Monday, October 11, 2010

VIỆT NAM : THỰC TRẠNG ĐẠI HỌC ĐẲNG CẤP QUỐC TẾ

Thứ ba, ngày 12 tháng mười năm 2010

VŨ THƠ – HÀ ÁNH
So với những mục tiêu mà đề án xây dựng 4 trường đại học đẳng cấp đặt ra, những gì đang diễn ra trong thực tế lại có biểu hiện trái ngược.

Tuyển nhân tài nhưng thu học phí cao
Theo đề án của Bộ GD-ĐT thì 4 trường đại học đẳng cấp xây dựng theo mô hình đại học công lập phi lợi nhuận, đa ngành, chất lượng cao để tạo nên 4 “máy cái” nhân rộng các trí thức mới.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có lần cho biết, với các trường này thì khâu tuyển sinh đầu vào phải khắt khe, sinh viên nhập học phải là những người xuất sắc.

Tại các cuộc tọa đàm để triển khai đề án này, các giáo sư đến từ Mỹ cũng khuyến cáo: Phải chọn lựa sinh viên giỏi, không chỉ là đối tượng tiếp thu kiến thức mà cần có mối quan hệ 2 chiều với giảng viên, để có thể làm việc trực tiếp trong các dự án, công trình…

Thế nhưng, đến nay cả 2 trường theo mô hình này đều có mức thu học phí cao (gấp khoảng 10 lần so với mặt bằng chung của các trường công lập).
Thực tế này đặt ra một câu hỏi: mặc dù là 2 trường công lập được chính phủ thành lập với đối tác nước ngoài, và số tiền đầu tư lớn nhưng lại thu học phí cao thì liệu có phù hợp với mục tiêu tuyển chọn người xuất sắc?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hùng (Hiệu phó trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) cho rằng: “Mức học phí này so với chất lượng đào tạo sẽ không cao. Nhà nước cũng hoàn toàn có thể “bao cấp” được, nhưng sẽ không tạo được động lực thúc đẩy sinh viên học tập. Khi phải đóng học phí, sinh viên mới có trách nhiệm với đồng tiền mình bỏ ra. Còn nếu sinh viên học giỏi thì nhà trường đã có học bổng toàn phần và bán phần để khuyến khích các em”.

Lưu ý rằng cả 2 trường này cũng đã triển khai các chương trình học bổng dành cho sinh viên xuất sắc. Trường Đại học Việt – Đức cho biết có 60% SV vào trường nhận học bổng ở nhiều mức khác nhau. Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội còn khuyến khích sinh viên các trường khác vào với học phí chỉ bằng trường mà sinh viên đang theo học. Mặc dù vậy 2 trường này vẫn chưa thu hút được những sinh viên xuất sắc.
Thế nên, có thể thấy, áp dụng mức  học phí cao  ngay từ đầu có lẽ sẽ không phù hợp với mô hình này trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay.
Vì Chính phủ đã đầu tư số tiền khá lớn vào đây nên cũng cần thực hiện triệt để mục tiêu đặt ra: tuyển chọn và đào tạo sinh viên giỏi.
Nếu muốn  thu học phí cao, nhà trường cần phải có thời gian khẳng định thương hiệu của mình.
Ở giai đoạn đầu, khi các trường chưa xây dựng được tên tuổi thì càng phải tìm cách thu hút người giỏi. Cách tốt nhất là tài trợ học phí, có chính sách học bổng lớn.
Về sau, khi khẳng định được vị thế của mình, người giỏi đã tự tìm đến thì có thể nâng dần mức học phí lên.

Đại họcViệt Nam, bằng cấp nước ngoài
Bộ GD-ĐT cho biết, trong giai đoạn phát triển ban đầu của trường Đại học Việt – Đức, các giáo sư Đức giữ vai trò chủ yếu trong việc điều hành và giảng dạy của trường.
Tuy nhiên, thực tế phía Đức không chỉ điều hành và giảng dạy mà việc cấp bằng cho sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng được trường đại học đối tác tại Đức cấp. Thông báo tuyển sinh của trường cũng nhấn mạnh: bằng Đại học do trường Đại học Khoa học ứng dụng danh tiếng Frankfurt của CHLB Đức cấp ngay tại Việt Nam.
Câu hỏi  đặt ra là tại sao Chính phủ Việt Nam đầu tư để thành lập trường nhưng sinh viên lại không nhận được bằng của trường đại học Việt Nam?
Trả lời câu hỏi này, GS-TS Wolf Rieck (Hiệu trưởng trường Đại học Việt – Đức) nói: “Hiện tại trường đang sử dụng chương trình đào tạo, giáo sư và các công trình nghiên cứu của Đức nên sinh viên ra trường sẽ được cấp bằng của Đức. Tuy nhiên, trong tương lai khi các giáo sư Việt Nam có thể thay thế hoàn toàn các giáo sư Đức thì bằng cấp của sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ do Việt Nam hoặc cả hai bên cùng cấp”. Ông Wolf Rieck còn nói thêm: “Hình như sinh viên Việt Nam thích cấp bằng của Đức hơn”!?

Trao đổi với PV Thanh Niên, một giáo sư đã nhiều năm nghiên cứu về giáo dục đại học cho biết: Chúng ta chấp nhận “nhập khẩu” chương trình đào tạo của các trường đại học hàng đầu thế giới, “nhập khẩu” phương pháp và công nghệ quản lý của các chuyên gia nước ngoài  nhưng không nên “nhập khẩu” cả bằng cấp như vậy.
Vì để tiến lên thành trường đại học Việt Nam đẳng cấp quốc tế nhưng bằng cấp lại do trường nước ngoài cấp thì có đạt được mục tiêu hay không?
Vị giáo sư này cũng cho biết, những trường ở nước ngoài đạt được đẳng cấp tốt nhất thế giới thì suất đầu tư trên một sinh viên không dưới 15.000 USD/năm. Với cách làm và đầu tư như hiện nay thì Việt Nam không thể đạt được mục tiêu.

Lùi mục tiêu do chưa có trường
Trong kế hoạch phát triển của trường Đại học Việt – Đức thì đến năm 2014 quy mô sẽ là 1.000 sinh viên, đến năm 2020 sẽ là 5.000 sinh viên.
Tuy nhiên, sau 3 khóa tuyển sinh, hiện chỉ có 200 sinh viên theo học.

Trả lời về lộ trình tiến tới mục tiêu này, ông Wolf Rieck cho biết: “Có thể chúng tôi phải lùi lại một vài năm nữa mới có thể đạt được mục tiêu trên, cụ thể là 5.000 sinh viên vào năm 2022. Bởi lẽ, không thể phát triển số lượng sinh viên khi chưa có thêm phòng học. Chúng tôi đang triển khai thuê thêm cơ sở vật chất trước khi khuôn viên trường được hoàn tất dự kiến vào năm 2016″.

Hiện tại, trường Đại học Việt-Đức đang thuê một phần tòa nhà điều hành trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM để làm cơ sở đào tạo.
Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đặt mục tiêu đến năm 2020 có 8.000 sinh viên.Tuy nhiên, mục tiêu trở thành đại học hàng đầu thế giới thì được trường lùi đến năm 2030!
Như vậy, cả 2 trường đầu tiên thành lập theo mô hình này đã không thể đảm bảo mục tiêu mà đề án đưa ra.
 -------------------------------

Hôm 10/10, báo Thanh Niên đã có bài Thực trạng của “Đại học đẳng cấp quốc tế”.
Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH (Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐHQG TP.HCM), chủ blog GiaoducVietNam, cũng có một entry cùng tên “Thực trạng của ‘Đại học đẳng cấp quốc tế’” , bảo: “Ôi, ước mơ đẳng cấp quốc tế của giáo dục đại học Việt Nam, chắc là còn xa vời, khó khăn lắm. Nhưng cũng cứ phải bắt đầu ở đâu đó. Và nó đang được bắt đầu đây thôi, ở 2 trường trên 2 đầu của đất nước. Hãy chờ xem!“

Tôi thì chả lạc quan thế.

Một người bạn tôi dạy ở Đại học Quốc gia Hà Nội, dù luôn vận động tôi trở lại “bảo ban bọn trẻ”, lại thở dài thông báo không dạy sinh viên quốc tế nữa.
Bởi, thực chất đó chủ yếu chỉ là các ‘em chã’ ở các tỉnh phía Nam của nước láng giềng phương Bắc KHÔNG THI VÀO ĐẠI HỌC BÊN ẤY ĐƯỢC nên sang Việt Nam học Đại học Quốc tế.

Tôi được đọc trên VietNamNet các bài:
Trời Đất, thi mấy môn mà lấy có 13 điểm đỗ (hệ Cao đẳng còn có điểm xét tuyển 10 điểm)? Vậy thì đại học gì, có mà học đại.

Vậy mà cũng vừa cuối tháng 9/2010, PTT Nguyễn Thiện Nhân vừa ký thay Thủ tướng  Quyết định số 1789/QĐ-TTg về việc thành lập Trường đại học Quốc tế Miền Đông.
Tệp đính kèm QD1789TTG.PDF
Hay nhất là Trường Đại học Quốc tế này do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Trách nhiệm hữu hạn một thành viên làm chủ đầu tư.
Vì giáo dục hay vì Tiền kể cũng đã rõ.
.
.
.

No comments: