Nguyễn Ước
Thứ Tư, 13/07/2011
Nhà báo Bùi Tín trong bài gần đây của ông, "Những ngày chủ nhật có làm nên lịch sử?" (9.6.2011) phổ biến trên nhiều trang web đã mô tả khái quát tình thế hiện nay của chính quyền Việt Nam rằng: "Thế yếu của chính quyền là bị tố cáo ‘ươn hèn với giặc, tàn bạo với dân’, bán rẻ chủ quyền, lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, đi đêm với kẻ thù bành trướng... với nhiều dẫn chứng khó chối cãi.”
Cuộc trấn áp của chính quyền đối với lần biểu tình hôm Chủ nhật 10.7.2011 vừa qua tại Hà Nội với việc bắt bớ bừa bãi các thanh niên sinh viên nam nữ yêu nước. Khóa họp II của Hội nghi Trung ương Đảng CSVN suốt một tuần lễ cũng kết thúc đúng hôm Chủ nhật đó, nhằm bố trí nhân sự lãnh đạo chính quyền nhưng hoàn toàn không bàn tới vấn đề Biển Đông. Thái độ của chính quyền đối với kiến nghị gởi đi ngày 4.7.2011 của một số nhân sĩ trí thức VN hàng đầu yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin liên quan tới quan hệ với TQ, đặc biệt quan điểm của chính quyền hiện nay đối với bức thư ngoại giao của Ông Phạm Văn Đồng năm 1958.
Tính chính thống và chính đáng
Thông thường, chính quyền sở hữu tính chính thống do bởi sự chấp nhận của dân chúng, hoặc được chuyển giao hợp pháp, và rồi xây dựng cùng bảo lưu tính chính đáng bằng tinh thần thượng tôn pháp luật cùng các chính sách đối nội và đối ngoại hữu hiệu. Cả hai tính đó có thể bị chính quyền tự đánh mất hoặc bị mất do một cuộc cách mạng.
Trong quá trình lịch sử của dân tộc Việt, chính quyền được lịch sử thừa nhận là chính thống khi nó phát nguồn từ công cuộc chống ngoại xâm mà đối tượng truyền kiếp là Trung Hoa. Thời Bắc thuộc, các bậc lưu danh đế vương khởi nghiệp từ những dấy binh nhằm giải phóng dân tộc như Trưng Nữ Vương, Triệu Nữ Vương, Lý Nam Đế, Bố Cái Đại Vương, Mai Hắc Đế, và kể cả Việt Vương Triệu Quang Phục, v.v. Kể từ thời độc lập, chúng ta có Ngô Vương Quyền với trận chiến Bạch Đằng giang, và sau đó, các nhà Tiền Lê với Lê Đại Hành, Hậu Lê với Lê Thái Tổ hoặc Tây Sơn với Quang Trung Đại đế, hoặc củng cố tính chính thống của nó bằng chiến thắng ngoại xâm như nhà Lý, nhà Trần. Thậm chí nhà Nguyễn Gia Long ban đầu cũng dự tính lấy quốc hiệu là Nam Việt; về sau bị nhà Thanh buộc phải đổi sang quốc hiệu Việt Nam vì e ngại nó nhắc nhở tới [hay có tham vọng phục hưng] thời Triệu Đà từng hùng cứ từ miền đông của Hoa Nam xuống tới Giao Châu, đóng đô ở Phiên Ngung, nay gần Quảng Châu. Cho tới nay, nhà Mạc cũng vẫn chưa được xem là chính thống có lẽ vì thái độ của Mạc Đăng Dung tự trói mình cùng 40 triều thần ra hàng, phục xuống đất lạy chịu tội ngay ở cửa Nam Quan, đem đất 5 động cùng đất Khâm Châu và vàng bạc dâng cho nhà Minh.
Như thế đủ biết dân tộc Việt Nam xem cực kỳ tối thượng thái độ của chính quyền Việt Nam trong việc bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Nhà nước Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam từng kế thừa tính chính thống và chính đáng cả hai mặt. Mặt chính nghĩa là chống ngoại xâm của Thực dân Pháp và sau đó chống cái được ĐCSVN tuyên truyền là cuộc xâm lăng của Đế quốc Mỹ; nếu cái chống thứ hai này bị tranh luận, thì ít ra nhà cầm quyền hiện nay cũng tự nhận họ có góp công vào việc thống nhất đất nước. Mặt pháp lý là kế thừa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam qua cuộc hợp nhất đất nước năm 1976, (CHMNVN cũng mang tính chính thống về pháp lý vì nhận sự đầu hàng và dù gì cũng là bàn giao của Việt Nam Cộng hòa, qua Tổng thống hợp hiến Dương Văn Minh). Thêm nữa, việc thành lập nước CHXHCNVN do Quốc hội quyết định ngày 2.7.1976 nhằm mưu cầu phúc lợi chính đáng cùa nhân dân Việt Nam, được đúc kết làm thành ba tiêu đề đi kèm với quốc hiệu: "(dân tộc) Độc lập – (dân quyền) Tự do – (dân sinh) Hạnh phúc".
Một chính quyền bất xứng
Ngày nay, thực trạng bang giao đầy khiếp nhược của CHXHCNVN đối với Trung Quốc, mức độ thối nát khủng khiếp từ trên xuống dưới và vô phương cứu chữa của chế độ, cũng như các chính sách của chính quyền Việt Nam đối với dân chúng công nông, đặc biệt cung cách hành xử đối với các phần tử yêu nước cho thấy chính quyền Việt Nam hiện thời đang đánh mất cả tính chính thống lẫn tính chính đáng của nó. Tình trạng này nếu kéo dài thêm một ngày thì càng cho thấy guồng máy cai trị hiện nay tại Việt Nam thêm một ngày bất xứng với danh nghĩa "chính quyền", cho dẫu tập đoàn đầu sỏ cai trị đó có vận dụng hết mọi biện phảp trí trá, hiểm độc, kể cả ti tiện, để duy trì sự tồn tại đang bên bờ vực của nó.
Nhiều người cho rằng sở dĩ chính quyền này tồn tại là nhờ nỗ lực bám víu quyền lực bằng mọi giá của một nhúm đầu sỏ cùng với khá đông đảng viên trong đảng cai trị vì họ nghĩ rằng “thà mất nước không thà mất đảng”. Có lẽ nay đã tới lúc nên bình tâm xét lại ý nghĩa hay câu nói được thốt ra một cách tùy tiện và đầy quán tính "thà mất nước không thà mất đảng", để các đảng viên CS cùng những kẻ ăn theo nó chuẩn bị đối mặt với một thực tế nhiều khả thi.
Thân phận đảng viên mất nước
Thật khó có thể không đồng ý với ý kiến cho rằng kéo dài thực trạng chính trị, văn hoá và xã hội thì mất nước là chuyện trước mắt. Trong trường hợp Việt Nam rơi vào bàn tay của Trung Quốc, trở nên một khu tự trị hay một tỉnh biệt lập của nó thì điều gì xảy ra. Kịch bản có nhiều phần chắc sẽ diễn tiến là:
1/ Danh xưng Đảng CSVN biến mất, và Đảng trở thành một bộ phận của Đảng CSTQ.
2/ Các đảng viên người Việt trong ĐCS lúc đó sẽ chỉ giữ hư vị, những chức vụ chủ chốt trong Đảng và trong hậu trường các cấp chính quyền tại Việt Nam sẽ do đảng viên ĐCSTQ điều sang hay đang nằm vùng trồi ra nắm giữ cộng với những tên Việt gian hiểm ác.
3/ Để thu phục nhân tâm người Việt, ĐCSTQ thế nào cũng tìm cách phát động một cuộc đấu tranh chống “tham nhũng và cường hào(?)” nhằm thanh trừng công khai và tàn mạt để loại trừ và thu hồi tài sản các đảng viên có gốc Đảng CSVN, từ trung ương tới địa phương. Kèm với cuộc thanh trừng này, có thể tiến tới việc xét lại và hủy bỏ từng phần hoặc toàn phần các trợ cấp hưu bổng với hàng chục triệu người thuộc diện cựu viên chức chính quyền, đảng và đoàn, đang thụ lãnh và là gánh nặng cho ngân sách.
4/ Cuộc thanh trừng này không khỏi lây lan sang các đảng viên "hiền lương" khác vì lúc đó, quần chúng nhân dân nông thôn và thành thị, có thêm nhiều phần tử bất hảo, sẽ thừa thời cơ – với sự thả lỏng hay mặc nhiên khuyến khích của giới chức Trung Quốc – xâm phạm luôn cả tài sản cùng tính mạng của các viên chức hay đảng viên nguyên gốc ĐCSVN, dù đối tượng ấy trước đây không là thành phần năng động hay đắc tội cụ thể.
5/ Đây cũng là cơ hội cho Đảng CSTQ phá vỡ một cách tận gốc và có hệ thống các cơ cấu văn hóa, tôn giáo, thân tộc cùng những nền tảng khác của dân tộc và xã hội Việt Nam, nhằm vô hiệu hóa khả năng chống đối, hóa giải tiềm năng chống đối và đẩy nhanh công cuộc đồng hóa sắc tộc Kinh (Việt).
6/ Tới lúc đó, ngay cả các đảng viên tham ô của đảng CSVN hiện nay cũng không có cơ hội tung cách bay đi hay có chỗ hạ cánh an toàn, kể cả tại Côn Minh hay Quảng Châu mà theo lời đồn đoán, hiện nay đã xây dựng sẵn các biệt thự trong những khu biệt cư dành cho những người Việt muốn tẩu tán tài sản và ẩn cư tại Trung Quốc. Ấy là chưa kể các phần tử công an, cảnh sát chìm nổi ở hạ tầng cơ sở lâm cảnh chơ vơ, không biết "đi đâu về đâu", cam chịu trở thành bầy dê gánh tội và tế thần để Đảng CSTQ xoa dịu người Việt đang đau cơn mất nước và căm phẫn hình bóng ngoại nhân.
7/.v.v...
Còn nhiều tình tiết khả thi nữa. Cũng có thể tưởng tượng thêm vài kịch bản khác nhưng kinh nghiệm lịch sử về các sách lược chiếm đóng, thanh trừng và bình định của Trung Hoa đặc biệt lối hành xử của họ trong những chiến dịch đấu tố, khai trừ giữa người CSTQ với nhau trong thế kỷ 20, cho thấy có lẽ các kịch bản ấy không khác nhau bao nhiêu về mức độ tàn mạt.
Câu hỏi dành cho đảng viên
Như thế, ý nghĩ hay câu nói nông cạn “thà mất nước không thà mất đảng" hay “thà mất nước còn hơn mất đảng”, dẫu có đổi thành "thà mất nước mà còn mạng còn của" hay “thà mất nước còn hơn mất mạng mất của” cũng không thể nào hợp lý. Và nếu để cho chính quyền kéo dài thái độ hiện nay đối với Trung Quốc thì cơn mơ mộng cầu may đó không còn cơ hội biến thành hiện thực. Đảng viên CSVN nào đang vùi đầu vào giấc mơ mất nước mà còn đảng thì còn mình, hoặc “thà mất nước chứ không thà mất đảng” là còn tự để cho đám đầu sỏ lừa mị trước khi chúng đánh tháo và tự để cho mình bị đẩy mình vào thế kẹt giờ chót, trong tình cảnh mất của cải mất luôn cả sinh mệnh vì hầu như không có lối thoát.
Thế thì làm sao đây?
Thời bắt đầu bằng tuyên cáo?
Câu trả lời xin dành cho các đảng viên đang sinh hoạt hay đã hưu trí của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Đã tới lúc nhưng phản biện, đề nghị, khuyến cáo, giải trình, v.v... đầy khí tiết và sĩ khí chẳng những không còn hợp thời mà trở thành bung xung cho những động tác giả của nhà cầm quyền, để nó có đủ thì giờ vừa thực hiện cái mà phía Trung Quốc công khai bảo là “những điều đã đồng thuận”, vừa sách nhiễu các công dân yêu nước và gây chia rẽ giữa những người nhiệt tâm nhiệt huyết ở trong lẫn ngoài nước.
Rõ ràng Đảng và nhà nước hiện nay là một tập thể không đủ yếu tính và khả năng bảo vệ đất nước trong khi vẫn tiếp tục phản bội trắng trợn tầng lớp công nhân và nông dân cùng những kẻ đã đổ xương máu lập nên CHXHCNVN. Chính quyền Việt Nam đang mất hẳn tính chính thống và chính đáng; ngày càng lộ rõ tính chất phản quốc hại dân; và các trí thức, thanh niên sinh viên cùng đồng bào, đặc biệt các đảng viên và cựu đảng viên còn liêm sĩ của ĐCSVN cần phải chuyển sang một giai đọan đấu tranh mới bằng việc thẳng thắn tuyên cáo rằng đã đến lúc không còn có thể chấp nhận việc nó tiếp tục cai trị độc quyền với ảo tưởng và tác phong một thứ quốc chủ chỉ còn biết lấp liếm bán nước buôn dân để tồn tại./.
------------------
Nguyễn Ước, nhà văn hải ngoại, hiện đang sống tại Hà Nội.
.
.
.
No comments:
Post a Comment