BBC
Cập nhật: 09:14 GMT - thứ tư, 20 tháng 7, 2011
Lần đầu tiên một tờ báo của Việt Nam đưa ra giải thích về nội dung bức công hàm gây tranh cãi của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm thứ Tư 20/07 đăng bài 'Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam'.
Tờ báo này nói ngay từ đầu bài, rằng việc Trung Quốc diễn giải nội dung Công hàm ngày 14/09/1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng như là một chứng cứ cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là "hết sức phiến diện và xuyên tạc nội dung, ý nghĩa của bản Công hàm đó".
Lâu nay, các kênh chính thống của Trung Quốc bao gồm cả báo chí và truyền thông đã không ít lần nhắc tới bản Công hàm 1958, trong đó ông Phạm Văn Đồng viết Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 'ghi nhận và tán thành' tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc về hải phận 12 hải lý; đồng thời sẽ "chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa trên mặt biển".
Tuy nhiên, bài báo Đại Đoàn Kết phân tích nội dung công hàm này không có nghĩa ông thủ tướng Việt Nam DCCH lúc đó công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mà việc mà báo này gọi là "giải thích xuyên tạc Công hàm 1958 là một trong chuỗi những hành động có tính toán nhằm tạo cớ, từng bước hợp thức hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ (Trung Quốc)".
Bản Công hàm 1958 được giải thích chỉ có tính chất ngoại giao
Bối cảnh 'phức tạp và cấp bách'
Bài viết của Nhóm Phóng viên Biển Đông trên tờ Đại Đoàn kết phân tích về bối cảnh của bản Công hàm 1958 gửi Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc là thời điểm "có nhiều chuyển biến phức tạp và cấp bách đối với Trung Quốc về tình hình lãnh thổ trên biển theo luật pháp quốc tế cũng như diễn biến căng thẳng của vấn đề quân sự xung quanh eo biển Đài Loan".
Trong bối cảnh đó, bản công hàm được giải thích là "đơn giản chỉ là một cử chỉ ngoại giao tốt đẹp", tức "chỉ là những tuyên bố mang tính chính trị và ngoại giao chứ hoàn toàn không có ý nghĩa pháp lý".
Bài báo viết: "Nội dung công hàm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng được thể hiện rất thận trọng, đặc biệt là không hề có việc tuyên bố từ bỏ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Các phóng viên cũng phân tích rằng trong lúc đó, về phương diện pháp lý, nước Việt Nam DCCH "không phải là một quốc gia trong cuộc tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa".
Thực tế trước năm 1975, các bên tranh chấp đối với hai quần đảo này là Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa và Philippines, chứ không có miền Bắc Việt Nam.
"Như vậy, những lời tuyên bố của Việt Nam DCCH xem như lời tuyên bố của một quốc gia thứ ba không có ảnh hưởng đến vụ tranh chấp."
Nhóm phóng viên kết luận:
"Về thực chất, công hàm 1958 chỉ là sự thể hiện một thái độ chính trị, một cử chỉ hữu nghị với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc mà thôi."
Họ cũng đưa ra một nhận xét trực diện là:
"Trong suốt quá trình thực hiện mưu đồ bá chủ trên Biển Đông, Trung Quốc đã không ít lần đưa ra các tài liệu xuyên tạc lịch sử, biến có thành không, biến không thành có, tung hỏa mù để cố tình làm sai lệch nhận thức của chính nhân dân Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế về vấn đề này theo hướng có lợi cho mưu đồ của Trung Quốc".
Lời lẽ và ngôn từ như trên ít thấy trên báo Việt Nam. Mới đây, cũng báo Đại Đoàn Kết đăng bài đả phá báo chí Trung Quốc 'hăm dọa dân tộc'.
Một thời gian nay đã có nhiều kiến nghị của giới trí thức và người dân Việt Nam yêu cầu được cung cấp thêm thông tin về quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong liên quan tới các quần đảo ở Biển Đông.
Dư luận cũng đòi hỏi được giải thích về bản Công hàm 1958.
Đây là lần đầu tiên trên kênh thông tin chính thức, Công hàm 1958 được mang ra phân tích cặn kẽ.
--------------------------------------
BBC
Cập nhật: 10:46 GMT - thứ ba, 5 tháng 7, 2011
Cựu Ngoại trưởng của Chính quyền Sài Gòn trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng nhất ở thập niên 1970, ông Vương Văn Bắc đã qua đời.
Tin từ Pháp cho hay luật sư Vương Văn Bắc qua đời tại Paris hôm 20/6/2011.
Sinh năm 1927, quê Bắc Ninh, ông Vương Văn Bắc cũng từng làm đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Anh Quốc năm 1972.
Báo chí của người Việt ở hải ngoại cũng nhắc rằng ông Vương Văn Bắc có mặt trong phái đoàn của Chính quyền Sài Gòn tham dự hòa đàm Paris năm 1973 và thay ông Trần văn Lắm làm Tổng trưởng Ngoại giao sau đó.
Nhân danh quốc gia
Được biết vào tháng 1/1974, ông đã lên án trước thế giới hành động xâm lấn của Trung Quốc và tuyên bố tác khẳng định chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa trên quần đảo Hoàng Sa sau vụ tiến chiếm của hải quân Trung Quốc cộng sản.
Văn bản này hiện được nhiều trang web tiếng Việt ở nước ngoài lưu lại có nội dung như sau:
“Ngày 11/1/1974, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng bỗng nhiên lên tiếng mạo nhận chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Ngay ngày hôm sau, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Việt Nam Cộng Hòa đã bác bỏ đòi hỏi vô căn cứ đó. Mặc dầu vậy, trong những ngày gần đây, nhà cầm quyền Trung Cộng không những đã không rút lại sự đòi hỏi vô lý của mình lại còn ngang nhiên xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa bằng cách cho người và tàu bè xâm nhập vào vùng lãnh hải chung quanh các đảo Cam Tuyền (Robert), Quang Hòa (Duncan), Duy Mộng (Drummond) thuộc quần đảo Hoàng Sa (Paracels Islands) của Việt Nam Cộng Hòa. Thậm chí bọn người này còn dám đặt chân lên các hòn đảo này, dựng chòi và kéo cờ Trung Cộng, trắng trợn chà đạp lên chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa."
Nhân danh chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, Luật sư - Ngoại trưởng Vương Văn Bắc nói:
"Trước những sự vi phạm thô bạo đó, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam Cộng Hòa rất công phẫn và quyết không dung thứ. Sự kiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những phần tử bất khả phân của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa là một sự kiện hiển nhiên và không chối cãi được, căn cứ trên những dữ kiện địa lý, lịch sử và pháp lý quốc tế..."
Cũng vào giữa năm 1974, ông Vương Văn Bắc đã phát biểu tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Kỳ III về Luật Biển ở Caracas gồm 150 nước tham dự về Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo lời kể của ông Trần Văn Khởi, nguyên Tổng Cục Trưởng Dầu Hỏa và Khoáng Sản VNCH thì ông Bắc đã "lưu loát trình bày nội dung khúc chiết lập trường chính thức của Việt Nam Cộng Hòa để đưa vào biên bản của Liên Hiệp Quốc".
Như thế, vẫn theo ông Khởi trong bài trên trang web của mình, "Lịch sử Hoàng Sa- Trường Sa ở Liên Hiệp Quốc, trước đây đã có tuyên bố Trần Văn Hữu ở San Francisco 1951, nay lại ghi thêm tuyên bố Vương Văn Bắc ở Caracas 1974".
Theo các báo tiếng Việt ở Mỹ, vào những giờ phút nóng bỏng nhất của chế độ Sài Gòn, tháng 4 năm 1975, ông Vương Văn Bắc được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cử sang Ảrập Saudi để tìm cách vay tiền cho Việt Nam Cộng Hòa.
Khi Sài Gòn thất thủ, ông Vương Văn Bắc bị kẹt lại ở Anh Quốc lúc ghé thăm gia đình trên đường về nước.
Sau cuộc chiến Việt Nam, ông định cư tại Pháp cho tới lúc qua đời.
.
.
.
No comments:
Post a Comment