của tôi. Tôi cười cười bảo, cái này của cô đấy cháu ạ, đây là cái banderole để cô đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo của mình »
Sau đó ba mẹ con ra bờ hồ, chị Hường luôn dặn các con phải giữ đúng luật giao thông, không làm mất trật tự đường phố như luật pháp quy định vì bà nghĩ rất đơn giản : biểu hiện lòng yêu nước là quyền lợi và bổn phận của người dân và chính quyền phải ủng hộ, thế nhưng, thực tế thì khác hẳn :
"Thế thì, tôi đi. Mà luật ở Việt Nam cấm đi 5 người thì mình tụ tập có 3 Mẹ con thôi ! không sao cả. Tôi vẫn bảo các con đi đúng vỉa hè, không đi xuống lòng đường, không có gây cản trở, không có gây mất trật tự giao thông gì hết !
Ra đối diện với bờ hồ thì tự nhiên nhân dân ở đâu người ta ào vào, người ta nhập vào với mình. Rất là thương chị ạ, mình cảm thấy là cái lòng của mình nó ấm lên. Đúng rồi ! Tổ quốc mình vẫn còn có rất là nhiều người yêu nước."
Và sau đó :
"Chúng tôi chả có hô hoán gì đâu chị ạ ! Tự nhiên ô-tô của cảnh sát người ta mới loa rằng là mất trật tự nhưng mà chúng tôi có làm mất trật tự đâu, chính là họ làm ầm ầm lên thôi chứ chúng tôi chả làm gì cả.
Thì bắt đầu chị Minh Hằng mới hô thì mình thấy chị hô rất là đúng tức là «Đả đảo Trung quốc xâm lược Việt Nam" thì mình cũng «đả đảo». Sau đó thì cả đoàn mới khởi động xuôi xuống đường Bà Triệu.
Đương đi thế này thì bao nhiêu là những thanh niên đeo bằng cờ đỏ. Chúng hùng hổ chưa từng thấy. Tôi chưa từng thấy có người nào mà lại con người đối xử với con người như vậy. Nó giằng, nó giật luôn cái biểu ngữ của chúng tôi quăng xuống đất, mà đấy là cái Quốc kỳ chứ chị ! Tôi rất là ngạc nhiên, tôi vội vàng nhặt lên và ôm chặt vào lòng thì 3,4 người xô vào bắt tôi đi lên xe. Chân tôi thì bị tàn tật 20% ở bên Đức này. Ba, bốn người xô đẩy tôi lên xe bus, không ai nói mời chị lên xe bus hoặc là cái gì cả. Vì cái chân tôi bị tàn tật như thế tôi cũng đành phải lên xe. Cháu bé nhà tôi 14 tuổi cũng bị bắt lên. Cháu lớn thì cháu chòai ra được nhưng mà thấy cháu cứ khóc lóc thì tôi bảo thôi thì lên đây. Trên xe ô-tô chúng tôi vẫn hô đả đảo!"
Con gái chị Hường (áo đen) tham gia biểu tình hôm 21/8/2011. RFA
Bị trấn áp, trục xuất
Đoàn người được đưa về trạm công an Mỹ Đình, tại đây chị phải trải qua rất nhiều toán điều tra để lập biên bản với những câu hỏi lập đi lập lại mà chị cho rất là vô lý như «Chị ước lượng đoàn biểu tình bao nhiêu người, máy bay của chị có bao nhiêu người »…v.v.. đến lúc chị không chịu đựng được nữa:
"Hết đoàn nọ đến đoàn kia cứ vào hỏi, tôi bảo : tôi mệt lắm rồi ! Bây giờ tôi chỉ khai 1 lần thôi, các anh muốn hỏi thì các anh chép của nhau đi !"
Sau gần một ngày làm việc với công an Mỹ Đình, chị và hai con chỉ được thả ra sau khi chồng chị đến đưa hộ chiếu và ký giấy bảo lãnh mặc dù chị phản đối, cho rằng chị biểu tình vì yêu nước chứ có phạm tội gì đâu mà phải bảo lãnh.
Chiều, về đến nơi tạm trú, chị tiếp tục bị quấy nhiễu bởi công an xuất nhập cảnh, công an phường và những đoàn người mà chị không biết là ai cho mãi đến gần nửa khuya, đến lúc đi ngủ thì lại còn 1 ngạc nhiên nữa chờ chị.
"Tôi đi biểu tình chống Trung Quốc mà hết đoàn nọ đến đoàn kia vào hỏi. Bây giờ khuya rồi tôi phải vào ngủ vì hôm nay tôi đi biểu tình rất sớm, tôi bị giữ ở đồn công an mà chân tôi thì đau, tôi không thể tiếp các anh được, đề nghị các anh cho tôi đi ngủ. Thế thì tôi đi nghĩ trên gác tôi nhìn xuống dưới : Không ngờ được chị ạ, Ba, bốn cái xe cảnh sát bao vây quanh nhà, nơi tôi tạm trú. Bao nhiêu cảnh sát, rồi là bảo vệ đầy chật ra ! Coi như tôi là một kẻ chuẩn bị mang bom đi đặt ở đâu đấy chị ạ !"
Sau một đêm không ngủ, 6 giờ sáng hôm sau chị lại phải tiếp một nhóm công an khác nữa và họ bắt chị phải lên phường. Tại đây chị gặp công an Tú, nữ công an Phương và công an phường, chị bị yêu cầu phải về nước với lời kết tội là «chị về Việt Nam để biểu tình », chị phản đối sự cáo buộc đó của công an:
"Tôi hoàn toàn phản đối, bởi vì cái biểu tình này là bắt đầu mùng 5 tháng sáu là bắt đầu có biểu tình ở Việt Nam mà tôi đặt vé về Việt Nam là tháng 3. Tức là trong thời gian đó không hề có biểu tình. Nhưng mà đã có xâm phạm lãnh thổ lãnh hải từ lâu rồi. Mà nói thật là tôi rất bực từ lâu rồi thế cho nên là tháng 8 tôi về tối kết hợp luôn, tôi xuống đường luôn."
Mặc dù phản đối, gia đình chị với một người con 10 tuổi đang bị bệnh vẫn bị đuổi ra khỏi Việt Nam vào lúc 8 giờ đêm ngày 22/8, một ngày sau cuộc biểu tình. Chị yêu cầu được ở lại trị bệnh cho con rồi mới về thì công an Tú bảo nếu tôi mà không đi thì chúng tôi cưỡng chế chị !
"Tôi nghe mà tôi cảm tưởng như tôi sắp bị xử tử đến nơi rồi chị ạ !"
Phân biệt đối xử
Trên máy bay, gia đình chị lại bị phân biệt đối xử chỉ vì cái tội đã tham gia biểu tình : chị thì không được ngồi ghế dành cho người tàn tật, còn chồng chị thì không được uống bia:
"Nếu mà nói về luật thì chỉ tôi với cháu lớn là đi biểu tình là phạm luật. Chồng tôi ở nhà không có đi. Thế thì ở trên máy bay gọi cốc bia uống. Cô tiếp viên mới bảo là : Không cô ạ, chúng cháu có danh sách rồi là nhà cô là không được uống cồn. Tôi bảo tại sao không được uống cồn thì cô tiếp viên bảo là bên An ninh người ta yêu cầu như thế !"
Khi về đến Đức, chị có viết 1 lá thư gửi cho chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lá thư được gửi đi ngày 19 tháng 9, cho đến nay chị đã nhận được phản hồi chưa ạ ?
"Dạ chưa được chị ạ, tôi vẫn đang chờ đấy ! Chờ nhưng mà tôi không hy vọng lắm là ông Trương Tấn Sang sẽ trả lời thư của tôi đâu chị ạ ! Nhưng mà tôi vẫn có một cái hy vọng đồng sự đồng nghiệp của ổng đọc được lá thư này."
Đến Đức năm 1988 theo diện hợp tác lao động. Ngày xưa chị cũng đã từng xuống đường chống Mỹ, và hôm nay chị cũng đi biểu tình phản đối Trung Quốc, cả hai lần biểu tình đều xuất phát từ lòng yêu nước, muốn bảo vệ tổ quốc, chỉ khác là lần đầu chị được nhà nước động viên xuống đường, còn lần này thì :
"Ngày xưa thì tôi sống ở ngoài miền Bắc, tức là Xã hội chủ nghĩa. Cái thời thanh thiếu niên của tôi, ngay trong nước mình, nhân dân cũng xuống đường biểu tình, thiếu niên, các tầng lớp trí thức, công, nông. Tất cả xuống biểu tình rất là rầm rộ phản đối Đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Người ta bảo võ mồm, đâu có phải mà là vũ khí tuyên truyền chính trị rất là quan trọng.
Những cái đấy đã giúp cho các ông lãnh đạo ngồi vào bàn Hiệp định Ba-Lê với Mỹ và đem lại Hiệp định ngừng bắn cho Việt Nam mình, thì tôi nghĩ mình cũng xuống đường, mình cũng làm như xưa thôi, mà mình làm ngày trên đất mình thì chính quyền phải bảo vệ mình làm. Người ta xâm lược nước mình mà chính quyền Việt Nam không cho mình yêu nước, cái đó rất là vô lý."
Trên máy bay, chị Hường rời quê hương thứ nhất để trở lại quê hương thứ hai với một tâm trạng thất vọng, não nề và cái hộ chiếu thị thực nhập cảnh 5 năm mang con dấu «đã hủy».
Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
---------------------------------
Nguyễn Xuân Diện blog
Thứ hai, ngày 19 tháng chín năm 2011
.
.
.
No comments:
Post a Comment