Người Việt
Wednesday, September 28, 2011 6:45:56 PM
HÀ NỘI (TH) - Không phải Quốc Hội soạn thảo luật mà chính ông thủ tướng ra lệnh cho Bộ Công An soạn thảo “Luật Biểu Tình” để dễ bắt và bỏ tù những ai đi biểu tình mà không có xin phép nhà nước?
Khác với các nước tự do dân chủ mà luật thường do các dân biểu, nghị sĩ soạn thảo với một ban chuyên viên cố vấn về luật, ở Việt Nam, báo điện tử Bee.net ngày Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011 cho hay “Dự án Luật Biểu Tình không bộ nào đề xuất mà chính thủ tướng chính phủ đưa ra và giao cho Bộ Công An chuẩn bị.”
Hầu như các đạo luật đều là những văn bản luật pháp do các cơ quan, bộ ngành của nhà nước soạn thảo nhằm bảo vệ lợi ích của bộ hay ngành, hay nhà nước, không phải bảo vệ quyền lợi quần chúng. Chính vì vậy luật lệ của Việt Nam thường bị đả kích là tròng tréo lẫn nhau, phản hiến pháp, phản nghịch với các điều luật và công ước quốc tế mà Việt Nam ký cam kết tuân thủ.
Báo bee.net vừa nói thuật theo lời Bộ Trưởng Tư Pháp Hà Hùng Cường trong một phiên họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội chiều ngày 28 tháng 9, 2011 “khi cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ QH khóa XIII.”
Quốc Hội CSVN khóa XIII dự trù chỉ hơn một tháng, từ ngày 20 tháng 10, 2011 và bế mạc ngày 26 tháng 11, 2011 thường được gọi là cơ chế dấu cao su (rubber stamp) theo cách viết của báo chí quốc tế. Gọi là “cơ quan quyền lực cao nhất nước” nhưng Quốc Hội lại cũng là những người cầm đầu đảng và nhà nước nên những gì được đưa ra biểu quyết hiếm khi bị bác bỏ.
“Luật Biểu Tình” lại do “Bộ Công An” “chuẩn bị” thì chắc chắn phải đưa ra những điều cột buộc chặt chẽ “xin-cho” để ai muốn xin phép biểu tình không có lợi cho nhà cầm quyền sẽ không thể nào có giấy phép. Luật chỉ là nhằm bảo vệ lợi ích cai trị của nhà cầm quyền độc tài đảng trị, không phải để dân hành sử quyền tự do phát biểu như Hiến Pháp công nhận.
Bản tin của Bee.net có tính cách vu cáo cho người dân ở trong nước thiếu ý thức khi viết rằng luật biểu tình “luật này cần chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, thời điểm xem xét, thông qua, điều kiện tổ chức thực hiện để tránh việc lợi dụng kích động quần chúng biểu tình gây rối trật tự an ninh.”
Bản tin Bee.net nói thêm: “Nhưng ý kiến đề nghị chưa ban hành luật này cho rằng nếu ban hành sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng xấu, thế lực thù địch lợi dụng biểu tình chống phá chế độ.”
Có vẻ như “Luật Biểu Tình” đang được vội vã soạn thảo để đối phó với các cuộc biểu tình tự phát của người dân, có thể sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chế độ.
Từ đầu tháng 6 đến tháng 8, 2011, đã có 11 cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã diễn ra ở Hà Nội. Lần biểu tình cuối cùng là ngày Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011, công an đã bắt khoảng hơn 40 người tham gia khi họ vừa mới tập trung ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Một ít người đã bị giam giữ 4 hay 5 ngày sau mới thả sau nhiều cuộc thẩm vấn, đe nẹt. Một số người tham dự biểu tình về sau cho hay họ đã mất việc làm vì áp lực của công an.
Ngày 17 tháng 7, 2011, đại úy công an tên Minh là đội phó an ninh của quận Hoàn Kiếm đạp vào mặt thanh niên biểu tình tên Nguyễn Chí Ðức khi anh đang bị khiêng ném lên xe buýt. Tấm hình này và cả đoạn video quay cảnh đạp mặt đã được phổ biến rộng rãi trên youtube gây phẫn nộ khắp nơi. Tuy nhiên, Tướng Nguyễn Ðức Nhanh, thứ trưởng Bộ Công An kiêm giám đốc Sở Công An Hà Nội, họp báo chối rằng không có việc người biểu tình bị đạp vào mặt dù có bằng chứng hiển nhiên.
Ngày 18 tháng 8, 2011, một bản thông báo của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội được phổ biến rộng rãi trên hệ thống báo đài của nhà nước “yêu cầu chấm dứt biểu tình tự phát.” Văn bản không có chữ ký đã bị 25 người dân gồm nhiều nhà trí thức nổi tiếng đả kích là không có hiệu lực pháp lý và cũng là ngược với Hiến Pháp. Dù vậy, đến ngày Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2011 thì tất cả những người tham dự biểu tình vừa mới tập trung đã bị bắt tất cả.
Theo ý kiến của Luật Sư Nguyễn Văn Ðài qua một bài viết phổ biến trên trang mạng BBC ngày 16 tháng 8, 2011: “Bởi ý nghĩa to lớn của quyền biểu tình và quyền biểu tình là quyền hiến định nên nó không bị hạn chế bởi qui định của các văn bản dưới luật.” (PL)
.
.
.
No comments:
Post a Comment