Tạ Duy Anh
10/07/2011
Cho đến khi Nguyễn Khải từ giã cõi đời, tôi chỉ nhìn thấy ông một lần và gặp ông một lần nhưng chưa bao giờ quen ông. Lần nhìn thấy ông là khi tôi còn ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi nhớ trong đám quan khách đến dự cuộc hội thảo gì đó do nhà trường tổ chức, có một người từ đầu đến cuối hầu như không muốn nói, đến dự vì nể nang, bất đắc dĩ, không tiện từ chối. Ở chỗ nào ông cũng như muốn lẩn mình vào trong đám đông nhưng thỉnh thoảng cứ phải gượng gạo cười, gật đầu đáp lại lời chào, gượng gạo chìa tay với ai đó. Đến bữa trưa, mọi người tự phục vụ. Nhà văn Nguyễn Trí Huân bất ngờ vỗ vào vai tôi và chỉ về phía người mà tôi vừa kể, đang kẹp chiếc cặp trên nách nên phải nghiêng người xuống hứng cốc bia hơi cũng do ông tự vặn vòi, bảo: “Chú nên ra chào bác Nguyễn Khải một câu và lấy cho bác ấy cốc bia”. Đáp lại Nguyễn Trí Huân, tôi chỉ đứng im nhìn để tự nhủ lòng mình rằng, vậy ra đó chính là Nguyễn Khải. Tôi bỗng muốn bật cười, mặc dù nếu làm thế thì là bất nhã. Nhưng đúng là tôi không kìm được và không sao hiểu nổi phản ứng đó của mình. Tại sao tôi lại buồn cười khi nhìn thấy ông nhà văn nổi tiếng suốt mấy chục năm – từ khi tôi chưa đẻ, mà không lon ton chạy ra đỡ cốc xin được lấy bia rồi bưng cho ông ta bằng vẻ xuýt xoa cầu thân, bằng bộ mặt rạng rỡ hạnh phúc vì được làm quen với bậc trưởng lão trong làng văn, như đa số người cầm bút thế hệ tôi lúc bấy giờ sẽ làm thế? Đó chả là một vinh hạnh lớn lắm ư?
Biết đâu ông ấy hạ cố ban cho lời khen rơi khen vãi, bằng độ bao diêm thôi trên báo Văn nghệ, là có thể thành danh như khối trường hợp đã xảy ra? Chính mắt tôi từng chứng kiến một ông nhà thơ, bất chấp mưa bão khiến toàn thân ướt như chuột lột, khom người móc từ trong bụng ra tập thơ bọc mấy lần ni lông run run dâng lên một nhà phê bình ngồi như con Linh Miêu trong bức tranh “Đám cưới chuột”, giọng nịnh bợ thảm hại: “Biếu anh và xin anh cho vài nhời”. Nhà phê bình kia so với Nguyễn Khải, chỉ là gã tiểu tốt vô danh, mà còn được trọng vọng đến vậy huống hồ Nguyễn Khải? Vài nhời của bậc “trưởng lão” đôi khi đủ là vốn liếng bằng vàng với người mới vào nghề để anh ta có cơ hội được ai đó nhắc tới ngay cả khi sau đó anh ta chết ngóm. Trong nghề viết lách, chưa có tí danh, dù là danh bèo danh bọt thì còn hận lắm. Lại có ông nhà thơ khác bỏ ra cả chục triệu đồng, móc của vợ, của bạn bè và của Nhà nước để thuê người mông má, quyết “hữu danh” bằng được. Đằng này chả mất gì cả, nếu có khom người tí chút, thì chỉ riêng chênh lệch về tuổi tác cũng không sợ bị ai đó xét nét. Mà cơ hội để được tiếp cận với các “đại bút” đâu phải lúc nào cũng sẵn! Vậy mà tôi nhớ lại lúc đó, sau khi nghe nhà văn Nguyễn Trí Huân nói vậy và sau khi biết đó là Nguyễn Khải, tôi đã nghĩ như thế này: “Việc quái gì mình phải làm quen với một kẻ cả đời xu nịnh, cả đời uốn lưng, uốn ngòi bút để đổi lấy chút danh vọng hão huyền và sự yên thân trong khi ông ta biết thừa điều đó là hèn mạt”. Tôi đã nghĩ như vậy, mọi người có thể cho tôi là ngạo mạn, thậm chí xấc láo nữa. Tôi không chối cãi. Nhưng thái độ đó của tôi là phản ứng giận dữ đối với một người tôi phải học ra rả suốt cả thời trẻ những điều ông ta viết, đã làm tổn thương niềm tin của tôi. Tôi càng không chấp nhận một người như ông mà luôn đem cái nhát, cái sợ của mình ra thanh minh cho việc phải viết những trang văn tô hồng hiện thực, minh họa chính sách một cách sống sượng. Khi ông tin vào điều mình viết thì thôi có thể bỏ qua. Nhưng khi ông cặm cụi nặn ra những lời ca ngợi cái thứ chính ông cũng ớn đến mang tai, thì không thể chấp nhận được. Rất nhiều lần ông nói xa xôi là ông phải viết vì sinh nhai, có ý thanh minh cho mình như vậy. Ai có thể tin và thông cảm, riêng tôi thì không tin lý do đó và cũng không chấp nhận lời thanh minh. Nếu không thích thì có ai bắt ông phải viết đâu. Không in được tác phẩm thì với lương bổng của ông đâu đã đến mức chết đói như nhiều nhà văn không may khác. Đã thế, bằng việc làm, ông lại chứng tỏ ngược lại, tức là ông cho mọi người thấy ông viết như chắt ra từ tim óc. Đó là khi tôi đọc được ở đâu đó bài bút ký ông kể rằng, chuyến đi Hưng Yên lần ấy, thắng lợi lớn nhất là ông tìm lại được cuốn truyện vừa có tên là Chủ tịch huyện trong một thư viện xã, cuốn truyện in cách nay đã mấy chục năm. Giá kể tôi chưa phải đọc cuốn truyện đó. Giá mà suốt thời học sinh tôi không phải ra rả học Hãy đi xa hơn nữa (ngay từ cái tên đã đầy tính xu thời chính trị) thì tôi quá lắm là thở dài theo nỗi buồn của người viết về thời thế. Nhưng trời ạ, đáng lẽ ông phải xé tan cái cuốn sách ấy đi mới phải chứ, coi nó như đứa con bị cưỡng hiếp mà có nên dị dạng cả về thân xác lần tinh thần, ông phải cảm thấy xấu hổ vì mình đã từng viết như vậy chứ. Ừ thì thời thế đôi khi cũng khó cưỡng. Nhưng ông thừa biết cuốn sách đó vô giá trị toàn diện, nói dối toàn diện chỉ để kiếm cơm và chứng tỏ lập trường thôi. Nó là bản minh họa khá thô thiển một chính sách hoang tưởng và bất nhân làm nông thôn bị bần cùng hóa. Nó tô son trát phấn cho những bộ mặt lem luốc, những nhân cách lem luốc, những cuộc đời lem luốc. Nó biến đen thành trắng, đánh lộn sòng giữa cái muôn đời và cái chốc lát… Ông thừa biết rằng, chỉ có thể chiêu tuyết những oan ức của người nông dân bằng cách treo cổ những điều sằng bậy do mình viết, những điều mà vì thế họ không ngóc đầu dậy được. Vậy mà ông lại vẫn lấy làm sung sướng, hãnh diện khi tìm lại được nó, cái thứ của tội nợ đó. Phản ứng thái quá của tôi còn do cả việc ông thay đổi quan điểm – một điều không thể hiểu nổi đối với một nhà văn như ông – trong một số sự kiện liên quan đến văn học, mà lý do chỉ vì ông là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn. Không biết với một người như ông thì cái chức Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn quan trọng ở chỗ nào. Có thể với ai đó, thậm chí là đa số trường hợp, cần cái chức vụ bèo bọt đó để tiến thân và hữu danh, kiếm bổng lộc, chứ ông đâu có cần. Ông không cần phải là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn mới được biết đến. Tạng như ông cũng chả kiếm chác được gì ở cái chức đó. Đành rằng tôi từng thấy cái chức đó ghê gớm với ngay cả một nhà văn đinh ninh rằng mình là cây đa, cây đề. Trước đại hội lần thứ V Hội Nhà văn Việt Nam, ông ta muốn được tiếp tục làm Ủy viên Ban chấp hành Hội thêm khóa nữa và vì thế ông viết một bài thống thiết kêu gọi Đảng ở đâu hãy nắm ngay lấy chúng tôi, đừng để các thế lực khác họ nhanh tay hơn. Ông muốn chứng tỏ, nếu có ông trong Ban chấp hành Hội Nhà văn thì Đảng cứ việc kê cao đầu mà ngủ kỹ, không phải bận tâm đến cái lũ văn nghệ sỹ nữa. Hạ mình đến thế cơ mà. Tự biến mình thành một thứ công cụ rẻ mạt, một kẻ gác cổng, hẳn cái mà ông ta muốn được bù trì phải hấp dẫn lắm. Sự thật thì khối kẻ, từ một hòn đất, chỉ cần là Ủy viên Ban chấp hành, lập tức thành bức tượng, có thể lăng xăng đi lại ở những hội nghị lớn, về các địa phương với tư cách người của Trung ương, lên tiếng dạy bảo người này người khác, là nơi cầu cạnh, xin xỏ của biết bao người thập thò muốn vào Hội, muốn được giải này giải nọ để làm vốn kiếm ăn với địa phương, tức là có thể ban cho người này người kia những thứ làm đổi đời họ... và dù thế nào, dù có là cục đất, thì Ủy viên Ban chấp hành cũng mặc nhiên thành người nổi tiếng trong giới, ít nhất cũng vài ba năm. Tôi cam đoan Nguyễn Khải biết điều đó, nhưng tuyệt không phải vì những thứ đó mà ông cứ phải là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn. Vậy thì ông hành động không như ông nghĩ vì cái gì? Tôi thật sự không thể hiểu nổi và không chấp nhận.
Bây giờ tôi xin kể về lần thứ hai gặp ông. Đó là vào khoảng năm 2003, ông ra Hà Nội và ghé vào nhà xuất bản chơi với Nguyễn Khắc Trường. Khi đó cả ông và tôi đều đang là nạn nhân của một vụ cấm đoán miệng, khiến Thượng đế thì cười đắp chăn gần một năm và chỉ được phát hành sau khi nhà xuất bản xé đi đoạn ông kể về quá trình ông làm “nghị gật”, còn Đi tìm nhân vật trót phát hành rồi thì không được tái bản, không được bất cứ báo nào có lời giới thiệu, bất kể là khen hay chê… và tất cả đều do truyền đạt miệng, không chính thức! Chính nhờ đọc Thượng đế thì cười mà tôi đã bớt cay nghiệt hơn khi nghĩ về ông. Nói thật ra, nếu cuốn sách không bị cấm thì nó cũng sẽ bị quên lãng ngay. Bởi người đọc nó là những người hiếu kỳ, muốn thoả mãn nỗi ấm ức bị bưng bít thông tin hơn là nhu cầu thưởng thức nghệ thuật. Nhưng cái được lớn nhất là lần đầu tiên ông dám sòng phẳng với chính mình. Ông đã dám nói ra một số sự thật liên quan đến việc viết lách, đến những trang văn nhem nhuốc viết theo đơn đặt hàng, đến cái danh hão mình đang mang. Phải ở một tầm nào đó mới có đủ khả năng tự giễu cợt mình, giễu luôn cả cái thứ gọi là văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chết đồng loạt trên toàn hệ thống; ông đã dám công khai xin lỗi nhà văn Vũ Bão - một việc tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được như ông đã làm. Tuy vậy cái không được là ông vẫn ra sức thanh minh cho mình. Vì ông có tài nên cái sự thanh minh nhiều khi cũng rất tinh vi. Một cuốn hồi ký, tự truyện mà nhân vật xưng tôi chỉ tìm cách thanh minh thì chứng tỏ tầm cỡ của người viết chưa thật lớn, chưa thật sự bị thúc bách bởi lương tri mà ngồi xuống bàn viết, chẳng qua sám hối chỉ là miễn cưỡng hoặc làm phép. Mà điều đó thì tôi cũng không chấp nhận. Vì thế, khi ông sang phòng văn học trong nước, tôi vẫn cắm cúi làm việc mà không ngẩng lên. Không biết vô tình hay cố ý, ông ngồi đúng vào chiếc ghế đối diện với bàn làm việc của tôi. Trước đó tôi biết ông khen tôi trên tờ báo nào đó. Nhưng điều đó không thể khiến tôi động lòng. Vì thế tôi chỉ miễn cưỡng gật đầu chào ông như chào bất cứ ai bước vào phòng. Tuy vậy trong câu chuyện với một chị bạn đồng nghiệp, nhân chuyện gì đó, ông lại nhắc đến tên tôi. Tôi còn ghi dấu nụ cười của ông cùng với cái nhìn nhanh về phía tôi. Đó là một nụ cười đầy thiện tâm, nụ cười của người đã ngộ ra nhiều thứ, muốn dàn hoà với cả thế giới, nụ cười cầu mong sự tha thứ của người đời và mình cũng muốn tha thứ hết cho những gì người đời gây đau khổ cho mình. Tôi còn kịp quan sát đến thế đủ hiểu tôi đã đối diện với ông không chỉ trong chốc lát. Tôi biết rằng, chỉ cần tôi cất lời: “Cháu chào chú Nguyễn Khải” là ông sẽ quay hẳn sang nói chuyện với tôi. Nhưng vì tôi đã cố chấp, vì tôi còn thiếu từng trải, thiếu tài năng, tức là còn nhỏ bé… nên đáng lẽ làm vậy thì tôi lại lấy cớ có việc gì đó để đi ra ngoài. Ông là người nhạy cảm nên hiểu rõ hành động ấy của tôi là gì. Nhưng ông vẫn thản nhiên ngồi lại, như một người già không chấp thằng trẻ ranh trái tính thành ra hỗn. Tôi chả có việc gì cả nên đứng đọc báo ở bàn tiếp khách ngoài hành lang cho đến khi biết Nguyễn Khải đã ra khỏi phòng mới trở vào. Khi nghe Nguyễn Khải qua đời, quả thật có lúc tôi tự lấy làm tiếc cho mình đã thực sự bỏ lỡ một dịp quan trọng. Có thể không quan trọng với tôi nhưng quan trọng cho đời văn của tôi. Nhưng ý nghĩ đó cùng với sự hối tiếc chỉ thực sự khiến tôi day dứt khi đọc những dòng ông viết vào giây phút cuối đời. Mặc dù không định thanh minh cho Nguyễn Khải – vì tôi không có tư cách gì để làm điều đó và ông cũng không khiến – nhưng đã có ít nhất một đêm tôi mất ngủ, lòng tự trách mình cay nghiệt và để thương tiếc ông, cũng là thương cho kiếp trí thức ở cái đất nước này. Với đám trí thức nói chung thì vừa thương, vừa giận, vừa khinh. Thương vì suốt cả một lịch sử thăm thẳm kẻ sỹ luôn lép vế, khiêm nhường đứng ở một góc khuất, chờ được đem tâm và tài ra thi thố, nhưng đa số muốn mở mặt mở mày đều phải cúi rạp xuống đến mức thành kẻ vô lại. Có công thì bị kẻ kém cỏi hơn mình tranh mất, nhưng sự không thành thì tội giáng lên đầu mình đầu tiên. Ở một đất nước mà lũ chân yếu tay mềm, đầu chỉ có chữ từng là đối tượng đầu tiên phải tiêu diệt, thì biết nhiều đồng nghĩa với tai họa nhiều. Vì thế cứ mũ ni che tai, tự nhận mình dốt là cách an thân tốt nhất. Bởi vì có mấy người, mấy thời gặp được minh quân để dốc lòng phụng sự quốc gia đâu? Phần lớn là u vương, tự đồng nhất mình với đất nước, coi thiên hạ là giường chiếu để mình hành lạc. Gặp phải kẻ như vậy thì thay vì nói thật, phải uốn lưỡi nói những điều dối trá để giữ mạng sống và vinh thân phì gia. Thương vì nhiều tai họa giáng xuống đầu họ đôi khi chỉ vì họ hiểu biết hơn người, cả nghĩ hơn người, thương nòi giống và yêu tổ quốc hơn người. Họ luôn là đối tượng của nghi kỵ, đố kỵ, gièm pha. Kinh sợ nhất là bọn đố kỵ. Bất cứ ai có chút ít kiến thức về lịch sử cũng dễ dàng nhận ra bi kịch truyền kiếp của thân phận trí thức Việt luôn gắn với đám xu phụ quyền lực, bọn thầy dùi chính trị mà phần lớn số đó đều bất tài, vô hạnh, đểu cáng không có giới hạn. Không có gì đáng sợ hơn bọn này. Đáng sợ vì họ lại được (và thường được) giới cầm quyền trọng dụng. Nó, một mặt phải tìm cách tiêu diệt kẻ có tài do bản năng tồn tại, do đố kỵ, mặt khác, nó thèm khát được chứng tỏ mình, thèm khát được thấy một sự khiếp sợ nào đó từ người khác. Nhưng tự bản thân nó thì không thể làm những việc đó được. Vì vậy nó buộc phải dựa vào quyền lực. Muốn thế nó phải muối mặt nói những lời nịnh hót thường rất vừa tai kẻ cầm quyền. Một điều lạ là không phải kẻ có quyền lực nào cũng dốt đến mức không biết kẻ khác đang tâng bốc mình. Nhưng đáng lẽ phải cảm thấy xấu hổ - như bất cứ người có văn hóa nào - thì đa số họ, những kẻ sở hữu quyền lực, lại luôn vừa lòng về điều đó. Những kẻ xu thời dù chắc chắn là bất tài, thì họ cũng còn một sự tinh tường ấy là nhận ra rằng, loại người mà đám quyền lực tăm tối ghét nhất là bọn trí thức có chính kiến riêng. Xét đến cùng thì chỉ một người có học vấn, có chính kiến riêng, mới được coi là trí thức. Một dân tộc mà thiếu vắng những nhà phản biện, là một dân tộc vô phúc. Một chính thể luôn tuyệt đối hóa mình, đồng nghĩa mình với lẽ phải để từ đó coi mọi ý kiến không giống mình là sai trái, là một chính thể không có tương lai. (Chính thể Xô-viết và các chính thể Đông Âu trước năm 1990 là ví dụ hiển nhiên. Thực ra ở những chính thể ấy không thiếu những nhà phản biện lớn, như trường hợp nước Nga. Nhưng năm 1922 Lenin đã ký lệnh trục xuất hơn 200 trí thức hàng đầu của nước Nga (chứ không giết). Những trí thức này nói như Doxtoiepxki là hàng ngàn năm nước Nga tồn tại chỉ để có nhiệm vụ sinh ra họ. Lệnh trục xuất này thực chất là lệnh khai tử nhà nước Liên Bang gần 70 năm sau). Nó chỉ quan tâm đến cái trước mắt, tức là rất vô trách nhiệm với dân tộc. Và thế là, thay vì cần trí thức, cần những nhà phản biện với vai trò làm thức tỉnh chính nó, nó chỉ cần những kẻ học thuộc lòng. Mà chỉ học thuộc lòng, cho dù là thuộc những điều cao xa nhất, được coi là kinh điển và không phải ai cũng làm được, thì cũng vẫn chả hơn gì là một thứ nô bộc. Bởi vì kẻ học thuộc lòng, răm rắp làm theo, dù nhân danh bất cứ điều gì, kể cả tình yêu tổ quốc, cũng là kẻ trục lợi vì bản thân trước hết. Nó giống hệt với kẻ ngậm miệng ăn tiền về bản chất. Nhưng bất hạnh hay là nực cười thay, những kẻ như vậy, những kẻ học thuộc ăn tiền, nói theo ăn tiền… lại luôn là những kẻ có quyền định đoạt số phận không chỉ cho giới trí thức, mà đôi khi là số phận của cả một dân tộc. Bằng chứng cho điều này là thứ dễ tìm nhất, cả trong lịch sử nước nhà lẫn lịch sử thế giới. Còn nếu cần đơn cử một vài nạn nhân của cái thủ đoạn quen thuộc từ ngàn năm nay mà những kẻ xu thời áp dụng để hãm hại những trí thức hàng đầu là vu cáo chính trị, thì cũng không mất quá một phút để liệt kê ra, nào là Lê Văn Thịnh, Trần Trung Tá, Chu Văn An, rồi Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi… cho đến sau này là Cao Bá Quát và gần đây hơn chính là nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Tuy chỉ cần chưa đầy một phút để nhắc đến ngần ấy cái tên, nhưng điều đáng buồn lại cũng ở đó. Cái bảng danh sách những kẻ sỹ dám từ bỏ lợi lộc, dám nói thật, dám bất chấp nguy hiểm để được sống như một kẻ sỹ hóa ra cũng vô cùng ngắn ngủi.
Nguyễn Khải, một người được theo nghiệp đèn sách từ bé, không thể không biết thực tế đó. Bài học về Cải cách ruộng đất, về nhóm Nhân Văn Giai Phẩm… buộc ông phải nhớ lại lịch sử. Và vì thế, giống như số đông những người được coi là trí thức cùng thời ông ở đất nước này (chỉ tính riêng miền Bắc, vì trí thức miền Nam có một số phận riêng), ông đã tìm thấy lý do vô cùng chính đáng để vờ quên bản thân mình, đó là lý tưởng vì tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Lý tưởng đó không hề xấu và không hề ít tính chất thiêng liêng, nếu người tin theo nó thật lòng. Nó chỉ đáng trách với những kẻ vờ vịt. Mà những kẻ đó phần lớn lại rơi vào thành phần trí thức. Bi kịch mang màu sắc hài kịch của trí thức Việt (tất nhiên không tính bọn giả danh trí thức), từ cổ chí kim, chính là luôn phải vờ vịt. Vờ vịt, tức là biết rõ nó không phải vậy, nhưng lại cứ phải làm ra rằng mình hiểu nó như vậy. Vờ trung thành, vờ kính trọng, vờ cúc cung tận tụy, vờ khép mình, vờ lắng nghe, vờ chăm chỉ, vờ ngoan ngoãn, vờ ca ngợi, vờ thán phục, vờ yêu… và những thứ vờ vĩnh ấy có thể làm bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào, làm bao nhiêu cũng không sao ngoại trừ chỉ có lợi. Riêng một thứ không hề vờ, ấy là sự khinh ghét, thì phải nén lại, giấu thật kỹ kẻo hé ra có kẻ biết là tàn đời (mà kẻ rình rập để tố cáo, tâng công thì nhiều như ruồi, ngay trong giới trí thức); phải luôn tìm cách nhồi nó xuống, nuốt thật sâu, quên đi được thì càng phúc. Còn sống là còn phải quên. Chờ đến ngày sắp lìa đời, nếu còn lòng tự trọng, còn thấy hổ thẹn thì viết nó ra để thanh minh và sám hối. Như những câu thơ sau đây của Chế Lan Viên, tất nhiên là chưa có trong tuyển tập chính thức nào:
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ Có phải tôi viết đâu? Một nửa Cái cần đưa vào thơ, tôi đã giết rồi Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ Tôi giết cái cánh sắp bay… trước khi tôi viết Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ Và giết luôn Mặt trời lên trên biển Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình Và thơ này rơi đến tay anh Anh bảo đấy là tôi Không phải! Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi Đã giết đi bao nhiêu cái Có khi không có tội như mình. Rồi như trường hợp Nguyễn Khải. |
Và ngoài các ông ra, liệu còn ai nữa? Có thể là gần như tất cả đám văn nghệ sỹ, nếu họ cũng biết hổ thẹn như các ông ở những ngày tháng cuối đời. Nhiều người chưa kịp đọc Tôi đi tìm cái tôi đã mất, biết tôi đã đọc, nóng ruột muốn biết trước nó thế nào, tôi trả lời họ rằng: “Toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Khải, nếu chưa đọc mà không có thời gian, thì chưa cần phải vội, nhưng riêng bài này thì nên đọc, phải đọc, đọc ngay”. Và tôi nói thêm: “Chỉ cần bài đó, thôi thì hơi muộn, Nguyễn Khải đã làm tròn sứ mệnh của một người cầm bút, một trí thức Việt”.
Đúng như dự đoán, người như ông sao lại không biết cái điều một nông dân hơi có học cũng biết. Nhưng vì ông là trí thức, lại là trí thức Việt nên đành phải sống hai mặt như vậy. Cái mặt đem đến cơ quan, ngồi trong hội nghị, trong các cuộc họp kín họp hở, những lần học nghị quyết, những lần đến nghe thỉnh giáo, thậm chí cả khi nằm bên người tình… là cái mặt nạ vô hồn, vô cảm một cách trơ lỳ, cái mặt dởm. Càng đắp sao cho nó không còn là mặt mình, tô vẽ cho nó nhoè nhoẹt, bóng mỡ… càng được tin cậy. Muốn sống yên thân thì cấm được để lộ ra cái mặt thật. Rồi phải bằng mọi cách, kể cả lừa thầy phản bạn cũng phải cố mà có lấy một tí danh. Đã mang thân phận trí thức Việt mà không có tí danh phận thì mọt đời không ngóc cổ lên được. Bởi nó biết nó quá yếm thế, quá nhỏ bé, quá thê thảm. Nó lại sống trong một cơ tầng xã hội mà chỉ cần đếm các mối dây nhằng nhịt vào nhau đã không đủ thời gian. Anh là ai, làm gì, sống thế nào thây mặc anh. Nhưng anh đừng bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ, dòng tộc, đừng làm vợ con phải khốn đốn. Mà anh là ai mới được chứ? Anh chỉ là một thứ vẹt, chủ ho thì ho theo, chủ khạc cũng phải cố mà khạc theo. Đời anh và nói chung đời người được bao lăm để anh cựa quậy? Anh cựa quậy để đem lại cho anh, cho vợ con anh được cái gì? Những câu hỏi như vậy ban đầu có thể là những lời van xin của người thân, nhưng dần dần nó là lời khuyên khôn ngoan mà một kẻ khoác áo trí thức quốc tịch Việt phải thuộc. Nó có bài học hẳn hoi. Hãy xem đấy. Khi nhóm Nhân Văn tưởng có thể làm mưa làm gió, họ là ai, hành xử thế nào? Như tôi thì tôi chỉ biết họ là những người hùng. Nhưng khi mỗi người trong số họ phải làm kiểm điểm, đối mặt với những án phạt khốc liệt, nghe nói họ cũng tìm cách đổ lỗi cho nhau để nhẹ tội cho mình. Nhưng cho dù thế thì ngần ấy năm vẫn đủ cho tôi kính trọng họ. Tôi chỉ chấm dứt thứ tình cảm quá xa xỉ ấy của mình khi mới đây tôi thấy các bậc trưởng lão của nhóm (chỉ tính những người còn sống) hớn hở nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Chuyện đúng sai, lầm lỗi hay lầm lẫn của phía nào không còn là vấn đề, mà quan trọng hơn là cái mục đích thượng tôn nghệ thuật, thượng tôn công lý mà họ tin là rất cao cả (còn tôi thì tin vào họ), cuối cùng vỡ lẽ ra cũng chỉ vì một chút danh còm. Giả dụ những nhà lãnh đạo trước đây đủ cao tay, đủ thông minh để sớm ban cho họ cái giải thưởng ấy, thì mọi người trong đó có tôi đỡ đi bao nhiêu là giả định về một hiện tượng tưởng là bí ẩn nhất của lịch sử văn học nước nhà. Đã đỡ phải tốn bao nhiêu là tình cảm xa xỉ dành cho họ. Hóa ra Nguyễn Khải còn kịp nói được những điều mà đáng lẽ nhóm Nhân Văn phải thể hiện bằng hành động. Tôi chỉ vẫn không hiểu một điều: Tại sao lúc sống, biết rõ rằng đến giải thưởng Lenin, giải thưởng Stalin (từng được tuyên truyền là những giải thưởng lớn tầm thế giới?) còn chả ra gì, mà ông lại vẫn không thể từ chối nhận giải thưởng mà ông biết là bé hơn nhiều về tăm tiếng? Ông khiến tôi nhớ lại một đoạn hồi ký của Enxin, kể khi ông này ngồi phê chuẩn các quyết định do chính phủ Nga đệ trình. Ông phê duyệt gần như tức thời mọi thứ, kể cả những đệ trình liên quan đến vũ khí hạt nhân, đến sự an nguy của nước Nga trong chiến lược đối phó lại việc NATO mở rộng sang phía Đông. Ngay cả việc khôi phục lại danh dự dòng họ Romanov của các Sa Hoàng, một vấn đề đương nhiên là nhạy cảm đối với xã hội Nga hậu cộng sản vừa sợ, vừa coi khinh nhưng vẫn vừa luyến tiếc di sản quá khứ, mà ông đặt bút ký khá dễ dàng. Vậy mà ông đã mất mấy ngày trời cứ ngồi xuống, đứng lên trước quyết định tặng thưởng giải thưởng Nhà nước Nga cho tác giả Quần đảo địa ngục [Quần đảo Goulag] mà không dám đặt bút ký, chỉ vì lo sợ ông nhà văn bị trục xuất oan uổng này sẽ không thèm nhận khiến có thể Tổng thống và sau đó là nước Nga bị bẽ mặt. Một sự lưỡng lự đi kèm lòng kính trọng. Mà là lòng kính trọng của Enxin! Cuối cùng, có lẽ phải đến ngày thứ ba Enxin mới ký khi tin rằng, bằng mọi cách, ông sẽ thuyết phục được Solzhenitsyn đồng ý nhận giải thưởng, không phải “vì danh dự của bản thân Solzhenitsyn, mà vì làm thế tức là thể tất cho nước Nga đã thật sự chân thành”. Sau khi ký xong, Tổng thống Liên bang Nga cảm thấy đó là dịp xứng đáng nhất để tự thưởng cho mình một ly vốt-ca vì chính ông vừa giải thoát cho lịch sử nước Nga bản án tồi tệ nhất! Lúc ấy tôi bỗng nghĩ, ví thử đặt vào vị trí Enxin là ông Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tên ông nhà văn Nga kia thay bằng cái bảng danh sách dài dằng dặc các nhà văn được đề nghị trao giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh, có lẽ vị Chủ tịch của Việt Nam chỉ do dự mỗi một điều, nếu phải bỏ bớt một số lại để phong tặng đợt sau (giả dụ chỉ là do vấn đề ngân sách thôi) thì biết bỏ ai ra bây giờ? Không thể bỏ ai cả. Họ sẽ lăn đùng ra ăn vạ. Ngay từ khi đề cử họ đã kiện tụng, bôi nhọ nhau ầm ỹ, sao cho tên mình được lọt vào danh sách cơ mà. Chỉ riêng chuyện đó thì ông Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sướng hơn ông Tổng thống Nga rất nhiều. Tất nhiên các nhà văn Việt Nam không thể so được với các nhà văn Nga, trí thức Việt càng không nên so sánh với trí thức bất cứ nước nào. Nhưng giá như Nguyễn Khải đủ bản lĩnh để từ chối cái giải thưởng mà chính ông ví nó như một tấm bia mộ sang trọng, hẳn ông đã mang xuống mồ (hay nói văn chương là về thế giới Vĩnh cửu, thế giới chỉ toàn Ánh sáng) một gương mặt khác! Ít nhất thì linh hồn ông cũng thanh thản hơn. Nhưng có lẽ là chỉ đáng tiếc cho mong ước của tôi thôi. Chưa kể ông không đủ tự tin rằng mình không cần bất cứ danh hiệu nào ngoài danh hiệu nhà văn để làm điều đó, thì vẫn còn lý do khác: ông vẫn cần bám vào một cái gì đó để sự vờ vịt trong ông sống nốt những năm tháng cuối cùng của nó. Nếu ngay cả điều đó ông cũng vượt qua được, thì vẫn còn cản trở cuối cùng, cửa ải cuối cùng mà cho đến nay chưa một nhà văn nào thế hệ ông thoát được là nỗi sợ bị chê là dại, từ chính những người thân. Bởi vì ông trước sau vẫn là trí thức Việt. Mà trí thức Việt thì chỉ thằng nào ngu mới không nhận - như tổng kết khôn ngoan của một nhà phê bình danh giá, đồng thời là lời biện hộ cho việc ngửa tay nhận tài trợ của ông ta. Vì thế trí thức Việt mà dám phủ nhận như ông rằng: “Tôi cũng được giải thưởng văn chương cao nhất cấp quốc gia, nhưng tôi biết chỉ mươi năm nữa, thời thế đổi thay chắc chả còn ai nhớ tới mình nữa. Tôi là nhà văn của một thời, thời hết thì văn phải chết, tuyển tập, toàn tập thành giấy lộn cho con cháu bán cân”, cho dù là lời nói trước khi chết, vẫn cứ là của hiếm cho đến nay. Phần lớn số họ, từ vờ vịt có chủ ý trở thành coi nó là thứ triết lý sống thức thời. Những trường hợp cả đời nặn óc tìm những câu nịnh nọt có cánh, nịnh một cách nghệ thuật nhiều không tính xuể. Sách của họ, hết cuốn này đến cuốn khác, toàn dày cộp luôn được Nhà nước in bằng thứ giấy tốt nhất, bày ở những nơi sang trọng nhất, được hệ thống tuyên truyền quảng cáo hùng mạnh PR hết cỡ. Điều kinh khủng nhất là những kẻ tạo ra nó cố vờ vịt đinh ninh cho đến lúc chết rằng họ sẽ bất tử cùng với cái mớ giấy lộn chỉ có giá trị đầu độc hiện tại và tương lai ấy. Trước thực tại ấy thì những hối lỗi muộn mằn của Nguyễn Khải thực sự là hành động phi thường và vì thế, sau bao nhiêu yêu thương và hờn giận cay đắng, ông vẫn xứng đáng nhận được một vị trí đẹp nhất, sang trọng nhất nơi ký ức độc giả, trong đó có tôi.
Hà Nội ngày 06-6-2008
(Sau khi đọc Đi tìm cái tôi đã mất, của Nguyễn Khải, rút trong tập Nghĩ mãi không ra, chưa xuất bản).
T.D.A.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
------------------------------------------
Đi tìm cái tôi đã mất
Nguyễn Khải
Nguyễn Khải
.
.
.
No comments:
Post a Comment